Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/11

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/11

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố KQLN sơ bộ 10 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lần lượt 36% và 33%, phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho MWG với giá mục tiêu 137.300VND/cổ phiếu (đã điều chỉnh theo đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 gần đây), tổng mức sinh lời 64,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,3% theo giá đóng cửa phiên hôm nay 84.000VND/cổ phiếu.

Kết quả khả quan này là nhờ Điện Máy Xanh đạt tăng trưởng doanh thu 70% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu, mở thêm các cửa hàng mới (tính đến cuối tháng 10, MWG có 705 cửa hàng Điện Máy Xanh so với 642 cửa hàng vào cuối năm 2017), đóng góp đầy đủ từ các cửa hàng đã mở năm 2017 và hợp nhất Trần Anh (35 cửa hàng).

Doanh thu Thế Giới Di Động trong 10 tháng đầu năm tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái khi công ty tiếp tục chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động hoạt động tốt thành các cửa hàng Điện Máy Xanh để tăng doanh thu. Đây là lý do chính khiến số cửa hàng Thế Giới Di Động giảm còn 1.038 vào cuối tháng 10/2018 từ 1.072 cuối năm 2017.

Tuy nhiên, công ty cho biết tính theo cơ sở ngành hàng, tổng doanh số bán ĐTDĐ, máy tính bảng và laptop, được bán tại cả chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tăng 18% trong 10 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức chung của ngành là 3%.

Doanh số bán hàng online trong 10 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh 117% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,6% tổng doanh thu. Doanh thu bán hàng online tăng mạnh nhờ mô hình bán hàng đa kênh với mạng lưới cửa hàng rộng khắp trên toàn quốc. Công ty cho biết MWG chiếm đến 50% tổng số điện thoại di động và điện máy được bán ra tại Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.

Doanh số/cửa hàng/tháng Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng, ước đạt 1,1 tỷ đồng trong tháng 10, so với 1,05 tỷ đồng trong quý III/2018, 850 triệu đồng trong quý II/2018 và 630 triệu đồng trong quý I/2018. Có được kết quả này là nhờ ban lãnh đạo có những bước điều chỉnh chiến lược trong tháng 04/2018.

Cụ thể, từ tháng 04/2018 trở đi, các cửa hàng mới sẽ được mở ở các tuyến đường phụ, kết nối các tuyến đường chính với các khu dân cư. Ngoài ra, các cửa hàng này sẽ theo mô hình cửa hàng chuẩn (150-200m2/cửa hàng, khoảng 2.000SKU), có một khu vực lớn bán hàng hóa tươi sống. Ngoài ra, Bách Hóa Xanh còn mở cửa hàng quy mô lớn (300m2/cửa hàng, khoảng 3.000SKU) tại các khu vực có mật độ dân cư cao.

Tính đến cuối tháng 10/2018, Bách Hóa Xanh có 18 cửa hàng quy mô lớn. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh đang mở rộng mạng lưới đến các tỉnh lân cận TP. HCM như Bình Dương, Long An và Đồng Nai với tổng cộng 15 cửa hàng tại các tỉnh thành này tính đến cuối tháng 10/2018. Công ty cho biết doanh thu hàng tháng từ mỗi cửa hàng từ các tỉnh này đang tương đương mức cao đạt được tại TP. HCM.

Giá mục tiêu của cổ phiếu POW là 19.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ông Lê Như Linh đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW). Ông Linh từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành năng lượng của Việt Nam. Do đó, chúng tôi cho rằng kiến thức và kinh nghiệm của vị tân Tổng giám đốc có thể giúp POW trong việc đảm bảo nguồn cung khí ổn định cho hoạt động của công ty.

Cổ đông đã thông qua việc cho phép Ban lãnh đạo của POW ký kết phụ lục điều chỉnh và bổ sung số 9 cho hợp động nguồn cung khí của nhà máy Cà Mau. Điều chỉnh bao gồm: (1) gia hạn hợp đồng nguồn cung khí tính theo sản lượng trong vòng 10 năm tiếp theo (2018-2027), (2) bổ sung thêm tiêu chuẩn về nhiệt lượng, sẽ giúp POW có mức giá khí chiết khấu nếu chất lượng khí thấp hơn cam kết của nhà cung cấp (mang lại lợi ích tốt hơn cho POW).

Từ năm 2020 trở đi, chúng tôi lưu ý rằng cơ chế giá khí cho nhà máy Cà Mau có thể thay đổi từ công thức hiện tại “46% MFO + phí vận chuyển” sang “95-105% MFP + phí vận chuyển” cho 50% sản lượng do Việt Nam phải mua thêm khí từ Malaysia. Tuy nhiên, mức tăng giá khí sẽ được chuyển 100% sang cho người mua theo điều khoản hợp đồng mua bán điện.

Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được quyết định chấp thuận niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 07/12. Ngày 14/11/2018, HOSE (Sở GDCK TP. HCM) đã chính thức nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết. Ban lãnh đạo của POW hiện có kế hoạch hoàn tất thực hiện các thủ tục còn lại trong năm 2018, tương ứng với ngày niêm yết chính thức trên HOSE vào cuối tháng 12/2018.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ cho năm 2019. Chúng tôi hiện đang dự phóng tăng trưởng EPS cốt lõi 2019 đạt 32.2%, do tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ trong bối cảnh dự báo thiếu hụt điện ngày càng trầm trọng, nhà máy Cà Mau và Nhơn Trạch 1 giảm khấu hao, cũng như lợi nhuận trước thuế của nhà máy Vũng Áng phục hồi 138,1%.

Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 19.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 34,7% (bao hồm lợi suất cổ tức 2,1%) trong khi công ty hiện đang giao dịch với P/E cốt lõi đạt 10,5 lần và EV/EBIDTA 6,4 lần theo dự phóng cho năm 2019 của chúng tối, lần lượt thấp hơn 21% và 31% so với các công ty cùng ngành.

Giá mục tiêu của cổ phiếu KBC là 14.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 8% lên 14.200VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời dự báo đạt 19,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,9%.

Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu chủ yếu để phản ánh tốc độ bán đất tại KCN Quế Võ 2 được đẩy nhanh hơn nhưng điều chỉnh giảm giả định doanh thu 2019 đối với Khu đô thị Phúc Ninh. Chúng tôi hiện giả định KCN Quế Võ 2 sẽ đạt tỷ lệ lấp đầy 100% vào cuối năm 2021 thay vì 2022 như giả định trước đây. Định giá của chúng tôi còn được hỗ trợ nhờ chỉ sử dụng mô hình định giá chiết khấu dòng tiền thay vì áp dụng tỷ lệ 90% dành cho mô hình này như trước đây.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2019 sẽ tăng 4,3% so với năm 2018 lên 2,4 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 12,4% lên 721 tỷ đồng. Chúng tôi giả định mảng kinh doanh bán đất khu đô thị (có biên lợi nhuận cao hơn) sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn (dự báo 2019: 34%, dự báo 2018: 21%) sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận 2019 của KBC.

Chúng tôi dự báo KBC sẽ hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và các hoạt động sản xuất sôi động hơn với quỹ đất hơn 2.000 ha tại các trung tâm công nghiệp tại miền Bắc.

Tiềm năng tăng: tốc độ ghi nhận doanh thu nhanh hơn, KCN Tràng Duệ 3 được phê duyệt đưa vào khu kinh tế đặc biệt và KCN Bình Giang được cấp phép. Rủi ro: Chậm trễ trong việc phát triển KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, vốn lưu động biến động do hoạt động ngoài hoạt động kinh doanh chính của KBC, trì hoãn hoặc hủy kế hoạch phát hành cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2018 vì còn tùy thuộc vào thu tiền mặt từ kinh doanh bán đất tại Khu đô thị Phúc Ninh.

Khuyến nghị khả quan đối với PLX

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi gần như giữ nguyên giá mục tiêu khi hệ số P/E mục tiêu và lợi nhuận dự phóng 2018-2019 thấp hơn được bù đắp nhờ cập nhật mô hình Chiết khấu Dòng tiền. Tuy nhiên, mức giảm 9,3% của giá cổ phiếu PLX kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi tạo ra tỷ lệ tăng cho giá cổ phiếu và khiến chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 4,5% EPS dự phóng 2018 so với dự báo trước đây do doanh số bán xăng từ các trạm xăng đại lý (DODO) thấp hơn và xu hướng giảm của giá xăng dầu trong tháng 10 và tháng 11 báo hiệu một quý 4 trầm lắng. Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,3% EPS dự phóng 2019 khi chúng tôi giả định mức trượt giá 3% của đồng VND so với USD, so với 2% trong báo cáo trước của chúng tôi.

Chúng tôi dự báo EPS 2018 sẽ tăng 8,5% nhờ tăng trưởng sản lượng bán trong nước 6,2% (từ các trạm COCO và DODO) và tăng trưởng biên lợi nhuận từ doanh số bán xăng E5 và RON95 cao hơn.

Tăng trưởng sản lượng bán COCO đạt 6,0%, cùng với lỗ tỷ giá thấp hơn nhờ nguồn cung trong nước từ nhà máy Nghi Sơn (NSR) thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, sẽ dẫn dắt EPS 2019 tăng 7,1%.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 8,7% trong giai đoạn 2018-2023, được hỗ trợ từ tăng trưởng sản lượng bán 6,0%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành là 4,7%, theo dự báo của BMI.

P/E dự phóng 2019 của PLX 16,6 lần ghi nhận mức tăng 15,3% so với P/E trung vị 19,6 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ