Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/7

PET: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí – PET vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2014 chưa kiểm toán. Theo đó, kết quả kinh doanh ghi nhận sự tăng trưởng dương trở lại sau khi để giảm 8% trong quý I.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 5.672 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng lần lượt tăng 4% và 2,7% so với cùng kỳ 2013, tương ứng hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 97 tỷ đồng và EPS trong kỳ là 1.387 đồng/cổ phiếu

Biến động tài sản đáng chú ý trong kỳ là lượng tồn kho vẫn ở mức cao khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh không hề được cải thiện khi tiếp tục bị âm 403 tỷ đồng và tỷ số thanh toán nhanh vẫn ở mức thấp.

Công ty đặt kế hoạch khá thấp chỉ với 9.500 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Với kết quả kinh doanh quý II như đã công bố, EPS trailing của PET đạt 2.329 đồng/cổ phiếu, tương ứng PE là 7,7x, khá thấp nếu so với các công ty niêm yết cùng ngành như CTCP Thế giới di động (PE xấp xỉ khoảng 26,5x) và FPT (khoảng 11x).

Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của PET chưa rõ ràng và hiệu quả hoạt động của công ty đang giảm sút đặc biệt công ty chưa công bố rõ về kế hoạch bù đắp phần doanh thu sụt giảm do không còn phân phối Samsung kể từ quý IV/2013. Do đó, chúng tôi cho rằng đây là mức định giá hợp lý đối với PET nên chúng tôi chỉ khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu này.

BIC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Nhờ lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quý II/2014 tăng mạnh so với cùng kỳ 2013 do doanh thu phí bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển tăng trưởng tốt, đặc biệt là tại thị trường Lào, kết quả kinh doanh quý II/2014 của BIC tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 23,65 tỷ đồng (+25,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 48,25 tỷ đồng (+14,55% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 51,7% kế hoạch 2014).

BIC có khả năng cao là sẽ hoàn thành kế hoạch đã đặt ra trong năm 2014. Theo đó, EPS forward cho 2014 là 1.330 đ/cp, P/E forward tương ứng đạt mức 8,05 lần, thấp hơn so với trung bình ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Hơn nữa, tỉ lệ trả cổ tức của BIC trong suốt giai đoạn 2011-2013 và theo kế hoạch năm 2014 luôn đều đặn ở mức 10%, sẽ là hấp dẫn nếu so với giá hiện tại (giá đóng cửa ngày 29/7/2014 là 10.700 đồng/cp). Do đó, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu BIC cho mục đích đầu tư dài hạn.

LAS: PE dự phóng khoảng 6,4x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) là một trong những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam- Vinachem (hiện sở hữu 69,8% cổ phần của LAS). Công ty cổ phần hóa vào 2010 với vốn điều lệ là 540 tỷ, đến nay tăng lên 788 tỷ.

Sản phẩm chính của LAS là phân NPK và supe lân. Trong 2013, hai sản phẩm này lần lượt đóng góp 72% và 25% vào tổng doanh thu; 49% và 30% vào tổng lợi nhuận gộp. Thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh miền Bắc với thị phần nắm giữ từ 65% - 70%.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2014 giảm 51% do sự gia tăng chi phí. Mặc dù sản lượng phân bón tiêu thụ trong quý II/2014 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu thuần chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 1.353 tỷ. Điều này cho thấy giá bán phân bón trung bình (ASP) bị sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình trạng bất cân đối cung cầu trên thị trường, phân bón và các sản phẩm thay thế khác đang có mức giá rẻ hơn thì phân NPK và supe Lân cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung. Thêm vào đó, nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất phân Lân là lưu huỳnh (gần như nhập khẩu 100% và chiếm 40% giá thành) đang tăng trở lại sau chu kỳ giảm từ 2011 - 2013.

Giá lưu huỳnh đã tăng từ mức thấp trong tháng 6/2013 (khoảng 100 usd/tấn) lên 190 usd/tấn trong tháng 6/14 làm biên lợi nhuận gộp giảm 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận gộp giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 4 điểm phần trăm n/n trong quý II/2014. Mức tăng này chủ yếu do mức tăng giá cước vận tải và một phần chi phí tiếp thị để mở rộng thị phần. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng ghi nhận là hoạt động tài chính lời 246 triệu, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 11 tỷ cùng kỳ, do chi phí lãi vay giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giảm dư nợ vay.

Lợi nhuận sau thuế giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 59 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 3.179 tỷ, +1,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận ròng đạt 210 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt hoàn thành 62% và 51% kế hoạch năm.

LAS đặt kế hoạch doanh thu 2014 là 5.157 tỷ, +8% so với năm ngoái. Nhưng do giá lưu huỳnh đang trong xu hướng tăng trở lại trong khi ASP chưa cải thiện, LAS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 525 tỷ, -12% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng xin nhắc lại, nhờ hưởng lợi từ lưu huỳnh giá rẻ nên biên lợi nhuận gộp 2013 tăng lên mức 23%, cao hơn so với mức trung bình 20% trong 4 năm trước. Ngoài ra, các quy định mới liên quan đến việc kiểm soát tải trọng xe là một yếu tố không lường trước được, LAS cho biết có khả năng sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch trong quý IV/2014.

Tính đến ngày 31/6/2014, LAS có số dư tiền thuần là 509 tỷ, dự kiến đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu về vốn đầu tư tài sản cố định trong 2014, khoảng 76,5 tỷ. Công ty cũng lên kế hoạch sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt 2.000 đồng trên mỗi cổ phiếu trong 2014, thấp hơn mức 4.000 đồng của 2013. Với mức cổ tức này tương ứng 5,9% lãi cổ tức, đây không phải mức lợi suất quá hấp dẫn.

Hiện LAS chưa xây dựng hệ thống phân phối riêng như DPM, tức xây dựng được các tổng kho, kho phân phối đến các chi nhánh, mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên các địa bàn. Hiện hệ thống phân phối của LAS tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, tại các tỉnh thành khác, LAS hợp tác liên kết 100 đại lý và nhiều kênh bán hàng khác giúp đưa sản phẩm đến gần người nông dân. Do đó, các quy định về công suất và trọng lượng của xe tải trọng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của LAS trong 2015 do quy định có hiệu lực cả năm thay vì từ quý II/2014.

Nhìn chung, LAS đang đối mặt với nhiều khó khăn như: thị trường phân bón đang gặp khó khăn khi cung vượt cầu trên toàn thế giới, giá lưu huỳnh (chiếm 40% giá thành) và cước phí vận chuyển đang tăng. Doanh thu và lợi nhuận của Q1&2 luôn cao nhất do yếu tố mùa vụ chi phối và giảm dần trong các quý sau. Với kết quả 6 tháng đầu năm như trên, chúng tôi đánh giá lợi nhuận cả năm 2014 của LAS khả năng giảm so với 2013 là khá cao. Dựa theo kế hoạch trình ra ở ĐHCĐ thì EPS 2014 đạt 5.261 đồng tương đương PE dự phóng là 6,4x, cao hơn mức trung bình lịch sử 4 năm là 5,5x.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục