DHA: P/E dự phóng khoảng 15,9x
CTCK Rồng Việt (VDSC)
CTCP Hóa An (DHA – sàn HOSE) là một câu chuyện “một thời” của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn 2005-2007. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2011, DHA gặp nhiều khó khăn trong HĐKD do thị trường tiêu thụ kém cùng với chi phí khác gia tăng khiến doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động.
Hiện nay, DHA đang sở hữu năm mỏ gồm: Mỏ Thường Tân, Mỏ Hóa An, Mỏ Núi Gió, Mỏ Tân Cang 3, Mỏ Thạnh Phú 2. Xét về vị trí địa lý, mỏ Thường Tân và mỏ Hóa An (đã ngừng hoạt động năm 2010) có vị trí thuận lợi hơn khi nằm gần TP HCM, là thị trường tiêu thụ chính của DHA.
Trong khi đó, các mỏ mới được đưa vào hoạt động như Mỏ Núi Gió, mỏ Tân Cang 3 và Mỏ Thạnh Phú 2 lại tọa lạc ở khá xa trung tâm ở các tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Mặc khác, xét về mặt hiệu quả hoạt động của các mỏ, trong năm 2013 bức tranh chung vẫn còn chưa có nhiều khả quan.
Theo doanh nghiệp chia sẻ, trong các năm gần đây, chỉ có hai mỏ Núi Gió và Thạnh Phú 2 hoạt động trên điểm hòa vốn. Trong khi đó, hai mỏ còn lại là mỏ Thường Tân có chất lượng đá kém và Mỏ Tân Cang 2 gặp khó khăn khi có tầng đất phủ dày nên tốn nhiều thời gian và chi phí khai thác.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện nay tình hình chung đã có nhiều cải thiện khi mỏ Tân Cang 2 hiện đã bắt đầu có lãi và sản lượng tiêu thụ ở mỏ Thường Tân đã gần đạt điểm hòa vốn. Đối với mỏ Hóa An, doanh nghiệp cho biết mỏ này chỉ còn hàng tồn kho là đá mi và theo ước tính thì chỉ đóng góp 800 triệu đồng vào doanh thu trong quý 4 năm nay.
Dù hiệu quả hoạt động của các mỏ chưa có nhiều khả quan song chuyên viên ngành cho biết hoạt động kinh doanh đang có nhiều triển vọng khi thị trường BĐS dần ấm lên cùng với các dự án phát triển hạ tầng ở khu vực Đông Nam Bộ của Chính phủ. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu VLXD và mở rộng nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành như DHA.
Mặt khác, do việc khai thác và vận chuyển đá gây ra nhiều chi phí xã hội như chi phí cải tạo đường, chi phí liên quan đến hoạt động bảo vệ và phục hồi môi trường nên rào cản gia nhập ngành tương đối lớn và có khả năng bị thắt chặt hơn trong tương lai. Đây được xem là một lợi thế lớn cho những doanh nghiệp có thời gian khai thác đá ở các mỏ còn dài, ví dụ như DHA, các mỏ của Công ty còn thời hạn khai thác trung bình khoảng 10 năm.
Tính đến quý 3/2014, doanh thu của doanh nghiệp đã đạt 123,8 tỷ đồng (+15,2% so với cùng kỳ), trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 9,6 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ). Dựa trên hoạt động ổn định của DHA trong những năm qua, chuyên viên ngành chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2014 ước đạt 164,88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, tương đương EPS là 908 đồng/cp và P/E dự phóng khoảng 15,9x.
VHL: Lợi nhuận dự phóng 85 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
VHL công bố kết quả kinh doanh quý 3 năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 368.8 tỷ VNĐ, tăng 9.4% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng đạt mức 24 tỷ VNĐ, tăng 71% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng đạt mức 65.8 tỷ VNĐ, tăng 94% so với cùng kỳ.
VHL là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, ngói lợp và gạch xây. Sản phẩm của Công ty có chất lượng tốt và đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Công ty đã xây dựng hệ thống phân phối trên khắp 64 tỉnh thành phố của cả nước và xuất khẩu sản phẩm tới 24 quốc gia trên thế giới.
Năm 2014, thị trường Bất động sản có dấu hiệu phục hồi khiến nhu cầu về các sản phẩm của Công ty gia tăng. Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu chính (Than, Dầu mỏ, Điện, Lương cơ bản, ..) đều được giữ ở mức ổn định khiến giá vốn của Công ty có xu hướng giảm nhẹ. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng giảm đáng kể so với cùng kỳ đã hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của Công ty trong năm 2014.
Chúng tôi đánh giá, lợi nhuận của Công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015 khi triển vọng tiêu thụ sản phẩm gia tăng cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản và mặt bằng lãi suất tiếp tục hạ.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2014 đạt mức 85 tỷ VNĐ, tương đương mức EPS là 5300 VNĐ/cp.