Khuyến nghị mua cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 50.242 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Hưởng lợi từ làn sóng phục hồi kinh tế toàn cầu: giúp cho sản lượng tiêu thụ thép toàn thị trường quay lại tăng trưởng dương (2020 là 4,9%, 2019 là âm 2,1%, tính riêng tôn mạ và ống thép).
Trong năm 2020, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) ghi nhận sản lượng bán tăng 8,77% so với năm 2019 (2019 giảm 20,38%), bên cạnh đó quý I - II năm tài chính HSG đã ghi nhận sản lượng tiêu thụ thép gia tăng vượt trội so với cùng kỳ (quý I tăng 38,47%; quý II tăng trưởng 72,91%) bất chấp giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tiêu cực.
Tổng sản lượng ghi nhận cho nữa đầu năm tài chính là gân 1,1 triệu tấn đạt hơn 60% kế hoạch đề ra trong năm. Chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ cho cả năm 2021 là khoảng 2,5triệu tấn (tăng 55,29% so với cùng kỳ).
Kiểm soát giá bán tốt trong tình trạng giá nguyên vật liệu gia tăng: doanh thu trong quý 1 và quý 2 có mức tang trưởng vượt trội so với cùng kỳ (quý I tăng 38,2%; quý II tăng 87,7%) mặc dù doanh thu trong năm 2019 và 2020 có mức tăng trưởng âm (2019 giảm 18,6%; 2020 giảm 1,8%) chứng tỏ doanh nghiệp đã kiểm soát tốt về việc tăng giá bán bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong tình cảnh hiện tại.
Biên lợi nhuận cải thiện: Trong năm 2020, biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 16,8% sau 2 năm liên tiếp giảm (2019 là 11,4%, 2018 là 11,5%). Ghi nhận trong 5 năm gần đây, vào thời điểm thuận lợi, bên lợi nhuận gộp của HSG đạt 16.9% năm 2017. Song song đó là biên lợi sau thuế ghi nhận con số tăng trưởng mạnh mẽ trong nữa năm đầu với hơn 1,600 tỷ đồng đạt 107% kế hoạch đề ra trong năm 2021.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ kinh tế vĩ mô thuận lợi: tăng trưởng GDP cao, lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng trong những năm tới và tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp.
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 50.242 đồng/CP (tăng 32%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 14,65% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/B kì vọng là 2.1.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị theo dõi cho cổ phiếu POW với giá mục tiêu 13.800 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Doanh thu thuần của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW) trong quý I/2021 lần lượt đạt mức 7.661 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái) do sản lượng điện của mảng điện khí giảm mạnh (giảm 26%), khiến cho tổng sản lượng được huy động trong kỳ chỉ đạt 4,6 tỷ kWh (giảm 12%).
Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 566 tỷ đồng (tăng 12%)do việc không ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lớn và chi phí lãi vay trong kỳ giảm còn 109 tỷ đồng (giảm 47%).
POW hoàn tất thoái vốn 51,58% cổ phần PVM trong tháng 3/2021với giá bán trung bình 27.260 đồng/CP. Lợi nhuận thu về đạt khoảng 354 tỷ đồng.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của POW trong năm 2021 lần lượt đạt 29.018 tỷ đồng (giảm 2,4% so với năm ngoái) và 3.085 tỷ đồng (tăng trưởng 15,9%) với giả định (1) Giá bán điện hợp đồng mới của NT2 với EVN giảm 35 đồng/kWh; (2) Hoàn nhập khoản dự phòng nợ xấu 370 tỷ đồng của EPTC trong năm 2020 và (3) Sản lượng mảng thủy điện tăng trưởng 16% nhờ chu kỳ thủy văn thuận lợi; (4) POW hoàn tất thoái vốn PVM trong quý I/2021, đem lại khoản doanh thu tài chính 354 tỷ đồng (tương ứng với 13% lợi nhuận sau thuế năm 2020).
BSC khuyến nghị theo dõi cho cổ phiếu POW với giá mục tiêu 13.800 đồng/CP cho năm 2021, tương đương với upside 15% so với giá ngày 18/05/2021 dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP), trong đó EV/EBITDA trung bình của các mảng điện khí, điện than và thủy điện lần lượt là 5.8x, 5.1x và 9.0x.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu IDC nằm tại mức 41.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty cổ phần đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn giảm trong tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của IDC nằm tại khu vực 36.5-37. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 41.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 35.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan dành cho GEX với giá mục tiêu 30.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) đã công bố tài liệu ĐHCĐ bao gồm kế hoạch năm 2021 với doanh thu 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 1,285 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 8%). Dự báo lợi nhuận trước thuế được ước tính dựa trên dự phóng GEX hợp nhất với VGC từ quý 2/2021.
Chúng tôi hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của GEX là 1,1 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả lãi đánh giá lại ước tính bất thường và khoản khấu hao lợi thế thương mại từ việc hợp nhất với VGC, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế có thể đạt 2,1 nghìn tỷ đồng.
GEX đã đề xuất mức cổ tức năm 2020 là bằng cổ phiếu là 9% (dựa trên số cổ phiếu sau khi tăng vốn) cũng như cổ tức năm 2021 là 10% (tuy nhiên, công ty không cho biết đây là tiền mặt hay cổ phiếu).
Năm 2021, GEX dự kiến sẽ thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn cổ phần, phát hành 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn cổ phần từ 4,9 nghìn tỷ đồng lên 7,8 nghìn tỷ đồng. Giá chào bán là 12.000 đồng/CP (thấp hơn khoảng 18% so với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là 14.710 đồng tính đến ngày 31/03/2021).
Phương thức phát hành sẽ thông qua phát hành quyền mua với tỷ lệ 10: 6 (cứ 10 cổ phiếu hiện hữu thì có 6 cổ phiếu mới). Dựa trên giả định của GEX rằng giá cổ phiếu là 22.000 đồng/CP vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu điều chỉnh (giao dịch không hưởng quyền lý thuyết) sẽ là 18.250 đồng/CP.
Kế hoạch M&A: GEX có kế hoạch mua thêm cổ phần tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (UPCoM: PXL – giá trị vốn hóa: 800 tỷ đồng) - một công ty cho thuê khu công nghiệp - để nắm quyền chi phối từ tỷ lệ sở hữu hiện tại là 25%. Ngoài ra, GEX muốn tiến hành IPO cho các công ty con của PXL dựa trên giả định rằng GEX vẫn sở hữu cổ phần chi phối.
Chúng tôi hiện đang đưa ra đánh giá khả quan dành cho GEX với giá mục tiêu 30.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự kiến là 11,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.
Khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 25.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và giảm giá mục tiêu thêm 1,2% còn 25.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 32,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,9%.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh (1) giả định thời gian bắt đầu thu phí kéo dài của chúng tôi đối với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận của CII thêm 5 tháng đến ngày 01/12/2021 và (2) điều chỉnh trong giả định của chúng tôi đối với khung thời gian thực hiện kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại các dự án bất động sản lớn của CII tại Quận 2, TP.HCM, từ 2021-2023 trước đây sang 2022-2024.
Mức giảm trong giá mục tiêu một phần được bù đắp bởi giả định của chúng tôi cho rằng CII sẽ tăng tốc bàn giao các dự án bất động sản, cập nhật mô hình giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và tỷ lệ WACC thấp hơn 0,1 điểm phần trăm.
Tương ứng với các dự báo điều chỉnh của chúng tôi đối với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và giao dịch chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022 thêm 9%/54%, trong khi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích lợi nhuận sau thuế năm 2023/2024 thêm 13%/17%.
Chúng tôi dự báo doanh thu đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 378 tỷ đồng (tăng 49%) trong năm 2021. Lợi nhuận tích cực dự kiến chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của CII, bao gồm cả mảng thu phí và mảng bất động sản.
Đối với năm 2022, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 532 tỷ đồng (tăng 41%), chủ yếu nhờ đóng góp cả năm từ dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và khoản lãi tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phần tại dự án Riverfront.
Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền mạnh mẽ từ các dự án BOT lớn của CII, sẽ cải thiện tình hình tài chính của công ty. Trong khi đó, các dự án bất động sản nhà ở của CII tại TP.HCM sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong trung hạn do các trở ngại pháp lý dự kiến sẽ giảm.
Rủi ro: Trì hoãn dự án; tiếp tục trì hoãn việc chi trả cổ tức nhằm hỗ trợ quỹ đầu tư.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu 17% chủ yếu dành cho Tập đoàn Masan (MSN) do (1) tăng dự phóng biên lợi nhuận cho VCM nhờ hợp tác chiến lược mới với Phúc Long, (2) VCSC tăng định giá cho Techcombank (TCB), và (3) giả định tỷ lệ chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi giảm 0,5 điểm % còn 12,5%.
Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan về khả năng MSN hưởng lợi từ tăng trưởng dài hạn của tiêu dùng trong nước tại Việt Nam nhờ các nền tảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng, có vị thế dẫn đầu của công ty (bao gồm FMCG, thịt có thương hiệu và bán lẻ hàng nhu yếu phẩm).
Hợp tác chiến lược mới của VCM với nền tảng thương mại điện tử Lazada (sau khoản đầu tư của Alibaba vào The CrownX) và Phúc Long - một trong những chuỗi trà và cà phê hàng đầu Việt Nam - sẽ thúc đẩy doanh số online cũng như biên LN tại cửa hàng của VCM, theo quan điểm của chúng tôi.
Chúng tôi nâng tổng dự phóng lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 46% do (1) nâng tổng dự phóng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) giai đoạn 2021-2023 7% do biên lợi nhuận mảng thịt tích hợp cũng như giá vonfram đang có diễn biến tốt hơn kỳ vọng trước đây của chúng tôi, (2) chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận cho TCB, và (3) giảm dự phóng chi phí tài chính ròng nhờ số tiền Masan thu được từ giao dịch bán cổ phần thứ cấp của VCM gần đây cũng như từ khoản đầu tư vào The CrownX từ nhóm đầu tư dẫn dắt bởi Alibaba kể trên.
Rủi ro chính cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Nỗ lực tái cấu trúc VCM không mang lại nhiều hiệu quả; MCH triển khai các sản phẩm mới cũng như marketing không hiệu quả khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.