Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5

Khuyến nghị khả quan dành cho MSN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị khả quan dành cho CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Chúng tôi kỳ vọng mảng kinh doạnh F&B (Thực phẩm/đồ uống) của MSN sẽ duy trì tăng trưởng doanh thu 2 chữ số nhờ tích cực triển khai sản phẩm mới, trong khi mảng kinh doanh thịt mát đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực, mở đường cho việc mở rộng mạnh mẽ trong tương lai.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số lần lượt 9%/5%/2% do giảm dự phóng doanh số mảng thức ăn chăn nuôi và bán đồng trong năm 2019, cũng như dự báo lợi nhuận thấp hơn từ Techcombank (TCB).

Giá mục tiêu của chúng tôi được điều chỉnh giảm chủ yếu là do việc cập nhật chu kỳ mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) cho đến cuối năm 2019 của Masan Consumer (MSC) bị bù đắp bởi các điều chỉnh ở trên.

Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của EPS đạt 25% trong giai đoạn 2018- 2021, đến từ CAGR lần lượt 12% và 11% của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và đóng góp lợi nhuận từ TCB, cũng như chi phí tài chính ròng giảm.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: triển khai các sản phẩm F&B mới không hiệu quả; mảng thịt mát diễn biến kém tích cực; bùng phát dịch bệnh heo; giá kim loại giảm.

FPT nhiều khả năng vượt ngưỡng 48

CTCK BIDV (BSC) 

Cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) vẫn duy trì vận động tăng giá khá mạnh. Thanh khoản cổ phiếu cũng đang nằm ở mức trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tăng giá vẫn còn.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá tuy nhiên việc chỉ báo RSI sắp chạm ngưỡng mua quá cho thấy cổ phiếu sẽ tích lũy ngắn hạn 2-3 tại quanh ngưỡng giá 46.

Nhịp vận động của 3 đường MA và sự hỗ trợ của dải mây Ichimoku cũng cho nhịp tăng khá vững chắc.

Như vậy, FPT nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng kháng cự tiếp theo tại ngưỡng giá 48 và tạo mức đỉnh mới tại giá 50.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho NKG với giá mục tiêu 5.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho NKG từ kém khả quan lên phù hợp thị trường mặc dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu 6% xuống 5.900 đồng/CP do giá cổ phiếu trong 3 tháng qua đã giảm 14%.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 90% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số 2019 xuống 13 tỷ đồng (giảm 77% so với năm 2018) do lỗ lớn trong quý 1 khiến chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên lợi nhuận. Chúng tôi tiếp tục đưa khoản lợi nhuận trước thuế bất thường 203 tỷ đồng từ thanh lý tài sản vào dự báo 2019. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số 2020 và 2021 lần lượt 84% và 46%.

Doanh thu trong nước của NKG phục hồi và quá trình giảm nợ vay đang tiếp tục diễn ra là những điểm sáng trong kết quả kinh doanh của công ty. Vì vậy, chúng tôi cho rằng NKG sẽ dần phục hồi được khả năng sinh lời với kỳ vọng giá bán sẽ phục hồi trong khi chi phí lãi vay giảm.

Chúng tôi tiếp tục cho rằng tình hình ngành thép còn nhiều thử thách với cạnh tranh trong nước gay gắt, tình hình thương mại thế giới bất ổn và giá thép cán nóng đầu vào biến động mạnh sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng sản lượng cũng như biên lợi nhuận, qua đó kìm hãm các nỗ lực gia tăng lợi nhuận của công ty.

Khuyến nghị mua cổ phiếu PPC với giá mục tiêu 31.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và nâng giá mục tiêu thêm 12,7% lên 31.000 đồng/CP. Chủ yếu nhờ hủy bỏ dự án nâng cấp máy móc thiết bị và môi trường (vốn xây dựng cơ bản 4,7 nghìn tỷ đồng) và tăng trưởng tỷ lệ tăng trưởng năm cuối của mô hình định giá cao hơn để phản ánh triển vọng từ nhà máy Phả Lại 3.

Chúng tôi nâng giả định cổ tức tiền mặt giai đoạn 2019-2023 từ 2.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 9,0%) lên 3.000 đồng/CP (lợi suất cổ tức 10,8%) trong bối cảnh lượng tiền mặt dồi dào hơn sau khi loại bỏ các dự án nâng cấp.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019, nhưng giảm dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi giai đoạn 2020- 2028 trung bình 3,2% do (1) giả định phần cố định trong giá PPA của Phả Lại 1 giảm 5% , (2) chi phí khấu hao tăng thêm từ dự án nâng cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) và (3) Phả Lại 1 không có cải thiện về hiệu suất hoạt động và tỷ lệ than tiêu thụ do không có dự án nâng cấp máy móc và thiết bị.

Dự phóng của chúng tôi tương ứng với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cốt lõi 2019 đạt +5,1%, đến từ tăng trưởng sản lượng 2,5% và cổ tức được nhận cao hơn, bù đắp cho sản lượng điện hợp đồng giảm và giá than tăng.

Yếu tố hỗ trợ: nhà máy Phả Lại 3 mới (1x600 MW) sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Rủi ro: vấn đề kỹ thuật ngoài dự kiến.

Lợi suất cổ tức hấp dẫn ở mức cao và ổn định đạt 10,8% trong khi P/E là 8,6 lần, và EV/EBITDA 6,7 lần dự phóng 2019 thấp hơn lần lượt 33% và 24% so với các công ty cùng ngành.

Khuyến nghị khả quan cổ phiếu QNS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) lên khả quan dù điều chỉnh giảm giá mục tiêu 4% vì trong 3 tháng qua, giá cổ phiếu đã giảm 12%. Chúng tôi cho rằng QNS mang lại giá trị tốt với mức định giá hiện nay với lợi suất dòng tiền tự do theo dự báo của chúng tôi cho giai đoạn 2019-2021 đạt 11%-22% trong khi doanh thu từ sữa đậu nành đang cải thiện.

Việc điều chỉnh giảm giá mục tiêu chủ yếu do định giá mảng điện sinh khối giảm và số dư tiền mặt thuần giảm.

Dù chúng tôi điều chỉnh giảm 3% dự báo lợi nhuận sau thuế 2019 do mảng đường và điện sinh khối, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế 2020 và 2021 thêm lần lượt 7% và 10% nhờ thu nhập lãi tăng vì ban lãnh đạo hiện ước tính vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho dây chuyền đường mới là 38,6 triệu USD thay vì 61,8 triệu USD như trước đây.

Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế 2019 sẽ giảm nhẹ 1% dù lợi nhuận sau thuế quý I/2019 giảm mạnh 18% vì chúng tôi cho rằng lợi nhuận mảng đường sẽ phục hồi nhờ phần lớn chi phí khấu hao đã được ghi nhận trong quý 1/2019.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2020 và 2021 sẽ tăng lần lượt 17% và 7% nhờ năng suất mía đường phục hồi, qua đó thúc đẩy lợi nhuận các mảng đường và điện sinh khối, bên cạnh thu nhập tài chính tăng.

Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kép hàng năm 2018-2021 cho doanh thu mảng sữa đậu nành từ 4% lên 7% vì QNS có kế hoạch tung ra nhiều sản phẩm mới hơn so với chúng tôi dự kiến, trong đó có 4 sản phẩm trong năm 2019.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Mất thị phần sữa đậu nành do cạnh tranh gay gắt; năng suất mía đường thấp hơn so với dự kiến; giá đường giảm.

Khuyến nghị mua TLG với giá mục tiêu 73.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) đồng thời điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9% xuống 73.000 đồng/CP với việc điều chỉnh giảm 2% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 và áp dụng WACC cao hơn.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2019 sẽ đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Trong khi Tết Âm lịch đến sớm khiến doanh thu trong nước thấp hơn so với dự kiến gần như cả quý 1, chúng tôi cho rằng doanh thu trong nước đã bắt đầu phục hồi trong tháng 3 để chuẫn bị phục vụ mùa năm học mới.

Chúng tôi điều chỉnh giảm 2% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 xuống 339 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018 vì chúng tôi điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp từ 37,2% xuống 37% do giá nhựa trong quý 1 tăng.

Chúng tôi cho rằng đợt điều chỉnh của giá cổ phiếu TLG thời gian qua đã khiến định giá của TLG trở nên hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn. Chúng tôi cho rằng diễn biến kết quả kinh doanh quý I/2019 kém tích cực, vốn không mang tính đại diện cho kết quả kinh doanh cả năm, đã dẫn đến tình trạng quá bán.

Chúng tôi cho rằng TLG là một cổ phiếu an toàn với tăng trưởng ổn định. Điều này được củng cố nhờ tăng trưởng mang tính cấu trúc của nhu cầu văn phòng phẩm tại Việt Nam với các hoạt động giáo dục và kinh doanh, cũng như tăng cường thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu tại ASEAN.

TLG hiện đang giao dịch tại P/E 2019 là 12,7 lần và đối với giai đoạn 2018-2023, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm lần lượt 15,3% và 16,3%.

Rủi ro: biên lợi nhuận giảm mạnh hơn so với dự báo do giá dầu và nhựa tăng.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục