Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/1

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GSP

CTCK Agribank (AGR)

CTCP Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (HSX: GSP) là công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển/kinh doanh khí hóa lỏng LPG và là công ty con của TCT CP Vận tải Dầu Khí (PVT). GSP hiện đang sở hữu 8 tàu, trong đó 6 tàu chuyên chở LPG với tổng trọng tải 18.000 DWT và 02 tàu dầu/hóa chất có tổng trọng tải khoảng 40.000 DWT. Mới đây, công ty đã có những cập nhật về ước tính kết quả kinh doanh 2022 khá tích cực.

Ước tính trong quý IV/2022, GSP ghi nhận doanh thu đạt khoảng 381,5 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 27,7 tỷ đồng (tăng 313%). Qua đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 ước đạt 1.800 tỷ đồng và 81 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,3% và 44,6% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận quý IV của GSP có sự tăng trưởng mạnh như vậy đến từ mức nền thấp cùng kỳ khi công ty thực hiện sửa chữa định kỳ 4/7 tàu vào thời điểm đó. Ngoài ra, GSP cũng mới tiếp nhận tàu Shamrock Jupiter vào T9/2021 dẫn đến hiệu suất hoạt động quý IV/2021 chưa cao. Trong quý IV/2022, các tàu đầu tư mới đều đã hoạt động ổn định với hiệu suất cao, cùng với cước vận tải dầu/hóa chất gần đây tăng mạnh đã giúp GSP hưởng lợi và cải thiện biên lợi nhuận đáng kể.

GSP đã đầu tư thêm 2 tàu dầu/ hóa chất với tổng trọng tải khoảng 40.000 DWT và mở rộng hoạt động sang thị trường châu Mỹ - châu Âu. Trong đó, GSP đã tiếp nhận tàu Shamrock Jupiter vào tháng 9/2021 và tàu Aquarius vào tháng 7/2022. Agriseco Research đánh giá chiến lược mở rộng sang mảng vận tải dầu/hóa chất có nhiều triển vọng trong bối cảnh giá cước vận tải dầu/hóa chất tăng mạnh trước những căng thẳng địa chính trị.

Chỉ số Baltic Clean Tanker (chỉ số đại diện cho cước vận tải dầu thành phẩm và hóa chất) đã tăng hơn 50% từ cuối tháng 10 và tăng gấp 3 lần trong một năm qua. Từ ngày 5/12, sự kiện áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga và ngăn các công ty bảo hiểm phương Tây cung cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu nước này cũng khiến cho cước vận tải dầu/hóa chất tăng mạnh.

Quý III/2022, chi phí tài chính của GSP tăng vọt lên 22,7 tỷ đồng (tăng 17 tỷ so với cùng kỳ), đến từ chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Hiện nay, GSP đang có khoảng 140 tỷ đồng dư nợ vay bằng đồng USD (5,9 triệu USD). Với việc tỷ giá hạ nhiệt thời gian qua, GSP sẽ bớt áp lực về chi phí tài chính và có thể hoàn nhập phần lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện.

GSP là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong mảng vận tải khí LPG tại thị trường nội địa và tiếp tục mở rộng sang mảng vận tải dầu/hóa chất nhiều tiềm năng. Triển vọng 2023 tích cực đến từ các tàu chở dầu mới khai thác và giá cước vận tải dầu/ hoá chất tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Với kết quả kinh doanh ước tính cho năm 2022, GSP đang được giao dịch với P/E ~ 6x và P/B ~ 0,7x, đều là vùng định giá thấp nhất của GSP trong vòng 10 năm qua. Chúng tôi đánh giá tích cực và khuyến nghị mua cổ phiếu GSP với giá mục tiêu là 11.500 đồng/CP (upside 25,1%), cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới vùng 8.500 đồng/CP.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DAG

CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Giá nguyên vật liệu hạ nhiệt giúp tăng biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG). Nguyên vật liệu trong sản xuất sản phẩm nhựa chiếm tỷ trọng lên tới 88% trong cấu thành giá vốn, trong đó thành phần chính là nguyên liệu nhựa PVC (chiếm trên 70%). Do vậy biến động giá nguyên liệu nhựa PVC sẽ ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của DAG.

Trong 8 tháng trở lại đây, diễn biến giá nhựa nguyên sinh PVC đã hạ nhiệt về mức rất thấp theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam VPAS. Thế nhưng, do vẫn duy trì lượng hàng tồn kho cao tới 62.7% giá trị dưới dạng hàng hoá và thành phẩm.

Chúng tôi cho rằng, lượng nguyên liệu được mua ở giá thấp sẽ được sử dụng ở thời điểm cuối năm 2023 đầu năm 2024 từ đó mang lại biên lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp.

Trong dài hạn, nhu cầu về Nhựa xây dựng tại Việt Nam vẫn còn tăng trưởng lớn. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp, đồng thời kỳ vọng những vấn đề về pháp lý của các dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ trong những năm tới sẽ là bệ phóng thúc đẩy mạnh nguồn cung bất động sản trong giai đoạn 2023-2025. Từ đó, nhu cầu về nhựa xây dựng cũng sẽ tăng cao trở lại.

Chiến lược phát triển sản phẩm mới trong những năm vừa qua đang cho thấy hiệu quả khả quan. Mặc dù thị phần sản phẩm thanh Profile bị chiếm lĩnh bởi các đối thủ cạnh tranh, thế nhưng, doanh nghiệp đang cho thấy những thành công nhất định khi đẩy mạnh kinh doanh và phát triển sản phẩm mới như tấm Mica, tấm trần thả PVC, tấm nội thất, tấm ốp tường Nano PVC...

Rủi ro đầu tư: Rủi ro biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận DN.

Rủi ro về cạnh tranh: ngành Nhựa là một trong những ngành có sự cạnh tranh rất lớn do rào cản tham gia thị trường thấp. Đồng thời doanh nghiệp trong nước còn khá non trẻ so với các doanh nghiệp trên thế giới. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong ngành tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tới từ những doanh nghiệp Trung Quốc.

Rủi ro dòng vốn của Nhựa Đông Á khi các khoản phải thu duy trì giá trị lớn. Trong hoàn cảnh nợ vay chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, việc bị chiếm dụng trong khoản mục phải thu tăng sẽ gây rủi ro tới sức khoẻ tài chính của DAG.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập đối với DAG. Theo đó, sử dụng 2 phương pháp so sánh P/E và P/B với tỷ lệ lần lượt là 80% và 20%, chúng tôi đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu DAG ở mức 7.087 đồng/cp tại thời điểm cuối năm 2024.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục