DMC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Domesco vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2014 với lợi nhuận ròng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 30,9 tỷ đồng, gần sát với số dự báo trước đây của chúng tôi (32 tỷ đồng).
Với mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động, DMC đã tiến hành tái cơ cấu lại danh mục hàng hoá, theo hướng tập trung vào hàng sản xuất và các mặt hàng có biên lợi nhuận gộp cao. Theo đó, trong quý III/2014, doanh thu hàng thương mại giảm 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu hàng sản xuất chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái khiến tổng doanh thu thuần của DMC giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 329,5 tỷ đồng.
Tỷ trọng doanh thu từ hàng sản xuất quý III/2014 đã tăng lên mức 80%, so với mức 70% của cùng kỳ năm trước. Lưu ý, tăng trưởng doanh thu hàng sản xuất trong quý III/2014 đã chậm lại, so với mức 22,6% của 6 tháng đầu năm 2014. DMC bắt đầu tăng giá bán từ tháng 7/2014. Do có thông báo trước đến khách hàng nên phần nào đã tạo động lực cho việc mua trữ hàng hoá trước thời điểm tăng giá của công ty.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của DMC đã cải thiện đáng kể trong quý III/2014 vừa qua. Cụ thể, biên lợi nhận gộp tăng từ 27% trong quý III/2013 lên 30,5% trong quý III/2014. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 vẫn tăng đến 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng quý III/2014 đạt 9,4%, so với mức 7,1% của cùng kỳ năm trước.
Với kết quả 1.102 tỷ đồng doanh thu (+9,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và 95,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+27,3% so với cùng kỳ năm ngoái) ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2014, DMC đã hoàn thành 70,3% và 72,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.
Chúng tôi dự báo doanh thu và lãi ròng 2014 của DMC sẽ tăng 10% và 25,8% n/n, đạt lần lượt 1.572 và 135,3 tỷ đồng. Theo đó, DMC đang giao dịch ở mức PE2014 chỉ 8,4 lần, hấp dẫn so với bình quân ngành (khoảng 12 lần). Duy trì khuyến nghị Mua dài hạn với giá mục tiêu 50.000 đồng/cp.
PVD: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cho thuê giàn khoan 9 tháng đầu năm 2014 đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp 9 tháng đầu năm 2014 ước tính có thể giảm nhẹ do số giàn khoan thuê ngoài (có biên lợi nhuận thấp) trung bình là 6 giàn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Ước tính trong 9 tháng đầu năm 2014, PVD ghi nhận hơn 225 tỷ đồng lợi nhuận từ liên doanh liên kết (chủ yếu là từ PVD Baker Hughes), tăng hơn5 lần so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 tăng trên 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1.920 tỷ đồng.Với ước tính trên, PVD đã vượt hơn 10% kế hoạch doanh thu và 16,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2014.
Các giàn khoan do PVD sở hữu đang có hợp đồng thuê ổn định hết 2015. PVD vừa ký hợp đồng gia hạn cho thuê giàn khoan PVD I, II với các nhà thầu Cửu Long JOC và Lam Sơn JOC lần lượt đến tháng 8/2016 và hết 2015. Giàn PVD III có hợp đồng thuê dài hạn và thường được tái ký hàng năm. Giàn khoan đất liền (PVD 11) và giàn TAD (PVD V)lần lượt có hợp đồng thuê hết 2015 và 2016.
Giàn khoan tự nâng - PVD VI đang được đóng đúng tiến độ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3/2015 và sẽ là chất xúc tác chính cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong 2015. Với thị trường khoan dầu khí đang sôi động, PVD nhiều khả năng sẽ có hợp đồng khoan ngay khi giàn khoan được bàn giao.
Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2014 ước đạt khoảng 19.716 tỷ đồng và 2.421 tỷ đồng, lần lượt tăng khoảng 32,6%n/n và 28,6%n/n. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 106.000 dựa trên P/E kỳ vọng 13,3 lần, xấp xỉ trung bình ngành trong khu vực.
HVG: P/E thấp hơn trung bình ngành, đạt 8,6x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
HVG công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 hết sức khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 11.353 tỷ đồng và 367 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng mạnh của doanh thu trong 9 tháng đầu năm nhờ mảng kinh doanh bánh dầu đậu nành tăng đáng kể (tăng 5 lần), thức ăn chăn nuôi (+17%), phụ phẩm (+53%) và bán cá nội địa (tăng 6,8 lần). Bốn mảng kinh doanh này đóng góp 71% vào tổng doanh thu, trong khi cùng kỳ con số này chỉ ở mức 45%. Trong khi đó, mảng kinh doanh chính là xuất khẩu cá tra lại giảm mạnh 62% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đóng góp 14% vào tổng doanh thu, giảm nhiều so với mức 55% của cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do thuế chống bán phá giá POR9 của HVG tại thị trường Mỹ cao hơn so với POR8 khiến sản lượng cá tra xuất khẩu sang thị trường này giảm.
Lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng thấp hơn doanh thu ở mức 10% n/n và đạt 907 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm, xuống còn 8%. Mặc dù có tăng trưởng đáng kể ở các mảng kinh doanh khác (bánh dầu đậu nành, thức ăn chăn nuôi, phụ phẩm và bán cá nội địa) nhưng biên lợi nhuận gộp của các mảng này chỉ ở mức trung bình 7%, thấp hơn nhiều so với mức 15% của mảng xuất khẩu.
Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng 109%, đạt 13,2 tỷ nhờ (i) khoản bất lợi thương mại từ việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP thủy sản An Giang với giá mua thấp hơn giá trị sổ sách và (ii) lãi từ thanh lý công ty con.
Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu cũng giảm 1 điểm phần trăm xuống 4%. Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên kết (FMC) tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lợi nhuận sau thuế tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HVG lần lượt hoàn thành 81% và 67% kế hoạch năm.
Mặc dù doanh thu từ xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2014 nhưng chúng tôi kì vọng trong quý IV sẽ có sự cải thiện do nhu cầu cá tra tại các thị trường tăng lên vào dịp cuối năm và mở rộng được thị phần tại Nga.
HVG cho biết đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cá sang Nga khoảng 40.000 tấn thành phẩm, tương ứng khoảng 50% tổng sản lượng, thời gian giao hàng từ tháng 10 đến quý I/2015.
Chúng tôi kỳ vọng việc này có thể giúp HVG bù đắp được sự sụt giảm thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên cũng lưu ý thêm, giá cá tra bán vào thị trường Nga thường thấp hơn so với Mỹ từ 0,5 – 1USD/kg. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của HVG lần lượt đạt 15.232 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và 493 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS 2014 (chưa pha loãng) vào khoảng 3.735 đồng/cp, tương đương PE 2014 là 8,6x thấp hơn trung bình ngành khoảng 10x.
HVG lên kế hoạch hợp tác đầu tư với Nga để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Matxcova, thành phố có tỷ lệ tiêu thụ thủy sản nhập khẩu nhiều nhất tại Nga. Mục đích xây dựng nhà máy là nhằm nâng cao chất lượng hàng thủy sản từ Việt Nam và tận dụng nguyên liệu hải sản đánh bắt phong phú tại các vùng biển Nga.
Tổng số vốn cho dự án này vào khoảng 30 triệu USD, dự kiến đầu năm 2015 công ty sẽ khởi công dự án. Ngày 6/11 tới đây, HVG sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường 2014 với mục đích trình phương án chào bán cổ phần (44 triệu cổ phiếu) và phát hành cổ phiếu thưởng (26,4 triệu cổ phiếu). Với số lượng cổ phiếu chào bán thêm, EPS dự kiến pha loãng khoảng 4%
SSI: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
SSI duy trì tốt xu hướng tăng trung hạn, kéo dài từ tháng 5 đến nay. Sự suy giảm chung của thị trường đã khiến SSI đối mặt với pha điều chỉnh đáng kể nhất trong một tháng qua.
Dù vậy đường giá khi rơi về lại vùng hỗ trợ của MA trung hạn đã có phản ứng bật lên tích cực. Trong tuần qua, SSI đã liên tục tạo lập thành công các mức đỉnh đáy liền sau cao hơn.
Kết hợp với việc triển vọng thị trường chung cải thiện, chúng tôi đánh giá SSI đã bảo vệ thành công xu hướng tăng và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong thời gian tới.
Thanh khoản tăng lại. Thanh khoản phiên hôm nay trở lại nằm trên mức trung binh 50 ngày. Nhìn chung khối lượng giao dịch của SSI không có sự sụt giảm mạnh như thị trường chung và đây là một điểm cộng.
Chỉ báo kỹ thuật trung bình khá. MACD đã tăng trở lại khi tiệm cận với đường 0 và vẫn giữ mức đánh giá lạc quan dành cho SSI.
Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào SSI ở mức giá hiện tại 31.1. Mục tiêu gần nhất: 34.5 (+11%). Mức dừng lỗ: 28.7 (-7,7%)
MBI: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
BMI ghi nhận pha tích lũy kéo dài từ giữa tháng 9, sau khi đã tăng khá tốt trong giai đoạn trước đó.
Phiên tăng mạnh đột biến hôm nay giúp đường giá bứt phá hoàn toàn khỏi vùng tích lũy và qua đó xác nhận di chuyển theo xu hướng tăng ở thời gian tới.
Thanh khoản cải thiện. Khối lượng giao dịch ba phiên liên tiếp vừa qua quay trở lại phía trên mức thanh khoản trung binh 50 ngày, cho thấy dòng tiến bắt đầu mở rộng trở lãi.
Chỉ báo tích cực. MACD kiểm tra và bật tăng trở lại khi tiếp xúc đường 0 để bảo lưu cái nhìn tích cực dành cho đường giá.
Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào BMI ở mức giá hiện tại 18.0. Mục tiêu gần nhất: 20.5 (+13,8%). Mức dừng lỗ: 16.6 (-7,7%)
DHC: Dự phóng EPS năm 2014 đạt 3.000 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
DHC công bố kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 390 tỷ VNĐ tăng 22% so với cùng ky. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 33.5 tỷ VND, tăng 90% so với cùng kỳ.
DHC tiếp tục cho thấy triển vọng kinh doanh khả quan sau khi đã hoàn thành tái cơ cấu bằng cách rút khỏi các khoản đầu tư vào lĩnh vực thủy sản và tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Công ty nhiều khả năng sẽ ổn định trong những quý tiếp theo khi nhu cầu về giấy kraft tiếp tục gia tăng và giá nguyên liệu đầu vào ổn định.
Thị trường tiêu thụ của Công ty chủ yếu là nội địa. Hiện nay, các nhóm khách hàng chính đối với các sản phẩm giấy và bao bì giấy của Công ty là các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, dược phẩm và các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp khác.
Với công suất giấy kraft là 60,000 tấn/năm thì DHC được xếp thứ 4 về quy mô sản xuất trong ngành và đó có lợi thế giảm giá thành sản xuất. Trong thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ đẩy mạnh đầu tư nâng công suất lên 90,000 tấn/năm.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của DHC trong năm 2014 sẽ ở mức 46 tỷ VNĐ, tương ứng với mức EPS là 3000 VNĐ/cp.
DPM: Lãi ròng của cổ đông công ty mẹ ước hơn 1.200 tỷ đồng
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Chúng tôi vừa tham dự buổi gặp gỡ NĐT của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HSX – DPM). Theo ghi nhận từ buổi gặp, trong quý III/2014, doanh thu của Công ty ước đạt 2.445 tỷ đồng (+28% so với cùng kỳ và tương đương quý trước). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 296 tỷ đồng, mặc dù tăng nhẹ 6% so với quý II/2014 song lại giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 7.450 tỷ đồng và 968 tỷ đồng, tương ứng giảm 7% và 51% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, so với kế hoạch năm 2014 (đã được điều chỉnh lại vào cuối tháng 8/2014), Công ty đã hoàn thành được 86% kế hoạch doanh thu và vượt 6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Sản lượng kinh doanh mặt hàng chính của Công ty (Đạm Phú Mỹ) trong 9 tháng đầu năm đạt 648.000 tấn, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Trong quý III/2014, tình hình kinh doanh của Công ty có sự tích cực nhất định so với quý II/2014 do (1) giá URE tăng nhẹ trong tháng 9/2014 do các đại lý mua dự trữ trước khi Chính phủ tăng thuế nhập khẩu; (2) Giá FO thế giới giảm nên giá khí đầu vào bình quân quý III/2014 giảm nhẹ 2,4% so với quý trước.
Theo ước tính của chúng tôi, biên lợi nhuận của công ty có thể nhích nhẹ 1% nhờ hai yếu tố trên. Cũng trong quý này, DPM đã hoàn tất thoái vốn khỏi Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (HSX – PVC) và ghi nhận một khoản lớn lợi nhuận (trên 80 tỷ đồng) từ hoạt động tài chính.
Trái lại, lợi nhuận của công ty tiếp tục bị ảnh hưởng bởi công ty PVTEX với khoản lỗ trong quý III/2014 ước khoảng 68 tỷ đồng. Tựu chung lại, bức tranh về kết quả kinh doanh quý vừa qua của DPM có những điểm sáng, tối đan xen. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tình hình kinh doanh đã có khởi sắc hơn quý II.
Đối với triển vọng kinh doanh quý cuối năm, công ty cho biết sản lượng kinh doanh Đạm Phú Mỹ dự kiến là 172.000 tấn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.530 tỷ đồng và 161 tỷ đồng.
Theo đánh giá của RongViet Research, kế hoạch cho quý IV/2014 là tương đối thận trọng so với khả năng của Công ty, đặc biệt trong bối cảnh giá khí đầu vào giảm khá mạnh vào quý cuối năm. Năm 2014, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương với EPS khoảng 3.200 đồng/cp.
Hiện tại, DPM đang giao dịch với mức P/E khoảng 9,4x và tỷ suất cổ tức cho năm 2014 khoảng 8,3% (mức tối thiểu dự kiến). Sắp tới, chuyên viên ngành của chúng tôi sẽ cập nhật cụ thể hơn về triển vọng của công ty sau khi có thông tin về kế hoạch kinh doanh năm 2015.