DRC: Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial sẽ vận hành vào cuối năm 2016
CTCK MB (MBS)
DRC công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 với chỉ tiêu doanh thu đạt mức 837 tỷ VNĐ, giảm nhẹ so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 84 tỷ VNĐ, tăng 31.4% so với cùng kỳ.
Mặc dù, DRC đã tăng lượng tiêu thụ sản phẩm lốp radial đáng kể trong 9 tháng đầu năm so với năm ngoái song doanh thu của DRC vẫn giảm so với cùng kỳ do Công ty chủ động giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh và duy trì thị phần. Nhờ giá cao su thiên nhiên (chiếm hơn 50% giá thành sản xuất) giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp của DRC vẫn đạt 174.9 tăng 9.7% so với cùng kỳ.
Do VNĐ mất giá nên trong 9 tháng đầu năm DRC phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn là 34.6 tỷ VNĐ, khiến chi phí tài chính không giảm nhiều mặc dù chi phí lãi vay giảm đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao trong 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh lên mức 184.2 tỷ cũng là một nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của DRC.
Với việc sản phẩm mới là lốp radial đang dần có mức tiêu thụ tốt hơn, chúng tôi cho rằng nhà máy sản xuất lốp xe tải radial giai đoạn I của DRC sẽ dần hoạt động hiệu quả hơn và sẽ vận hành với công suất tối đa vào năm 2016.
Công ty cũng đã phê duyệt phương án đầu tư giai đoạn II Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải radial công suất 600.000 lốp/năm, với tổng mức đầu tư 705 tỷ đồng. DRC sẽ triển khai dự án này vào cuối năm 2015 và dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2016.
VIP: PB giao dịch ở mức 0,6 lần
CTCK MayBank KkllkimEng (MBKE)
CTCP vận tải xăng dầu VIPCO (mã VIP) cho biết, doanh thu quý III/2015 giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 131,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do: (i)do giá dầu giảm mạnh so với cùng kỳ, nên doanh thu từ mảng kinh doanh xăng dầu giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái; và (ii)tàu Petrolimex 10 đi vào sửa chữa định kỳ đồng thời giá cước vận chuyển cũng điều chỉnh giảm theo giá dầu nên doanh thu từ mảng vận tải giảm khoảng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Do hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm mạnh hơn, tỷ trọng doanh thu của mảng này trong quý III/2015 chỉ còn 27%, so với mức 41% của quý III/2014.
Lợi nhuận sau thuế quý III/2015 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 91,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh việc doanh thu giảm thì chi phí tài chính ròng trong kỳ tăng mạnh 151% so với cùng kỳ năm ngoái lên 15,9 tỷ đồng là lý do khiến lãi ròng quý III/2015 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính gia tăng chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong III/2015, tỷ giá USD/VND đã điều chỉnh tăng 1%, đồng thời nới biên độ thêm 2%. Tổng dư nợ bằng ngoại tệ của VIP tại 30/09/2015 là gần 13 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2015. Do giá dầu giảm, VIP đặt kế hoạch doanh thu 2015 giảm 3% so với năm ngoái, xuống 672 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015 giảm tới 86% so với năm ngoái, xuống 31 tỷ đồng do 2014 công ty có khoản lợi nhuận bất thường hơn 200 tỷ từ việc chuyển nhượng cảng Container Đình Vũ VIPCO cho VSC.
Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015 là 430,4 tỷ đồng doanh thu (-18,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 30,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+24,5% so với cùng kỳ năm ngoái), VIP đã hoàn thành hơn 64% kế hoạch doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận 2015.
Định giá. VIP đang giao dịch ở mức PB 0,6 lần, tương đương bình quân ngành.
CII: PE giao dịch ở mức 5,2 lần
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 với lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2015 đạt 691 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ, vượt 50% so với kế hoạch cả năm. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2015 giảm 19% so với cùng kỳ do trong năm 2014 công ty đã ghi nhận khoản doanh thu đột biến từ việc bàn giao dự án BT.
Nếu loại trừ khoản mục này thì doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 khá khả quan, tăng 106% nhờ vào sự tăng trưởng doanh thu của hoạt động xây dựng các nhà máy nước. Hoạt động xây dựng vẫn sẽ mang lại kết quả khả quan trong tương lai, do công ty có một số dự án xây dựng lớn trong ba năm tới.
Hoạt động tài chính là nguồn mang lại doanh thu chính cho CII trong năm nay. Trong 9 tháng đầu năm 2015, CII ghi nhận 894 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ:
1) Đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII). Chênh lệch giữa giá mua cổ phiếu và giá trị hợp lý của số cổ phiếu này là 282 tỷ đồng và được ghi nhận là doanh thu tài chính.
2) Thặng dư của trái phiếu chuyển đổi CTCP Đầu tư Cầu đường CII (LGC) do CII phát hành cho Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC).
3) Doanh thu tài chính khác đến từ các dự án BT và BOT, được tính toán dựa trên số dư vốn đầu tư của hợp đồng BT dự án cầu Sài Gòn mà Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM chưa trả cho CII. Lãi suất là 7,81%/6 tháng.
Trong quý III/2015, CII tiếp tục ghi nhận 131 tỷ đồng doanh thu tài chính từ thặng dư của trái phiếu chuyển đổi (đợt 2) phát hành cho MPTC. Số trái phiếu này có thể được chuyển đổi thành 56,7 triệu cổ phiếu LGC trong năm 2016 với giá chuyển đổi là 18.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa hôm nay của LGC là 24.300 đồng/cổ phiếu). Do đó CII có thể ghi nhận khoảng 450 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2016 nhờ thặng dư từ thương vụ phát hành trái phiếu này.
Hôm nay, giá cổ phiếu tăng 1,3%, đóng cửa ở mức 24.200 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E là 5,2 lần và P/B là 1,2 lần.