Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/12

PVT: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – HSX) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2015: doanh thu thuần đạt 5.695 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,5% đạt mức 412 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2014, PVT thanh lý tàu FSO Kamari và ghi nhận 83 tỷ đồng lợi nhuận đột biến. Nếu loại trừ khoản mục này thì lợi nhuận trước thuế tăng 27,9% trong năm 2015. Với kết quả này, PVT đã đạt được 216% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015 của ban quản trị công ty.

PVT đã ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong quý 4/2015 với lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 160 tỷ đồng, tăng 210% so với quý trước. Trước đó, trong báo cáo cập nhật gần đây nhất, chúng tôi cũng có nhận định rằng lợi nhuận PVT sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 4/2015, do công ty sẽ không phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá nhờ tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại trong quý.

Kết quả tốt này nằm trong kỳ vọng của chúng tôi, do đó chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ và giá mục tiêu là 10.800 đồng/cổ phiếu. Phiên cuối tuần trước (25/12), giá cổ phiếu tăng 5,3%, đóng cửa ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E là 8,6 lần và P/B là 0,8 lần.

TCM: Sẽ đưa ra khuyến nghị sau

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2015. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 2.773 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 144 tỷ đồng, giảm 14,5% và thấp hơn dự phóng của chúng tôi (177 tỷ đồng). Trong đó, TCM chỉ ghi nhận 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2015, giảm 73,6% so với quý trước.

Đối với năm 2016, TCM đặt mục tiêu đạt 3.264 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,7%, và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 11,3%. Chúng tôi sẽ cập nhật dự phóng và khuyến nghị cho TCM trong báo cáo sắp tới.

MSN: Sẽ đưa ra khuyến nghị sau

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Tập đoàn Masan - Masan Group (mã MSN) vừa ký kết hợp tác chiến lược với Singha Asia Holdings Pte. Ltd (Singha), một tập đoàn Thái Lan sản xuất bia Singha và các sản phẩm thực phẩm và nước giải khát khác.

Cụ thể, Singha sẽ mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings (MCH) và 33,3% cổ phần của Masan Brewery. Theo chúng tôi được biết, trước Masan Brewery, Singha đã bày tỏ sự quan tâm với Sabeco, thuộc sở hữu của nhà nước và là nhà sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, Sabeco lại không muốn có cổ đông nước ngoài.

Thương vụ này có trị giá 1,1 tỷ USD, trong đó 1,05 tỷ USD là dành cho 25% cổ phần của MCH, tương ứng với mức P/E năm 2015 cho MCH dự phóng khoảng 31 lần. Giao dịch dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2016, lượng tiền mặt mới sẽ dùng để tái đầu tư vào các thương hiệu và nền tảng cho mảng tiêu dùng.

Thông qua thỏa thuận này, MSN cũng có kế hoạch tận dụng nền tảng phân phối vững chắc của Singha và mở rộng mảng tiêu dùng của mình sang các nước lân cận, bắt đầu với Thái Lan, và cũng xem xét Myanmar, Campuchia và Lào. Theo công ty, xuất khẩu hiện nay chỉ mới chiếm khoảng 1,5% doanh thu mảng tiêu dùng.

Sau khi giao dịch được hoàn tất, MSN sẽ sở hữu 75% cổ phần của MCH và 66,7% của Masan Brewery.

Chúng tôi nhận định tích cực về thông tin này, và trong phiên cuối tuần trước (25/12), giá cổ phiếu đã đóng cửa ở mức trần là 75.000 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi sẽ cập nhật mức giá mục tiêu và khuyến nghị cho MSN trong báo cáo sắp tới.

FPT: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) cho biết, 11 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần đạt 35.886 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và hoàn thành 91% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 86% kế hoạch năm.

Giải trình nguyên nhân chính của sự chênh lệch tăng trưởng giữa doanh thu thuần và lợi nhuận là do

(1) Mảng Tích hợp: chi phí nhập khẩu thiết bị phần cứng tăng lên do VND mất giá cùng với tỷ suất lợi nhuận thấp với các dự án phần cứng là nguyên nhân của sự suy giảm lợi nhuận trước thuế - giảm 44% so với cùng kỳ;

(2) Mảng dịch vụ Viễn thông: Chi phí liên quan đến quang hóa trong năm 2015 phần lớn được ghi nhận trực tiếp vào chi phí thay vì được vốn hóa;

(3) Mảng Phân phối: lợi nhuận trước thuế từ phân phối mobile giảm 2% yoy do Apple áp dụng chính sách mới và suy giảm từ sản phẩm Microsoft.

Với EPS 2015 ước tính đạt 4.500 đồng/cp, ngày 18/12/2015, cổ phiếu FPT được giao dịch với giá 48.900 đồng, tương đương PE 2015 = 10,64x. Mức tương đối hấp dẫn khi so sánh với PE trung bình của Ngành công nghệ thông tin Viễn thông toàn cầu là 28,13 và PE trung vị là 14,94. Vì vậy, chúng tôi duy trì khuyến nghị Mua trung và dài hạn cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 56.186 đồng/cp.

CEO: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

9 tháng đầu năm 2015, CTCP C.E.O (CEO – sàn HNX) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, với doanh thu đạt 345,7 tỷ đồng, tăng 77,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 95,1 tỷ đồng, tăng 171,1% so với cùng kỳ.

Năm 2015, CEO có thể đạt khoảng 800 tỷ đồng doanh thu và 185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, không đạt kế hoạch doanh thu (1.000 tỷ đồng) nhưng vượt 10% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (167 tỷ đồng). Phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ chuyển nhượng phân khu SR1 và SR2 thuộc dự án Sonasea Villas & Resorts (CEO sở hữu 60%).

Bên cạnh đó, tổng quỹ đất của CEO đến năm 2015 có khoảng 764 héc-ta, bao gồm nhiều dự án có vị trí thuận lợi để phát triển những sản phẩm phù hợp với các nhu cầu khác nhau của thị trường bất động sản: đất nền, nhà vườn, biệt thự, căn hộ chung cư, văn phòng cho thuê, nghỉ dưỡng.

Chúng tôi đánh giá cao giá trị và triển vọng thành công của nhóm dự án tại Phú Quốc và nhóm dự án này sẽ đóng góp phần lớn doanh thu của CEO trong giai đoạn 2015 - 2018. Trong giai đoạn này, CEO có triển vọng tăng trưởng doanh thu 50% trong năm 2016 và 10%/năm trong 2 năm tiếp theo.

Với EPS forward 2015 là 2.040 đồng/cp, P/E forward sẽ là 7,2 lần, thấp hơn mức trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng giá trị hợp lý của CEO vào khoảng 17.695 đồng/cp kèm theo triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong 3 năm tới, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA cổ phiếu CEO.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục