Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/7 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/7

IDI: Khuyến nghị mua vào

CTCK Apec (APS)

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI – sàn HOSE) với mức giá mục tiêu 14,500 VND/cổ phiếu, tầm nhìn 1 năm.

* Điểm nổi bật:

IDI được thành lập năm 2003, hầu hết Ban lãnh đạo của IDI là những cán bộ chủ chốt của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây Dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM). Lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng công trình và kinh doanh bất động sản (BĐS). Từ 2008, Công ty bắt đầu tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu cá tra với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, chiếm 40%. IDI có tên trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh hàng đầu Việt Nam.

Định hướng phát triển của IDI là tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín cho chuỗi thủy sản. Hiện tại, công ty đang có các nhà máy cá tra fillet, nhà máy bột cá và nhà máy dầu cá.

Doanh thu của công ty đạt tốc độ tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình 25%/năm trong các năm từ 2010 trở lại đây bất chấp các bất ổn của kinh tế vĩ mô. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm 2013 và 2014.

IDI đặt kế hoạch doanh thu 2015 đạt 3,012 tỷ đồng, tăng 42.1% so với năm 2014, trong đó doanh thu từ mảng Cá tra Fillet đạt 2,531 tỷ đồng và mảng dầu ăn Ranne đạt mức 481 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2015 đạt mức 171 tỷ đồng, trong đó Cá tra Fillet đóng góp 70.4% lợi nhuận và mảng dầu ăn Ranne đóng góp 29.6% lợi nhuận. EPS cả năm 2015 dự kiến đạt mức 2,000 đồng/cổ phiếu. Với KQKD quý 1/2015, chúng tôi cho rằng IDI hoàn toàn có thể đạt kế hoạch đề ra trong năm 2015.

* Điểm hạn chế:

Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra fillet. Theo đó, giá thuế chống bán phá giá đối với cá tra fillet nhập khẩu đã lên đến mức 0.97USD/kg trong khi giá thành xuất khẩu của mặt hàng này chỉ ở mức 3USD/kg. IDI và các doanh nghiệp thủy sản phải mở rộng hoạt động xuất khẩu sang các địa bàn khác.

IDI đẩy mạnh việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong thời gian gần đây. Mặc dù việc tăng vốn nhằm mục đích đầu tư vào các dự án được đánh giá là khả thi nằm trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh chính, điều này có thể gây ra rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện hữu.

>> Tải báo cáo

FMC: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng tôm tiêu thụ của FMC đạt 4.600 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu đạt 58,4 triệu USD, tương ứng 1.235 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ do giá bán tôm trung bình giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá bán tôm đã giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 12,6USD/kg.

Nguồn nguyên liệu của FMC chủ yếu mua từ các hộ nuôi trong nước và nhập khẩu. Nhờ giá tôm nguyên liệu giảm nhiều hơn so với giá bán, cộng với một lượng hàng tồn kho giá rẻ từ năm trước nên giá thành bình quân thấp. Biên lợi nhuận gộp trung bình 6 tháng đầu năm 2015 tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên mức 8%.

Các chi phí khác biến động không đáng kể, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 27,5 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thức 6 tháng đầu năm, FMC đã hoàn thành 34% và 35% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm.

Xuất khẩu tôm Việt Nam 2015 dự báo sẽ gặp khó khăn hơn do thuế chống bán phá giá cao vào thị trường Mỹ (xuất khẩu tôm sang Mỹ đã giảm 52% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2015). Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu tôm sang thị trường Hàn Quốc (thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 5 của VN) dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới nhờ triển vọng từ hiệp định VKFTA (Hiệp định thương mại tự do VN - Hàn Quốc), được ký kết hồi tháng 5/2015 và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2016.

Hiện Hàn Quốc áp dụng mức thuế 20% cho các sản phẩm tôm nhập khẩu vào nước này do tôm được xếp vào nhóm hàng hóa nhạy cảm cao. Sau khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%.

Đây cũng là cơ hội cho FMC đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc.Bên cạnh đó, dù các quốc gia bị nhiễm EMS hiện đã kiểm soát được dịch bệnh và đang dần phục hồi nhưng khó đạt được mức độ như bình thường, phải sau 2 năm các thị trường này mới hồi phục hoàn toàn.

Định giá tương đối thấp. Chúng tôi ước tính, EPS 2015 ước đạt 3.885 đồng, PE giao dịch dự phóng là 6 lần, thấp hơn trung bình ngành là 8 lần.

VNS: PE khá thấp, ở mức 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Trong nửa đầu năm 2015, Công ty Mẹ đã đầu tư 643 xe mới và thanh lý 363 xe cũ, lần lượt hoàn thành 60,6% và 52% kế hoạch năm. Tổng số xe hiện đang kinh doanh của VNS tính đến cuối tháng 6 tháng đầu năm 2015 là 6.372 chiếc, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, doanh thu công ty Mẹ trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 2.002 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn doanh thu ở mức 2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 154 tỷ với biên lợi nhuận ròng giảm 1 điểm phần trăm (ppt) so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 8% do (i) biên lợi nhuận gộp giảm 1,4 ppt so với cùng kỳ năm ngoái vì cước taxi giảm và (ii) tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 0,7 ppt so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh của công ty Mẹ đóng góp khoảng 98% vào kết quả kinh doanh của tổng công ty, do vậy, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của tổng công ty sẽ ở mức tương đương công ty Mẹ.

Với thị phần 44% tổng số xe tại tp.HCM, cộng với thị phần tại các thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang đang mở rộng, chúng tôi lạc quan hoạt động dịch vụ taxi của VNS tiếp tục có mức doanh số tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc giá cước bị điều chỉnh giảm để cạnh tranh với các dịch vụ taxi giá rẻ sẽ tác động lên lợi nhuận của công ty trong năm nay.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế 2015 của VNS đạt khoảng 307 tỷ, giảm 2% so với năm ngoái. EPS 2015 ước 4.529 đồng/cp, tương ứng PE 7 lần, thấp hơn mức 10 lần trung bình ngành trong khu vực (đã chiết khấu 30% do rủi ro cạnh tranh từ Grab taxi, Uber…).

DHC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 310 tỷ và 33,5 tỷ, tăng lần lượt 25% so với cùng kỳ năm ngoái và 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng doanh thu nhờ sản lượng giấy công nghiệp và bao bì bán ra tăng.

Trong tháng 7/2014, công ty đã đầu tư thêm hệ thống xử lý bột giấy lớp mặt và đưa vào hoạt động tháng 8/2014 giúp tăng sản lượng sản xuất giấy testliner. Biên lợi nhuận gộp được kiểm soát tốt ở mức 17,3%, không biến động nhiều vo sới mức 17,7% cùng kỳ. Nhờ kiểm soát hàng tồn kho tốt hơn giúp cải thiện vốn lưu động và giảm nợ vay.

Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm xuống mức 28% từ mức 36% của cùng kỳ. Theo đó, lãi vay giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái còn 77 tỷ đồng. Cùng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 2 điểm phần trăm do phát sinh khoảng hoàn nhập quỹ lương. Trong 6 tháng đầu năm 2015, DHC đã hoàn thành 55% và 73% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm.

Chúng tôi giữ nguyên ước tính doanh thu 2015 của DHC khoảng 568 tỷ, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ gia tăng sản lượng giấy bán ra. Biên lợi nhuận gộp được giả định sẽ duy trì ở mức 17% như 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên chúng tôi điều chỉnh tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu xuống còn 3% từ mức 5% của dự phóng trước, lợi nhuận sau thuế kì vọng đạt khoảng 60 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

EPS đạt 3.799 đồng/cp và PE 2015 ở mức 6,6 lần, thấp hơn mức 8 lần trung bình ngành. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 28.000 đồng/cp.

Hiện DHC vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược để phát hành 6 triệu cổ phiếu với giá chào bán từ 22.800 đồng/cp trở lên để huy động vốn cho Nhà máy giấy Gia Long giai đoạn 2. DHC đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

BTP: PE giao dịch khá cao, ở mức 15,4x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) mới công bố báo cáo tài chính quý II/2015 với lợi nhuận ghi nhận cao hơn dự báo của chúng tôi (tham khảo bản tin ngày 15/7/2015). BTP ghi nhận doanh thu quý II/2015 đạt 433 tỷ, giảm 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 77,8 tỷ, cải thiện đáng kể so với lỗ ròng 7,6 tỷ trong quý II/2014.

Doanh thu quý II/2015 giảm do sản lượng điện trong quý thấp hơn cùng kỳ, đạt khoảng 330 triệu kWh, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán điện trong quý vẫn được tạm tính theo giá bán điện năm trước do chưa hoàn tất thoả thuận giá bán điện năm 2015 với EVN. Lợi nhuận từ hoạt động SXKD chính chỉ đạt 1,4 tỷ do giá bán điện tạm tính theo giá năm 2014, chưa tính đến mức tăng chi phí.

Chúng tôi xin nhắc lại, nhà máy nhiệt điện Bà Rịa là nhà máy chạy dịch vụ phụ trợ trong hệ thống nên giá bán điện sẽ được xác định theo Thông tư 21/2015-TTBCT do Bộ Công Thương mới ban hành cuối tháng 6/2015.

Theo Thông tư này, giá dịch vụ phụ trợ được xác định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận hợp lý hàng năm. Giá dịch vụ phụ trợ cũng gồm thành phần giá cố định và thành phần giá biến đổi như đối với các nhà máy nhiệt điện khác, ngoài ra có thêm giá khởi động là thành phần để thu hồi chi phí nhiên liệu và chi phí điện năng để đưa tổ máy từ trạng thái từ ngừng vận hành sang vận hành SX điện theo lệnh điều độ.

Về hoạt động tài chính, BTP đã ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 62,8 tỷ trong quý II/2015. Do đồng KRW đã giảm hơn 9% so với VND trong quý II/2015. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận 10,2 tỷ cổ tức từ hai công ty liên kết là CTCP Thuỷ điện Buôn Đôn và CTCP Nhiệt điện Hải Phòng. Nhờ đó, thu nhập ròng từ hoạt động tài chính đạt 76,4 tỷ, cao hơn dự báo của chúng tôi.

Luỹ kế 6 tháng 2015, công ty vẫn ghi nhận lỗ 45 tỷ do khoản lỗ đáng kể 122,9 tỷ trong quý I/2015 (do thay đổi chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, theo đó áp dụng tỷ giá bán ngoại tệ đối với nợ vay là mức tỷ giá cao hơn so với tỷ giá mua chuyển khoản áp dụng trước đây). BTP đặt kế hoạch SXKD 2015 với doanh thu 1.815,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế 57,8 tỷ, thấp hơn năm trước. Cổ phiếu BTP giao dịch với P/E 15,4x, cao hơn so với các công ty cùng ngành.

DXP: PE tương đương trung bình ngành, khoảng 8 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DXP gần như đã hoạt động ở mức công suất tối đa, do vậy chúng tôi đánh giá mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% của 6 tháng đầu năm 2015này là khá tích cực. Khả năng là nhờ đột biến từ mảng kho lạnh, do có sự thay đổi trong chính sách tạm nhập tái xuất của Trung Quốc trong kỳ.

Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ mức 32,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 34,8% trong 6 tháng đầu năm 2015, giúp lãi gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 32,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 cũng tăng nhẹ khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, lên 9,6%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24,1 tỷ đồng.

DXP đặt kế hoạch không tăng trưởng doanh thu cho năm 2015 với 160 tỷ doanh thu. Trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 40 tỷ, giảm hơn 20% so với năm ngoái. Với kết quả 6 tháng đầu năm 2015 như trên, công ty đã hoàn thành 59% và 76% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Cổ tức tiền mặt dự kiến cho 2015 là 3.500 đồng/cp, tương đương với mức tỷ suất cổ tức khoảng 7,6%. DXP thường duy trì mức cổ tức khá tốt và ổn định như vậy qua các năm, tương ứng với tỷ lệ chi trả cổ tức/ lợi nhuận sau thuế (payout ratio) khoảng 60%.

DXP đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 8 lần, tương đương bình quân ngành. Công ty không có nợ vay nhưng các tỷ số về hiệu quả hoạt động như ROE, biên lợi nhuận ròng đều tốt hơn mức bình quân ngành.

DPM: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

6 tháng đầu năm 2015, chúng tôi ước tính DPM đạt 5.100 tỷ đồng doanh thu thuần (+2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 825 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+27% so với cùng kỳ năm ngoái) do:

(1). Sản lượng tiêu thụ phân ure Phú Mỹ đạt 430 nghìn tấn (-7% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi giá bán ổn định đầu năm (giá bán tăng mạnh trong cuối tháng 6 chỉ là do đầu cơ và không đóng góp nhiều vào KQKD trong nửa đầu năm 2015);

(2). Doanh thu phân bón tự doanh tăng;

(3). Giá khí đầu vào ước tính ở mức 4,8 USD/MMBTU (-32% so với cùng kỳ năm ngoái) do trong 2Q2014 DPM vừa thay đổi chính sách giá khí nên giá khí quý này rất cao (bình quân 7,5 USD/MMBTU) trong khi năm nay DPM hưởng lợi từ giá dầu giảm.

Nhận định: Trong năm 2015, chúng tôi dự báo DPM sẽ đạt 1.268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng EPS đạt 2.900 đồng/cp. Bằng phương pháp định giá DCF, giá mục tiêu năm 2015 của DPM là 33.900 đồng/cp, cao hơn 6% so với giá hiện tại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu này.

Trong năm 2015, hoạt động kinh doanh của DPM cũng như các doanh nghiệp trong ngành sẽ xoay quanh vấn đề luật thuế mới và hưởng lợi từ giá dầu giảm do giá khí đầu vào của công ty đã được thả nổi. Các dự án mới của công ty sẽ đóng góp lợi nhuận cho công ty từ năm 2016 (dự án UFC85/Formaldehit) và 2017 (dự án Amoniac/NPK hóa học).

PXS: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

PXS vừa công bố KQKD quý II/2015 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan nhờ có nguồn thu lớn từ các dự án chuyển tiếp từ 2014 bao gồm Công ty đã hoàn thành Dự án án P5, P6 trong quý II/2015 với tổng doanh thu ghi nhận còn lại là 218 tỷ đồng, gần hoàn tất Dự án Platform Thái Bình cho Petronas với phần doanh thu là 179 tỷ đồng.

Theo đó, quý II/2015, PXS đạt khoảng 598 tỷ đồng doanh thu và 47 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2015, PXS ước doanh thu đạt khoảng 1.750 tỷ đồng dựa trên các dự án đã ký hợp đồng (đính kèm bảng dự án), với tiến độ hoàn thành sẽ tập trung vào quý I và quý II/2015 chiếm 61% tổng doanh thu cả năm (6 tháng cuối năm khả năng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sẽ thấp hơn so với 2 quý đầu năm).

Trong quý II/2015 PXS đã tham gia 2 gói thầu mới gồm 2 dự án là Dự án Thỏ Trắng (~21 tỷ đồng) và Dự án Sư Tử Trắng (~499 tỷ đồng). Dự án Sư Tử Trắng có giá trị thực hiện hợp đồng khá lớn với 2 hạng mục công trình, bao gồm: giàn nhà ở Sư Tử Trắng trị giá khoảng 408 tỷ đồng và LQ Modun Sư Tử Trắng khoảng 90 tỷ đồng, cả 2 gói đều khởi công vào tháng 08/2015 và dự kiến đều hoàn thành vào tháng 7/2016.

Năm 2015 ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp các dự án nói chung sẽ giảm so với năm 2014 do 1. Ảnh hưởng từ Dự án Nghi Sơn năm nay chủ yếu thi công các công trình nhà xưởng, nhà ăn, chế tạo nên tỷ suất lợi nhuận thấp khoảng 14% so với trung bình là 17%; 2.

Biên lợi nhuận gộp của Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ theo định mức xây dựng cũng chỉ khoảng 5,5%; 3. Một số dự án Offshore sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận từ 1-2% do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm.

Về dự án đầu tư: PXS đang chuẩn bị đầu tư mở rộng Dự án Bãi cảng chế tạo Kết cấu Kim loại và Thiết bị Dầu Khí – Sao Mai Bến Đình giai đoạn 2 đề chuẩn bị cho các dự án trong điểm giai đoạn sau 2016. Trong đó, Dự án lớn Lô B -Ô Môn với khoảng 37 dàn khai thác, chế tạo. Hiện tại chỉ có 3 đơn vị có thể đáp ứng thi công là Vietsopetro, PVS và PXS.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Nhiệt điện Long Phú/ Sông Hậu và một số dự án ở thị trường nước ngoài như Ấn độ/ Myanmar/ Malaysia/ Trung đông. Nếu dự án này trúng thầu hứa hẹn sẽ đóng góp tăng trưởng doanh thu mạnh cho Công ty trong giai đoạn sau 2016-2020.

Tổng giá trị đầu tư để hoàn thiện công năng cho bãi cảng trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Công ty dự kiến vay nợ khoảng 200 tỷ đồng và vốn chủ 100 tỷ đồng. Do đó, trong năm 2015 PXS sẽ tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Bao gồm phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10% với giá phát hành (theo giá trị sổ sách sau pha loãng) là 12.703 đồng/cổ phần.

Năm 2015, PXS vẫn sẽ chia 13% cổ tức bằng tiền mặt, phần cổ tức 2014 đã được chi trả hết vào thời trong thời gian 6 tháng đầu năm 2015. Đồng thời, sau thời gian khi chốt số liệu KQKD quý II/2015, Công ty sẽ chia cổ phiếu thưởng 10% trích từ Quỹ đầu tư phát triển, phát hành theo tỷ lệ 10:1 và tạm ứng đợt 1 bằng tiền mặt 10% của năm 2015. Động thái này nhằm giúp PXS vẫn duy trì chính sách cổ tức không giảm dù tăng vốn và vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Công ty mẹ là PVX.

Khuyến nghị: PXS là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực xây lắp thiết bị, công trình giàn khoan có tỷ suất lợi nhuận tốt so với ngành. Kể từ năm 2012, vị thế của Công ty đã được nâng cao khi hoàn thành đầu tư bãi cảng chế tạo Sao Mai – Bến Đình. Với việc đảm bảo được năng lực và cơ sở hạ tầng, PXS bắt đầu được tiếp nhận nhiều dự án EPC (thiết kế, mua sắm, chế tạo và vận hành) với tổng giá trị hợp đồng lớn, thay vì chỉ gia công chế tạo như trước đây.

Đánh giá chung, triển vọng doanh thu và lợi nhuận năm 2015 vẫn duy trì tốt trên cơ sở các dự án trị giá lớn. Mặc dù doanh thu vẫn khả quan nhưng lợi nhuận sẽ thấp hơn năm 2014 do tính chất đặc trưng của các hợp đồng được triển khai trong năm 2015, giá dầu thô giảm mạnh cũng sẽ tạo ra áp lực đối với Công ty khi điều chỉnh giảm biên lợi nhuận gộp ước khoảng 14-15% (so với 2014 là 17%) và việc triển khai các dự án có thể tạm dừng hoặc giãn do ảnh hưởng bởi các dự án liên quan đến nhà thầu dầu như Sư tử trắng, Kình Ngư Trắng, Kình Ngư Vàng...

Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2015 đạt 1.731 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của PXS đạt 110 tỷ đồng, tương ứng EPS 2015F là 2.200 đồng/cp (tính trên VĐL hiện nay khi chưa tăng vốn là 500 tỷ đồng).

Với giá hiện tại là 20.700 đồng/cp tương ứng với mức P/E forward năm 2015 là 9,4 lần và P/B 1,47 lần (Book value 2015F là 14.000 đồng chưa bao gồm số cổ phần pha loãng do tăng vốn trong 2015, đã trừ phần lợi nhuận chưa phân phối cho mức chi trả cổ tức 2014 là 3% và tạm ứng 10% bằng tiền mặt của 2015).

Mức giá hiện nay của PXS đang cao hơn trung bình ngành dịch vụ dầu khí. Do vậy, Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên THEO DÕI. Giá mục tiêu cho 12 tháng là 20.000 đồng, tương ứng với P/E đạt 9,09 lần.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục