Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/4 của một số công ty chứng khoán.

BMP: Khuyến nghị MUA

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Theo báo cáo của HĐQT tại ĐHCĐ 2014, doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2013 lần lượt vượt 13% và 18% so với kế hoạch. Đây cũng là năm đầu tiên BMP đạt sản lượng trên 50.000 tấn và doanh thu trên 2.000 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty đã nâng tỷ lệ chi trả cổ tức 2013 lên 3.000 đồng/cp, tăng thêm 1.000 so với kế hoạch.  BMP đã chi trả 10% cổ tức vào tháng 11/2013. Dự kiến 20% cổ tức còn lại sẽ được thanh toán trong quý II/2014 (ước tính tháng 6). Lợi suất cổ tức đạt 2,6%.

BMP cũng đặt mục tiêu doanh thu 2014 là 2.200 tỷ, tăng 3% năm trước. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc cho biết, thị trường nhựa năm nay dự báo là cạnh tranh gay gắt khiến các DN khó tăng giá bán trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, nên tỷ suất sinh lời dự báo giảm.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2014 kế hoạch là 500 tỷ với biên lợi nhuận trước thuế giảm 1 điểm phần trăm. Mặc dù lợi nhuận trước thuế tương đương 2013 nhưng BMP cam kết mức cổ tức bằng tiền mặt 2014 tối thiểu bằng 20%.

Mặc dù tình hình chung ngành nhựa xây dựng chưa khởi sắc nhưng chúng tôi tin rằng BMP hoàn toàn có khả năng hoàn thành kế hoạch 2014 dựa trên lợi thế về thương hiệu cũng như chiến lược hoạt động của DN.

So với các DN cùng ngành như NTP, BMP luôn giữ tỷ suất biên lợi nhuận hoạt động ổn định quanh 21-23%. EPS 2014 dự phóng đạt 8.725 đồng/cp, PE 2014 giao dịch ở mức 8,8x, thấp hơn trung bình lịch sử 5 năm là 11,5x. Khuyến nghị đầu tư dài hạn BMP với giá mục tiêu 92.000 đồng.

DPR: P/E 2014 là 6,0x

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

DPR đã công cố kết quả sản xuất kinh doanh sơ bộ quý I/2014 với doanh thu quý I/2014 giảm 23% n/n xuống còn 164,6 tỷ đồng. Trong đó, giá bán bình quân trong kỳ giảm 23,6% cùng kỳ còn 47,4 triệu đồng/tấn. Sản lượng tiêu thụ sấp sỉ 2013 đạt 3.406 tấn mủ cao su.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, DPR ước tính sẽ tiêu thụ được 15.150 tấn mủ cao su (giảm 16,8% so với năm trước) với giá bán bình quân trong năm là 45 triệu đồng/tấn (giảm 16,4% n/n), thấp hơn mức 50 triệu đồng mà Tập đoàn Cao Su Việt Nam đã đề ra. DPR ước tính tổng lợi nhuận trước thuế 2014 đạt 249 tỷ đồng (giảm 37% so với năm trước).

HĐQT của DPR cũng đã thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 3.000 đồng/cp (30% mệnh giá) cho năm 2014, tương đương thì tỷ lệ chi trả cổ tức trên lợi nhuận năm 2014 chỉ khoảng 41%. Lợi tức cổ tức ước tính cho năm 2014 khá hấp dẫn, đạt 9,5%. Lưu ý, đến cuối 2013, DPR duy trì lượng tiền và tương đương tiền khá lớn là 736 tỷ đồng, tương đương 17.116 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện tại, DPR đang được giao dịch tại P/E 2014 là 6,0x.

SAM: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013 chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt ở lĩnh vực kinh doanh cáp và đầu tư tài chính, tuy nhiên mảng BĐS – mảng tập trung phần lớn tài sản của CTCP Đầu tư và Phát triển SACOM (mã SAM) lại không mang về lợi nhuận như kỳ vọng. Với giả định mảng dây và cáp sẽ tăng trưởng 12% và hai mảng còn lại có thể hoàn thành kế hoạch, chúng tôi dự báo lãi ròng năm 2014 của SAM sẽ đạt khoảng 103,2 tỷ đồng (giảm 14% so với năm 2013), EPS tương ứng đạt 789 đồng/cp, P/E forward đạt 12 lần, đây là mức P/E tương đối cao. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu SAM.

>> Tải báo cáo

VIP: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

CTCP Xăng dầu vận tải VIPCO (mã VIP) có kết quả kinh doanh cao trong năm 2013 nhờ lợi nhuận đột biến từ việc bán cảng container. Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh chính đều sụt giảm, đặc biệt là ở mảng bán xăng dầu.

Năm 2014 công ty đặt kế hoạch với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh. Chúng tôi nhận định rằng đây là mục tiêu tương đối chắc chắn và thận trọng do công ty đã ký hợp đồng vận tải định hạn cả năm.

Đồng thời kế hoạch này chưa tính đến khả năng VIP thu được lợi nhuận bất thường từ việc bán nốt phần cảng container chuyển đổi tại Đình Vũ. Theo đó chúng tôi dự phóng EPS theo 2 chiều hướng: (1) VIP chưa bán cảng container trong năm 2014: EPS có thể đạt 502 đồng/CP và P/E forward ở mức cao 27,5 lần, (2) VIP bán thành công cảng container trong năm 2014 và thu về khoản lợi nhuận khoảng 150 tỷ đồng như năm trước: EPS đạt 3.010 đồng/CP và P/E forward đạt 4,6 lần, tương đối thấp. Do đó chúng tôi xin được khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu VIP.

>> Tải báo cáo

DCL: Khuyến nghị mua vào

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, doanh thu thuần của CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) đạt 674,5 tỷ đồng (+10,2% so với năm ngoái; 96,3% kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế đạt 30,2 tỷ đồng (+58,1% yoy; 88,8% kế hoạch). Dược phẩm là mảng kinh doanh chính thúc đẩy doanh thu tăng trưởng với +34% về doanh số và +24,1% về doanh thu. Mảng sản xuất vỏ viên nang (capsule) chỉ tăng nhẹ về doanh số (+4% so với năm ngoái) nhưng tăng manh (+17,2% so với năm ngoái) về doanh thu. Trong năm, công ty tiếp tục phải trích lập dự phòng 10,7 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi nhưng lại giảm được 41,1% so với năm ngoái chi phí lãi vay.

Năm 2014, DCL sẽ tập trung cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp và cải tổ khâu bán hàng thay vì chạy đua tăng doanh số. Chúng tôi đánh giá cao kế hoạch này và kì vọng doanh nghiệp sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh đặt ra với những cải tổ từ bên trong. Với EPS forward kế hoạch đạt 4.791 đồng, P/E forward của DCL đạt 5,6 lần, thấp hơn khá nhiều so với trung bình ngành Dược. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DCL.

>> Tải báo cáo

TCM: Khuyến nghị mua vào

(CTCK Maritimebank – MSBS)

Đầu tư dự án lớn nhằm đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của Hiệp định TPP. Đón đầu hiệp định thương mại lớn TPP, CTCP Dệt mau – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM) đã quyết định đầu tư dự án tổ hợp nhà máy Thành Công 2 tại tỉnh Vĩnh Long với tổng giá trị đầu tư hơn 30 triệu USD và theo đúng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Tổ hợp nhà máy này không chỉ đảm bảo toàn bộ quy trình “từ sợi trở đi”, đảm bảo các vấn đề về lao động, môi trường mà còn nâng cao chất lượng cho các sản phẩm của TCM, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Mỹ. Tập trung vào thị trường xuất khẩu. Thị trường chính của các sản phẩm TCM là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc với các sản phẩm vải và hàng may mặc. Trong khi đó, mặc dù đã đầu tư và có chiến lược kinh doanh, tuy nhiên hiệu quả từ việc khai thác thị trường nội địa không đúng như kỳ vọng. Do vậy, TCM quyết định hạn chế đầu tư cho thị trường Việt Nam.

Chiến lược đầu tư: Hiện nay TCM đang giao dịch tại mức giá 27.900 với hệ số P/E, P/B năm 2013 lần lượt là 11,09 và 1,86. Với mức EPS dự kiến năm 2014 là 3.319 chúng tôi khuyến nghị MUA VÀO với cổ phiếu TCM cho chiến lược đầu tư tối thiểu 6 tháng. Giá mục tiêu 38.000 – 44.000 VND/cp.

>> Tải báo cáo

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục