Lạc quan về triển vọng lợi nhuận của PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố kết quả lợi nhuận chưa kiểm toán cho năm 2017 với lợi nhuận sau thuế đạt 725 tỷ đồng, tăng mạnh 41% so với năm 2016 trên cơ sở thường xuyên và 51% trên cơ sở báo cáo.
Lợi nhuận sau thuế 2017 thấp hơn so với dự báo của chúng tôi 5% chủ yếu do doanh thu và biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ thái độ lạc quan đối với triển vọng lợi nhuận của PNJ với tốc độ mở cửa hàng nhanh chóng.
Chúng tôi nhiều khả năng sẽ tăng giá mục tiêu dành cho PNJ trong báo cáo cập nhật tới vì chúng tôi cho rằng PER 2018 mục tiêu hiện nay 17,3 lần còn thận trọng so với triển vọng tăng trưởng khả quan của công ty và thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được đánh giá cao hơn.
Doanh thu từ bán lẻ, vốn có biên lợi nhuận cao, tăng mạnh 39% so với năm 2016 nhờ tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu đạt 21%, có thêm 48 cửa hàng PNJ Gold mới, và đóng góp cả năm từ các cửa hàng mở trong năm 2016.
Tính đến cuối năm 2017, PNJ có 269 cửa hàng, trong đó có 202 cửa hàng PNJ Gold, 63 cửa hàng PNJ Silver, và 4 cửa hàng CAO. Doanh thu từ bán lẻ năm 2017 thấp hơn so với dự báo của chúng tôi 1,7% do tốc độ mở cửa hàng mới chậm hơn so với dự phóng.
Biên lợi nhuận gộp từ bán lẻ tăng 0,8 điểm % so với năm 2016 vì PNJ thanh lý các bộ sưu tập cũ trong quý IV/2016, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của quý này. Ban lãnh đạo cho biết nếu không có việc thanh lý hàng tồn kho nói trên thì biên lợi nhuận gộp từ bán lẻ vẫn tăng dù không nhiều nhờ trang sức đá quý, có biên lợi nhuận cao hơn, đóng góp nhiều hơn. Biên lợi nhuận gộp từ bán lẻ 2017 của PNJ thấp hơn 0,7 điểm % so với dự báo của chúng tôi, mà chúng tôi cho là do các đợt giảm giá khuyến mãi trong quý IV/2017 nhiều hơn so với dự kiến.
Chi phí lãi vay giảm 25% so với năm 2016 vì PNJ sử dụng số tiền thu về từ đợt phát hành riêng lẻ để giảm nợ từ 1.500 tỷ đồng vào cuối năm 2016 xuống 892 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế báo cáo tăng mạnh 61% so với năm 2016 do không còn lỗ bất thường. Năm 2016, PNJ lỗ bất thường 56 tỷ đồng, gồm 82 tỷ đồng dự phòng cho ngân hàng Đông Á, 17 tỷ đồng lỗ do thoái vốn khỏi CTCP Địa ốc Đông Á, và 43 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng BĐS. Ngoài ra, dự phòng cho ngân hàng Đông Á không được miễn giảm thuế nên thuế suất 2016 lên đến 24% so với 20% năm 2017.
EPS tăng 33% so với năm 2016 trên cơ sở thường xuyên và 51% trên cơ sở báo cáo, bị pha loãng 10% do đợt phát hành riêng lẻ của PNJ hồi tháng 07/2017.
Khuyến nghị mở vị thế với VIC
CTCK BIDV (BSC)
Xu hướng hiện tại của cổ phiếu Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã VIC) là tích lũy ngắn hạn. Chỉ báo xu hướng MACD phân kỳ, chỉ báo RSI duy trì ở quá mua, chỉ báo ADX trong vùng xu hướng mạnh.
Nhận định: VIC đang vận động trong vùng giá 80-84 khá lâu nhưng vẫn duy trì xu hướng mạnh. Chỉ báo MACD vẫn trên ngưỡng 0 và RSI tại vùng quá mua cho thấy lực cầu rất cao.
Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mở vị thế với VIC với giá nhỏ hơn 85, chốt lãi 100 cắt lỗ 77.
Khuyến nghị nhà đầu tư mua thêm DHG khi giá rơi xuống vùng 85
CTCK Sacombank (SBS)
Xu hướng dài hạn là tang với đường giá di chuyển bên trên đường EMA 200. Xu hướng trung hạn đang đi ngang khi đường giá đang củng cố quanh vùng 105-110 trong 4 tháng liên tục.
DHG có vùng hỗ trợ mạnh ngay điểm giao cắt của đường giá và EMA 200 quanh 100 trong khi ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn quanh 85-90 là điểm đáy trung hạn.
Nhà đầu tư có thể tích lũy quanh ngưỡng 100-103 và mua thêm khi giá rơi xuống vùng hỗ trợ thấp hơn quanh 85. Kỳ vọng gần nhất giá DHG quay lại đỉnh 120-130 trong 4-6 tháng.