Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm trước phiên 27/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/5

TMP: PE xấp xỉ trung bình ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (TMP) ghi nhận tăng trưởng cao trong quý I với doanh thu tăng 22,0% cùng kỳ đạt 96,8 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 120,9% cùng kỳ, đạt 19,5 tỷ đồng. So với năm 2013 khá khó khăn đối với các công ty thuỷ điện, tình hình thuỷ văn năm nay được dự báo sẽ thuận lợi hơn. Nhờ đó, sản lượng điện trong quý I của TMP đã tăng 10,6% cùng kỳ đạt 156 triệu kWh. Đồng thời, giá bán điện trong quý ước tính tăng khoảng 12% cùng kỳ do TMP bắt đầu tham gia thị trường điện cạnh tranh từ quý II/2013.

Doanh thu tăng 22% cùng kỳ, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh chỉ tăng 12,6% cùng kỳ, giúp lợi nhuận hoạt động tăng 45,9% cùng kỳ, đạt 32,5 tỷ đồng và lợi nhuận biên hoạt động cải thiện đáng kể lên 33,6% so với 28,1% trong quý 1/2013. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm 30% cùng kỳ do nợ vay giảm 17,8% cùng kỳ cũng giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng 120,9% cùng kỳ.

TMP sẽ tổ chức Đại hội cổ đông 2014 vào ngày 6/6/2014 sắp tới, trong đó dự kiến sẽ trình và thông qua một số nội dung:

Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 với sản lượng điện 741 triệu kWh, doanh thu 386,38 tỷ và lợi nhuận sau thuế 69,75 tỷ. Đây là kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty mẹ, chưa tính đến công ty con là CTCP Thuỷ điện Đakrơsa (công suất 9,9MW ở Gia Lai) mà TMP nắm giữ 61,52%. Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 của công ty mẹ vẫn dựa vào giá bán điện tạm tính bằng giá 2013 do chưa có giá điện cho năm 2014.

Dự kiến trả cổ tức 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% mệnh giá (2.000 đồng/cổphiếu).

Trong năm 2014, TMP sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Thác Mơ mở rộng với công suất 75MW vào quý 2 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Ngoài ra, TMP sẽ góp thêm 10 tỷ đồng vào CTCP Mỹ Hưng Tây Nguyên (công ty con mà TMP nắm giữ 99,92% cổ phần) để tiếp tục thực hiện dự án thuỷ điện Đại Nga (tỉnh Lâm Đồng) với công suất 10MW, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

Theo chúng tôi, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 của TMP như vậy là khá thận trọng và có thể do giá bán điện 2014 vẫn chưa phê duyệt. Trong quý I/2014, công ty mẹ đã ghi nhận doanh thu 85,5 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 17,8 tỷ đồng, đạt hơn 20% kế hoạch dự kiến trong khi theo chu kỳ sản xuất của công ty, quý 1 thường là quý có KQKD thấp nhất với lợi nhuận ròng quý 1 thường đóng góp ít hơn 10% vào lợi nhuận ròng cả năm.

Về kế hoạch trả cổ tức, tỷ đồng lệ 20% là cao hơn so với các năm trước, nếu được thông qua thì tỷ đồng suất cổ tức sẽ đạt 10,3%, là mức cao trên thị trường. Cổ phiếu TMP giao dịch với PE 8,7x, xấp xỉ P/E trung bình ngành 8,5x.

SAM: Khuyến nghị THEO DÕI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Doanh thu thuần năm 2013 đạt 994 tỷ đồng (+11 so với năm trước) và lợi nhuận ròng đạt 120 tỷ đồng (+14% so với năm trước). Mặc dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng khá tốt, SAM đã không hoàn thành kế hoạch năm: doanh thu chỉ đạt 95% trong khi lợi nhuận đạt 85% kế hoạch.

ĐHĐCĐ năm 2014 đã thông qua kế hoạch doanh thu 1.243 tỷ đồng (+25% so với năm trước) trong đó, doanh thu từ mảng dây và cáp dự kiến đạt 1.044 tỷ đồng (+4,4% so với năm trước), chiếm 84% tổng doanh thu, mảng bất động sản là 155 tỷ đồng (+168% so với năm trước), mảng hoạt động tài chính là 38 tỷ đồng (-8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng (tương đương năm 2013) với lợi nhuận đóng góp từ mảng dây và cáp là 80 tỷ đồng (+26% so với năm trước), mảng bất động sản là 7 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 8,6 tỷ đồng) và mảng hoạt động tài chính đạt 48 tỷ đồng (-40% so với năm trước).

Doanh thu hợp nhất  quý I/2014 đạt 352 tỷ đồng (+64% so với cùng kỳ) với sự tăng trưởng mạnh ở mảng kinh doanh dây và cáp. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 14 tỷ đồng (-56 so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,6% xuống còn 9,4% và hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính giảm mạnh từ 40 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2014 của SAM sẽ đạt 1.243 tỷ đồng bằng kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng (-14% so với cùng kỳ năm trước).

Có thể thấy rằng chỉ tiêu kinh doanh của SAM trong năm 2014 được đưa ra khá thận trọng với mức lợi nhuận được duy trì tương đương năm 2013, tuy nhiên đây vẫn là mục tiêu khá thách thức. Ngoài mảng dây và cáp được kỳ vọng tăng trưởng tốt, lợi nhuận từ mảng hoạt động tài chính (đóng góp gần 50% lợi nhuận trong năm 2013) sẽ sụt giảm mạnh khi SAM đã bán phần lớn danh mục đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập dự phòng tài chính cũng sẽ giảm mạnh; trong khi đó, mảng bất động sản vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc khi năm 2013 chỉ hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và lỗ 8,6 tỷ đồng. Các dự án bất động sản hiện đã chiếm 60% tổng tài sản của Công ty nhưng vẫn ở cấp độ tiềm năng, chưa có nhiều đột phá trong năm nay.

Điểm tích cực là Công ty có nguồn vốn chủ lớn và ít sử dụng nợ nên sẽ không chịu nhiều áp lực lãi vay dù các dự án chiến lược vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Với lợi nhuận trước thuế năm 2014 theo ước tính của chúng tôi sẽ vào khoảng 125,8 tỷ đồng, thuế suất trung bình trong 2 năm gần nhất là 18%, như vậy lãi ròng năm 2014 sẽ đạt khoảng 103,2 tỷ đồng (giảm 14% so với năm 2013), EPS tương ứng đạt 789 đồng/cp, P/E forward đạt 11 lần, đây là mức P/E không quá cao. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh chưa có nhiều đột biến, thậm chí có thể suy giảm so với năm 2013, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu SAM.

>> Tải báo cáo

HT1: Khuyến nghị Nắm Giữ

CTCK BIDV (BSC)

Ngành xi măng luôn bị đánh giá tiêu cực do cung vượt cầu trong 3 năm qua, nhưng đã có những cải thiện đầu tiên. Tổng công suất sản xuất toàn ngành năm 2013 đạt 73 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ xi măng ước đạt 61 triệu tấn.

Quý I/2014 tiêu thụ xi măng tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Xuất khẩu tăng mạnh để cân bằng cung cầu - với giá xuất khẩu hiện tại vẫn mang lại lợi nhuận cho các công ty xi măng.

Giá xi măng VICEM được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014. Động lực tăng giá đến từ việc VICEM phải cổ phần hóa trước năm 2016. Trong khi việc tăng giá sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh của VICEM. Đồng thời CPI đang ở mức thấp nhất trong 13 năm, cùng với tiêu thụ phục hồi, sẽ thuận lợi cho việc giá xi măng tăng trong năm 2014.

CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) là công ty xi măng lớn nhất và có hoạt động kinh doanh cốt lõi khá tốt. Với công suất 6,8 triệu tấn xi măng/năm và sản lượng tiêu thụ 5,2 triệu tấn năm 2013, HT1 là công ty lớn nhất trong ngành xi măng, chiếm 8,05 thị phần xi măng cả nước. Hai động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của HT1 là tăng trưởng sản lượng và tăng giá xi măng.

Với mức sản xuất hiện tại chỉ bằng 70% công suất thì khi cầu xi măng tăng, lượng tiêu thụ của HT1 sẽ tăng mạnh và mang lại doanh thu rất lớn cho công ty. Doanh thu của công ty tăng trưởng bình quân 20% trong 5 năm qua.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi khá tốt với biên lợi nhuận đạt khoảng 16% tạo ra dòng lợi nhuận lớn và ổn định cho công ty.

Rủi ro lớn nhất đến từ vay nợ chi phí tài chính lớn làm cho lợi nhuận ròng thấp. Do vay nợ nhiều và một phần lớn vay nợ bằng ngoại tệ, nên Công ty đang phải gánh chịu chi phí lãi vay lớn và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hàng năm. Phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính dùng để trả chi phí tài chính nên lợi nhuận ròng ở mức rất thấp.

Năm 2013, lợi nhuận hoạt động đạt 1014 tỷ trong khi chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá là 1057 tỷ, lợi nhuận ròng chỉ đạt 2,5 tỷ đồng.

HT1 là doanh nghiệp lớn nhất ngành xi măng, và đang có cơ hội phục hồi khi triển vọng chung của ngành đang được cải thiện. Chúng tôi khuyến, nghị nắm giữ cổ phiếu HT1 với giá kỳ vọng trong 12 tháng tới là 11.763 đồng.

>> Tải báo cáo

TL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục