Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/8

GDT: Khuyến nghị mua vào

CTCK FPT (FPTS)

6 tháng đầu năm 2015 CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu 134,5 tỷ đồng cao hơn 11,1%, và lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ, cao hơn 4,8% so với cùng kì. Hoạt động kinh doanh của GDT nhìn chung tăng trưởng khá ổn định.

Doanh thu đống góp chủ yếu bởi hoạt động xuất khẩu: Tính đến hết năm 2014, đóng góp phần lớn doanh thu vào hoạt động của GDT là hoạt động xuất khẩu(chiếm 79%). Ở thị trường nội địa, công ty chủ yếu cung cấp sản phẩm cho khu vực Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ(84%), còn lại một phần ở khu vực miền Bắc(12%) và miền Trung (4%).

Hưởng lợi từ FTA EU-Việt Nam: Thị trường EU chiếm tỷ trọng khoảng 19% trong tổng cơ cấu doanh thu của công ty, FTA EU-Việt Nam sẽ giúp công ty tránh được mức thuế suất 3%-4%. Ngoài ra bản thân công ty cũng đang ngày càng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro hoạt động của công ty.

Chuyển nhượng khu đất ở Mỹ Phước, Bình Dương: GDT ước tính việc chuyển nhượng khu đất ở Bình Dương(khoảng 10 héc-ta) sẽ đem lại lợi nhuận 25 tỷ đồng. Tuy nhiên vì diện tích khu đất khá lớn nên việc chuyển nhượng khu đất đã bị trì trệ khá lâu và công ty chưa thực sự quan tâm về việc bán lô đất này.

Kế hoạch mở rộng hoạt động: Tính đến cuối năm 2014, GDT có 2 nhà máy ở Hồ Chí Minh và Bình Dương với công suất lần lượt là 5.000m3 gỗ/năm và 15.000 m3 gỗ/năm, trong đó các nhà máy đã chạy gần như tối đa công suất hoạt động, việc mở rộng nhà máy ở Bình Dương giúp công ty gia tăng công suất hoạt động lên khoảng 25.000 m3gỗ/năm.

Định giá: Chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh năm 2015 của GDT đạt lợi nhuận sau thuế là 60 tỷ(chưa tính đến lợi nhuận thu được từ việc chuyển nhượng lô đất ở Bình Dương), tương ứng với mức EPS là 4.820 đồng/cp. Với mức P/E so sánh là 8,5, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu GDT với mức giá mục tiêu là 41.000 đồng/ cổ phiếu.

GMC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

KQKD 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu 656 tỷ, cao hơn 11% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế đạt được 49 tỷ, cao hơn 88,5%. Nguyên nhân chủ yếu làm lợi nhuận sau thuế của công ty đột biến là do công ty tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, từ 53 tỷ của năm 2014 giảm còn 26,5 tỷ ở năm 2015, đồng thời các đơn hàng cũng gia tăng.

Kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh:  HĐQT công ty đã quyết định mua toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH MTV Blue Exchange trong Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh (Công ty con của GMC) với giá gần 31 tỷ đồng để tận dụng văn phòng ở Mỹ và tập trung hiệu quả hoạt động của công ty này.  Kế hoạch mở rộng sản xuất cho Columbia sportwear: GMC và Columbia sportwear đã thảo luận về việc cung cấp các đơn hàng vào mùa xuân và mùa thu năm 2016 với tổng giá trị vào khoảng 40 triệu USD. Ngoài ra công ty cũng kí hợp đồng cung cấp sản phẩm 1 triệu quần jeans và 1 triệu áo polo shirt, hợp đồng kéo dài đến 2016.

Về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ và đồng nội tệ đến tình hình kinh doanh của GMC:  Thị trường xuất khẩu chính của GMC là Mỹ và EU. Như vậy Việt Nam phá giá VND sẽ giúp GMC được hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang thị trường này. Sắp tới GMC cũng đẩy mạnh phát triển ở thị trường Mỹ nên Việt Nam phá giá vẫn đang là yếu tố tích cực đến tình hình hoạt động của công ty.  Nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc(hơn 60%), vốn chiếm 60%-70% giá vốn cho hàng dệt may. Tuy nhiên nếu sắp tới Việt Nam gia nhập TPP thì công ty cần chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu nguyên liệu để được hưởng lợi về thuế suất. Đồng nhân dân tệ phá giá đang hỗ trợ tích cực cho GMC khi công ty mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn.

Nhận định:  Hoạt động kinh doanh của GMC khá đơn giản khi chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và gia công quần áo.  FTA EU- Việt Nam vừa mới được kí kết cũng hỗ trợ tích cực đến kết quả kinh doanh của công ty.  Cổ tức chi trả hằng năm khá ổn định và đều đặn.

Khuyến nghị: Chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh cho năm 2015 ước đạt lợi nhuận sau thuế của công ty vào khoảng 82 tỷ, tương ứng với mức EPS 7.000 đồng/cp,với P/E so sánh là 7,2, mức giá mục tiêu là 50.400 đồng/cp, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với GMC.

DPM: PE dự phóng thấp hơn trung bình ngành, ở mức 8,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Giá dầu WTI và Brent lần lượt giảm 5,5% và 6,1% xuống còn 38,24 USD/thùng và 42,69 USD/thùng, thấp kỷ lục trong 6,5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu WTI và Brent giảm khoảng 37% so với mức đỉnh của năm nay trong tháng 4. Theo đó, giá dầu FO cũng giảm xuống còn 258 USD/mt, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng việc giá dầu giảm sẽ làm giá khí gas đầu vào (chiếm 55% chi phí sản xuất) giảm theo. Với giả định giá dầu FO sẽ ở mức thấp như hiện nay thì giá khí gas trung bình cả năm 2015 của DPM ước khoảng 4,6 USD/mmBTU, tương ứng giảm khoảng 39% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp 2015 tăng lên mức 34%, tăng 9 điểm phần trăm so với 2014. Xin nhắc lại, trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù doanh thu DPM chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá khí giảm và biên lợi nhuận gộp cải thiện 5 điểm phần trăm lên mức 31%.

Hiện Trung Quốc chiếm 29% tổng nguồn cung ure toàn cầu. Việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT so với USD sẽ làm mặt hàng phân bón của quốc gia này có sức cạnh tranh mạnh hơn so với các quốc gia khác có đồng nội tệ trượt giá ít hơn nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, phân bón của Trung Quốc có giá thành thấp đi kèm với chất lượng kém đang bị hạn chế nhập vào Việt Nam. Trong 2014, nhập khẩu phân ure từ Trung Quốc đạt 187 nghìn tấn, giảm 74% so với năm trước do Việt Nam đã ban hành nghị định xử phạt đối với trường hợp sản xuất phân bón kém chất lượng từ cuối 2013. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên +/-3% và nâng tỷ giá lên 1% có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do làm giảm áp lực cạnh tranh đối với mặt hàng Trung Quốc.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2015 đạt 8.519 tỷ, giảm 12% so với năm ngoái do giá phân bán ure tiếp tục giảm. Với việc điều chỉnh dự báo giá khí gas như trên, lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 1.418 tỷ, tăng 29% so với năm ngoái, EPS 2015 ước đạt 3.734 đồng/cp, PE dự phóng 2015 là 8,2 lần, thấp hơn so với trung bình ngành 10 lần. Mức cổ tức 2015 của DPM là 2.500 đồng/cp, tương đương lợi tức cổ suất 8,2%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng.

VSC: PE kỳ vọng khoảng 8 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo kế hoạch, VSC dự kiến chi trả từ 2.000-3.000 đồng/cp cho năm 2015, tương đương mức tỷ suất cổ tức khoảng 3,8%-5,7% và tỷ lệ chi trả/ lợi nhuận sau thuế (payout ratio) là 31%-46%. Ngoại trừ năm 2014 do nhu cầu đầu tư cảng mới, VSC chỉ chi trả 1.500 đồng/cp cổ tức tiền mặt, thì bình quân các năm trước đó, tỷ lệ chi trả cổ tức luôn duy trì ở mức 70% lợi nhuận sau thuế. Do vậy, chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức 2015 của công ty đặt ra là khá hợp lý.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 khá tích cực với 452,5 tỷ đồng doanh thu và 135,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 3,5% và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn kết quả ước tính trước đó. VSC đã hoàn thành được gần 57% và 68% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015.

VSC đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 8 lần, tương đương bình quân ngành. Triển vọng dài hạn của VSC khá tích cực nhờ giai đoạn 1 của dự án cảng mới dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 11/2015, giúp tăng khoảng 50% công suất. Tuy nhiên, theo chúng tôi, động lực tăng giá chính của cổ phiếu này trong thời gian qua chủ yếu đến từ kỳ vọng của thị trường về việc nới room nước ngoài đối với VSC, do đây là một trong những công ty cảng niêm yết được nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục