Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích một số cổ phiếu đáng quan tâm cho phiên 27/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/1

PHR: Duy trì khuyến nghị GIỮ

(CTCK Maybank KimEng – MBKE)

Doanh thu 2013 đạt 3.134 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ chủ yếu do sản lượng xuất khẩu tăng. Lợi nhuận gộp biên tăng từ 23,2% trong năm 2012 lên 26,7% trong năm 2013 chủ yếu là do giá cao su (chiếm 58% CP sản xuất) bình quân đã giảm 8,0% cùng kỳ.

Hoạt động tài chính cải thiện tốt với thu nhập tài chính tăng gần 6x lên 45,3 tỷ đồng do trong kỳ CSM đã thoái vốn 956.000 cổ phiếu PHR và chi phí tài chính giảm 7,8% cùng kỳ còn 101,9 tỷ đồng do chi phí lãi vay giảm 47,5% cùng kỳ. Lợi nhuận ròng năm 2013 tăng 42,1% cùng kỳ, đạt 360,6 tỷ đồng.

Đòn bẩy tài chính tăng. Đến cuối quý IV/2013, nợ dài hạn tăng 4 lần so với cùng kỳ lên 813 tỷ đồng khiến cho tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể từ 57,1% cuối quý IV/2012 lên 100% cuối quý IV/2013. CSM tăng cường vay nợ chủ yếu là tài trợ cho giai đoạn 1 dự án lốp radian toàn thép. Đến cuối IV/2013, CSM đã giải ngân 1.094 tỷ đồng, tăng từ mức 108,9 tỷ đồng hồi đầu năm. Đòn bẩy tài chính tăng sẽ gây áp lực lên chi phí tài chính 2014. Do đó, chúng tôi dự báo chi phí tài chính năm 2014 của CSM sẽ tăng 80,5% cùng kỳ lên 182,3 tỷ đồng.

Nhà máy lốp Radian toàn thép sẽ sản xuất thương mại từ tháng3/2014. Nhà máy có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 350.000 lốp/năm (tổng công suất thiết kế 1 triệu lốp/năm cho 3 giai đoạn).

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.500 tỷ, thấp hơn ước tính ban đầu 500 tỷ nhờ chi phí tài chính và giá máy móc thiết bị sụt giảm mạnh. Nhà máy chạy thử từ tháng 11/2013 và sẽ sản xuất thương mại từ tháng 3/2014, ước đạt khoảng 50% công suất thiết kế, đóng góp hơn 880 tỷ đồng doanh thu trong năm 2014.

Chúng tôi ước tính nhà máy mới sẽ giúp lợi nhuận ròng của CSM đạt tăng trưởng kép (CAGR) 12,7% trong giai đoạn (2013-2017).

CSM hiện chiếm khoảng 33% thị phần săm lốp nói chung, cách khá xa so với công ty săm lốp thứ hai là DRC với 25% thị phần. Trong đó, CSM vượt trội trong phân khúc săm lốp ô tô (25% thị phần), xe máy (35% thị phần).

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần năm 2014 tăng 35% cùng kỳ đạt 4.238 tỷ đồng chủ yếu do đóng góp của nhà máy lốp radian toàn thép mới. Trong khi đó, lợi nhuận ròng giảm 6,5% cùng kỳ xuống còn 337 tỷ đồng (xem trang sau). CSM đang giao dịch tại P/E kỳ vọng 2014 là 7,8x, xấp xỉ trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng đây là mức giá hợp lý xét về triển vọng trung và dài hạn của nhà máy lốp radian toàn thép và vị thế dẫn đầu của CSM trong ngành. Duy trì khuyến nghị GIỮ.

BID sẽ hạn chế việc trả cổ tức bằng tiền mặt

(CTCK Maybank KimEng – MBKE)

BIDV đưa 2,8 tỷ cổ phiếu niêm yết trên HOSE với mã là BID. Ngày giao dịch đầu tiên là 24/1/2014, giá tham chiếu khi chào sàn là 18.700đ/cp, hơi cao hơn giá IPO bình quân (18.533 đ/cp). Với mức giá này, định giá của BID khá cao với P/B kỳ vọng là 1,45 lần và P/E là 11,2 lần, so với bình quân ngành đang ở mức 1,2 lần P/B.

Tính đến 30/9/2013, BID đạt 4.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 86% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần đóng góp gần 76,7% tổng thu nhập của BID. Tăng trưởng tín dụng trong kỳ đạt 9,8% với dư nợ trung và dài hạn chiếm hơn 44% tổng dư nợ của BID. Tỷ lệ lãi biên của ngân hàng giảm còn 2,7% do mặt bằng lãi suất giảm và BID là một trong số các ngân hàng chịu áp lực điều hành của SBV khá lớn. Lợi nhuận ròng đạt 3.101,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của BIDV qua các năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng này luôn được duy trì dưới 3%. Tính đến cuối T9/2013, tỷ lệ nợ xấu của BID là 2,54%, thấp hơn 37 điểm cơ bản so với cuối năm 2012.

Trong năm 2013, BID ước xử lý khoảng 3000 tỷ đồng nợ xấu để duy trì tỷ lệ này dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nói chung và của BID nói riêng, còn chịu nhiều áp lực trong vài năm tới, khi thong tu 02 được áp dụng.

Trong năm 2014, BID đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tối thiểu 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 2,6%. ROE và ROA giảm nhẹ do BID có kế hoạch tăng vốn theo lộ trình đến 2015 đạt 40.917 tỷ đồng. Tuy nhiên, nói về triển vọng 2015, BID khá tham vọng khi đặt kế hoạch tăng lợi nhuận sau thuế lên hơn 8.500 tỷ đồng và tổng tài sản tăng hơn 73% so với cuối quý III/2013 lên hơn 900 ngàn tỷ đồng. BID kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi sẽ đạt 17-20% năm trong tương lai.

BID đã chi trả cổ tức cho năm 2012 với tỷ lệ là 10,8% vốn điều lệ. Trong đó cổ tức tiền mặt là 2,269% vốn điều lệ và cổ tức bằng cổ phiếu đợt 1 là 4,528% vốn điều lệ, đã được chi trả trong tháng 7/2013. BID cũng đưa kế hoạch cổ tức cho năm 2013 và 2014 là 8-9% vốn điều lệ. Với kế hoạch tăng vốn thêm hơn 45% so với hiện tại, chúng tôi cho rằng, BID sẽ hạn chế việc trả cổ tức bằng tiền mặt mà thay vào đó sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu.

DHG: Bán thương hiệu Eugica đem lại lợi nhuận 127 tỷ đồng

(CTCK Sài Gòn – SSI)

DHG đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2013, trong đó doanh thu thuần và lợi nhuận ròng tăng 20,3% và 20,8%. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp giảm và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 16% lên 24,1%, DHG vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận ròng 16,8% nhờ khoản lợi nhuận 127 tỷ đồng từ bán thương hiệu Eugica. Việc xây dựng nhà máy mới gần như đã hoàn tất. Năm 2014, chúng tôi dự báo doanh thu thuần của DHG sẽ đạt 4.230 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm trước, và lợi nhuận ròng sẽ đạt 619 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm trước, tương ứng EPS là 9.369 đồng.

TLH: Khuyến nghị MUA trong năm 2014

(CTCK FPT - FPTS)

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 đạt 2.174 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng. Dự báo cả năm 2013, TLH sẽ đạt 2.850 tỷ đồng doanh thu thuần và 145 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 81,1% kế hoạch doanh thu, vượt 43,6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận sau thuế năm 2013 khả quan chủ yếu do TLH hoàn nhập dự phòng tài chính khi nhận sáp nhập Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến (PHT) và đến từ thu nhập khác.

Nhà máy thép hình Bắc Nam đã được hoàn thành trong tháng 12/2013, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 2/2014 sẽ giúp TLH cung cấp trực tiếp các sản phẩm thép hình cỡ lớn mà không phải nhập khẩu như trước đây, giúp TLH cải thiện lợi nhuận gộp trong thời gian tới.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 5,1%, cải thiện đáng kể so với mức 1,5% của năm 2012. Tuy nhiên, con số này không phản ánh thực sự chính sách hiệu quả kinh doanh vì phần lớn lợi nhuận đến từ việc nhận chuyển nhượng PHT.

Theo ước lượng của tôi, lợi nhuận sau thuế năm 2014 của TLH có thể đạt 95 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận gộp được cải thiện khi nhà máy thép hình Bắc Nam đi vào hoạt động trong tháng 2/2014. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 2,8%.

TLH hầu như không vay dài hạn. Việc đầu tư xây dựng nhà máy, mua máy móc thiết bị chủ yếu đến từ nguồn vốn chủ sở hữu, giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động cho TLH khi nền kinh tế biến động tiêu cực.

Trong 3 năm sắp tới, TLH dự kiến huy động vốn lớn từ các cổ đông sáng lập để bổ sung nguồn vốn lưu động bằng tiền. Số tiền được phân bổ qua các năm từ 2014 đến 2016. Cụ thể: năm 2014: 250 tỷ đồng, năm 2015: 200 tỷ đồng, năm 2016: 150 tỷ đồng. Các cổ đông sang lập dự kiến sẽ cho TLH vay nợ không lãi suất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho công ty khi Nhà máy thép Bắc Nam đi vào hoạt động. Việc huy động vốn từ cổ đông sáng lập sẽ giúp TLH cải thiện cơ cấu vốn tích cực, giảm thiểu chi phí lãi vay và tăng hiệu quả hoạt động.

Khuyến nghị: Hiệu quả hoạt động của TLH giảm dần trong 3 năm gần nhất do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường xây dựng và bất động sản không khởi sắc. Bện cạnh đó, do không có quy trình sản xuất khép kín và kinh doanh thương mại chiếm tỷ trọng lớn nên tỷ suất lợi nhuận gộp của TLH thời gian qua không cao và có xu hướng giảm. Tình hình sẽ khả quan hơn trong năm 2014 khi đi vào vận hành nhà máy thép hình Bắc Nam và nhận được nguồn vồn lưu động không lãi suất từ các cổ đông sáng lập.

Với những dự báo thận trọng, lợi nhuận sau thuế của TLH năm 2014 là 95 tỷ đồng tương ứng với EPS 1.270 VND/cổ phiếu. Chúng tôi đánh giá khả quan đối với cổ phiếu TLH và khuyến nghị MUA trong năm 2014. Mức giá mục tiêu trong cho năm 2014 là 10.200 VND tương ứng với P/E forward 2014 là 8.

ANV: MUA để đầu tư dài hạn

(CTCK FPT - FPTS)

Xét trong dài hạn, ANV vẫn có nhiều cơ hội để cải thiện doanh thu và lợi nhuận do công ty là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành cá tra có quy trình sản xuất khép kín và đang dần chiếm thị phần của các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Với dự phóng FCFF giá mục tiêu cho 12 tháng tới là 10.551 đồng, cao hơn giá hiện tại là 18,6%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA để đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu này.

Rủi ro chính khi đầu tư ANV đó là nguy cơ bị Mỹ áp thuế CBPG cao trong các năm tới, khiến công ty không thể xuất khẩu vào Mỹ trong tương lai. Rủi ro này có nguy cơ xảy ra từ cuối tháng 3/2014 khi Mỹ có quyết định chính thức mức thuế CBPG POR 9.

Hoạt động kinh doanh 2013 có nhiều cải thiện so với năm 2012. Doanh thu thuần dự kiến đạt 2.409 tỷ đồng, tăng 37,9%; lợi nhuận trước thuế 45,3 tỷ đồng, tăng 78,1% so với năm 2012, tương ứng EPS đạt mức 644 đồng.

Nam Việt hiện là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ tư ở Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 101,7 triệu USD. Thị trường tiêu thụ trải dài ở nhiều nước, nhưng nhiều nhất là ở các nước Châu Mỹ, Châu Á. Trong khi Mỹ là thị trường Nam Việt vừa tham gia xuất khẩu trong năm 2013 này, nhưng có nguy cơ sẽ không còn được xuất khẩu vào đây từ năm 2014 do bị áp thuế CBPG cao.

Nam Việt đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư vùng nuôi 150 ha và nhà máy thức ăn 200.000 tấn/năm trong năm 2012 – 2013, nhằm khép kín quy trình sản xuất và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho quá trình phát triển lâu dài của công ty (hiện vùng nuôi có thể đáp ứng 70% nhu cầu chế biến của công ty)

Nam Việt từng là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước năm 2007 – 2008, nhưng bắt đầu suy yếu từ 2009 - 2012 do bị mất thị trường chủ lực Nga. Lợi nhuận của công ty liên tục sụt giảm cùng với sự suy giảm dần của doanh thu. Ngoài ra, hoạt động đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào khoáng sản cũng đã làm tiêu tốn nhiều nguồn lực của công ty từ 2009 - 2012.

Dự báo tăng trưởng: lợi nhuận trước thuế năm 2014 dự báo sẽ giảm 11% so với 2013 do lo ngại công ty sẽ không còn được xuất khẩu vào Mỹ từ cuối tháng 3/2014. Giai đoạn 2015 - 2020, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng bình quân 23,7%/năm, do doanh thu dự báo tăng trưởng bình quân 6,8%/năm và tỷ suất lợi nhuận trước thuế dự báo sẽ cải thiện dần từ 2,6% lên 4,0%.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục