Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/2

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VJC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (mã VJC) theo đuổi mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ có ưu thế vượt trội hơn mô hình hàng không truyền thống trong điều kiện tiếp cận thị trường hàng không nội địa của Việt Nam.

Mô hình này sẽ được phát triển rộng rãi với nhu cầu di chuyển nội địa không ngừng tăng trưởng nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng. Việc lựa chọn mô hình giá rẻ có định vị khách hàng khác hẳn hàng không truyền thống đã giúp VJC tạo ra một thị trường mới cho riêng mình trong cuộc đua giành thị phần, tránh phải đối đầu trực tiếp với HVN.

Kết quả định giá của BVSC cho cổ phiếu VJC là 143.400 đồng/cổ phần, cao hơn 29% so với giá chào sàn của VJC nếu lấy HVN làm tham chiếu.

Trên cơ sở những yếu tố tích cực nói trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VJC với mức giá kỳ vọng 143.400 đồng/cổ phần. Tại mức giá này, P/E của VJC là 12,48 lần, là mức tương đương so với P/E bình quần của các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới.

Khuyến nghị mua vào cổ phiếu CII

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Theo đồ thị ngày, CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM tăng mạnh sau giai đoan tích lũy và vượt qua vùng kháng cự 31-32. KLGD tăng đột biến và gấp 2 lần trung bình 20 ngày. Đồng thời chỉ báo Chaikin, OBV và MFI(14) tăng đồng loạt phản ánh dòng tiền đang rất mạnh.

Khoảng cách giữa +DI và –DI đang rộng ra, và ADX(14) cắt đường –DI xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn. Ngoài ra, đường MACD cũng tăng mạnh từ đường 0, hỗ trợ tích cực cho đường giá. Đường Bolinger band đang mở rộng ra xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo xung lượng RSI(14) đang hướng lên vùng 70 cho thấy xung lực của xu hướng hiện tại khá mạnh.

Trong ngắn hạn, CII có thể chịu áp lực chốt lời sau khi tăng mạnh, do đó khả năng CII sẽ tích lũy vài phiên. Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt và nhà đầu tư có thể mua vào khi có sự tham gia tích cực của khối lượng giao dịch với giá mục tiêu là 42- 43. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 31.

 

Khuyến nghị mua cổ phiếu SAS

CTCK MB (MBS)

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) là công ty con của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và cung cấp dịch vụ tại sân bay.

Hiện nay, SAS là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, SAS đang thực hiện kinh doanh Khách sạn và vận tải tại Phú Quốc, xuất nhập khẩu tại Hà Nội và sản xuất nước mắm tại Long An. Năm 2016, doanh thu chủ yếu đến từ kinh doanh hàng miễn thuế chiếm gần 47,87% tổng doanh thu; doanh thu từ trung tâm thương mại SASCO Tân Sơn Nhất chiếm 26,56%, doanh thu từ mảng khác chiếm 25,57%

Lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và hoạt động thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất đang được hỗ trợ nhờ ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh. Theo IATA, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế 6,9%/năm đến 2017. Một phần đến từ sự tự do vận tải hàng không trong ASEAN sau khi thành lập AEC và nhu cầu đi lại nội địa gia tăng.

Riêng tại Sân bay Tân Sơn Nhất, dự báo sản lượng trong 2016 sẽ đạt 27,9 triệu lượt, vượt công suất thiết kế, tăng 6% so với thực hiện 2015. Trong đó, hành khách nội địa tiếp tục là động lực tăng trưởng đạt 17,3 triệu lượt với tốc độ tăng 7% và khách quốc tế đạt 10,6 triệu lượt tăng trưởng 4%.

Trong dài hạn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ yếu tố mang lại sự đột biến cho SAS. Cụ thể, năm 2018 sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng với công suất tăng lên khoảng 40 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ kích thích các lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ thực phẩm và đồ uống…

Bên cạnh đó, Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch gia nhập kinh doanh tại Sân bay Long Thành. Dự kiến Sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 và sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm. Đây có thể là những yếu tố tích cực kích thích tăng trưởng trong dài hạn.

Với năng lực tài chính lành mạnh giúp công ty duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Cơ cấu tài chính của Công ty được định hướng giữ ở mức hợp lý và ổn định, nợ vay đang có xu hướng giảm dần, các khoản tài sản dài hạn được tài trợ hoàn toàn từ nguồn vốn dài hạn nhờ vậy rủi ro tài chính được hạn chế tối đa. Ngoài ra, Công ty có khoản tiền và tương đương tiền gần 490 tỷ đồng chiếm hơn 24% tổng tài sản, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 72 tỷ đồng.

Trong dài hạn, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt, đây sẽ là yếu tố giúp Công ty mở rộng lĩnh vực dịch vụ, Thương mại. Vì vậy, chúng tôi đánh giá khả quan đối với cổ phiếu SAS và khuyến nghị mua cổ phiếu SAS tại vùng giá 25.000-27.000 đồng/cp với mục tiêu trung và dài hạn.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục