Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 29/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/9

Khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 62.600 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) tăng hơn 25% so với cùng kỳ, từ 3.300 tỷ đồng lên 4.230 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ gần 1% so với 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù chi phí đầu vào trên thị trường tăng tương đối cao từ đầu năm.

Lợi nhuận sau thuế đạt 392 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với mức 377 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2020. Hiện VHC đã hoàn thành lần lượt gần 52% và hơn 56% kế hoạch năm cho doanh thu và lợi nhuận.

VHC vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về xuất khẩu cá tra, đạt mức gần 42 ngàn tấn cho nửa đầu năm 2021, trị giá lên tới 121 triệu USD, tăng 22% về lượng và 15% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xuất khẩu đi thị trường chủ lực – Mỹ đạt gần 24 ngàn tấn, tăng 39% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng tăng mạnh gần 154% so với cùng kỳ lên mức gần 190 tỷ VNĐ chỉ trong 6 tháng năm nay. Nguyên nhân tăng chủ yếu của chi phí bán hàng đến từ cước vận tải khu vực Đông Nam Á đi Mỹ và châu Âu đều đã tăng cao liên tục. Giá cước vận chuyển từ khu vực Trung Quốc - Đông Nam Á đi Bắc Mỹ tại 30/6/2021 đã tăng gần 110% so với đầu năm, trong khi giá cước từ Trung Quốc - Đông Nam Á sang khu vực Bắc Âu cũng đã tăng tới gần 92% trong 6 tháng năm 2021.

VHC đã hoàn tất thủ tục tăng cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC) và hiện tại đang nắm giữ gần 77% sở hữu công ty này, bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh từ quý I/2021.

Quan điểm đầu tư: Việc nới lỏng giãn cách xã hội tại nhiều huyện ở Đồng Tháp là điều kiện để các giao dịch về giống và hoạt động sản xuất được thực hiện trở lại trong các tháng cuối năm.

Chúng tôi đánh giá cao khả năng kiểm soát nguồn cung cấp nguyên liệu của VHC, cũng như kế hoạch duy trì sản xuất cả trong những tháng cao điểm của dịch Covid-19.

Mô hình kinh tế tuần hoàn với các dự án như nhà máy thức ăn chăn nuôi, khu liên hợp nông nghiệp – thủy sản công nghệ cao cũng như mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng sẽ giúp VHC gia tăng sản lượng cá tự nuôi, giảm các chi phí đầu vào, hạn chế ảnh hưởng từ biến động giá nguyên liệu trên thị trường, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm nhưng lại thuận tiện cho hoạt động truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Việc nâng công suất nhà máy collagen và gelatin cũng như thành lập Trung tâm nghiên cứu cho nhóm sản phẩm Vinh Wellness sẽ đóng góp vào sự phát triển doanh thu của mảng C&G, vốn có biên lợi nhuận gộp rất cao (40-45%).

VHC tập trung vào xuất khẩu cá tra fillet ở phân khúc cao cấp cho các thị trường có mức giá mua cao như Mỹ và Anh, giúp duy trì biên lợi nhuận gộp cao hơn cho mảng cá tra fillet.

Hiện tại các nước như Trung Quốc, Canada, Anh, Mỹ đều đã tiêm đủ vaccine Covid-19 cho trên 60% dân số, dịch bệnh đã được khống chế thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản từ các nhà hàng và khách sạn, đặc biệt là tại thị trường chủ lực – Mỹ, nơi khoảng 60% doanh thu đến từ đến từ các nhà phân phối của nhà hàng và khách sạn.

Tỷ lệ cổ tức cao và ổn định (hiện đang duy trì ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu cho những năm gần đây), cũng như tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành và chủ yếu là vốn vay ngắn hạn phục vụ sản xuất là những tín hiệu tích cực từ cơ cấu tài chính của VHC.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu cho VHC của là 62.600 đồng (tăng 27% so với mức tham chiếu ngày 28/09/2021) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số P/E, phản ánh kỳ vọng về triển vọng xuất khẩu phục hồi nhanh hơn các đối thủ sau khi tình dịch Covid-19 được kiểm soát tại Đồng Tháp và các tỉnh phía Nam cũng như tiềm năng về mở rộng chuỗi giá trị và gia tăng về hệ sinh thái sản phẩm trong dài hạn.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị chốt lãi HPG tại ngưỡng 61.2

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn 51.6. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy tín hiệu tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20, MA50 và dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 52.5, chốt lãi tại ngưỡng 61.2 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 50.2.

Khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 50.000 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP với giá mục tiêu 50.000 đồng/CP, tương đương mức tổng lợi suất sinh lời 20.5% dựa trên phương pháp định giá tổng tài sản (RNAV).

Chúng tôi ước tính quỹ đất Khu công nghiệp của KBC có thể bán sẽ tăng từ 309 ha lên 954 ha nhờ: 456 ha thương phẩm tại Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, 111 ha thương phẩm tại cụm công nghiệp Long An, và 78 ha tại Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng hiện đã được phê duyệt 1/2000.

Mảng Khu đô thị cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể từ 2023 khi Khu đô thị Tràng Cát bắt đầu mở bán, qua đó nâng diện tích Khu đô thị thương phẩm của KBC từ 56 ha lên 306 ha.

Chúng tôi nhận thấy giá bán tại các Khu công nghiệp của KBC đã có sự cải thiện đáng kể so với 2020, cụ thể: giá bán tại Quang Châu đã tăng từ 90 USD/m2 lên 108 USD/m2, giá bán tại Tân Phú Trung đã tăng từ 110 USD lên 134 USD/m2, qua đó giúp biên gộp mảng Khu công nghiệp cải thiện từ mức 25,5% vào 2020 lên 57,4% nửa đầu năm 2021.

Chúng tôi cũng kỳ vọng các dự án sắp tới của KBC sẽ có biên lợi nhuận gộp cải thiện khi: Khu đô thị Phúc Ninh hiện đang có giá thị trường trên 30 triệu đồng/m2 trong khi giá bàn giao các hợp đồng cũ mới chỉ 18 triệu đồng/m2, Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh bàn giao giá 90 USD/m2 trong khi giá khu vực xung quanh giao động từ 100 - 120 USD/m2.

Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Khu công nghiệp và có mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương, KBC đã liên tục gia tăng quỹ đất sở hữu: dự án Khu đô thị Nam Vũng Tàu 69 ha được UBND Vũng Tàu chọn làm chủ đầu tư vào 2020, dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập 245 ha (sở hữu 41%) đã được thủ tướng phê duyệt, và 2500 ha diện tích Khu công nghiệp khác đang nghiên cứu tại Bình Giang, Hưng Yên và Long An.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục