Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/4

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/4 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu PVI

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu năm ngoái của CTCP PVI (mã PVI) tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu bảo hiểm gốc có tốc độ tăng cao gấp đôi thị trường, đồng thời mảng tái bảo hiểm cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế (từ khi được nâng loại xếp hạng tín nhiệm lên A-).

Mặc dù vậy, lợi nhuận của PVI vẫn kém khả quan do (1) Phần doanh thu khai thác mới ban đầu hiệu quả chưa cao; (2) Ảnh hưởng của đợt bão Yagi làm tăng chi phí bồi thường; và (3) Lợi suất đầu tư tài chính thấp hơn do mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm chỉ còn quanh 6%.

Trong quý I/2025, doanh thu hợp nhất của PVI đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 300 tỷ đồng, hoàn thành 34% và 28% kế hoạch cả năm. Ban lãnh đạo khá tự tin vào việc PVI sẽ tiếp tục tăng trưởng, và có thể hoàn thành hoặc vượt kế hoạch về doanh thu năm nay.

Về các hoạt động kinh doanh liên quan tới tập đoàn dầu khí PVN, PVI nhận định giá dầu giảm có thể khiến các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới các hợp đồng của PVI với nhóm này. Mặc dù vậy, tỷ trọng đóng góp của mảng dầu khí chỉ khoảng 10% tổng doanh thu của PVI, do đó ban lãnh đạo đánh giá mức độ tác động là không đáng kể.

PVI chưa có kế hoạch tăng vốn, hay chia cổ tức bằng cổ phiếu. Từ các năm sau Công ty có thể sẽ cân nhắc phương án chia cổ tức cả bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Về kế hoạch thoái vốn của PVN, ban lãnh đạo cho biết kế hoạch thoái toàn bộ 35% cổ phần của PVN vẫn đang được tiến hành theo QĐ1243, dự kiến tháng 5 sẽ hoàn thành định giá sơ bộ, nhưng chưa có tiến độ cụ thể về thực hiện việc thoái vốn. Do đó, nhiều khả năng PVN sẽ chưa thoái vốn khỏi PVI trong năm nay.

PVI đánh giá mảng tái bảo hiểm rất tiềm năng, đặc biệt là thị trường quốc tế ( với tỷ trọng khoảng 80%). Hiện mảng tái bảo hiểm chiếm tới gần 50% cơ cấu lợi nhuận của công ty, với các thị trường chiến lược chính là các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hay Trung Đông. PVI kỳ vọng doanh thu mảng này trong năm 2025 có thể đạt từ 7.000-8.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 50% so với năm trước.

Kế hoạch năm 2025 của PVI tương đối thận trọng so với dự báo của BSC. Chúng tôi đánh giá, PVI vẫn đang là công ty bảo hiểm có thị phần đứng đầu thị trường, hoạt động kinh doanh ổn định, và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Dù vậy, về định giá, PVI đang giao dịch tại P/B = 1.8x, cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình 5 năm. Do đó, BSC đưa ra khuyến nghị nắm giữ với PVI, với giá mục tiêu 1 năm là 62.000 đồng/CP, tương ứng với upside 8,1% (đã bao gồm cổ tức tiền mặt tỷ lệ 31,5%).

Cơ hội với loạt cổ phiếu trả cổ tức cao gồm VEA, QTP, SAB, QNS, BMP, PAT

CTCK Agriseco (AGR)

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA – UPCoM) trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn hàng năm. Trong đó tỷ suất cổ tức tiền năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 11,4%; 12,4%; 13,2%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của VEA đang ở mức cao là 13%/năm.

VEA có kết quả kinh doanh ổn định và duy trì qua các năm. Tỷ lệ sinh lời ROE cao, đạt gần 30% cho 4 quý gần nhất và luôn duy trì mức này nhiều năm trở lại đây. Cấu trúc tài chính lành mạnh với tổng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn khoảng 13.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng tài sản của doanh nghiệp. Định giá của VEA đang ở mức P/E ~ 7,0 lần và P/B ~ 2,0 lần - là mức khá hấp dẫn với tỷ lệ sinh lời ROE và tỷ suất cổ tức tiền mặt hiện tại.

CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP – UPCoM) trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn hàng năm. Trong đó tỷ suất cổ tức tiền năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 5,0%; 19,7%; 12,5%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của QTP đang ở mức hấp dẫn là 12,8%/năm.

QTP có kết quả kinh doanh ổn định hàng năm với hoạt động kinh doanh của các nhà máy nhiệt điện tại khu vực phía Bắc. Dự báo tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2025 đạt khoảng 347,5 tỷ kWh, tăng 12,2% so với năm 2024, tương ứng với mức tăng khoảng 37 tỷ kWh. Trong bối cảnh thủy điện cần tích nước cho mùa khô và năng lượng tái tạo chưa ổn định, nhiệt điện than tiếp tục được ưu tiên huy động để đảm bảo cung ứng điện sẽ giúp QTP được hưởng lợi.

Cấu trúc tài chính QTP lành mạnh, nợ vay tiếp tục giảm trong năm 2024 và dòng tiền kinh doanh dương liên tục trong nhiều năm. Định giá đang ở mức P/E ~ 10,0 lần và P/B ~ 1,2 lần, đây mức hợp lý với tỷ suất cổ tức tiền cao của doanh nghiệp.

Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB - sàn HOSE) trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm. Đặc biệt trong năm 2024, tỷ suất tiền mặt của SAB đạt 9,4%. Với kế hoạch trả cổ tức tiền 50% (tương ứng 5.000 đồng/CP) trong năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của SAB lên đến 10,6%, là mức khá hấp dẫn.

Giá cổ phiếu SAB liên tục giảm sâu nhiều năm trở lại đây đưa định giá cổ phiếu về mức P/E ~ 14 lần và P/B ~ 2,6 lần, thấp hơn nhiều so với lịch sử định giá. Tuy nhiên cần lưu ý rủi ro đối với ngành bia khi đây là ngành đang gặp nhiều khó khăn bởi Nghị định 100 và xu hướng tiêu thụ ít rượu bia hơn của giới trẻ.

Doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu rất thấp, lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới khoảng 21.000 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng tài sản. Qua đó giúp SAB đảm bảo tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao duy trì trong nhiều năm tới.

CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn hàng năm. Trong đó tỷ suất cổ tức tiền năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 6,2%; 8,7%; 8,7%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của QNS đang ở mức cao là 10%/năm.

QNS duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong nhiều năm trở lại đây với hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và kinh doanh đường. Triển vọng 2025 tiếp tục tích cực đến từ (1) Giá đường duy trì ở mức cao và dự báo tiếp tục xu hướng tăng khi thâm hụt cán cân toàn cầu sẽ trầm trọng hơn trong niên vụ 2024-2025, rơi vào ~3,58 triệu tấn do hậu quả của tình trạng cháy rừng tại Brazil; (2) Ngành vẫn đang được hưởng lợi bởi thuế chống bán phá giá của Việt Nam đang áp cho đường Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực.

Doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh với tổng lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn khoảng hơn 7.800 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản. Tỷ lệ vay nợ thấp cùng với dòng tiền kinh doanh duy trì dương liên tục trong nhiều năm giúp QNS đảm bảo được tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao các năm tới.

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – HOSE) trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn hàng năm. Trong đó tỷ suất cổ tức tiền năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 7,7%; 14,3%; 10,0%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của BMP đang ở mức cao là 8,8%/năm.

BMP có triển vọng kinh doanh trong năm 2025 tích cực đến từ (1) Chi phí nguyên liệu đầu vào chính là hạt nhựa PVC giảm sâu, cụ thể giá PVC đang thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ và có thể tiếp tục xu hướng giảm bởi hạt nhựa PVC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải hạ giá bán ra ngoài thị trường sau khi gặp áp lực thuế quan từ Mỹ; (2) Nhu cầu ống nhựa trong nước tiếp tục tăng trưởng mạnh với động lực từ sự phục hồi của ngành bất động sản và chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh khi gần như không vay nợ và sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến gần 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng tài sản. Dòng tiền kinh doanh duy trì dương trong nhiều năm giúp BMP đảm bảo chính sách trả cổ tức tiền mặt cao trong các năm tới.

CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT – UPCoM) trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn hàng năm. Trong đó tỷ suất cổ tức tiền năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 18,1%; 22,8%; 9,2%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của PAT đang ở mức cao là 8,2%/năm.

PAT là doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh phốt pho vàng cùng các sản phẩm có nguồn gốc từ phốt pho như axit phosphoric. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp duy trì ổn định trong nhiều năm với tỷ suất sinh lời ROE cao lên đến 46% cho năm 2024.

Doanh nghiệp có cấu trúc tài chính lành mạnh khi gần như không vay nợ và sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao trên tổng tài sản (khoảng 46%). Dòng tiền kinh doanh duy trì dương trong nhiều năm giúp PAT đảm bảo chính sách trả cổ tức tiền mặt cao trong các năm tới.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG

CTCK Tiên Phong (TPS)

Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) tiếp tục duy trì xu hướng tăng dài hạn khi giá vẫn vận động phía trên đường xu hướng tăng chính, bất chấp các nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chung trong thời gian gần đây.

Trong ngắn hạn, đồ thị kỹ thuật ghi nhận mô hình hai đáy đang dần hình thành - đây là mẫu hình có xác suất cao báo hiệu khả năng đảo chiều tăng giá nếu được xác nhận bằng thanh khoản cải thiện và giá vượt đỉnh giữa hai đáy.

Đáng chú ý, CTG hiện vẫn giao dịch trên đường trung bình động MA200 ngày - một ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng. Đường MACD gần cắt lên trên đường tín hiệu, histsogram đã thu hẹp đáng kể mức âm và dần chuyển sang dương cho thấy cho thấy động lượng giá đang được cải thiện.

RSI và MFI dù vẫn đang ở mức trung tính nhưng đang cho thấy sự cải thiện dần. Nếu giá và khối lượng tiếp tục có sự đồng thuận ở những phiên tới thì các chỉ báo này sẽ trở lại mức tích cực.

Chiến lược giao dịch: Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua từng phần đối với cổ phiếu tại các mức giá quanh 36.500 đồng/CP (mức giá quanh đường trung bình MA200 ngày) đồng thời thiết lập mức stop-loss chặt chẽ.

N.T

Tin cùng chuyên mục