Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/7 của các công ty chứng khoán.

CTS: Có thể xem xét mua vào ngắn hạn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Nhóm ngành chứng khoán đang có sự hoạt động nổi trội. Cổ phiếu CTCP Chứng khoán Công thương (CTS) phiên 2/7 chính thức đóng cửa lần đầu tiên phía trên kháng cự 8.8. Trước đó, đường giá cũng thành công vượt qua MA trung hạn.

Với những thay đổi này, xu hướng của CTS chuyển sang trạng thái tăng.

Khối lượng giao dịch trong 2 phiên gần đây tăng mạnh và nằm bên trên mức trung bình 50 ngày cho thấy dòng tiền đang hoạt động mạnh hơn với CTS.

MACD cắt thành công lên phía trên đường 0, góp phần xác nhận xu hướng tăng dành cho CTS.

Nhà đầu tư có thể xem xét mua vào ngắn hạn CTS quanh mức giá hiện tại 8.9. Mục tiêu giá 10.2 (+14,6%) và mức dừng lỗ 8.3 (-6,7%).

VIG: Nhà đầu tư rủi ro có thể xem xét mua vào

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Nhóm ngành chứng khoán đang có sự hoạt động nổi trội. VIG được chúng tôi “chú ý” do đường giá sau giai đoạn tích lũy trong biên độ 4.3 –4.9 đã bắt đầu tăng giá mạnh và đóng cửa phía trên 4.9 trong phiên 2/7.

Kết quả này đồng nghĩa với việc VIG hoàn tất quá trình tích lũy và lựa chọn xu hướng tăng cho giai đoạn di chuyển tiếp theo.

Khối lượng giao dịch ghi nhận mức cao đáng kểtrong hai phiên liền kềgần đây, cao hơn mức trung bình 50 ngày và đây là một điểm cộng giúp gia tăng độtin cậy của điểm bứt phá kháng cự.

MACD tăng lên trên đường 0 để xác nhận ủng hộ VIG đi theo xu hướng tăng.

VIG bị đưa vào diện cảnh báo do có lợi nhuận sau thuế 2013 ở mức âm. Thị giá của VIG khá thấp và mức dừng lỗ cách tương đối xa cũng là những rủi ro cần kể đến. 

Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thể xem xét mua vào ngắn hạn VIG ở quanh mức giá hiện tại 5.1, giá mục tiêu giá 6.0 (+17,6%) và dừng lỗ 4.5(-11,7%).

DHG: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Có thể thấy mức tăng trưởng doanh thu này tương đối thấp so với mức tăng doanh thu hàng năm của CTCP Dược phẩm Hậu Giang (DHG – sàn HOSE) từ 17%-20%. Có 3 nguyên nhân được doanh nghiệp giải thích là:

Kinh doanh hàng hóa giảm 32,6% còn 49,3 tỷ đồng do từ năm 2014-2017, DHG Pharma chỉ thực hiện gia công, không tiếp tục phân phối các sản phẩm Eugica. Doanh thu phân phối hàng Eugica năm 2013 là 191 tỷ đồng, với biên gộp hàng phân phối khoảng 4% thì lợi nhuận gộp từ hoạt động phân phối Eugica khoảng 7,6 tỷ đồng, do đó có thể nhận thấy mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sụt giảm từ hoạt động phân phối Eugica là hoàn toàn không đáng kể. Nếu loại trừ hàng Eugica, doanh thu thuần từ kinh doanh hàng hóa 5tháng đầu năm 2014 tăng trưởng đến 93,3%, chủ yếu

tăng từ nhóm hàng phân phối độc quyền của MSD. Các mặt hàng MSD đều là thuốc gốc (patent), DHG phân phối các mặt hàng này trên cả 2 kênh OTC và ETC. Biên gộp của hoạt động phân phối này không cao. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy qua hoạt động phân phối độc quyền này thì DHG có thể tận dụng được hệ thống phân phối rộng khắp có sẵn của mình nhằm tăng thêm doanh thu và lợi nhuận, đồng thời đây có thể là tiền đề cho các bước hợp tác sau này với MSD. Sắp tới DHG có thể tiếp tục phân phối thêm một số mặt hàng, triển vọng từ hoạt động này theo chúng tôi là khá tốt.

Doanh thu hàng khuyến mãi giảm từ 49,2 tỷ đồng còn 8,1 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 83,4% do theo quy định mới, hàng khuyến mãi không ghi nhận doanh thu mà ghi nhận vào chi phí bán hàng. Về bản chất thì đây chỉ là thay đổi trong cách ghi nhận kế toán.

Tác động của thông tư 36 (thông tư 01 sửa đổi) tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu thầu vào bệnh viện, làm giảm 28% doanh thu hệ điều trị so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2013. Để đạt tốc độ tăng trưởng chung của hàng tự sản xuất là 14,4%, doanh thu từ hệ thương mại đã tăng trưởng 22% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên nếu quan sát kỹ hơn thì hàng sản xuất của DHG vẫn tăng tích cực với tỷ lệ tăng so với cùng kỳ đạt 14,4%. Doanh thu chủ yếu tăng nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11,9%, giá bán tăng nhẹ 2,25% so với cùng kỳ. Trong 5 tháng đầu năm, DHG tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ kênh OTC đặc biệt là từ các sản phẩm chiếm tỷ trọng doanh thu chưa cao (doanh thu từ 60-70 tỷ/năm) do trước đây DHG không ưu tiên sản xuất vì bị hạn chế về công suất nhà máy. Với nhà máy mới đi vào hoạt động thì DHG có thể tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các dòng sản phẩm này.

Dựa trên kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm với doanh thu 1.358,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 269 tỷ đồng tăng 7,06% so với cùng kỳ, cùng với tình hình kinh doanh trong tháng 6 đang tiến triển khá tốt, BVSC ước tính DHG có thể đạt 896 tỷ doanh thu trong quý II/2014, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần dự báo đạt 140 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Dự báo năm 2014 DHG có thể đạt được 3,878 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp dự báo tăng mạnh từ 46,5% (2013) lên 49,1% (2014). Mặc dù biên lợi nhuận từ kênh OTC giảm, đồng thời DHG phải chịu thêm khấu hao tăng thêm từ nhà máy mới khoảng 70 tỷ, tuy nhiên dự báo biên lợi nhuận gộp của DHG trong năm 2014 sẽ tăng mạnh lên 49,1% (2013 là 46,5%) nguyên nhân chính là do: i.) biên gộp từ kinh doanh hàng hóa tăng từ 3,7% lên 10% do không còn phân phối hàng Eugica (biên gộp phân phối mặt hàng này năm 2013 chỉ khoảng 4%). ii. ) doanh thu hàng khuyến mãi không còn được ghi nhận mà sẽ hạch toán vào chi phí bán hàng.

Với doanh thu hàng khuyến mãi được khi nhận vào chi phí bán hàng thì tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần dự báo tăng 21,8% (2013) lên 23,8% (2014). Đồng thời với việc đi vào vận hành nhà máy mới với doanh thu chưa cao thì dự báo tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu cũng sẽ tăng nhẹ từ 7,7% (2013) lên 7,8% (2014).

Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh. Trong năm 2014, DHG dự định giải ngân tổng cộng khoảng 615 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư nhà máy mới Betalactam và các hoạt động đầu tư khác. Khi đó lượng tiền mặt của DHG dự kiến sẽ giảm đáng kể kéo theo doanh thu hoạt động tài chính dự kiến giảm 34% còn 29,8 tỷ.

Năm 2013, DHG có khoảng thu nhập bất thường đáng kể 127,5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng nhãn hiệu Eugica, trong năm 2014 công ty sẽ không còn khoản thu nhập bất thường này.

Vấn đề ưu đãi thuế từ nhà máy mới dự kiến từ năm 2015. Hai nhà máy mới tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi trong thời gian 15 năm. Cụ thể, 4 năm đầu có thuế suất 0%, 9 năm tiếp theo có thuế suất là 5%, 2 năm còn lại có thuế suất là 10%. Nhà máy NonBetalactam đã đi vào sản xuất từ 20/4/2014, và nhiều khả năng DHG sẽ dịch chuyển phần lớn sản xuất từ NM cũ sang nhà máy mới để được hưởng phần miễn thuế bắt đầu từ năm 2015.

Với những giả định như trên, dự báo năm 2014 DHG có thể đạt được 546,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nếu loại trừ thu nhập bất thường từ chuyển nhượng nhãn hiệu Eugica thì lợi nhuận sau thuế 2014 tăng 12,2% so với cùng kỳ. Dự phóng EPS 2014 đạt 8,385 đồng/cổ phiếu.

DHG vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu tuyệt đối so với các doanh nghiệp dược khác của Việt Nam. Tuy nhiên, với khó khăn chung của các doanh nghiệp dược trong nước do đấu thầu vào kênh ETC không còn thuận lợi, cùng với cạnh tranh khốc liệt ở thị trường OTC thì DHG cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong năm 2014. Sau khi đưa 2 nhà máy mới đi vào hoạt động (Nhà máy NonBetalactam vào tháng 4/2014 và nhà máy Betalactam dự kiến vào cuối năm 2014) thì năng lực sản xuất của DHG sẽ tăng gấp đôi lên 9,6 tỷ đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, việc công suất tăng thêm cũng chỉ là điều kiện cần để DHG có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới tương đương với giai đoạn 5 năm vừa qua. Với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm 2014 và chưa có triển vọng thực sự đột biến nào trong thời gian tới, chúng tôi tạm thời đánh giá Neutral đối với cổ phiếu DHG trong năm 2014 với giá mục tiêu theo phương pháp định giá DCF là 105000 đồng/cp, cao hơn 6,6% so với mức giá đóng của ngày 27/6/2014. Tương ứng với P/E dự phóng 2014 là 12,5 lần.

VCB: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB – sàn  HOSE) trong quý II/2014 đạt 3.810 tỷ đồng và 912 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,3% và 5,2% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ tiêu sinh lời dự báo được cải thiện, trong khi chất lượng tài sản tiếp tục được kiểm soát tốt.

Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ do NIM được cải thiện. Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng của VCB đạt 3-3,5% tính đến thời điểm cuối quý II/2014. Trong khi đó, huy động vốn tính đến hết quý II/2014 dự báo tăng khoảng 7,5% so với thời điểm 31/12/2013. NIM trong quý II/2014 dự báo ở mức tương đương với quý I/2014, cao hơn so với mức NIM cùng kỳ 2013. Trên cơ sở đó, thu nhập lãi thuần của VCB trong kỳ dự báo đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Các khoản thu ngoài lãi chỉ tăng nhẹ (+1,7% so với cùng kỳ). Các khoản thu về dịch vụ thanh toán thẻ và thanh toán xuất nhập khẩu thường tập trung vào quý I và quý IV. Tương tự, hoạt động kinh doanh ngoại tệ trong qúy II sẽ bớt sôi động hơn so với quý I. Thu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối dự báo đạt 787 tỷ đồng trong quý 2/2014. Khoản thu từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh cũng có thể sụt giảm so với quý I/2014 đạt 100 tỷ đồng do lợi suất trái phiếu trong quý I đã xuống khá thấp và ít có khả năng biến động nhiều trong quý 2. Ngoài ra, với nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu, chúng tôi cho rằng VCB có thể thu được khoảng 131 tỷ đồng từ xử lý nợ xấu.

Dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong năm 2014, VCB đặt kế hoạch trích lập 5.000 tỷ đồng dự phòng. BVSC cho rằng, trong những tháng đầu năm, VCB sẽ trích lập tương đối sát với kế hoạch và thực hiện điều chỉnh dần trong quý III sau khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN chính thức áp dụng. Chúng tôi dự báo VCB dự kiến sẽ trích lập khoảng 1.250 tỷ đồng dự phòng nợ xấu trong quý II/2014.

Dự báo cả năm 2014, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của VCB lần lượt đạt 17.317 và 4.439 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 11,7% và 1,9% so với năm 2013.

Chúng tôi đánh giá cao VCB với hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, lợi thế về vốn, thế mạnh về hoạt động dịch vụ và kinh doanh thẻ. Bên cạnh đó, VCB có quan điểm thận trọng trong việc phân loại nợ xấu và khá quyết liệt trong công tác xử lý nợ xấu trong ba năm vừa qua. Theo đánh giá của BVSC, rủi ro nợ xấu của VCB trong năm 2014 là không cao. Ngoài ra, VCB cũng đang nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh lời của mình. NIM của ngân hàng mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp, nhưng đã có những cải thiện rõ rệt trong quý I/2014 nhờ quản lý tốt chi phí vốn. Kết quả kinh doanh của VCB năm 2014 được dự báo chỉ tăng 1,9% so với 2013, với lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.439 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện tại VCB đang được giao dịch với mức P/E và P/B là 14,5 và 1,48, tương đối cao so với bình quân ngành. Do vậy, chúng tôi đánh giá NEUTRAL với cổ phiếu VCB và giá mục tiêu là 26.800 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục