Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/4 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/4

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HDB

CTCK MB (MBS)

Năm 2023, tín dụng Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB – sàn HOSE) tăng mạnh 31,8%, trong khi toàn ngành tăng 13,8%. Tăng trưởng tín dụng HDB được dự phóng tiếp tục tăng trưởng trung bình 22%/năm trong giai đoạn 2024-2025, do nhờ có (1) mảng khách hàng SME (mảng tăng trưởng chính trong 2023) tiếp tục tăng trưởng tốt; (2) Mảng cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vốn là thị trường trọng điểm của HDB tăng trưởng trở lại; và (3) Tín dụng bất động sản hồi phục khi thị trường bất động sản ấm lên từ quý IV/2023 (tăng trưởng 178%).

Tỷ lệ nợ xấu ghi nhận ở mức 1,8% cuối năm 2023 tăng so với mức 1,67% cuối năm 2022. Nợ nhóm 2 tiếp tục tăng mạnh 144%/22% so với quý liền trước và chiếm tỷ lệ 5,04%, cao thứ 3 toàn ngành. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt mức 66% tại cuối năm 2023 (giảm 4,6% so với cùng kỳ). Chất lượng tài sản của HDB được kỳ vọng cải thiện hơn trong 2024, nhờ có (1) lợi nhuận tăng trưởng cao và ổn định giúp ngân hàng có nhiều dư địa để gia tăng bộ đệm dự phòng; (2) kinh tế phục hồi cũng như gia hạn thêm 6 tháng Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ góp phần cải thiện khả năng trả nợ của người dân.

Dự báo của chúng tôi dựa trên cơ sở: (1) tăng trưởng tín dụng đạt 23% trong năm 2024 và 21% trong 2025; (2) NIM sẽ được duy trì quanh mức 4.9%, tương đương cao hơn so với 2023 và thấp hơn mức đỉnh 2022.

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với HDB với mức định giá 29.400 đồng/CP, tăng 30% sv dự báo gần nhất, do (1) điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 2024 thêm 19,5% sv dự báo gần nhất; (2) điều chỉnh giảm 0.6 điểm % phần bù rủi ro và (3) giá trị sổ sách được dùng ở thời điểm cuối 2024 thay vì trung bình 2023 và 2024 như trước đó. Tiềm năng tăng giá 36,9% (đã bao gồm tỷ suất cổ tức 4,5%).

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

CTCK MASVN

Vingroup (VIC) mới công bố kế hoạch thoái vốn tối đa 100% tại Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Thương mại SDI. SDI sở hữu 99% cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại Sado, lần lượt nắm giữ 41,5% cổ phần đang lưu hành tại CTCP Vincom Retail (VRE – sàn HOSE). Sau giao dịch này, VIC sẽ giữ lại 18,4% cổ phần tại VRE.

Giá trị chuyển nhượng cho 100% cổ phần của SDI là 39,08 nghìn tỷ đồng (1,6 tỷ USD) trong đó bao gồm giá trị cổ phần tại VRE được ước tính khoảng 32,000 đồng/cổ phần, và quyền lợi kinh tế thiểu số của SDI tại hai dự án bất động sản Vũ Yên và Green Hạ Long của VIC/VHM.

Đối với các hoạt động kinh doanh hiện tại của VRE, VIC cho biết sẽ ký kết hợp đồng quản lý cùng với VRE, qua đó tiếp tục duy trì hoạt động của các trung tâm thương mại hiện có.

Trong năm 2024, VRE dự kiến ra mắt 2 trung tâm mua sắm Vincom Mega Mall (VMM): Vincom Megamall Grand Park tại TP Hồ Chí Minh (45.255 m2, tháng 4/2024) và Vincom Megamall Ocean Park 2 (76.679 m2 ), cùng với 4 trung tâm mua sắm Vincom Plaza tại Hà Giang, Bắc Giang, Điện Biên và Đông Hà. 6 trung tâm này sẽ cung cấp tổng cộng thêm khoảng 171.000 m2 diện tích sàn cho thị trường bán lẻ (tăng 10% diện tích GFA hiện tại của VRE).

VRE dự kiến thu về khoảng 120 tỷ đồng và 170 tỷ đồng từ việc giao bất động sản shophouse trong năm 2024 và 2025. Ban quản lý VRE cho biết hướng đi của công ty sắp tới sẽ chủ yếu tập trung vào việc tối ưu hóa chi phí và doanh thu cho hoạt động cho thuê cốt lõi, thay vì dựa vào việc bàn giao BĐS khi tốc độ hấp thụ tại thị trường bất động sản vùng ven đã chậm lại.

Sử dụng phương pháp FCFF, mục tiêu giá 12 tháng của VRE là 32.124 đồng/CP (tăng 38%), tương ứng fair P/B là 1,8 lần. ROE được dự đoán 9,9% cho 2024, đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này. VRE, là nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất tại Việt Nam theo GFA, có thể có tiềm năng tăng giá đến từ việc được thêm vào rổ các chỉ số thị trường mới nổi - MSCI và FTSE Emerging Market.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR

CTCK MASVN

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là một trong những công ty lớn trong ngành cao su Việt Nam, sở hữu hơn 15.000 ha đất cao su và 3 nhà máy sản xuất với tổng công suất thiết kế hơn 30.000 tấn/năm. PHR hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là cao su, bất động sản khu công nghiệp và gỗ.

Năm 2023, PHR ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 1.354 tỷ đồng (giảm 21%) chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và giá bán cao su giảm. Lợi nhuận sau thuế đạt 661 tỷ đồng (giảm 29%) do khoản đền bù từ dự án KCN Việt Nam - Singapore III (VSIP 3) thấp hơn so với năm 2022. Lợi nhuận từ công ty liên kết tăng 175% nhờ khoản lãi tương ứng với phần sở hữu của PHR tại CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC).

Mảng cao su: Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su tăng mạnh đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 3/2024, giá cao su thiên nhiên trung bình đã tăng 21% so với đầu năm 2024, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng gia tăng. Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PHR sẽ được hưởng lợi nhờ giá cao su tăng.

Mảng khu công nghiệp: Diện tích cho thuê KCN Tân Bình hiện đã lấp đầy, hiện PHR sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý cho KCN Tân Lập 1 (201 ha) dự kiến sẽ triển khai vào năm 2025. Ngoài ra, PHR sở hữu quỹ đất chờ chuyển đổi lớn từ các dự án như KCN Tân Bình mở rộng (1055 ha), KCN khác Hội Nghĩa (715 ha), Bình Mỹ (1.002 ha) và các cụm công nghiệp. Kỳ vọng sẽ là chìa khóa thúc đẩy mảng KCN của PHR trong tương lai.

Thu nhập khác: 1) Đối với NTC (PHR sở hữu 32,8%): Dự án KCN NTC 3 (344ha) dự kiến sẽ triển khai cho thuê giai đoạn 2024-2025, kỳ vọng sẽ là động lực chính đóng góp vào lợi nhuận của PHR. 2) Đối với VSIP III: Năm 2023, PHR đã hoàn tất việc thu hồi khoản tiền đền bù còn lại từ dự án VSIP 3 và ghi nhận 83 tỷ đồng từ 44 ha đất VSIP đã cho thuê (Theo thỏa thuận, PHR sẽ nhận được 20% lợi nhuận gộp thu được từ diện tích đất VSIP cho khách hàng thuê). Kỳ vọng VSIP sẽ tiếp tục bàn giao các dự án trong năm 2024.

Dự phóng và định giá: Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của PHR đạt 1.498 tỷ đồng (tăng trưởng 11%) và lãi ròng đạt 434 tỷ đồng (giảm 28% so với năm ngoái): 1) Mảng cao su & gỗ đạt 1.283 tỷ đồng (tăng trưởng 19%); 2) Sản lượng tiêu thụ cao su đạt 33.160 tấn (tăng trưởng 8%); 3) Mảng KCN đạt 144 tỷ đồng (giảm 32%) do không còn ghi nhận doanh thu mới từ KCN Tân Bình; 3) Biên lợi nhuận gộp cải thiện ở mức 25% nhờ giá cao su tăng; 4) Thu nhập khác giảm 52% do phần tiền đền bù từ dự án KCN VSIP 3 đã nhận hết trong năm 2023.

Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 3.201 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 16,7 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho PHR: 1) Triển vọng phục hồi nhờ giá cao su tăng và mức nền thấp năm 2023; 2) Ước tính PHR sở hữu hơn 3.000 ha đất chờ chuyển đổi KCN theo quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GVR

CTCK MASVN

Năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 22.138 tỷ đồng (giảm 12,9% so với năm trước) và 3.373 tỷ đồng (giảm 29,79%): 1) Doanh thu mảng chiếm tỷ trọng cao nhất từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su bị suy giảm mạnh hơn 7,4% ở mức 16.789 tỷ đồng, nguyên nhân phần nào đến từ giá cao su trung bình trong năm 2023 có mức suy giảm 11% so với năm trước đó. 2) GVR ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết hơn 208 tỷ đồng, do khoản lỗ của công ty gỗ MDF VRG- Dongwha hơn 290 tỷ nguyên nhân bởi sự suy giảm của ngành gỗ trong năm vừa qua và sự thiếu hụt đơn hàng của công ty.

GVR là doanh nghiệp đứng đầu ngành cao su của Việt Nam với việc sở hữu hơn 245,000 ha đất trồng cao su trong nước. Bên cạnh đó doanh nghiệp có hơn 99 công ty con và 16 công ty liên kết. Trong năm 2023, doanh nghiệp đạt sản lượng hơn 445.000 tấn cao su (tăng trưởng 3,5%) và tiêu thụ hơn 520.290 tấn cao su các loại (tăng trưởng 3,8%).

Bắt đầu từ năm 2021, GVR đưa ra kế hoạch phát triển khu công nghiệp của mình trong giai đoạn từ 2021-2030 với mục tiêu đạt hơn 39,000ha và kế hoạch sẽ chuyển đổi 7-8,000 ha mỗi năm trong giai đoạn này. Hiện tại doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp như Nam Tân Uyên, Tân Bình, Hiệp Thạnh...

Trong năm 2023, dự án Nam Tân Uyên 3 đã được giao đất và Hiệp Thạnh 1 được chính phủ phê duyệt đầu tư. Điều này sẽ giúp cho doanh thu của GVR tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trong năm nay tập đoàn quyết định thoái vốn 8 công ty và dự thu về hơn 400 tỷ nếu các thương vụ hoàn tất. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của công ty trong năm nay.

Với triển vọng lạc quan, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GVR trong năm 2024 lần lượt đạt: 25,681 tỷ đồng (+16% YoY) và 4,904 tỷ (+45,4% YoY): 1) Biên lợi nhuận được cải thiện từ mức 22% lên 27% trong đó giá bán cao su trung bình tăng mạnh hơn 16%, giúp doanh thu kinh doanh mủ đạt hơn 19,475 tỷ đồng; 2) Ngành gỗ phục hồi giúp ghi nhận lợi nhuận trở lại từ công ty liên kết; 3) Chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 18% ở mức 565 tỷ đồng.

EPS dự phóng ước đạt ở mức 956 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E đạt 28,9x cao hơn mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá khả quan với GVR bởi: 1) Giá cao su kỳ vọng phục hồi mạnh khi nhu cầu của ngành lốp xe tăng trưởng; 2) sở hữu quỹ đất rộng giúp giữ lợi thế cho việc phát triển khu công nghiệp

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục