Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/4 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/4

LSS: Khuyến nghị thêm đề đầu tư trung hạn

CTCK FPT (FPTS)

Cổ phiếu của CTCP Mía đường Lam Sơn (HSX: LSS) đang được giao dịch với EPS trailing 820 đồng/cp, PE trailing 10,49 - khá cao so với trung bình ngành ở mức 9,7.

Doanh thu được kỳ vọng sẽ cải thiện nếu nhà máy cồn vận hành sản xuất trở lại vào Quý III/2015 do tỷ suất lợi nhuận cao (khoảng 30%), tận thu được mật rỉ. Đây cũng là hướng đi hợp lý trong bối cảnh giá ethanol thế giới đang tăng còn giá đường tiếp tục giảm sút. Hiện dây chuyền đang bị tạm dừng hoạt động do các tác động về môi trường, LSS đang cân nhắc đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường để khắc phục sự cố nên việc vận hành trở lại vào Quý III là chưa chắc chắn.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 của LSS giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014 là do sản lượng đường và mật rỉ, tương ứng ở mức 74% và 86%.Cơ cấu doanh thu vẫn không thay đổi nhiều khi doanh thu từ đường vẫn chiếm từ 85 – 90%, tuy nhiên Công ty đã chủ động sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm đường tinh luyện do giá bán sản phẩm này đã tăng khoảng 1.400 đồng/kg trong khi giá bán đường vàng vẫn tiếp tục giảm

Chúng tôi cũng tiến hành định giá cổ phiếu LSS theo phương pháp so sánh P/E, giá mục tiêu của LSS là 9.700 đồng/cp, cao hơn mức giá thị trường ngày 20/4 (8.700đ) là 12%. Tuy các chỉ số tài chính của LSS ở thời điểm hiện tại khá thấp và đang giảm sút, nhưng với vị thế một doanh nghiệp lâu đời trong ngành mía đường cùng những lợi thế nhất định về quy mô, chúng tôi khuyến nghị THÊM để đầu tư trung, dài hạn đối với cổ phiếu LSS.

PLC: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 20/4/2015, ĐHCĐ PLC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015, theo đó doanh thu kỳ vọng đạt 6,052 tỉ đồng (-11% so với năm ngoái), lợi nhuận trước thuế 350 tỷ, lợi nhuận sau thuế 272.8 tỉ đồng(+2%), chia cổ tức 15% và phát hành cổ phiếu thưởng 15% (thực hiện quý II/2015).

Kết thúc quý I/2015, lợi nhuận trước thuế PLC đạt khoảng 58 tỷ đồng, theo đúng tiến độ của công ty (quý I là mùa thấp điểm). Cụ thể:

Mảng nhựa đường: đặt mục tiêu tiêu thụ 228,000 tấn (năm 2014 là 227,000 tấn). Dù sản lượng không tăng nhưng cơ cấu sản phẩm sẽ cải thiện với việc triển khai nhiều tuyến đường sử dụng nhựa đường Polime (cao cấp hơn). Các tuyến đường sử dụng nhựa đường polime như: Hà Nội Bắc Giang, Chợ mới Thái nguyên, Bến Lức Long Thành, Sân bay Pleiku, ĐÌnh Vũ Lạch Huyện,… Mảng này được kỳ vọng sẽ mang lại khoảng 130 tỷ lợi nhuận sau thuế 2015. Năm 2014, công ty cũng áp dụng công nghệ bọc inox giảm đáng kể chi phí bảo ôn cho Nhựa đường.

Mảng Dầu nhờn: đặt mục tiêu tiêu thụ 42,000 tấn,136 tỷ lợi nhuận sau thuế. Mảng dầu nhờn vẫn sẽ gặp khó khăn khi công ty giảm dần lượng pha chế thuê. Các khách hàng cũ đang trở thành các đối thủ mạnh. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá với giao thông sôi động hơn (do lượng bán xe cơ giới không ngừng tăng và giao thương phục hồi), lượng tiêu thụ của công ty có khả năng sẽ cao hơn kế hoạch thận trọng của Ban lãnh đạo công ty.

Mảng hóa chất:đây là mảng kinh doanh còn nhiều khó khăn nhất của công ty. BLĐ của PLC vẫn đặt kế hoạch mảng này chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 1 tỷ đồng, và kỳ vọng sẽ bắt đầu có lợi nhuận tương đương 2 mảng trên từ 2018.

Chúng tôi đánh giá đây là mục tiêu thận trọng của BGĐ. Dù còn nhiều khó khăn trong mảng hóa chất và việc giá bình quân các chế phẩm dầu khí giảm từ cuối năm 2014, nhưng chúng tôi đánh giá mảng nhựa đường và Dầu nhờn có khả năng sẽ vượt kết hoạch. Chúng tôi đánh giá trong trường hợp Lợi nhuận đạt kế hoạch kinh doanh 2015, EPS 2015 đạt 3,882 đồng/cp tương đương P/E FW 8,6 lần (chưa tính chia cổ phiếu thưởng 15%), vẫn là mức khá hấp dẫn. Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị mua và mức giá mục tiêu 42,150 đồng/cp.

MBB: EPS năm 2015 có thể đạt 1.584 đồng

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả hoạt động của MBB năm 2014 có những điểm đáng chú ý như: huy động vốn 167.9 nghìn tỉ (+23% so với năm trước), dư nợ cho vay 100.6 nghìn tỉ (+14%), lợi nhuận trước thuế đạt 3.17 nghìn tỉ (+5% so với năm trước), ROA 1.31%, ROE 15.8%, khá cao so với các NHTM. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu gia tăng, từ 2.4% năm 2013 đến 2.73% năm 2014, tuy vẫn nằm trong mức kiểm soát nhưng gâp áp lực lên việc trích lập dự phòng của ngân hàng. Năm 2014, MBB đã trả cổ tức 7% bằng tiền mặt, 3% còn lại là cổ phiếu sẽ phát hành trong năm 2015 (tương ứng với 34 triệu cổ phiếu).

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2015 với mức huy động vốn tăng khoảng 8%, trong khi dư nợ cho vay được kì vọng tăng 13-15%, lợi nhuận trước thuế tăng 2.3%. Hiện tỉ lệ dư nợ cho vay trên tổng vốn huy động của MBB là 60%, vẫn thấp hơn so với trung bình ngành (70%) nên mục tiêu tăng trưởng là hợp lý. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu tăng cao vẫn tiềm tàng.

MBB cũng đưa ra phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Cụ thể, MBB đưa ra hai mức giá chào bán (1) cổ đông chiến lược trong nước: chiết khấu tối đa 25% so với giá thị trường, không thấp hơn mệnh giá, theo ước tính khoảng 10,000 – 10,500 đồng/cp (2) cổ đông chiến lược nước ngoài: giá không thấp hơn giá trị sổ sách (14,200 đồng/cp) cộng với biên độ nhất định. Thêm vào đó, MBB sẽ ưu tiên các công ty trực thuộc tập đoàn Quân đội và các tổ chức trong nước. Vì vậy, khả năng có sự xuất hiện của cổ đông chiến lược nước ngoài là rất thấp. Hiện SCIC đang đàm phán với MBB để tiến tới sở hữu 10% vốn của ngân hàng.

Không nới room ngoại, tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp: MBB khẳng định vẫn giữ nguyên tỉ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là 10% nhằm để ngỏ cơ hội cho cổ đông chiến lược nước ngoài có được tỉ lệ nắm giữ từ 15-20%. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây vẫn sẽ chỉ là mục tiêu trong dài hạn của ngân hàng.

Cổ phiếu MBB đóng cửa ngày 21/04/2015 tại mức giá 13,600 đồng/cp, P/E 6.3x, EPS 2014 là 2,191 đồng. Nếu MBB đạt kế hoạch hoạt động và tăng vốn thành công, 2015 FW EPS sẽ là 1,584 đồng.

FPT: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) cho biết, dấu hiệu phục hồi cho năm 2015, cụ thể:

Nhóm Công nghệ cao có dấu hiệu hồi phục rõ nhất: Mảng tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ IT có mức tăng trưởng doanh thu trong quý I/2015 lần lượt là 17%, 100% và 30%. Như đã trình bày ở trong báo cáo gần đây (phát hành ngày 19/4), tổng giá trị hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện của ba mảng này tại thời điểm cuối năm 2014 là 2.650 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Mảng gia công phần mềm vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng cao từ những năm trước với doanh thu tăng 44% trong 1/2015.

Mảng viễn thông – lợi nhuận trước thuế giảm do chi phí khấu hao cao: Doanh thu mảng viễn thông duy trì tốc độ tăng trưởng cao (quý I/2015: 28%; năm 2014: 19%). Tuy vậy, như đã trình bày trong báo cáo cập nhật gần đây, biên lợi nhuận trước thuế của mảng này trong năm 2015 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chi phí khấu hao cao của dự án quang hóa. Cho cả năm 2015, chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận trước thuế của mảng viễn thông sẽ là 17,5% (quý I/2015: 19,6%; 2014: 21,5%).

Phân phối và bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt: Doanh thu từ hai mảng này đạt mức tăng trưởng lần lượt là 25% và 74% trong quý I/2015. Như đã trình bày trong báo cáo gần đây, iPhone và tablet sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của mảng phân phối; đồng thời, kế hoạch mở thêm cửa hàng sẽ giúp mảng bán lẻ tăng trưởng tốt trong năm 2015.

Giữ khuyến nghị MUA dài hạn: Kết quả kinh doanh quý I/2015 của FPT là phù hợp với dự phóng cả năm của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dài hạn đối với cổ phiếu FPT với mức giá mục tiêu 12 tháng là 58.500 đồng. Giá cổ phiếu FPT hôm nay giảm 1% và đóng cửa tại mức 50.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E trượt là 10,1 lần và P,B là 2,2 lần.

KSB: Phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (HSX: KSB) cho biết, doanh thu năm 2014 đạt 637,4 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 16,2% so với năm trước, đạt 96,76 tỷ đồng. Trong số các mảng hoạt động, khai thác và chế biến khoáng sản vẫn đóng góp chủ yếu vào doanh thu của KSB (87,7%) trong năm 2014. Đa số các mảng còn lại đều có sự tăng trưởng, trừ mảng kinh doanh bất động sản (cho thuê đất ở KCN Đất Cuốc). Trong năm 2014, diện tích đất được thuê khá thấp, chỉ 1,2 ha, nguyên nhân là do thị trường bất động sản còn khó khăn cùng với sự kiện biển đông đã dẫn tới bất ổn một số KCN trên đia bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, khi nhu cầu xây dựng các nhà xưởng ngày càng tăng nhanh ở các khu công nghiệp thì KSB kỳ vọng mảng bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2015 và doanh thu từ mảng này có thể đạt 16 tỷ đồng trong 2015 (cao hơn 17,6% so với thực hiện năm 2014).

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch 675 tỷ đồng doanh thu (+6%) và 132 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+5,4%); cổ tức cũng được đề ra như năm trước là 25% bằng tiền mặt. Dù chưa phải là quý cao điểm của hoạt động xây dựng nhưng hết quý I/2015 KSB đã đạt 25% kế hoạch doanh thu và 36,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (~27,4% kế hoạch). Chuyên viên ngành của chúng tôi đánh giá cao khả năng vượt kế hoạch của KSB và cho rằng đây là một cổ phiếu có nền tảng cơ bản tương đối ổn định.

Việc tăng chi trả cổ tức cho năm 2014 có thể là điểm bất ngờ trong ĐCHĐ của KSB năm nay. Thay vì chỉ trả 25% cổ tức tiền mặt theo kế hoạch cũ, KSB dự kiến chia 30% cổ tức bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Như vậy, sau khi chia thưởng, phần lợi nhuận còn lại chỉ khoảng 3 tỷ đồng và cũng sẽ được sử dụng để trả phần lãi do chậm trích quỹ hỗ trợ cho người lao động. Dù KSB luôn duy trì được mức cổ tức khá ổn định nhưng với cơ cấu cổ đông khá cô đặc trong đó (83,17% sở hữu bởi các tổ chức) thì yếu tố thanh khoản cũng là vấn đề các nhà đầu tư cần quan tâm khi đầu tư vào KSB. Do đó, cổ phiếu này có thể sẽ phù hợp hơn cho các nhà đầu tư dài hạn, ưu thích cổ tức cao và ổn định.

GMC: Phù hợp đầu tư dài hạn và ưa thích cổ tức

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Năm 2015, CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn ( mã GMC) chỉ đặt mục tiêu 1.500 tỷ đồng doanh thu (+5,5%) và lợi nhuận trước thuế 75 tỷ đồng (+1%). Trừ thị trường Mỹ, việc tiếp cận đơn hàng ở thị trường Nhật và châu Âu (30% doanh thu) đang găp khá nhiều khó khăn do tác động của tỷ giá. Vì vậy, GMC chủ trương tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường Mỹ từ 50% lên 60% trong năm 2015. Điều này ngược lại sẽ gia tăng rủi ro mùa vụ do các đơn hàng từ Mỹ chủ yếu là các mặt hàng thể thao thu - đông. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như nhân công và điện đang có xu hướng tăng và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của GMC.

Trong năm nay, Công ty dự định hợp tác với ĐH Y Dược để đầu tư thành lập Bệnh viện Y Dược 2 tại khu đất 213 Hồng Bàng. Theo kế hoạch này, sẽ GMC phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ TTTM và văn phòng thành bệnh viện), thẩm định lại giá trị đất và đóng tiền sử dụng đất bổ sung cho khu đất này. Dự án đã được VCB dồng ý cho vay thời hạn 10 năm; tuy nhiên GMC cũng có thể phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm để tài trợ cho dự án. Hiện tỷ lệ nợ vay, đặc biệt là nợ dài hạn của GMC khá thấp, do đó, dư địa để gia tăng đòn bẩy tài chính là khá lớn.

Nhìn chung, GMC là một doanh nghiệp dệt may niêm yết lớn với nền tảng tài chính khá lành mạnh. Dù Công ty đã có những bước đi cụ thể, chuyên viên ngành nhận định GMC vẫn chưa mạnh dạn trong việc đầu tư mở rộng. Tương tự như KSB, thanh khoản của GMC khá thấp và lịch sử chi trả cổ tức khá đều nên chuyên viên ngành cũng khuyến nghị GMC phù hợp hơn với các nhà đầu tư dài hạn, ưu thích cổ tức.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục