Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/5

Khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu mới là 47.000 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2021, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.788 tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 131 tỷ đồng (giảm 13,5%), tương đương hoàn thành 20,7% và 18,7% kế hoạch kinh doanh.

Sản phẩm phi lê cá tra chưa cho thấy sự phục hồi với doanh thu đạt 1.199 tỷ (giảm 1%): VHC tăng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá bán thấp hơn thị trường Mỹ. Đồng thời, sản phẩm Collagen và Gelatin có tốc độ tăng trưởng chậm so với quá khứ khi nhu cầu tiêu thụ Gelatin chưa hồi phục.

Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển tăng mạnh khi VHC tăng chi phí vận chuyển, lưu kho trong kỳ lên 76 tỷ đồng (tăng trưởng 181%).

Năm 2021, VHC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 8.600 tỷ đồng (tăng 22% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng (giảm 2,6%)

Năm 2021, BSC dự báo năm 2021 doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VHC lần lượt đạt 8.348 tỷ đồng (tăng 18,6% so với năm ngoái) và 872 tỷ đồng (tăng trưởng 23,7%). EPS 2021 là 4,745, tương đương với P/E fw là 8.3.

Chúng tôi nâng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu mới là 47.000 đồng/CP (tăng 19,3% so với mức giá ngày 24/05/2021), cao hơn 20% so với giá mục tiêu cũ sau khi (i) kỳ vọng hoạt động kinh doanh hồi phục từ mức nền thấp (ii) tăng mức P/E mục tiêu từ 6.5 lên 9.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FMC nằm tại mức 37

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn giảm trung hạn từ nửa cuối tháng 3 đến hết tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang giữ giá trị ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FMC nằm tại khu vực xung quanh 33. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 37, cắt lỗ nếu ngưỡng 32.15 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VTP với giá mục tiêu 131.900 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VTP với giá mục tiêu 131.900 đồng/CP trên cơ sở (i) tận dụng tối ưu các cửa hàng Viettel làm nơi giao nhận hàng, (ii) mở rộng tệp khách hàng cá nhân và SME, (iii) phát triển các trung tâm logistic.

Bên cạnh đó, lợi thế của VTP là làm chủ công nghệ, xây dựng core chính nên giá đầu tư công nghệ thấp hơn so với các đối thủ, chỉ chiếm 60% so với các bên khác. VTP đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, kỳ vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm 2021 hoặc năm 2022.

Giá mục tiêu được xác định dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward 21,7 lần.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTR

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) từ khả quan lên mua khi giá cổ phiếu CTR đã điều chỉnh 18% trong 3 tháng qua. Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với khả năng của CTR trong việc tận dụng đà tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng của Việt Nam, nhờ mảng cho thuê hạ tầng (towerco) hấp dẫn.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 5% khi chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022 trong khi giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản còn 12,5%. Các điều chỉnh này một phần bị ảnh hưởng bởi mức giảm 2% trong dự báo tổng EBITDA giai đoạn 2021- 2023 do chi phí xây dựng và chi phí trạm cao hơn trong bối cảnh giá thép đầu vào tăng.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA đạt 32% trong giai đoạn 2020-2023, dẫn dắt bởi CAGR mảng towerco đạt 128% khi chúng tôi dự phóng CTR sẽ mở rộng số lượng trạm viễn thông của công ty từ 1.100 vào cuối năm 2020 lên 6.000 vào cuối năm 2023. Chúng tôi dự báo mảng towerco sẽ gia tăng đóng góp EBITDA từ 9% trong năm 2020 lên 47% trong năm 2023.

Giá mục tiêu của chúng tôi dựa theo định giá chiết khấu dòng tiền DCF và EV/EBITDA. Chúng tôi duy trì EV/EBITDA mục tiêu ở mức 16 lần đối với mảng towerco (cao hơn 10% so với mức trung bình 5 năm của các công ty towerco tại Châu Á mới nổi) và 7-9 lần đối với các mảng kinh doanh khác.

Yếu tố hỗ trợ: Hiện thực hóa kế hoạch của Tập đoàn Viettel (Viettel – công ty mẹ của CTR) chuyển giao 10.000 trong số 40.000 trạm viễn thông hiện có sang CTR trong giai đoạn 2021- 2025; triển khai 5G nhanh chóng thúc đẩy nhu cầu small cell.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: tăng trưởng tiêu thụ dữ liệu di động chậm; Viettel ưu tiên tự sở hữu trạm viễn thông thay vì thuê ngoài từ CTR; các nhà khai thác mạng di động khác không muốn chia sẻ trạm viễn thông.

Khuyến nghị khả quan dành cho GMD với giá mục tiêu 42.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Gemadept (GMD) từ phù hợp thị trường lên khả quan và nâng giá mục tiêu của chúng tôi thêm 27% lên 42.000 đồng/cổ phiếu.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi ghi nhận thêm dự án Gemalink giai đoạn 2 vào dự phóng cũng như dự báo tích cực hơn của chúng tôi cho Gemalink và mảng vận hành cảng. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi cũng được ảnh hưởng tích cực bởi cập nhật giá mục tiêu tới giữa năm 2022 và WACC thấp hơn 0,5 điểm %.

Theo sau thay đổi dự báo của chúng tôi cho Gemalink Giai đoạn 1 và mảng vận hành cảng, chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số lần lượt 12%/10%/3% trong năm 2021/2022/2023. Bên cạnh đó, chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số thêm tổng cộng 25% trong giai đoạn 2024-2030 để phản ánh đóng góp từ Gemalink Giai đoạn 2.

Chúng tôi hiện giả định Gemalink Giai đoạn 1 sẽ lắp đầy công suất 1,5 triệu TEU trong năm 2022 so với dự báo trước đây là năm 2023. Thêm vào đó, chúng tôi kỳ vọng Gemalink Giai đoạn 2 sẽ cung cấp thêm 900.000 TEU công suất từ năm 2023 và hoạt động đầy công suất từ năm 2025.

Trong năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 494 tỷ đồng (tăng trưởng 35%). Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng vận hành cảng của GMD và công ty liên kết, phục hồi từ mức cơ sở thấp trong năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng GMD là công ty hưởng lợi chính từ hoạt động sản xuất gia tăng tại Việt Nam. Mặc dù GMD đang giao dịch ở mức P/E trượt 29,4 lần - khoảng 99% cao hơn so với công ty cùng ngành - chúng tôi kỳ vọng GMD sẽ đạt được tăng trưởng cao trong 3 năm tới, chủ yếu được dẫn dắt bởi cảng nước sâu Gemalink. Chúng tôi ước tính GMD đạt PEG 0,9 lần trong giai đoạn 2020-2023.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Tăng trưởng sản lượng thông cảng và/hoặc phí dịch vụ thấp hơn dự kiến; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở Việt Nam chậm hơn dự kiến.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục