Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/3

HCM: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Chúng tôi kỳ vọng trong ĐHCĐ sắp tới diễn ra vào tháng 4/2016, CTCP Chứng khoán TP HCM (mã HCM) sẽ công bố nới room cho nhà đầu từ nước ngoài. Việc nới giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ tác động tốt tới sức hấp dẫn của HSC trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vì room cho NĐTNN của HCM đã gần đầy.

Ngành chứng khoán vẫn đang tiếp tục được tái cơ cấu và tổng số công ty chứng khoán sẽ giảm còn 30 công ty đến năm 2020, do đó, thị phần sẽ tập trung vào nhưng “ông lớn” như HCM.

Mặc dù kết quả 2015 không mấy khả quan nhưng đây cũng phần nào là tình hình chung của ngành do diễn biến thị trường phức tạp. Tuy nhiên, HCM vẫn nằm trong top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất và thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 phân khúc này.

Ngoài ra, như đã đề cập trong Báo cáo cập nhật trước đây, hàng loạt thay đối pháp lý sắp tới cúng đều tác động tích cực tới HCM, bao gồm Thông tư 203 cho phép nhà đầu tư mua bán cùng một chứng khoán tại cùng một thời điểm, Thông tư 210 sửa đổi, Nghị định 42 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Với nền tảng vững chắc, chúng tôi cho rằng HCM hoàn toàn có thể khai thác triệt để những lợi thế nêu trên và đây là những động lực tăng giá chủ chốt trong thời gian tới đối với HCM.

Với mức giá mục tiêu của VPBS là 33.800 đồng, tăng 6,3% so với mức giá hiện tại và xu hướng ngắn hạn là Tăng giá, chúng tôi xin cập nhật lại khuyến nghị đối với cổ phiếu HCM từ NẮM GIỮ thành MUA.

BMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritime (MSI)

CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) có nền tảng hoạt động sản xuất kinh doanh vững chắc dựa trên hệ thống 1.400 đại lý phân phối trải dài từ Nam ra Bắc, và đặc biệt là sự uy tín của một thương hiệu lớn đã được xây dựng trong hơn 38 năm hoạt động. Đây là một lợi thế vượt trội mà các Công ty cùng ngành khó có thể đạt được.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của BMP tăng trưởng ổn định nhờ vào các chính sách linh hoạt sát với tình hình và nhu cầu của thị trường. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp luôn ở mức tương đương hoặc cao hơn những công ty cùng ngành khác.

Việc giá dầu được dự đoán duy trì ở mặt bằng giá thấp và chỉ tăng rất nhẹ trong những năm tới. Đây là một yếu tố khá tích cực cho BMP khi giá nhựa nguyên liệu cũng sẽ thấp tương ứng với giá dầu, làm giảm chi phí sản xuất của Công ty.

Một điểm tích cực nữa là ngành nghề kinh doanh chính của BMP không nằm trong diện kinh doanh có điều kiện nên khả năng khá cao là Công ty sẽ được phép nới room lên mức 100% khi Chính phủ có những hướng dẫn chi tiết hơn về danh sách các ngành nghề được phép nới room lên mức tối đa. Đây là những yếu tố đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.  

BMP có lịch sử chi trả cổ tức (tiền mặt) rất đều đặn với mức cổ tức và tỷ suất cổ tức cao.

BMP không vay nợ dài hạn, chỉ có một lượng nhỏ nợ ngắn hạn với chi phí lãi vay rất thấp, gần như không có ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh luôn duy trì lượng tiền mặt dồi dào nên rủi ro thanh khoản gần như không có.

Sự hồi phục tốt của thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng và số lượng công trình ngày càng cao của ngành xây dựng đã tạo nên một lực cầu rất mạnh cho thị trường tiêu thụ sản phẩm nhựa VLXD. Thêm vào đó, nhà máy Bình Minh Long An sẽ tăng dần công suất qua các năm, làm gia tăng năng lực sản xuất của BMP và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng như mở rộng thị phần.

Cổ phiếu BMP được định giá bằng phương pháp Chiết khấu dòng tiền Cổ đông (FCFE) với giá trị hợp lý là 180.000 đồng/cp, so với giá thị trường hiện nay ở mức 137.000 đồng/cp, tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu BMP là 31,4%. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua vào cổ phiếu BMP.

PDB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS )

CTCP Pacific Dinco (mã PDB) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp bê tông tươi và cung cấp đá xây dựng tại khu vực Miền Trung.  

Công ty hiện chiếm khoảng 25% thị phần cung cấp bê tông tại Đà nẵng và 40% tại Quảng Nam. Công ty đang có những lợi thế đáng kể so với những doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn các tỉnh miền Trung nhờ sở hữu 4 trạm bê tông lớn gồm: Cẩm Lệ, Thanh Vinh (Đà Nẵng); Chu Lai và Phong Thử (Quảng Nam) với tổng công suất 425 m3/h.  

Với hệ thống máy thiết bị trộn và bơm bê tông hiện đại của Italia và Đức, sản phẩm công ty có chất lượng vượt trội so với các nhà cung cấp cùng ngành và giành được những hợp đồng lớn, có uy tín như Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2011-2013), sân bay quốc tế Đà Nẵng (lớn thứ 3 cả nước), Cầu Rồng Đà Nẵng (2010-2012), Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Khách sạn Silver Shore, nhà máy Number One…  

Mặt khác, một trong những điểm thuận lợi nhất của Công ty so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành đó là việc công ty con của Công ty - Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn Phước(PDB sở hữu 76%) có thể thể giúp PDB chủ động một phần lớn nguyên liệu đá đầu vào với chi phí rẻ hơn khoảng 5-7% so với mua ngoài. Công ty này hiện nay đang vận hành và khai thác 2 mỏ đá xây dựng tại mỏ Hố Chuồn và mỏ Hố Khế thuộc xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng với tổng trữ lượng lên đến 4.016.000m3, công suất khai thác 190.000m3/năm. Việc kinh doanh đá xây dựng cho các công trình cũng mang lại doanh thu đáng kể cho Công ty.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015, PDB có doanh thu đạt 343,43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 27,65 tỷ đồng tăng trưởng lần lượt 80% và 241% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân do sự phục hồi của ngành xây dựng, nhu cầu bê tông tươi trên thị trường tăng mạnh, nhất là các công trình nhà ở dân dụng, các gói thầu công trình đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và La Sơn – Túy Loan.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với PDB với thời gian đầu tư từ 6 đến 8 tháng, mức định giá trên cơ sở thận trọng 27.684 đồng/cp.

DQC: PE dự phóng ở mức 8,8 lần

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kể từ khi chạm đáy 6 tháng ở mức giá 49.500 đồng/cp vào ngày 1/2/2016 thì cổ phiếu DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang đã có mức hồi phục khá tốt, tăng trên 24% - mức tăng mà chúng tôi cho rằng đã phần nào phản ánh kỳ vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2016, mà đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng từ mảng đèn LED nội địa.

Về mặt cổ tức, tỷ lệ năm nay có thể được nâng lên 30-35% - tương ứng với 5% trên thị giá hiện tại, nếu được thông qua tại đại hội cổ đông trong tháng 4 sắp tới. Cổ phiếu DQC hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 2016 8,8 lần.

SHA: Gia mục tiêu 14.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Sơn Hà Hải Phòng (mã SHA) là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khá ổn định với sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khách hàng. Mặc dù, khả năng tăng trưởng của ngành nhìn chung chưa thật sự quá lớn, nhưng SHA còn nhiều cơ hội gia tăng thị phần thông qua xây dựng và mở rộng hệ thống chi nhánh.

Tiềm lực tài chính tốt sau khi huy động thành công 100 tỷ trong 2015 và giá nguyên liệu duy trì ở mức thấp là động lực để SHA đẩy mạnh đầu tư hệ thống, gia tăng chính sách cho khách hàng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông.

Ngoài ra, công ty còn lợi thế là công ty liên kết của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI). SHI đã rất thành công trong tăng trưởng doanh thu khi tập trung cơ cấu & phát triển hệ thống trong 2015.

Với kết quả doanh thu & lợi nhuận ước tính 2016, BVSC cho rằng SHA có cơ hội đầu tư cho năm 2016 với giá mục tiêu 14.000 đồng/cp, tương đương P/E khoảng 7 lần.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục