Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NCS
CTCK MB (MBS)
Công ty Cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) là doanh nghiệp đã hoạt động trong hơn 30 năm với nhiệm vụ chính là cung cấp suất ăn hàng không cho các chuyến bay suất phát từ Nội Bài của Vietnam airlines và các hãng hàng không quốc tế khác. Hiện công ty đang cung cấp thức ăn cho 20 công ty trong đó có 19 hãng hàng không. Công ty đang hoạt động trên khuôn viên 8.000 m2 với cơ sở vật chất gồm 12 xe nâng, 4 xe tải nhẹ, 25 kho lạnh và 5 kho cấp đông. Sản lượng bình quân của công ty là 14.440 suất ăn/ngày (5,26 triệu suất ăn/năm) và sản lượng cao điểm là trên 20.000 suất ăn/ngày.
NCS có lợi thế cạnh tranh vững mạnh với vị thế độc quyền trong lĩnh vực cung cấp suất ăn hàng không tại cảng Nội Bài. Với vị thế độc quyền cung cấp thức ăn cho các chuyến bay tại khu vực sân bay Nôi Bài đặc biệt là Vietnamairlines, tăng trưởng của NCS là rất ổn định tương đương với mức tăng trưởng đội bay của Vietnamairlines (hãng này phục vụ ăn kèm với giá bán thay vì phục vụ theo hình thức lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho tiếp viên bay như Jetstar và Vietjetair).
NCS có mô hình kinh doanh đơn giản và ổn định, khả năng chống đỡ với khủng hoảng cao. Công ty không vay nợ, biên lợi nhuận gộp ổn định, tỷ suất sinh lời và khả năng trả cổ tức cao. Những yếu tố trên giúp cho công ty sẽ giúp cho công ty có độ rủi ro thấp và phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.
Theo IATA, Việt Nam sẽ là một nước có tăng trưởng hàng không mạnh nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng CAGR là 7,3%/năm cho đến năm 2020 dựa trên sự gia tăng mạnh của tầng lớp trung lưu, giá xăng dầu rẻ dự tính đến năm 2020 và việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại kích thích nhu cầu đi lại phục vụ đầu tư và du lịch. Các hãng hàng không trong nước đều có kế hoạch tăng mạnh đội bay trong 3 năm tới để tận dụng điểm rơi về tăng trưởng trên.
Đáng chú ý, Vietnamairlines có kế hoạch tăng trưởng đội bay ấn tượng từ năm 2015-2018: Vietnam airlines có kế hoạch tăng cường đội bay tính đến năm 2018 là 40% và số ghế là 55% (từ 15.460 ghế lên 23.900 ghế) tương đương tốc độ phát triển CAGR là 11,5% trong đó gia tăng các đường bay dài là các đường bay có nhu cầu suất ăn cao hơn. Cụ thể, trong năm 2015, Vietnamairlines đã phát triển các đường bay mới đi Úc, mở các điểm đến mới là Berlin, Denpasar (Indonesia), Manila (philipines), Bombay, Dehli (Ấn Độ) và tiếp tục mở đường bay đến Brisbane (Úc, 2017), Adelaide (Úc, 2018), Dubai (2017), Doha (2018).
Chúng tôi cho rằng NCS có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng 10% -12%/năm trong 3-4 năm tới dựa trên tốc độ tăng trưởng đội bay của Vietnamairlines cũng như các hãng hàng không khác.
Theo kế hoạch ĐHCĐ cho năm 2016, NCS đặt kế hoạch đạt 6,5 triệu suất ăn, phục vụ 45.100 chuyến bay, doanh thu dự kiến đạt 502 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 80,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng 2016, doanh thu thuần của NCS đạt 256,85 tỷ đồng ( hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu năm 2016), lợi nhuận sau thuế đạt 34,46 tỷ đồng tăng 60,88% so với cùng kỳ, EPS 6 tháng ở mức 4.307 tỷ đồng.
Chúng tôi lạc quan NCS sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh đề ra với doanh thu dự kiến đạt 620 tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 93 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng ở mức 15%. Ở mức lợi nhuận trên, sau khi trừ đi khoản quỹ phúc lợi, EPS năm 2016 của công ty ở mức 7.200 đồng/ cổ phiếu.
Theo kịch bản dự phóng này, chúng tôi định giá NCS ở mức 93.600 đồng/ cổ phiếu tăng trưởng 27% so với giá hiện tại, tương đương mức P/E 13 lần cho năm 2016. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu NCS tại vùng giá hiện tại và tích lũy khi cổ phiếu điều chỉnh trong ngắn hạn.
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVT
CTCK Vietcombank (VCBS)
Kết thúc quý III/2016, Tổng CTCP Vận tải dầu khí (mã PVT) ghi nhận 1.602,1 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 6%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 108,9 tỷ đồng, tăng trưởng 76,8%.
Kết quả kinh doanh quý III của PVT tăng trưởng ổn định đóng góp chủ yếu từ hoạt động vận tải. Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận hoạt động kho nổi FSO/FPSO giảm do giảm giá cước cho khách hàng và khấu hao tàu FSO Đại Hùng Queen. Ngoài ra yếu tố tỷ giá ổn định đã giúp lợi nhuận của PVT tăng trưởng mạnh mẽ.
Từ quý III/2016, PVT không còn hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty con PCT do giảm tỷ lệ biểu quyết xuống bằng tỷ lệ sở hữu 22,63%. Chúng tôi dự báo triển vọng doanh thu 2016 đạt 6.486,1 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm trước và hoàn thành 129,7% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 425,3 tỷ đồng (tăng 15,6% so với năm trước và hoàn thành 121,5% kế hoạch). Theo đó, EPS forward 2016 dự phóng đạt 1.482 đồng/CP.
Năm 2017, kỳ vọng hoạt động vận tải than khởi sắc, đồng thời nhà máy GPP Cà Mau và lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ bù đắp một phần doanh thu vận tải dầu thô và dầu thành phẩm khi Dung Quất dừng sửa chữa.
Chúng tôi dự báo PVT sẽ đạt 5.743,6 tỷ đồng doanh thu (giảm 11,4% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 400,2 tỷ đồng (giảm 5,9% so với năm trước). Vì vậy EPS forward 2017 là 1.271 đồng/CP.
Doanh thu năm 2017 giảm chủ yếu do PVT không còn hợp nhất kết quả kinh doanh với PCT (gồm cả doanh thu vận tải và thương mại), tuy nhiên lợi nhuận thuộc về công ty mẹ không ảnh hưởng do tỷ lệ sở hữu đối với PCT vẫn không thay đổi. Ngoài ra, biến số tỷ giá cũng là yếu tố có tác động lớn tới kết quả kinh doanh của công ty.
Với lợi thế là công ty con trực thuộc tập đoàn PVN, PV Trans sẽ là đầu mối vận tải chính trong các dự án lọc dầu Nghi Sơn, GPP Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện than sắp tới. Đây là cơ sở để PV Trans tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu PVT