Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

Khuyến nghị mua cổ phiếu FCN

CTCK Dầu khí (PSI)

Thành lập ngày 18/6/2004 từ một nhóm các kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, có tâm huyết với nghề, với sự năng động sáng tạo và kết hợp với đội ngũ công nhân lành nghề, hệ thống thiết bị đồng bộ với những công nghệ hiện đại, đến nay CTCP FECON (mã FCN) đã trở thành một trong ít doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nền móng, công trình ngầm tại Việt Nam.

Chiến lược phát triển trong những năm tới với mục tiêu trở thành tập đoàn phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam, tìm kiếm lựa chọn đầu tư vào các dự án về năng lượng sạch, đô thị và hạ tầng.

Với kết quả kinh doanh trong những năm qua và triển vọng những năm tới, Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FCN ở thời điểm hiện tại với mức giá mục tiêu 12 tháng là 22.100 đồng/cổ phần.

>> Tải báo cáo

NLG sẽ tiếp tục tăng giá đến ngưỡng kháng cự cũ 33

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) vẫn đang nằm trong xu hướng tăng giá từ ngưỡng đáy 28.

Vị thế hồi phục khá mạnh khi thanh khoản cổ phiếu liên tiếp tăng trưởng trong các phiên gần đây với giá trị vượt xa ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo RSI đang duy trì xu hướng tăng điểm và chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng đi ngang. Dải mây Ichimoku đang nâng đỡ đường giá cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn vẫn đang được củng cố.

Như vậy, NLG sẽ tiếp tục tăng giá đến ngưỡng kháng cự cũ tại mức giá 33. Nếu thành công vượt ngưỡng giá này với mức thanh khoản cao NLG có thể hồi phục về ngưỡng giá 35.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 164.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2019 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt 15% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này hầu hết được thúc đẩy bởi chuỗi Điện máy XANH (ĐMX), với doanh thu chuỗi này được thúc đẩy nhờ việc mở thêm nhiều cửa hàng mới và tối ưu hóa mô hình từ tháng 04/2019. Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục có bước tiến tích cực về doanh thu/cửa hàng. Nhìn chung, kết quả 5 tháng đầu năm phần lớn phù hợp với dự báo của chúng tôi.

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho MWG với giá mục tiêu 164.700 đồng/CP, tổng mức sinh lời 82,6%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,6% theo giá đóng cửa phiên 21/6 là 91.000 đồng/CP.

Doanh thu trong 5 tháng đầu năm của Điện Máy Xanh tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng doanh thu các cửa hàng hiện hữu ở mức cao, mở thêm nhiều cửa hàng mới (59 cửa hàng trong 5 tháng đầu năm, tính cả việc chuyển đổi từ các cửa hàng điện thoại di động (ĐTDĐ) hoạt động tốt thành Điện Máy Xanh mini, qua đó nâng tổng số cửa hàng Điện Máy Xanh lên 809 cửa hàng so với 750 vào cuối năm 2018) và tối ưu hóa mô hình (177 cửa hàng Điện Máy Xanh mini đã được chuyển sang mô hình trưng bày mới trong tháng 04 và 05/2019.

Công ty cho biết, mô hình trưng bày mới đã giúp doanh thu của các cửa hàng được chuyển đổi tăng khoảng 30% so với mô hình hiện nay nhờ số lượng SKU cho các sản phẩm điện tử, hàng gia dụng nhỏ và dụng cụ nhà bếp đa dạng hơn.

Ngoài ra, với việc MWG đã mở 35 cửa hàng Điện Máy Xanh mới (bao gồm chuyển đổi cửa hàng từ ĐTDĐ) trong tháng 4-5/2019 so với kế hoạch 100 cửa hàng trong quý 2/2019 của ban lãnh đạo, chúng tôi cho rằng tốc độ mở cửa hàng mới của Điện Máy Xanh sẽ tăng đáng kể trong tháng 06/2019.

Hiệu suất hoạt động tăng hỗ trợ biên lợi nhuận ròng. Chúng tôi ước tính doanh số hàng tháng/cửa hàng trung bình của Điện Máy Xanh trong 5 tháng đầu năm tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,5 tỷ đồng. Vì chi phí hoạt động ở mức cửa hàng không có nhiều biến động, chúng tôi ước tính doanh số từ mỗi cửa hàng cải thiện đã giúp biên lợi nhuận ròng của công ty tăng 70 điểm cơ bản lên 4,2% trong 5 tháng đầu năm.

Doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động giảm do việc chuyển đổi các cửa hàng hoạt động tốt thành Điện Máy Xanh mini. Do việc chuyển đổi này nên tính đến cuối tháng 5, số cửa hàng Thế Giới Di Động giảm còn 1.017 so với 1.021 cùng kỳ và 1.032 vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, tính theo ngành hàng, công ty cho biết ngành điện thoại di động của MWG vẫn tăng trưởng dương trong 5 tháng đầu năm. MWG cũng cho biết thị phần mảng điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 47% so với 45% cuối năm 2018.

Việc kinh doanh thí điểm đồng hồ đeo tay thời trang mang lại tín hiệu tích cực. Công ty cho biết từ khi bắt đầu chương trình thử nghiệm từ đầu tháng 3/2019 đến nay, trung bình mỗi cửa hàng hàng tháng bán được 500 chiếc đồng hồ, tương đương doanh thu 0,6-1 tỷ VND/tháng/cửa hàng. Đồng hồ thời trang chiếm hơn 5% doanh thu của các cửa hàng TGDĐ và ĐMX được thử nghiệm kinh doanh mặt hàng này. Vì vậy, MWG dự kiến sẽ triển khai mô hình này tích cực hơn trong thời gian tới, từ 18 cửa hàng trong 5 tháng đầu năm 2019.

Doanh thu online tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu online tăng mạnh 52% trong 5 tháng đầu năm 2019, chiếm 18% doanh thu của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, so với 13% cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu online của MWG tăng mạnh nhờ mô hình bán hàng đa kênh vượt trội, trên nền tảng mạng lưới cửa hàng rộng khắp nhất cả nước.

Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tiếp tục tăng; độ phủ ngoài TP. HCM tiếp tục gia tăng. Chúng tôi ước tính doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã vượt mức 1,5 tỷ đồng trong tháng 05/2019, tăng 7% so với tháng 04/2019 và cao hơn 22% so với trung bình quý 4/2018. Kết quả này một phần nhờ mô hình lớn (khoảng 300m2/cửa hàng) chiếm tỷ trọng cao hơn, chiếm 14% số cửa hàng Bách Hóa Xanh trong 5 tháng đầu năm 2019 so với 8% vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, phần lớn các cửa hàng mới của Bách Hóa Xanh được mở từ đầu năm đến nay nằm tại miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Qua đó, số cửa hàng tại các khu vực này hiện chiếm đến 32% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh trong 5 tháng đầu năm 2019, so với 8% cuối năm 2018.

Tăng cường nhập hàng trực tiếp thúc đẩy doanh thu thực phẩm tươi sống. Trong tháng 04/2019, BHX bắt đầu nhập khẩu trái cây trực tiếp từ các nông trại tại Mỹ, EU, Úc, New Zealand, Nam Phi, Ai Cập và Thái Lan. Nhờ sản phẩm đa dạng với giá cạnh tranh hơn (thấp hơn khoảng 10%-30% so với thị trường, theo MWG), sản lượng trái cây nhập khẩu tháng 5/2019 tăng mạnh lên 80 container từ 30 container hồi tháng 4 và 10 container hồi tháng 3. Nhờ vậy, tỷ trọng thực phẩm tươi sống, mát và đông lạnh đã tăng lên 50% tổng doanh thu trong 5 tháng đầu năm 2019 so với mức 40% cùng kỳ năm ngoái.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ