Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/10

TJC: Có thể cân nhắc để mua vào

CTCK BIDV (BSC)

TJC là 1 trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển hiện tại làm ăn có lãi, lợi thế của công ty đến từ nguồn thu ổn định trên chuyến Việt Nam – TháiLan, bên cạnh đó việc cho đối tác nước ngoài thuê tàu Transco Star cũng giúp doanh nghiệp ít chịu ảnh hưởng từ biến động giá nhiên liệu, cảng phí cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng tàu. Nếu loại bỏ lợi nhuận thu được từ bán tàu Hà Tây, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh của TJC trong năm 2014 cũng như 2015 sẽ duy trì ở mức ổn định và không có nhiều đột biến do:

- Khó khăn chung của thị trường vận tải biển khiến giá cước vận chuyển vẫn trong xu hướng giảm.

- Tải trọng của tàu Sky thấp hơn tàu Hà Tây nên doanh thu chuyến Việt Nam – Thái Lan dự báo sẽ giảm nhẹ.

- Doanh thu và lợi nhuận từ mảng vận tải có thể bị ảnh hưởng khi TJC sẽ tiến hành sửa chữa 2 tàu Sky và Transco Star với thời gian sửa chữa là 1 tháng, chi phí sửa chữa khoảng 6 tỷ/1 tàu trong năm 2015.

Kết quả kinh doanh quý III: Lợi nhuận sau thuế TJC ước đạt 20,5 tỷ (cùng kỳ lợi nhuận đạ thơn 855 triệu). Tăng trưởng đột biến lợi nhuận xuất phát từ việc bán tàu HàTây (ghi nhận lợi nhuận 19,45 tỷ), trong khi đó mảng kinh doanh vận tải và dịch vụ vận tải duy trì ở mức ổn định.

Hoạt động vận tải: Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, mảng vận tải tiếp tục đối mặt với khó khăn khi giá cước giảm trung bình khoảng 4%. Tuy nhiên do có nguồn khách hàng lâu năm trên chuyến Việt Nam – Thái Lan(chiếm khoảng 40% doanh thu mảng vận tải, chuyển chở than sang Thái Lan và chuyển thạch cao từ Thái Lan về Việt Nam) doanh thu và lợi nhuận của TJC tại mảng này vẫn ổn định. Tàu Sky sẽ thay tàu Hà Tây tham gia vận chuyển trên chuyến Thái Lan - Việt Nam. Công ty cũng lên kế hoạch mua 1 tàu đã qua sử dụng với tải trọng từ 8.000 – 12.000 tấn, chi phí mua tàu khoảng 3,6 triệu USD. Để tài trợ cho việc mua tàu, TJC dự định sẽ phát hành cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 2:1), phát hành thêm 2,4 triệu cổ phiếu, phần còn lại sẽ được huy động từ nguồn vốn vay.

Hoạt động dịch vụ vận tải: Nhu cầu về trung chuyển và thuê kho bãi tăng lên trong thời gian qua khiến mảng dịch vụ vận tải của TJC đang có mức tăng trưởng khá tốt.

Dự báo kết quả kinh doanh: Nếu loại bỏ phần lợi nhuận từ việc bán tàu, lợi nhuận 2014 của TJC ước đạt 9 tỷ, EPS forward 1.500, P/E forward 9 thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành như VTO (P/E khoảng 13), PVT (P/E khoảng 18.4). Đây là 1 mức định giá tương đối hấp dẫn, có thể cân nhắc mua với cổ phiếu TJC. Chúng tôi thận trọng để mức P/E của ngành 12, giá hợp lý của TJC là 18.000 đồng/ cổ phiếu (cao hơn 21,6% so với giá hiện tại).

TCO: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

TCO hoạt động trong lĩnh vực tiếp vận, chuyên cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ tuyến Hà Nội - Phú Thọ và kinh doanh kho bãi. Công ty dẫn đầu trong hoạt động vận tải hàng container đường bộ tại khu vực miền Bắc, có hệ số nợ thấp nhưng khả năng sinh lời chỉ ở mức trung bình so với các công ty trong ngành.

CAGR và lợi nhuận sau thuế tăng 27% CAGR nhờ hoạt động vận tải tăng trưởng tốt, công ty chuyển đổi hình thức quản lý đội xe từ trực tiếp sang thuê khoán, và chi phí tài chính giảm.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí sản xuất kinh doanh tăng.

TCO có tiềm năng phát triển rất lớn trong lĩnh vực kinh doanh kho CFS và vận tải do sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hải Phòng lớn, nhu cầu về kho CFS chất lượng cao ngày càng tăng và vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận chuyển chủ đạo của Việt Nam trong tương lai. TCO đã nắm bắt được xu hướng này và thực hiện tái cấu trúc hoạt động mạnh mẽ trong các năm tới: giảm hoạt động kinh doanh bãi, đầu tư xây thêm kho CFS tại Hải Phòng trong năm 2014 và đầu tư mua mới đội xe trong năm 2016.

Chúng tôi dùng phương pháp so sánh tương đối và chiết khấu dòng tiền tự do để định giá TCO. Với mức giá hợp lý là 14.774 đồng/CP, cao hơn thị giá hiện tại là 12.200 đồng/CP, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TCO.

DPM: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Theo chúng tôi ước tính, trong quý III/2014, DPM có thể đạt khoảng 2.210 tỷ đồng doanh thu và 218 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của DPM tăng 15,5% và lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 41,6%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2014, DPM đạt doanh thu khoảng 7.189 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 890 tỷ đồng.

Giá bán urê Phú Mỹ tăng khoảng 2%. Trong quý III/2014, chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu urê lên 6% từ đầu tháng 9/2014. Nhờ vậy, DPM có thể tăng được giá bán urê Phú Mỹ mà không làm ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ. Theo chúng tôi ước tính, giá bán trung bình của DPM trong quý III/2014 đã tăng lên khoảng 2% so với quý trước.

Giá khí đầu vào tăng 16% so với cùng kỳ. Từ năm 2014, giá khí đầu vào của DPM biến động theo giá dầu F.O trên sàn Singapore. Theo chúng tôi tính toán, giá khí đầu vào của DPM trong quý III ở mức khoảng 7,64 USD/mmBTU, giảm khoảng 2% so với quý trước và cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo chúng tôi ước tính, DPM đã tiêu thụ được khoảng 181.000 tấn urê Phú Mỹ trong quý III/2014, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do phân urê nhập khẩu có giá cao hơn (do thuế nhập khẩu tăng) đã giúp cho sản lượng urê của DPM tiêu thụ được tốt hơn.

Chúng tôi ước tính trong năm 2014, DPM có thể đạt 9.826 tỷ doanh thu và 1.346 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 5% về doanh thu nhưng giảm 40% về lợi nhuận so với năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do giá khí từ năm 2014 được tính theo giá thị trường, dẫn đến chi phí mua khí của DPM tăng cao so với năm trước.

Nhìn chung, năm 2014 là một năm khó khăn đối với DPM khi giá khí đầu vào bị điều chỉnh theo giá thị trường, dẫn đến chi phí sản xuất tăng mạnh. Trong mô hình định giá dài hạn, chúng tôi tạm thời không xét tới các dự án mới công ty đang tiến hành đầu tư. Mức giá giao dịch hiện tại của DPM hiện chỉ thấp hơn 11,8% so với mức giá kỳ vọng về dài hạn của chúng tôi. Do đó chúng tôi đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu DPM.

NTP: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo trong quý III/2014, NTP sẽ đạt khoảng 700 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng k ỳ năm trước, doanh thu của NTP trong quý III/2014 tăng khoảng 22% và lợi nhuận ròng tăng khoảng 17%.

Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm ống nhựa xây dựng và phụ kiện của NTP trong quý III/2014 ước đạt 12.500 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013.

Giá nguyên liệu tăng 0,9% so với cùng kỳ. Giá PVC thế giới trung bình trong quý III/2014 đạt khoảng 1.041 USD/tấn và giá HDPE đạt khoảng 1.590 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2013, giá PVC tăng khoảng 1% và giá HDPE tăng khoảng 0,5%. Tính trung bình, chi phí nguyên liệu của NTP trong quý III/2014 tăng khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nên biên lợi nhuận gộp của NTP trong quý III dự kiến giảm xuống còn khoảng 33,8%, giảm so với mức 36,9% trong cùng kỳ năm 2013.

Kể từ năm 2014, thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 22%. Thêm vào đó, nhà máy mới của NTP tại miền trung được hưởng ưu đãi thuế, dẫn đến thuế suất trung bình của NTP trong quý III/2014 giàm xuống còn khoảng 16,4%.

Theo BVSC ước tính, trong năm 2014, NTP có thể tiêu thụ được 52.500 tấn sản phẩm, tăng 8% so với năm trước. Doanh thu của công ty có thể đạt khoảng 2.979 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 291 tỷ đồng, tương đương với EPS đạt 5.169 đồng.

Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phần NTP, với mức giá mục tiêu là 55.200 đồng/cổ phần, cao hơn 20% so với giá thị trường hiện tại của NTP. NTP là công ty sản xuất ông nhựa dẫn đầu trên thị trường với khoảng 70% thị phần ông nhựa tại khu vực phía bắc. Ngành ống nhựa Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng do tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam còn ở mức thấp và tốc độ đô thị hoá cao.

AVF: Khó có khả năng hồi phục

CTCK MB (MBS)

Ngày 30/09/2014, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (SGDCK) đã có thông báo đưa cổ phiếu AVF của Công ty Cổ phần Việt An vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 07/10/2014. Nguyên nhân chính là do, Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Hoạt động kinh doanh của AVF hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động xuất khẩu cá tra bị đình trệ do Công ty thiếu vốn lưu động và vay nợ quá lớn dẫn tới doanh thu sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ. Tính đến cuối quý 2 2014, Công ty có khoản nợ ngắn hạn lên tới 1286 tỷ VNĐ, gây sức ép tài chính lớn lên hoạt động của Công ty.

Do thiếu vốn lưu động, nên AVF không thể xuất khẩu trực tiếp mà phải gia công cho các công ty khác trong ngành dẫn tới biên lợi nhuận suy giảm nghiêm trọng. Mặc dù chấp nhận công việc gia công với biên lợi nhuận thấp song AVF cũng không thể thoát khỏi thua lỗ do lợi nhuận gộp không đủ bù đắp các chi phí trung gian. Lũy kế 6 tháng, AVF đã ghi nhận mức lỗ 38 tỷ VNĐ.

Chúng tôi đánh giá, AVF rất khó có khả năng tự phục hồi do áp lực cạnh tranh trong ngành xuất khẩu cá tra ngày càng ác liệt trong khi Công ty có vị thế ngành và sức khỏe tài chính yếu. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cẩn trọng đối với cổ phiếu này. 

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục