Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 30/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 30/7

CNG: Khuyến nghị thêm trong trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Chúng tôi dự phóng cả năm 2015 doanh thu của CNG sẽ đạt 1.028 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch, giảm 6% so với 2014. Lợi nhuận sau thuế sẽ đạt mức 120 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm, cao hơn 7% so với mức thực hiện năm 2014.

Theo đó, EPS dự kiến 2015 sẽ đạt mức 4,400 đồng/cp, tăng 5.6% so với EPS năm 2014.

Chúng tôi tiến hành định giá cổ phiếu CNG theo phương pháp so sánh P/E, giá mục tiêu của CNG cuối năm 2015 là 34.700 đồng, cao hơn mức giá thị trường ngày 28/07 (30.000 đ) là 15.6%. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị THÊM để đầu tư trong trung và dài hạn đối với cổ phiếu này.

Cập nhật KQKD 6 tháng đầu năm 2015: Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 455.9 tỷ đồng, giảm 10.7% so với cùng kỳ. Tuy sản lượng khí tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2015 của CNG đã tăng 21% so với cùng kỳ nhưng giá bán bình quân giảm 29% so với năm 2014, làm giảm doanh thu của Công ty. Lợi nhuận sau thuế đạt 57.9 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ do thay đổi chính sách giá khí.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện do thay đổi chính sách giá khí đầu vào và đầu ra theo thị trường. Biên lợi nhuận gộp 6T/2015 đạt 25%, tăng 11.7% so với cùng kỳ. Việc giá khí mua vào và giá bán ra sẽ thả nổi theo thị trường cải thiện biên lợi nhuận của Công ty. Đây làm điểm sáng tích cực cho Công ty trong thời gian sắp tới khi giá dầu dự báo sẽ duy trì ở mức thấp 50 – 60 USD/thùng.

Sản lượng tiêu thụ năm 2015 tăng do mở rộng thị phần tại khu vực miền Bắc khi mỏ Hàm Rồng-Thái Bình đi vào hoạt động sắp tới, khoảng cuối tháng 9/2015. Sản lượng tiêu thụ của Công ty trong năm 2015 ước tính đạt khoảng 88 triệu Sm3 khí và kế hoạch cho năm 2016 là 110 triệu Sm3 khí.

CNG sẽ phân phối 30% sản lượng khí CNG trên tổng sản lượng khí CNG được khai thác từ mỏ Hàm Rồng Thái Bình (Sản lượng khí trung bình 200 triệu Sm3 khí/năm, trong đó 68.6 triệu Sm3 sẽ được phân phối dưới dạng khí thấp áp và phần còn lại sẽ dưới dạng CNG). Do đó, CNG sẽ phân phối khoảng 40 – 50 triệu Sm3 khí/năm. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng với 7 khách hàng tại khu vực miền Bắc.

Kế hoạch trả cổ tức 30% cho năm 2015. CNG vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch cổ tức hằng năm ở mức 30% (tỷ suất cổ tức 10% so với giá hiện tại).

PLC: Kết quả 6 tháng cuối năm sẽ khả quan

CTCK MB (MBS)

PLC công bố kết quả kinh doanh quý II/2015 với chỉ tiêu doanh thu đạt 1781 tỷ VNĐ, tăng 9.8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 127 tỷ VNĐ, tăng 112.52% so với cùng kỳ.

Hoạt động kinh doanh của PLC trong 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến khả quan nhờ mảng kinh doanh nhựa đường diễn biến hiệu quả. Giá dầu thô giảm mạnh và giữ ở mức thấp trong suốt 2 quý đầu năm 2015, khiến chi phí nguyên liệu giảm mạnh. Do đó, biên lợi nhuận của mảng kinh doanh nhựa đường cải thiện đáng kể, khiến tỷ lệ lãi gộp chung tăng lên 22.69%, cao hơn mức 15.7% cùng kỳ.

Trong quý II/2015, chi phí tài chính của PLC tăng vọt lên 39 tỷ VNĐ, do Công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 23.8 tỷ VNĐ. Chi phí bán hàng và quản lý của PLC cũng tăng 20% chủ yếu do sản lượng bán hàng tăng.

Chúng tôi duy trì đánh giá khả quan về kết quả kinh doanh của PLC trong 6 tháng cuối năm 2015 nhờ mảng nhựa đường khi giá dầu thô hứa hẹn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong khi nhu cầu nhựa đường tại Việt Nam tiếp tục khả quan.

VSC: PE giao dịch kỳ vọng ở mức 8,7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

KQKD 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC – sàn HOSE) cao hơn ước tính với doanh thu tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 452,5 tỷ đồng, so với số ước tính trước đó là 445 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng đến 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 166,6 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với kết quả 145 tỷ đồng ước tính trước đó.

Công ty vẫn chưa công bố BCTC quý II/2015. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tăng trưởng chủ yếu được đến từ đột biến của mảng kho lạnh với biên lợi nhuận gộp cao, khoảng 50%. Điều này là nhờ các thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc.

Như đã đề cập trong các phân tích trước, chúng tôi đánh giá kế hoạch 800 tỷ đồng doanh thu (-10% so với năm ngoái) và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (-19% so với năm ngoái) của VSC là khá thận trọng. Với kết quả ước tính 6 tháng đầu năm 2015 này, VSC đã hoàn thành gần 57% và 68% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015.

Tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2015 là 1.000 đồng/cp. Theo kế hoạch, VSC dự kiến chi trả từ 2.000-3.000 đồng/cp cho năm 2015, tương đương mức tỷ suất cổ tức khoảng 3,6%-5,4% và tỷ lệ chi trả/lợi nhuận sau thuế (payout ratio) là 43%-65%.

Ngoại trừ năm 2014 do nhu cầu đầu tư cảng mới, VSC chỉ chi trả 1.500 đồng/cp cổ tức tiền mặt, thì bình quân các năm trước đó, tỷ lệ chi trả cổ tức luôn duy trì ở mức 70% lợi nhuận sau thuế. Do vậy, chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức 2015 của công ty đặt ra là khá hợp lý.

VSC đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 8,7 lần, so với mức 8 lần bình quân ngành do giá cổ phiếu đã tăng 16% trong 10 ngày qua.

DCL: PE giao dịch ở mức gần 15 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái… chủ yếu do doanh thu từ hàng sản xuất - mảng kinh doanh chiếm 94% tổng doanh thu của DCL giảm 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, mảng thương mại cũng giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Áp lực cạnh tranh đối với thị trường dược phẩm trong nước đang ngày càng gia tăng, như đã đề cập trong các phân tích trước, do sản phẩm của DCL không nhiều lợi thế cạnh tranh nên chúng tôi đánh giá khó khăn đối với công ty là không thấp. Tuy nhiên, so với mức giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái của doanh thu quý I/2015, kết quả 6 tháng đầu năm 2015 có vẻ khả quan hơn nhờ cải thiện trong quý II/2015. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh 29,1%.

Biên lợi nhuận gộp giảm khá mạnh từ 35,1% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống 30,2% trong 6 tháng đầu năm 2015. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng mạnh hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chủ yếu nhờ:

(1) Chi phí tài chính ròng 6 tháng đầu năm 2015 giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 6,6 tỷ đồng do chi phí lãi vay giảm. Tính đến 31/06/2015, tổng nợ vay của DCL đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 164,9 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ/VCSH là 0,5 lần.

(2) Tỷ lệ bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh 6 tháng đầu năm 2015 giảm 8 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 15,7% do chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi không đáng kể, hơn 165 triệu đồng. Cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2014 công ty đã trích tới 17,3 tỷ đồng cho khoản dự phòng này.

Năm 2015, DCL đặt kế hoạch khá lạc quan với 840 tỷ đồng doanh thu (+18,4% so với năm ngoái) và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+57,7% so với năm ngoái). Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, DCL đã hoàn thành được 38% và 60% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.

Đã thực hiện được 2/4 đợt phát hành tăng vốn. DCL dự kiến tăng vốn điều lệ gần 4 lần so với số vốn tại ngày 31/12/2014, lên 461,2 tỷ đồng, thông qua 4 đợt phát hành. Công ty đã thực hiện thành công đợt phát hành ESOP và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1.

Khả năng đợt chào bán riêng lẻ 5 triệu cp cho đối tác chiến lược và phát hành tăng vốn từ nguồn VCSH (21 triệu cp) còn lại sẽ được thực hiện trong quý III/2015 như kế hoạch của công ty. Số tiền thu về từ các đợt tăng vốn dự kiến được dùng để đầu tư thêm cho các nhà máy sản xuất dược phẩm, vỏ viên nang cứng rỗng (capsule) và dụng cụ y tế Vikimco cũng như nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản xuất dược phẩm từ GMP-WHO lên GMP-EU hoặc PIC/S, phát triển kênh bán hàng và công tác nghiên cứu sản phẩm mới.

Đánh giá. Cho tới hiện tại, chúng tôi chưa thể đưa ra đánh giá chi tiết nào về kê hoạch đầu tư mới của DCL vì công ty vẫn chưa công bố thông tin nào cụ thể về các dự án sẽ tiến hành cũng như các thông tin tài chính đi cùng. Tuy nhiên, với tốc độ tăng vốn quá nhanh, trước tiên EPS 2015 sẽ bị pha loãng đáng kể.

Tính riêng cho 3 đợt phát hành đầu tiên, thì EPS 2015 đã giảm từ 3.347 xuống còn 1.851 đồng/cp, tương đương với mức PE 2015 gần 15 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành.

RAL: PE giao dịch xấp xỉ 6,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL – sàn HOSE) công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.441 tỷ và 27,2 tỷ, tăng lần lượt 15% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng doanh thu nhờ sản lượng bóng đèn tiêu thụ tốt, đặc biệt doanh thu từ đèn LED đang tăng trưởng tốt.

Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 duy trì ở mức 20%, tương đương với mức cùng kỳ 2014. Với sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành thì việc giữ vững vị thế đi cùng với duy trì mức lợi nhuận cao không phải là dễ dàng.

RAL tăng chính sách khuyến mãi, các chính sách hỗ trợ cho đại lý làm cho tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh tăng lên mức 17%, tương ứng tăng 3 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm qua.

Do đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng thấp hơn doanh thu. Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2015, RAL đã hoàn thành 54% và 37% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm.

Chúng tôi ước tính EPS 2015 của RAL đạt khoảng 6.183 đồng/cp và PE 2015 ở mức 7,3 lần, thấp hơn mức 8 lần của trung bình ngành. Tuy nhiên việc Công đoàn RAL có khả năng tăng sở hữu từ mức 39% lên 60%, do mua lại khoảng 21% số cổ phần của SCIC, sẽ có khả năng ảnh hưởng đến tính thanh khoản cũng như tính minh bạch của cổ phiếu RAL đối với các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, qua đó giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu RAL.

TMT đang giao dịch tại P/E xấp xỉ 6,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

TMT vừa công bố BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh 296,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 1.950 tỷ đồng. Công ty vẫn chưa công bố sản lượng tiêu thụ cụ thể.

Biên lợi nhuận gộp mở rộng lên 13,9% trong 6 tháng đầu năm 2015 từ mức 12,1% trong 6 tháng đầu năm 2014. Chi phí tài chính ròng tăng 4,8 lần lên 28,8 tỷ đồng, không đáng kể so với quy mô doanh thu.

Chi phí hoạt động tăng nhưng chậm hơn tăng trưởng doanh thu do đó tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần giảm còn 3,4% trong 6 tháng đầu năm 2015 từ mức 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2014.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 637% lên 181,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2015 đạt 138,3 tỷ đồng, tăng rất mạnh từ mức 735 triệu đồng 6 tháng đầu năm 2014, hoàn thành 92,3% kế hoạch 2015.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cả năm 2015 ở mức 3.804 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,9 lần và 2,4 lần so với 2014. Trong đó đặt mục tiêu tiêu thụ 7.892 chiếc xe, tăng 2,7 lần.

Chúng tôi cho rằng, với việc TMT hoàn thành 92,3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm sau khi kết thúc quý II/2015, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ vượt rất xa kế hoạch này và do đó doanh nghiệp nên điều chỉnh kế hoạch năm 2015.

Tiêu thụ ô tô cả nước tăng trưởng mạnh. TMT chưa công bố số liệu về sản lượng tiêu thụ tuy nhiên tiêu thụ ô tô cả nước trong 6 tháng có vẻ khả quan. Theo đại diện của Ủy ban An Toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2015, cả nước có 89.428 xe ôtô được đăng ký mới, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro thanh toán. Tính đến cuối quý II/2015 tỷ lệ thanh toán hiện thời của TMT đạt 1,1 lần, xấp xỉ cuối quý IV/2014, có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh toán nhanh chỉ đạt 0,11 lần, thấp hơn đáng kể so với mức (0,19 lần) cuối quý IV/2014. Điều này là do hàng tồn kho có xu hướng tăng mạnh (2,1 lần) so với thời điểm cuối quý IV/2014 lên đến 1.691 tỷ đồng.

Định giá. TMT đang giao dịch tại P/E xấp xỉ 6,3 lần.

BCC: Xem xét mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

BCC bước vào kênh giá giảm kéo dài từ tháng 5 đến nay.

“Sự cân bằng” được nhìn thấy dần trong khoảng 1 tháng qua khi đường giá đã không còn tạo ra các mức đỉnh đáy thấp hơn (hình thành chuỗi tích lũy đi ngang).

Phiên hôm nay có thể xem là bước ngoặt khi đường giá tăng mạnh, lần đầu tiên tạo đỉnh liền sau cao hơn trong suốt 3 tháng qua.

Quan trọng hơn, đường giá đã tạo ra sự bứt phá rõ nét ra khỏi kênh giá giảm và “tấn công” một phần lên trên mức MA trung hạn.

Vẫn còn “hơi sớm” để chắc chắn về một xu hướng tăng dành cho BCC. Dù vậy có thể xác nhận xu hướng giảm trước đó nhiều khả năng đã kết thúc.

Thanh khoản đột biến trong hôm nay, góp phần củng cốđộ tin cậy của điểm bứt phá.

Chỉ báo kỷ thuật chờ chuyển đổi. MACD đang tăng nhanh và nếu vượt trở lại lên trên đường 0 sẽ chính thức xác nhận xu hướng tăng dành cho BCC.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có khẩu vị rủi ro cao có thể xem xét mua vào BCC ở giá hiện tại 15.9; Mục tiêu ngắn hạn: 19.0 (+19,5%); Dừng lỗ tại: 14.0 (-11,9%).

PLC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

PLC có một xu hướng tăng khá tốt vào giai đoạn nửa cuối năm 2014. Dù vậy đường giá đã khá “trầm lắng” trong 5 tháng qua khi chỉ đi ngang tích lũy trong vùng hẹp.

Phiên hôm nay ghi nhận sự đột biến hiếm có của PLC khi vọt tăng mạnh và vượt hoàn toàn khỏi vùng ảnh hưởng của quá trình tích lũy.

Khả năng tái lập trở lại xu hướng tăng của PLC trong giai đoạn tới được chúng tôi đánh giá cao.

Thanh khoản đột biến trong hôm nay, góp phần củng cố độtin cậy của điểm bứt phá.

Chỉ báo tích cực. MACD trước đó đã cắt lên trên đường 0 và thành công trong việc kiểm tra lại mức này. Các chỉ báo khác bắt đầu chuyển sang vùng tích cực.

Điểm cộng cơ bản: PLC vừa công bố KQKD quý II/2015 với nhiều thông tin tích cực. Cụ thể lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2015 của PLC đạt 128 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, PLC đạt lợi nhuận sau thuế 187 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 68% kế hoạch năm.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào PLC quanh giá hiện tại 31.6; Mục tiêu ngắn hạn: 36.6 (+15,8%); Dừng lỗ tại: 29.0 (-8,2%).

PVB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MaritimeBank (MSBS)

CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) được thành lập ngày 2007. Tuy mới thành lập nhưng PVB đã trở thành đơn vị bọc ống có thương hiệu trong khu vực và thực hiện hầu hết các dự án liên quan đến bọc ống trong ngành Dầu khí Việt Nam.

Năm 2014 là năm tạo điểm nhấn cho PVB về kết quả kinh doanh. So với năm 2013, doanh thu thuần tăng 88% đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Lãi ròng đạt 147,5 tỷ đồng, tăng 151,4 % so với năm 2013, vượt 68% kế hoạch năm. Nguyên nhân do PVB trúng thầu được nhiều dự án bọc dầu lớn, mang lại nguồn thu lớn.

6 tháng đầu năm, PVB đạt 681,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29,2% so với cùng kỳ 2014, hoàn thành 68,1% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 90,8 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 86,5% kế hoạch năm. Kết quả này chủ yếu là nhờ hoàn thành nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2014 và được hạch toán trong quý I/2015.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, PVB đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 105,07 tỷ đồng. Năm 2015, công ty đã ký hợp đồng Bọc ống cho dự án GPP Cà Mau, với tổng giá trị dự án 222 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý III/ 2015 đến quý II/2016 và các dự án khác, với tổng giá trị dự án 50 tỷ đồng.

Năm 2013 và 2014, PVB đều thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao là 20%, năm 2015 dự kiến mức cổ tức sẽ là 25% bằng tiền.

* Phân tích kỹ thuật:

Là cổ phiếu chu kỳ thích hợp với phong cách đầu tư ngắn và trung hạn

Khối ngoại liên tiếp tăng tỷ trọng mua cổ phiếu này trong 1, 2 tuần trở lại đây.

Các tín hiệu kỹ thuật MA20, MA50, MA200 đang phản ánh xu hướng hồi phục của tín hiệu giá cổ phiếu PVB.

Các tín hiệu kỹ thuật khác như RSI, MFI, MACD cũng đang phản ánh tín hiệu mua vào.

PVB đang tạo mẫu hình cup with hand lớn với việc đang hình thành phần ”hand“ đi lên với thanh khoản hỗ trợ.

>> Tải báo cáo

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục