Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/1

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/1 của các công ty chứng khoán.

Mức thu phí ra vào cổng sân bay của ACV đạt trung bình 150 tỷ đồng/năm

CTCK Bản Việt (VCSC)

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) dừng thu phí ôtô vào cổng các sân bay. Thanh tra chính phủ đã có kết luận việc thu phí không phù hợp với quy định hiện tại vì ACV không phải nộp tiền thuê phần đất đừng dẫn và cổng vào sân bay.

Đại diện ACV cho biết sẽ ngừng thu ngay lập tức khi Bộ giao thông Vân tải đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không. Chưa có thêm thông tin cụ thể nào về xử phạt và thu hồi phí ôtô ra vào cổng sân bay mà ACV đã thu trong các năm qua.

19 trong số tổng cộng 22 sân bay dưới sự điều hành của ACV, bao gồm cả sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài đã thu tổng công 551 tỷ đồng phí ra vào cổng sân bay đối với xe hơi từ năm 2012 đến năm 2015, tương ứng trung bình 138 tỷ đồng một năm.

Chúng tôi ước tính các năm gần đây ACV thu trung bình 150 tỷ đồng/năm, tương ứng gần 1% tổng doanh thu của công ty.

P/E của VRG khá hấp dẫn, ở mức 18,9 lần

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG) có giá khởi điểm tỏ ra khá hấp dẫn với quỹ đất lớn. Giá đấu giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E 2017 là 18,9 lần, P/E 2016 là 20,9 lần và P/B 2016 là 1,3 lần, được chúng tôi cho rằng là khá hấp dẫn so sánh với các công ty khác cùng ngành trong khu vực với P/E trung vị trượt 12 tháng là 27,5 lần và P/B 1,5 lần.

Luận điểm đầu tư dành cho VRG là quỹ đất rộng lớn bao gồm 492.000 ha trong đó phần lớn là đất cao su có khả năng sẽ được chuyển hóa thành đất khu công nghiệp hoặc bất động sản với chi phí giải phóng mặt bằng thấp.

Tại mức giá khởi điểm, giá trị vốn hóa tương ứng của VRG sẽ là 52.000 tỷ đồng, khiến cổ phiếu công ty là một trong 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam. Chúng tôi lưu ý là P/E 2017 được tính dựa trên ước tính lợi nhuận sau thuế 2017 của công ty do báo cáo tài chính năm 2017 chưa được công bố tại thời điểm viết báo cáo.

Do sản xuất cao su tự nhiên chiếm tới 70% doanh thu của VRG, kết quả kinh doanh của VRG sẽ phụ thuộc vào giá cao su. Giá cao su đã giảm mạnh từ đỉnh 560 JPY/kg vào năm 2011 xuống đáy 10 năm với 150 JPY/kg vào năm 2016. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định rằng thị trường cao su đang trên đà hồi phục do giá cao su đã tăng khoảng 30% lên 200JPY/kg từ mức đáy.

Theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, sản lượng cao su xuất khẩu năm 2017 đã tăng 10,2% và giá bán tăng 22,3% so với năm 2016. Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), bao gồm Thái Lan, Malaysia và Indonesia, ba quốc gia chiếm 60-70% sản lượng cao su quốc tế, đã cam kết cắt giảm 350.000 tấn cao su xuất khẩu trong quý 1 2018 nhằm nỗ lực hỗ trợ giá cao su.

Chế biến gỗ chiếm khoảng 18% doanh thu của VRG, và chúng tôi cho rằng lĩnh vực này có khả năng tăng trưởng tốt do (1) xuất khẩu gỗ tăng trưởng 10% trong năm 2017 (2) chính phủ Mỹ vừa áp thuế chống bán phá giá lên gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo cơ hội thuận lợi cho Việt Nam, quốc gia có sản lượng gỗ xuất khẩu lớn thứ 2 trong Châu Á.

VRG đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài ngành như du lịch, thủy điện, bất động sản, với giá trị định giá trên 1.700 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đang có xu hướng giảm trong giai đoạn 2013-2016, ban lãnh đạo dự phóng doanh thu sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 18% và LNST sẽ đạt tăng trưởng kép 21% trong giai đoạn 2018- 2020.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục