Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/12 của các công ty chứng khoán.

KDC: Không còn duy trì xu hướng tăng trung hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Khối lượng giao dịch của cổ phiếu CTCP Tập đoàn KIDO (KDC – sàn HOSE) đã có sự sụt giảm rõ nét sau phiên tạo đỉnh vào ngày 14/12/2015. Diễn biến này cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn chưa tham gia trở lại mặc dù KDC đã liên tiếp có những phiên giảm điểm mạnh.

Trong khi đó, KDC có diễn biến hồi phục trở lại khi chạm đến vùng hỗ trợ 25-25.3, vùng có sự hội tụ của đường MA100 và MA200. Diễn biến hồi phục cũng có thể đến từ việc rơi khá mạnh, ra khỏi biên dưới của Bollinger Bands trước đó.

Tuy nhiên, mẫu hình nến cho khả năng đảo chiều giảm trở lại Evening Star đã hình thành sau phiên giao dịch ngày 22/12/2015. Bên cạnh đó, ADX cũng cho thấy xu hướng tăng bắt đầu từ cuối tháng 10 của KDC đang yếu đi.

Với các tín hiệu kỹ thuật như trên, vùng hỗ trợ 25-25.3 có thể sẽ bị thử thách mạnh trong các phiên giao dịch sắp tới.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có sẵn cổ phiếu có thể bán ra nếu giá KDC rơi xuống trở lại dưới mức 25, do có thể giảm xuống test lại vùng 24.2-24.4. Trong trường hợp KDC đảo chiều tăng trở lại sau khi rơi xuống dưới mức 25, có thể mua trở lại khi giá tiếp tục tăng vượt qua mức 26.4, cùng với sự tích cực trở lại của khối lượng giao dịch (đạt hơn 930,000 cổ phiếu/phiên).

Việc rơi khỏi các đường trung bình dài hạn MA100 và MA200 cũng là tín hiệu kỹ thuật cho thấy KDC không còn duy trì được xu hướng tăng trung hạn. Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể giảm tỷ trọng nắm giữ.

DHG: Kỳ vọng tăng trưởng từ năm 2016

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín (SBS)

CTCP Dược Hậu Giang (DHG) là doanh nghiệp dược lớn nhất niêm yết trên sàn và nếu tính cả doanh nghiệp nước ngoài thì nằm trong Top 3 doanh nghiệp đứng đầu với thị phần 2,4%, xếp sau hai tập đoàn lớn là Sanofi (3,5% thị phần) và GlaxoSmithKline (3,2% thị phần). Dược Hậu Giang có hệ thống phân phối với 12 công ty con, 24 chi nhánh, 68 nhà thuốc tại các bệnh viện.

Quý III/2015, DHG đã có sự tăng trưởng trở lại sau khi cơ cấu lại hoạt động thương mại. Tổng kết 9 tháng đầu năm DHG đạt được 426 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đã có sự chuyển dịch tỷ trọng nguồn thu lớn của DHG khi mảng thuốc ETC (thuốc bệnh viện) giảm xuống còn khoảng 10% và DHG sẽ duy trì tỷ trọng này trong thời gian tới. Hiện mảng phân phối ETC cạnh tranh ngày càng cao nên DHG đã giảm giá bán bình quân để giữ thị phần. Mảng doanh thu từ OTC (kênh bán lẻ) được chú trọng hơn với các khách hàng nhỏ bên cạnh nhóm khách hàng lớn truyền thống.

Thời gian vừa qua, DHG đã tiếp cận thêm các kênh khách hàng nhỏ mà trước đây DHG chưa chú trọng nhiều và trong năm 2015, doanh thu mảng này đã có sự tăng trưởng đáng kể gần 50%. Trong số khoảng 10.000 khách hàng của DHG, có 30% đến từ nhóm khách hàng lớn và phần còn lại là từ nhóm khách hàng nhỏ. Vì vậy việc tái cơ cấu các kênh phân phối đã giúp DHG duy trì mức tăng trưởng doanh thu trở lại dù tỷ suất lợi nhuận có thể giảm một chút.

DHG có thể hoàn thành kết quả năm nay với mục tiêu 729 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dù các mức chi phí bán hàng đang tăng lên trong những năm gần đây nhưng doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh ở các phân khúc bán lẻ mới. Tại mức PE hiện tại DHG đang giao dịch ở mức giá thấp nhất kể từ 2013 và chỉ nhỉnh hơn một chút giai đoạn thị trường khủng hoảng năm 2010 – 2012. Có một chút thận trọng khi DHG đang vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo nhưng các kế hoạch tái cấu trúc và định hướng tương lai vẫn ổn định và kỳ vọng trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ 2016.

TRA: Sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín (SBS)

CTCP Traphaco (mã TRA) là công ty đông dược với các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng và một số thuốc kháng sinh. Traphaco cơ lợi thế lớn nhờ tự chủ được đến 90% nguồn cung nguyên liệu dược đông y, là điều mà các doanh nghiệp đông y khác chưa thực hiện được.

Traphaco trở thành doanh nghiệp dược đầu tiên có vùng trồng 05 cây dược liệu gồm Đinh lăng, Actiso, Rau đắng đất, Bìm bìm biếc, Chè Dây được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn GACP-WHO. TRA đã nâng mức đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất dược Việt Nam được điều chỉnh từ mức 300 tỷ đồng lên 420 tỷ đồng.

Tại Sapa, TRA cũng đang xây dựng nhà máy với quy mô 1 triệu USD, nhằm phát triển sản phẩm chủ lực về Đông dược và sẽ đứng đầu cả nước về phát triển nguồn nguyên liệu đông dược.

Về hoạt động 9 tháng 2015, Công ty đã đạt doanh thu 1,438 tỷ, lợi nhuận sau thuế 122.4 tỷ tăng 18,5% so với cùng kỳ. TRA có nợ rất ít và hầu như không đáng kể. Chính vì những lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu và tài chính mà TRA luôn duy trì mức EPS hàng năm trên 5,000.

Lợi nhuận trong 3 năm gần đây có chững lại nhưng không bị sụt giảm là một trong những cố gắng lớn của TRA trước sự suy yếu chung của ngành dược cả nước. Dự báo năm nay TRA sẽ hoàn thành doanh thu 1.860 tỷ và lợi nhuận 180 tỷ, EPS đạt khoảng 7,200.

OPC: Kết quả kinh doanh những năm gần đây không bứt phá

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín (SBS)

CTCP Dược phẩm OPC (mã OPC) là công ty đông dược lớn thứ hai sau TRA nhưng lại quen thuộc với người tiêu dùng hơn do lịch sử hình thành lâu đời và có nhiều sản phẩm được sử dụng rộng rãi như dầu khuynh diệp, Kim Tiền Thảo, Cao Ích Mẫu. Theo một số đánh giá những sản phẩm như dầu khuynh diệp của OPC có chất lượng hơn hẳn các sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng giá lại rẻ hơn. Nếu công ty đẩy mạnh hoạt động quảng bá và trau chuốt bao bì sẽ đạt nhiều thành công hơn không những trong nước lẫn quốc tế.

9 tháng đầu năm nay, OPC đạt doanh thu 525 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh 23% đạt 57,4 tỷ đồng. Năm nay, OPC có thể duy trì lợi nhuận cả năm từ 65 đến 70 tỷ đồng và gần như bằng với 2014.

Trong vài năm gần đây, mặc dù OPC tăng vốn điều lệ từ 12 triệu cổ phiếu năm 2013 lên 25 triệu cổ phiếu năm nay nhưng kết quả hoạt động kinh doanh lại không có nhiều bứt phá.

OPC cũng giống như các doanh nghiệp khác chịu sức ép cạnh tranh nội địa và chịu ảnh hưởng cả việc lộ trình thực hiện cam kết WTO đối với ngành dược. Hiện tại OPC không có nhiều dự án mới tiềm năng đột phá mà chỉ tập trung nhiều mở rộng kênh phân phối để mở rộng thị phần, đặc biệt phát triển thị trường các vùng sâu, xa xôi hẻo lánh, miền núi, đồng bào dân tộc.

OPC cũng đang hoàn thiện dự án CTCP Dược phẩm Dược liệu OPC Bắc Giang (triển khai từ 2012), trong đó có phạm vi nuôi trồng và thu hái dược liệu theo xu hướng đạt tiêu chuẩn GACP. Nhà máy OPC Bắc Giang trồng các loại dược liệu quan trọng như Kim tiền thảo, Ích mẫu và các loại cây trị ho, cung cấp nguyên dược liệu cho 3 dòng sản phẩm Kim tiền thảo, Ích mẫu và viên Vitamin C – Glocose & dòng sản phẩm thuốc phiến của OPC.

IMP: Chu kỳ tăng trưởng sẽ trở lại trong 2-3 năm tới

CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thường Tín (SBS)

CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) là doanh nghiệp dược phẩm tiền thân là công ty dược phẩm TW7 và có quá trình hình thành từ doanh nghiệp nhà nước.

Imexpharm có hơn 200 mặt hàng trong đó các mặt hàng chủ lực của Imexpharm là Kháng sinh, Giảm đau hạ sốt, Kháng viêm, Cơ xương khớp, Vitamin, Khoáng chất, Nhóm hàng đặc trị, nhóm sản phẩm Imexpharm khác. IMP là một trong những công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thông tư 01 về đấu thầu thuốc ETC (bệnh viện). Việc cùng một thuốc generic công thức giống nhau thì thuốc nào rẻ sẽ được trúng thầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Imexpharm do các sản phẩm của công ty có chất lượng cao hơn. Hệ quả là kênh điều trị (ETC) của công ty sụt giảm mạnh, kéo theo mức sụt giảm về doanh thu. Để bù lại khoản này Imexpharm chuyển sang mở rộng thêm hệ thống phân phối trên OTC và tăng cường các hoạt động liên doanh – liên kết như hợp tác với CTCP Dược phẩm Phano, nhà phân phối dược phẩm độc quyền của Teve Pharmaceuticals.

Về các dự án mới hiện tại Imexpharm đang nâng cấp các nhà máy Cephalosporin và Penicillin Bình Dương lên tiêu chuẩn EU-GMP, nhằm mục tiêu đưa sản phẩm trở lại ETC và mở rộng hướng xuất khẩu. Imexpharm cũng đang tiên phong trong việc triển khai dự án nhà máy công nghệ cao chuyên sản xuất thuốc đặc trị sẽ hoàn thành vào cuối 2017.

Về hoạt động kinh doanh, cập nhật số liệu mới nhất tháng 11 này, doanh thu của Imexpharm đã khởi sắc hơn hẳn với 108 tỷ đồng, tăng 27,5% so với tháng 11/2014. Tính lũy kế 11 tháng 2015, doanh thu thuần đạt 826,5 tỷ đồng, tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu hàng Imexpharm thực hiện 11 tháng đạt 617,4 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5%; trong đó doanh thu từ OTC chiếm tỷ trọng 87,3%, tăng trưởng 20,0%, doanh thu ETC chỉ chiếm 12,7% và giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế 11 tháng 2015 thực hiện được là 109,9 tỷ đồng, đạt 84,5% lợi nhuận kế hoạch, tăng trưởng 2,5% so với 11 tháng 2014. Với các chiến lược phát triển bền vững và mở rộng mục tiêu sang các sản phẩm mang giá trị gia tăng cao thì kỳ vọng chu kỳ tăng trưởng của IMP sẽ trở lại sau 2,3 năm tới.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục