SAS: Nhà đầu tư dài hạn có thể quan tâm trở lại
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Hoạt động của CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS) trong năm đầu tiên sau khi IPO có nhiều diễn biến trái chiều.
Đối với hoạt động kinh doanh chính, doanh thu không tăng trưởng nhưng biên lợi nhuận gộp chung cải thiện đáng kể từ 31% lên 37%. Trong đó, tất cả hoạt động từ kinh doanh miễn thuế, bán hàng lưu niệm và dịch vụ đều có biên lợi nhuận gộp tăng từ 5 - 7%. Nguyên nhân, công ty tiến hành tiết giảm chi phí, cắt giảm sản phẩm biên lợi nhuận thấp nên hiệu quả cải thiện.
Lợi nhuận trước thuế chỉ riêng hoạt động chính là 213 tỷ, + 47% yoy. Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán, công ty phải trích lập trở lại các khoản phải thu và đầu tư tại VietHome (284 tỷ). Do đó, kết quả lợi nhuận sau thuế 2015 chỉ đạt 11 tỷ đồng giảm mạnh so với 2014 (SAS nhận phần bồi thường 168 tỷ từ dự án ở Hồng Hà nên tránh thua lỗ trong 2015).
BVSC cho rằng, doanh thu năm 2016 của SAS sẽ tương đương như 2015 vì khả năng tăng trưởng không cao do (1) Chính sách quản lý giá dịch vụ ban hành trong năm 2015 (2) Cơ cấu khách nội địa vẫn chiếm đa số trong 2016, trong khi, khách quốc tế dự kiến vẫn sẽ giảm.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện khi sự tham gia của IPP ngày càng rõ nét (nắm giữ 46% và có 2/5 vị trí trong HDQT ). Do đó, kế hoạch 2016 là có thể đạt được (chưa trích lập 95 tỷ còn lại). Nếu trích lập thực hiện, khả năng hoàn thành kế hoạch sẽ gặp tương đối khó khăn.
Đánh giá cổ phiếu SAS, trong ngắn hạn, BVSC cho rằng kết quả kinh doanh 2016 dù cải thiện so với 2015 nhưng chưa đột biến. Trong trường hợp công ty hoàn thành kế hoạch, EPS 2016 là 1.384, tương đương P/E là 19,2 lần chưa hấp dẫn.
Nếu xét trong dài hạn, BVSC cho rằng, SAS là doanh nghiệp có tiềm năng lớn khi vẫn chiếm thị phần lớn trong cung cấp dịch vụ trong sân bay Tân Sơn Nhất và sở hữu quỹ đất tốt giá trị ở Phú Quốc, Tân Bình..Và những lợi thế đó có thể sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh từ năm 2017 khi trích lập hoàn tất và hoạt động cơ cấu chi phí triển khai mạnh mẽ. Do đó, BVSC cho rằng nhà đầu tư dài hạn có thể quan tâm trở lại với SAS và kỳ vọng kết quả tốt hơn vào năm 2017.
RAL: P/E dự phóng 11 lần
CTCK Bảo Việt (BVSC)
CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (mã RAL) đề ra kế hoạch tương đối thận trọng trong năm 2016 với doanh thu 2.446 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,1% và 29% so với năm trước. Nguyên nhân do lo ngại sự suy giảm của những sản phẩm truyền thống, chủ lực.
Trong quý đầu năm, doanh thu của RAL tăng 1,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 27% tuy nhiên chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng 41% so với cùng kỳ.
Chúng tôi cho rằng, trước mắt RAL sẽ gặp nhiều khó khăn do những sản phẩm truyền thống với khả năng cạnh tranh cao đang bị suy giảm do xu hướng chung của thị trường và mức độ cạnh tranh ở thị trường đèn LED ngày càng khắc nghiệt.
Trước đây, các sản phẩm truyền thống của RAL như đèn huỳnh quang, đèn compact phải qua nhiều quy trình xử lý, yêu cầu cao vê mặt công nghệ nên đối thủ của RAL chỉ có những hãng sản xuất lớn như Philip, Osram, Kumho... nhưng hiện nay, sản phẩm LED ở thị trường Việt Nam lại đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Ở Việt Nam hiện nay đã có hơn 120 đơn vị lắp ráp đèn LED, chủ yếu mua linh kiện Trung Quốc về lắp ráp, vốn đầu tư thấp, tổ hợp sản xuất đơn giản dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.
Đứng trước khó khăn này, RAL vẫn duy trì nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp sản phẩm bằng nội lực thực sự, đi vào cả 2 dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp, điều mà chúng tôi đánh giá sẽ mang lại khả năng cạnh tranh cao cho thương hiệu RAL về mặt lâu dài bởi từ trước đến nay, những sản phẩm của Rạng Đông được công chúng biết đến với chất lượng và độ bền cao.
RAL vẫn luôn đặt kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn và thường vượt kế hoạch, do đó chúng tôi cho răng nhiều khả năng RAL sẽ tiếp tục vượt kế hoạch 2016. P/E dự phóng 2016 theo kế hoạch của RAL vào khoảng 11 lần
BVS: Khuyến nghị xem xét đầu tư vào
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán 2015 biến động khá lớn và ảnh hưởng từ các quy định siết chặt cho vay margin, kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán trong đó có CTCP Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS) bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, BVS vẫn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2015 và là đứng trong top 5 các công ty chứng khoán niêm yết có lợi nhuận tốt nhất.
Trong năm 2016, thị trường chứng khoán dự kiến diễn biến thuận lợi hơn so với 2015, sau khi tác động của các chính sách về margin giảm ảnh hưởng, đồng thời triển vọng về nới room, tham gia TPP trở nên rõ ràng hơn. Giá trị giao dịch dự báo đạt trung bình 2800-3000 tỷ/phiên, tăng 15-20% so với cùng kỳ. Đây là các yếu tố hỗ trợ cho hoạt động của các công ty chứng khoán, trong đó có BVS.
Năm 2016, BVS dự kiến huy động nguồn vốn trái phiếu khoảng 300- 500 tỷ để phục vụ hoạt động. Với giả định huy động vốn thành công, chúng tôi cho rằng BVS có đủ khả năng hoàn thành kế hoạch 2016. EPS 2016 dự kiến khoảng 1.690 đồng/cp, tương đương PE fw2016 đạt 7,6 lần. Đáng chú ý, mức PB hiện tại của BVS chỉ khoảng 0,64 lần, ở mức thấp so với trung bình ngành. Với định giá tương đối rẻ, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu BVS.
TLG: Khuyến nghị trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2015, sự cộng hưởng của 2 yếu tố tăng trưởng doanh thu và cải thiện về biên lợi nhuận đã đem lại mức tăng cao 27% lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã TLG). 2015 cũng là năm Công ty đạt được tỷ suất lợi nhuận ròng 10% mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Sang năm 2016, chúng tôi đánh giá TLG sẽ có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu 14%, lên mức 2.150 tỷ đồng, nhờ các kế hoạch phát triển hệ thống phân phối cả truyền thống và hiện đại cũng như đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu. Hai mặt hàng dụng cụ văn phòng và dụng cụ học sinh tiếp tục được kỳ vọng là hai nhóm đem lại tăng trưởng chính cho Thiên Long.
Về mặt lợi nhuận, BVSC đánh giá Thiên Long vẫn có thể cải thiện tỷ suất lợi nhuận nhờ giá nguyên liệu thấp và Công ty đang nâng dần khả năng tự chủ về nguyên liệu chính nhờ đó đầu vào của Công ty sẽ được ổn định hơn. Lợi nhuận ước tính của TLG có thể đạt là 240 tỷ, tăng 28% so với 2015, cao hơn kế hoạch 11%. EPS 2016 ước tính là 6.264 đồng/cp, tương đương với PE 11,8x.
Với mức PE này, chúng tôi hiện đánh giá Neutral với cổ phiếu TLG, tuy nhiên Thiên Long vẫn là một doanh nghiệp có vị thế chi phối trên thị trường văn phòng phẩm và triển vọng tăng trưởng khả quan do đó vẫn có thể là một cơ hội đầu tư tốt ở những mức giá thấp hơn.