Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 25/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/2

BCI: khuyến nghị NẮM GIỮ

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Năm 2013, BCI báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch cả năm, giảm 44,7% so với năm trước. Về doanh thu, doanh thu quý IV chiếm tới 70% tổng doanh thu cả năm 2013, tương ứng 246 tỷ đồng với hơn 90% là doanh thu từ bất động sản. Nợ ngắn hạn tăng gấp đôi trong quý IV/2013 lên 332 tỷ đồng từ mức 143 tỷ đồng trong quý 3/2013 chủ yếu là do 150 tỷ trái phiếu sắp đáo hạn trong 12 tháng tới.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhà đầu tư đã quan tâm hơn tới cổ phiếu BCI và giá cổ phiếu đã tăng khoảng 25%. BCI đóng cửa tại mức giá 24.400 đồng, tương ứng PE 2013 18x và PB 2013 1x.

Trong năm 2014, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng của BCI sẽ đạt 547 tỷ đồng và 133 tỷ đồng, tương ứng tăng 56,3% và 40% so với năm trước. Kết hợp phương pháp định giá PE và PB, giá mục tiêu năm 2014 ước tính là 25.200 đồng.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu BCI do cổ phiếu đã tăng khá trong thời gian gần đây. Trong dài hạn, chúng tôi ưa thích BCI nhờ quỹ đất lớn tại TP Hồ Chí Minh, dòng tiền ổn định từ hoạt động cho thuê khu công nghiệp và công ty liên kết Big C cũng như ban lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào cổ phiếu khi giá điều chỉnh.

BHS: PE ước tính giao dịch khoảng 15,1x

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Doanh thu 2013 của CTCP Đường Biên Hòa (BHS - sàn HOSE) giảm 3,8% so với cùng kỳ đạt 2.928 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng tiêu thụ năm 2013 tăng 5% so với cùng kỳ đạt 175.189 tấn nhưng giá bán bình quân (ASP) của BHS lại giảm 9% so với cùng kỳ chỉ đạt 16.500 đồng/kg. Tuy ASP giảm khá mạnh nhưng lợi nhuận gộp biên 2013 của BHS chỉ giảm nhẹ 1 điểm phần trăm (ppt) so với 2012 xuống còn 8,2%. Chúng tôi cho rằng giá vốn của BHS giảm khoảng 8% so với cùng kỳ trong năm 2013 nhờ công ty cắt giảm chi phí mía nguyên liệu. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng 2013 của BHS tăng mạnh lên 57 tỷ đồng so với lợi nhuận tài chính ròng 6 tỷ trong năm 2013. Trong đó chi phí lãi vay năm 2013 tăng 107% so với cùng kỳ do nợ vay của BHS trong năm 2013 tăng 136% so với cùng kỳ. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế 2013 của BHS giảm mạnh 67% so với cùng kỳ chỉ đạt 39 tỷ đồng.

Đòn bẫy tài chính đang giảm nhưng vẫn còn cao. Hệ số nợ ròng/VCSH của BHS vào cuối năm 2013 giảm xuống còn 0,9 lần so với 1,75 lần vào cuối năm 2012. Điều này là nhờ BHS thu được khoảng tiền mặt đáng kể lên đến 315 tỷ đồng trong đợt phát hành tăng gấp đôi vốn điều lệ vào quý IV/2013 vừa qua. Một phần trong số nguồn vốn này đã được BHS dùng để thanh toán nợ ngắn hạn. Vì vậy nợ ngắn hạn của BHS vào cuối 2013 đã giảm 5% n/n còn 942 tỷ đồng. Mặc dù vậy hệ số nợ ròng 0,9 lần của BHS vẫn còn cao hơn nhiều so với 0,43 lần của SBT, 0,49 lần của NHS hay 0,44 lần của LSS. Vì vậy chúng tôi cho rằng chi phí lãi vay vẫn còn là gánh nặng rất lớn cho BHS trong năm 2014.

Hàng tồn kho giảm mạnh đi kèm với sự gia tăng của khoản phải thu. Hàng tồn kho của BHS vào cuối năm 2013 giảm 57% so với cùng kỳ chỉ còn 349 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản phải thu của công ty lại tăng mạnh 142% so với cùng kỳ lên 690 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số ngày bình quân của khoản phải thu cũng tăng từ mức trung bình 41 ngày trong 5 năm qua lên mức 61 ngày trong năm 2013. Vì vậy có thể thấy BHS đang gia tăng tín dụng (số ngày trả chậm) cho khách hàng để cải thiện SL tiêu thụ và giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên việc này có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ nợ khó đòi cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản của công ty.

Dự báo 2014 tích cực. Chúng tôi dự báo doanh thu 2014 của BHS ổn định ở mức 2.929 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng tiêu thụ dự phóng tăng 5% so với cùng kỳ nhưng ASP cũng được dự báo giảm 5% so với cùng kỳ trong bối cảnh ngành đường vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp biên 2014 lại được dự báo tăng nhẹ 0,6ppt lên 8,8% do chi phí mía nguyên liệu (chiếm 80% giá thành) dự báo giảm 7% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay của BHS dự báo giảm 20% so với cùng kỳ nhờ nợ vay sụt giảm nhưng doanh thu tài chính cũng sẽ sụt giảm mạnh do không còn khoản thu nhập tài chính bất thường như trong năm 2013. Do đó, chi phí tài chính ròng trong năm 2014 được dự báo giảm nhẹ 5,3% so với cùng kỳ. Vì vậy, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2013 của BHS tăng 35,5% so với cùng kỳ.

Định giá cao. Với EPS năm 2014 dự báo khoảng 836 đồng/cổ phiếu, PE ước tính giao dịch khoảng 15,1x, cao hơn so với mức trung bình ngành 5,4x

MSN: Từ 2014, mỏ Núi Pháo bắt đầu tạo ra doanh thu

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Tiếp theo đà tăng trưởng tốt 21% trong quý III, doanh thu quý IV cũng tăng mạnh 21,4%, là thành công của CTCP Tập đoàn Masan - Masan Consumer (MSN - sàn HOSE) trong nỗ lực quảng cáo và đưa ra sản phẩm mới, nổi bật là nhãn hàng Chinsu-Nam Ngư cho mảng nước mắm, mì Sagami và cháo B’fast và cháo Komi trong mảng thực phẩm tiện lợi. Mảng gia vị đóng góp 43,8% và thực phẩm tiện lợi đóng góp khoảng 35% tổng doanh thu. Về mặt thị phần, theo chúng tôi ước tính, Masan vẫn duy trì thị phần chi phối khoảng hơn 70% trong phân khúc nước mắm công nghiệp, trong khi mì gói đã tăng ấn tượng từ mức 21% vào tháng 6/2013 lên mức 30% vào cuối năm 2013.

Lợi nhuận gộp biên quý IV cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 44,8%.

Với việc tung ra các sản phẩm mới nhắm vào phan khúc trung cấp có biên lợi nhuận gộp cao hơn và tận dụng tốt lợi thế về mặt quy mô sản xuất ngày càng lớn, Masan Consumer đã thành công trong việc gia tăng biên lợi nhuận gộp của toàn công ty trong quý IV lên mức 44,8%, vượt ngoài dự đoán của chúng tôi trước đây (khoảng 41%). Nhãn hàng Chinsu-Nam Ngư và mì gói Sagami đóng góp nhiều nhất cho việc gia tăng này. Cũng cần lưu ý là nhãn hàng Sagami chỉ mới bắt đầu đóng góp doanh thu từ quý IV năm ngoái, do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sản phẩm này sẽ đóng góp doanh thu nhiều hơn cho cả năm 2014.

Tuy nhiên, MSN còn loay hoay trong việc phát triển mạnh dòng sản phẩm Vinacafe.

Những nỗ lực trong quảng cáo và đưa ra sản phẩm cà phê mới trong thời gian vừa qua chỉ giúp công ty tăng trưởng khiêm tốn ở mức 8,7% trong cả năm 2013, riêng trong quý IV tăng tốt hơn ở mức 18,4%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện, từ mức 27.6% lên 29,8%, nhờ vào nhà máy sản xuất nguyên liệu cà phê hòa tan đã đi vào hoạt động hơn 1 năm, giúp công ty không còn lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

2013-2014 - Tập đoàn đã và đang có những bước khởi động để chuẩn bị tăng tốc cho giai đoạn sắp tới.

* Dự án Mỏ Núi Pháo được trông đợi và kỳ vọng 1 thời gian dài, đã đến lúc bắt đầu tạo ra doanh thu cho tập đoàn. Dự kiến, trong quý I này, Mỏ Núi Pháo sẽ bước đầu mang lại khoảng 500 tỷ đồng doanh thu trong quý I, và cả năm có thể đạt hơn 4,000 tỷ đồng doanh thu. Với EBITDA khoảng 45%, chúng tôi cho rằng, doanh thu này có thể giúp bù đắp phần chi phí khấu hao và lãi vay trong năm nay, đồng thời tạo ra thêm 1 khoản lợi nhuận nào đó. Nếu như năm sau, mỏ có thể đi vào khai thác theo đúng công suất như kế hoạch, thì khoản lợi nhuận đều đặn dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng (lợi nhuận của Masan Resources) sẽ mang lại lợi ích gia tăng cho những cổ đông của MSN, và chỉ số PE lúc đó mới thật sự phản ánh phần nào những giá trị mà MSN đã bỏ ra đầu tư trong thời gian vừa qua.

MSN đã thực hiện quyền mua để tăng tỷ lệ sở hữu mỏ Núi Pháo từ 65% lên 76,2%, là cơ sở cho thấy sự tự tin của Tập đoàn vào tính hiệu quả của dự án Mỏ này. Ngoài ra, với sự tham gia của đối tác Đức để tạo ra liên doanh với Masan Resources nhằm sản xuất sản phẩm giá trị cao từ tungsten, việc tiêu thụ khoáng sản tungsten đã được đảm bảo 50% sản lượng ngay tại nguồn, bán trực tiếp cho liên doanh để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ tungsten như Sodium tungsten, APT, BTO, TC, TP, TT v.v... Masan Resources nắm 51% sở hữu tại liên doanh này.

* Tập trung tấn công vào mảng nước giải khát trong năm 2014. Với việc đầu tư cho bộ phận nghiên cứu sản phẩm, xây dựng chiến lược cho ngành nước giải khát từ cuối năm 2013, Masan đã cơ bản hoàn tất giai đoạn thử nghiệm mùi vị cho sản phẩm mới, đánh giá thị trường, thiết lập thêm kênh phan phối v.v…, chuẩn bị cho việc tung ra sản phẩm mới từ tháng 4 năm nay. Vai trò của CEO mới, ông Seokhee Won từ Unilever, đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá lớn cho tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng.

* Doanh thu quý I dự kiến tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc tung ra các sản phẩm mới thành công trong nhóm nước mắm và mì gói, chúng tôi dự đoán doanh thu quý I sẽ đạt khoảng 2,091 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Quan điểm đầu tư.

Trong 3 năm vừa qua, giá cổ phiếu MSN đạt đỉnh cao nhất ở mức 158.000đ/cp vào T9/2011, khi đó chỉ số Vn-index chỉ đạt 470 điểm. Khoảng giá dao động phổ biến của cp này là từ 80.000 đến 120.000đ/cp, tùy thuộc vào diễn biến chung của thị trường, cung cầu cổ phiếu và tình hình hoạt động kinh doanh và kỳ vọng tăng trưởng của công ty. Trong khoảng thời gian 3 năm này, hoạt động kinh doanh của Masan Consumer theo chúng tôi là vẫn tăng trưởng tốt, tuy nhiên, do phải gánh vác khoản đầu tư vào mỏ Núi Pháo chưa mang lại lợi nhuận, nên hiệu quả cuối cùng mang lại cho cổ đông tập đoàn MSN còn thấp.

Ngoài ra, khoản đầu tư Techcombank do ảnh hưởng chung của tình hình kinh doanh ngành ngân hàng trở nên không hiệu quả. Bắt đầu từ 2014 này, mỏ Núi Pháo bắt đầu tạo ra doanh thu. Mặc dù ban đầu doanh thu này chỉ đủ để trang trải khấu hao và lãi vay trong quý I/2014 và tạo ra thêm 1 khoản lợi nhuận cho cả năm 2014 nhưng kể từ năm 2015 trở đi, chúng tôi cho rằng là đây thời điểm nhà đầu tư bắt đầu nhìn thấy dòng lợi nhuận rất ấn tượng tạo ra từ mảng này (dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng/năm cho Masan Resources), bên cạnh việc tăng trưởng mạnh của ngành hàng tiêu dùng và sự hồi phục của ngành ngân hàng, hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị gia tăng tương ứng cho nhà đầu tư cổ phiếu.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục