UDC: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2015 lần lượt đạt 53 tỷ đồng và 1 tỷ đồng, trong đó doanh thu xây lắp là 38 tỷ đồng, doanh thu bán thành phẩm hàng hóa là 6,6 tỷ đồng, 9 tỷ đồng là doanh thu cung cấp dịch vụ. Như vậy trong quý I/2015, UDC mới chỉ hoàn thành 11% kế hoạch doanh thu và 6,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Biên lợi nhuận trước thuế mảng xây lắp rất thấp, chỉ khoảng 0,25%.
Năm 2015, UDC đặt kế hoạch Doanh thu 467 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15,7 tỷ đồng. Theo chúng tôi, UDC có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng khó có khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận như kỳ vọng.
Kế hoạch doanh thu 467 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các hợp đồng xây lắp khoảng 359 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2015, tổng giá trị các hợp đồng chuyển tiếp và đấu thầu thành công khoảng 380 tỷ đồng. Tuy nhiên mảng xây lắp của UDC có biên lợi nhuận trước thuế rất thấp, do đó khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận thấp.
Doanh thu từ dự án khách sạn Phú Mỹ và CTCP Thành Trí khoảng 100 tỷ đồng, trong đó doanh thu dự án khách sạn Phú Mỹ khoảng 40 tỷ đồng. Dự án khách sạn Phú Mỹ hạch toán lỗ do khấu hao sẽ được bù trừ bởi kết quả kinh doanh ổn định từ CTCP Thành Trí.
Trong trường hợp UDC chuyển nhượng thành công dự án Bàu Sen, áp lực nợ vay sẽ giảm, chi phí tài chính theo đó sẽ được tiết giảm, giúp nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên do việc chuyển nhượng được đánh giá là kém khả quan, cùng với việc chuyển nhượng các dự án Bất động sản thường rơi vào thời điểm cuối năm, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng tích cực của việc giảm nợ vay sẽ vẫn chưa thể hiện nhiều trên báo cáo tài chính năm 2015.
Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên theo dõi tiến triển thương vụ chuyển nhượng của UDC tại dự án Bàu Sen. Mặc dù trong năm 2015, chúng tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể hoàn thành và việc chuyển nhượng dự án Bàu Sen mới chỉ giúp cho dòng tiền của doanh nghiệp khả quan hơn. Trong trường hợp chuyển nhượng thành công dự án Bàu Sen, hoạt động kinh doanh của UDC sẽ bớt rủi ro hơn và kết quả kinh doanh cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.
>> Tải báo cáo
GMD: Khuyến nghị theo dõi trong ngắn hạn, tích lũy trong dài hạn
CTCK FPT (FPTS)
Trong 3 tháng đầu năm 2015, doanh thu của GMD tăng trưởng tốt đạt 813,32 tỷ đồng (+32,36% so với cùng kỳ năm ngoái). Mức tăng trưởng doanh thu hoàn toàn từ hoạt động khai thác cảng tăng 109.02%, đạt 416,73 tỷ đồng, chiếm 51,01%.
Doanh thu cảng tăng trưởng trong quý I đến từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, cảng Nam Hải Đình Vũ đã đi vào hoạt động ổn định làm tăng công suất xếp dỡ tại khu vực miền Bắc từ 150 TEU/năm lên mức 650 TEU/năm. Thứ hai, tình hàng hóa thông qua khu vực Hải Phòng khá tốt, bình quân cả khu vực tăng 12% so với cùng kỳ. Do lượng hàng tăng mạnh, do đó biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 25.77% lên mức 38,45%, lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh 100,63% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 80.14 tỷ đồng tăng 66.98% so với cùng kỳ, đạt 24.3% kế hoạch năm 2015.
Năm 2015, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD đạt 3.012,6 tỷ đồng (+19,30% so với năm ngoái). Trong đó đóng góp cao nhất là doanh thu từ hoạt động khai thác cảng và logistics lần lượt chiếm tỷ trọng 36,41% và 59,06%, với tỷ trọng doanh thu từ khai thác cảng tăng liên tục qua các năm.
Hướng đi mà ban lãnh đạo GMD đề ra được nhấn mạnh nhiều lần trong hiện tại là tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi cảng và logistics. Các mảng kinh doanh trồng rừng cao su và bất động sản sẽ được GMD xem xét thoái vốn dần trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi. Theo nhận định của chúng tôi đây là định hướng đúng đắn trước tình hình cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài.
GMD cần mở rộng đầu tư vào tài sản phục vụ cho hoạt động logistics như kho bãi, thiết bị xếp dỡ và phương tiện vận tải thủy bộ để hoàn thiện chuỗi cung cấp dịch vụ logistics. Do xu hướng thị trường đang hướng đến sử dụng các dịch vụ logistics trọn gói, xu hướng thuê ngoài gia tăng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong năm 2015 lợi nhuận sau thuế của GMD sẽ thấp hơn so với năm 2014 do không có khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng vốn cổ phần, dù hoạt động cốt lõi của GMD vẫn tăng trưởng tốt. Điều này trong năm nay sẽ làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu GMD. Dự báo lợi nhuận sau thuế của GMD từ hoạt động cốt lõi đạt 285.45 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS 2015 forward 2.458 đồng/cp (tính theo số cổ phần hiện tại, trước khi phát hành tăng vốn).
Với giá thị trường đang giao dịch là 30.900 đồng/cp, giá trị P/E hiện tại là 12,57x (cao so với mức trung bình ngành 7.0x – 8.0x).
Khuyến nghị: THEO DÕI trong ngắn hạn, TÍCH LŨY trong dài hạn.
PHR: Kế hoạch kinh doanh khả thi
CTCK MB (MBS)
PHR công bố hoạt động sản xuất kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2015. Cụ thể, PHR đã khai thác được 3408 tấn mủ cao su thành phẩm và thu mua 1506 tấn mủ cao su thành phẩm. Lũy kế 4 tháng đầu năm, Công ty chế biến 5084 tấn mủ cao su trong đó nhiều nhất là ba chủng loại CV60 (25.67%), CL (24.67%) và SVR 10 (24.28%).
Giá bán mủ cao su bình quân trong 4 tháng đầu năm là khoảng 32.7 triệu VNĐ/ tấn, giảm đáng kể so với cùng kỳ. Công ty tiêu thụ được khoảng 6706 tấn cao su thành phẩm trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm 74%. Doanh thu bán sản phẩm lũy kế đạt 219 tỷ VNĐ.
Công ty đẩy mạnh việc thanh lý vườn cây già năng suất kém để trồng tái cạnh và lên kế hoạch tái canh 1035 ha cao su trong thời gian tới. Đến cuối tháng 4 2015, Công ty đã cưa cắt 544.87 ha, móc gốc 473.6 ha vườn cây cũ, chuẩn bị cho việc trồng tái canh.
Cao su Phước Hòa chỉ đặt chỉ tiêu cho năm nay với mức tổng doanh thu 1.116 tỷ đồng, giảm đến 32% so với mức doanh thu thực hiện năm 2014. Lợi nhuận sau thuế công ty chỉ đặt mục tiêu 115,65 tỷ đồng, chỉ gần bằng 43% so với lợi nhuận sau thuế đạt được năm 2014.
Chúng tôi đánh giá việc đạt kế hoạch lợi nhuận của PHR trong năm nay là khả thi khi giá mủ cao su đã có dấu hiệu chạm đáy và ổn định quanh mốc 1500 USD/tấn trong vài tháng gần đây.