Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/8

Mục tiêu chốt lãi của DRC tại xung quanh giá 18.1

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DRC của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng đang ở trong trạng thái tăng giá ngắn hạn sau khi có sự điều chỉnh nhẹ vào phiên Thứ Sáu tuần trước (21/8). Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị ổn định.

Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.

Hôm nay 26/8, các đường EMA xuất hiện Golden Cross, đồng thời chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua, nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DRC nằm tại khu vực 16.8. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 18.1, cắt lỗ nếu ngưỡng 16 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP

CTCK MB (MBS)

Dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh và dòng tiền ổn định với 43% thị phần tại miền Nam và 28% thị phần trên cả nước trong phân khúc sản xuất ống nhựa xây dựng, chúng tôi dự phóng BMP có khả năng duy trì tỷ suất cổ tức 9%/năm với tỷ lệ chia cổ tức/lợi nhuận ròng đạt 77%, đồng thời khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BMP.

Doanh nghiệp ghi nhận 1.251 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2020, tăng nhẹ 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ (i) sản lượng bán hàng tăng 3% lên 29.760 tấn – mức tiêu thụ quý cao nhất, và (ii) giá bán bình quân tăng 2,8% lên 42,2 triệu/tấn.

Biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện, đạt 28,2%, cao hơn mức 23,2% trong quý II/2019 trong bối cảnh giá PVC duy trì ở mức thấp, trong đó giảm đáng kể trong tháng 4/2020, từ 850 USD/tấn xuống còn khoảng 650 USD/tấn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất/sản phẩm cũng giảm đáng kể nhờ doanh nghiệp tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, giúp lợi nhuận sau thuế quý II đạt 155 tỷ đồng, cao hơn 32% so với mức lợi nhuận 117 tỷ đồng năm ngoái, tương ứng với biên lợi nhuận ròng tăng từ 9,9% lên 12,4%.

Cần lưu ý rằng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh 38,6% so với cùng kỳ khi doanh nghiệp tăng chiết khấu cho hệ thống phân phối nhằm gia tăng thị phần và đẩy mạnh doanh thu.

Lũy kế 6 tháng năm 2020, doanh thu tăng 7,7% lên 2.271 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 23,4% lên 257 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh, bù đắp phần tăng chi phí chiết khấu cho các hệ thống phân phối. Sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm 2020 đạt 54.000 tấn, tăng 6,3% n/n, trong đó sản lượng ống PVC chiếm 92%.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận đưa ra đầu năm.

Chúng tôi nhận thấy rằng giá PVC đã và đang hồi phục kể từ sau dịch trong bối cảnh nguồn cung thấp và nhu cầu cao. Mặc dù BMP đã chủ động tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ nhiều hơn so với mức bình thường là 1,5 – 2 tháng, theo chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng tác động từ giá đầu vào thấp sẽ suy yếu 1 phần trong 6 tháng cuối năm.

Giai đoạn 2021 – 2025, lợi nhuận ròng dự phóng đạt 513 tỷ đồng/năm. Chúng tôi dự phóng doanh thu tăng bình quân 5,4%/năm chủ yếu từ sự gia tăng 7%/năm của sản lượng tiêu thụ.

Phân khúc xây dựng dân dụng, theo CBRE, được dự báo sẽ chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính sách siết chặt tín dụng đối với ngành bất động sản.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong thị trường ống nhựa xây dựng ngày càng cao với sự tham gia của các đối thủ lớn Hoa Sen và Tân Đại Thành từ 2017. Vì vậy, với quy mô thị phần lớn như BMP, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ khó có khả năng bứt phá và chỉ tăng trưởng theo mức chung của ngành.

Biên lợi nhuận ròng giảm từ 24% trong 2021 về mức 22,6% trong 2025. Các hợp đồng tương lai thể hiện giá dầu Brent trong xu hướng tăng nhẹ từ mức 45 USD/thùng (2021) lên mức 55 USD/thùng (2025). Tương ứng với sự cải thiện của giá dầu, chúng tôi cho rằng giá PVC cũng dịch chuyển từ 900 USD/tấn lên mức 940 USD/tấn trong cùng giai đoạn.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SAB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) khi chúng tôi giữ quan điểm tích cực đối với tiềm năng cải thiện hiệu quả kinh doanh cốt lõi của SAB, dựa trên đội ngũ ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm cũng như đà phục hồi kinh doanh từ 6 tháng đầu năm 2020 đầy thách thức, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Nghị định 100.

Chúng tôi tăng nhẹ giá mục tiêu thêm 6% khi tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 thêm 5%, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mảng bia cao hơn dự kiến của SAB.

Chúng tôi duy trì dự báo tổng doanh số bia giai đoạn 2020-2022 gần như không thay đổi, bao gồm mức giảm 25% trong năm 2020 và phục hồi 15% trong năm 2021, khi tiêu thụ bia kỳ vọng sẽ phục hồi từ các thách thức kể trên.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/E dự phóng năm 2021 là 25,7 lần, nhìn chung phù hợp với trung vị P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành tại các thị trường đang phát triển ở châu Á.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: sự thích nghi chậm của thị trường đối với Nghị định 100; doanh số và khả năng sinh lời thấp hơn dự kiến do cạnh tranh gia tăng; không tận dụng được xu hướng cao cấp hóa từ người tiêu dùng.

Khuyến nghị phù hợp thị trường VJC với giá mục tiêu 89.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho CTCP Hàng không Vietjet (VJC) thêm 19% còn 89.900 đồng nhưng duy trì khuyến nghị phù hợp thị trường khi giá cổ phiếu của công ty này đã giảm 12% trong vòng 3 tháng qua.

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ các mức điều chỉnh giảm (1) 12% trong EBITDAR dự phóng năm 2020 và (2) 21% trong tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng giai đoạn 2020-2023. Các mức giảm này chủ yếu đến từ mức giảm 34% trong dự báo sản lượng hành khách của chúng tôi cho VJC (tính theo RPK) trong cùng kỳ.

Trong năm 2020, chúng tôi dự báo VJC sẽ ghi nhận khoản lỗ trị giá 2,6 nghìn tỷ đồng trong mảng vận chuyển, chủ yếu đến từ (1) mức giảm 68% trong RPK do trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế (chúng tôi hiện kỳ vọng quá trình này sẽ được thực hiện trong tháng 12/2020); (2) mức giảm 4% YoY trong giá vé máy bay trong nước (tính theo lợi suất hành khách).

Lợi nhuận hợp nhất dự kiến ở mức dương (5 tỷ đồng) khi chúng tôi kỳ vọng khoản lỗ từ mảng vận chuyến của VJC sẽ được bù đắp bởi mảng kinh doanh liên quan đến việc bán máy bay bao gồm bán và cho thuê lại (SALB) và quyền từ chối đầu tiên (ROFR).

Chúng tôi cho rằng sẽ có sự phục hồi đáng kể của ngành hàng không Việt Nam tương tự đà phục hồi mạnh mẽ từ các đại dịch và cú shock kinh tế khác trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng phục hồi lần này có thể cần nhiều thời gian hơn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Theo dự báo của chúng tôi, tổng sản lượng hành khách của VJC chỉ có thể quay về mức trước khi bùng phát dịch từ đầu năm 2023. Do đó, chúng tôi cho rằng vẫn còn khá sớm để cân nhắc việc bắt đáy cổ phiếu này.

Yếu tố hỗ trợ: các chuyến bay quốc tế hoạt động trở lại sớm hơn dự kiến, giá dầu duy trì ở mức thấp.

Khuyến nghị phù hợp thị trường GEX với giá mục tiêu 22.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi tăng giá mục tiêu cho Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) thêm 10% lên 22.200 đồng/CP chủ yếu đến từ mức điều chỉnh tăng trung bình 4% trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024, được dẫn dắt bởi đóng góp lợi nhuận cao hơn từ Tập đoàn Viglacera (HSX: VGC).

Chúng tôi hiện giả định GEX sẽ sở hữu 46% cổ phần tại VGC từ quý 4/2020. Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị từ khả quan còn phù hợp thị trường. Tính từ cuối quý 1/2020, giá cổ phiếu của GEX đã tăng khoảng 29%.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 11% khi đóng góp lớn hơn từ VGC không đủ bù đắp cho mức giảm dự phóng trong lợi nhuận từ mảng thiết bị điện. Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 thêm trung bình 8% do đóng góp lợi nhuận lớn hơn từ VGC sau khi GEX gia tăng tỷ lệ sở hữu tại VGC từ 25% lên 46% trong quý 4.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) báo cáo giai đoạn 2020-2024 đạt 26% nhờ mở rộng công suất sản xuất cáp điện, đóng góp lợi nhuận bổ sung từ VGC, hiệu suất hoạt động cao hơn từ các nhà máy điện mặt trời và điện gió hiện tại cũng như lợi nhuận ổn định từ công ty nước VCW.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế đến từ (1) khoản lãi bất thường từ việc hợp nhất VGC và PXL lên 51% trong năm 2020, (2) các dự án điện gió Gelex 1,2 và 3 trong năm 2022 cũng như 3) đóng góp từ các KCN tự đầu tư có thể tác động mạnh hơn chi phí lãi vay gia tăng.

Chúng tôi vẫn cho rằng GEX là cổ phiếu hấp dẫn nhờ cơ sở hạ tầng đang phát triển của Việt Nam – đặc biệt đối với triển vọng của Việt Nam về tình trạng thiếu hụt điện và dòng vốn FDI dồi dào.

Rủi ro: hiệu suất hoạt động thấp hơn dự kiến của lượng công suất sản xuất cáp điện mới và nhà máy điện gió Hướng Phùng.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ