Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/1

HSG: Triển khai mạnh mẽ hơn định hướng tái cấu trúc

CTCK Rồng Việt (VDSC)

ĐHCĐ của Tập Đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) đã thông qua khá nhiều về những khó khăn mà Công ty đã phải đối mặt và vượt qua trong NĐTC 2013-2014, đồng thời, Công ty cũng đưa ra những định hướng kinh doanh đối với niên độ kế tiếp.

Cụ thể, trong NĐTC 2014-2015, HSG đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng hơn với biên lợi nhuận ròng chỉ duy trì ở mức tương đương cùng kỳ. Kịch bản này được xây dựng dựa trên giả định giá thép cán nóng (HRC) trong niên độ này ở mức khoảng 500 USD/tấn, cao hơn khoảng 12% so với giá HRC Trung Quốc xuất khẩu hiện tại (~440 USD/tấn, giá FOB). Trong quý I của niên độ này, Công ty đã hoàn thành lần lượt 25,8% kế hoạch về doanh thu và 27,8% kế hoạch lợi nhuận. Sản lượng bán hàng đạt 243.000 tấn trong quý vừa qua, trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 44% sản lượng tiêu thụ.

Mặc dù vậy, công ty định hướng trong niên độ này sẽ tập trung bán hàng nội địa, giảm tỷ trọng cơ cấu doanh thu xuất khẩu từ mức 39,6% trong NĐTC 2013-2014 xuống còn 37%. Ngoài ra, Công ty cũng cho biết lượng hàng tồn kho HRC được nhập về từ đầu niên độ với giá ~540 USD/tấn hiện đã được đưa vào sản xuất và tiêu thụ hết, HSG mới đây đã ký kết đơn hàng nhập khẩu thép nguyên liệu với giá chỉ ~395 USD/tấn. Đây là mức giá khá thấp sau khi chúng tôi tham khảo giá HRC của một số nước đang chào bán hiện nay

Ngoài ra, điểm nhấn quan trọng đối với HSG là trong niên độ này là công ty sẽ bắt đầu triển khai mạnh mẽ hơn định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Công ty – ông Lê Phước Vũ, Tập đoàn Hoa Sen đang có định hướng tái cấu trúc trở thành Tập đoàn chuyên cung ứng vật liệu xây dựng trên toàn quốc (tương tự HomeDepot tại Mỹ).

Như vậy, trọng tâm hoạt động đối với Công ty trong NĐTC 2014-2015 theo chúng tôi là tạo lập cơ sở để tiến tới mục tiêu trở thành Nhà phân phối vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì và mở rộng trong bối cảnh phải đứng vững trước những áp lực chung của ngành, bên cạnh đó, chi phí đầu tư và chi phí marketing cũng sẽ gây áp lực đến dòng tiền của Công ty.

NCT: Lợi nhuận năm 2014 dự phóng 240 tỷ

CTCK MB (MBS)

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của NCT là dịch vụ phục vụ và sử lý hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Công ty có vị thế vượt trội tại cảng hàng không quốc tế nội bài với 85% thị phần.

Hoạt động kinh doanh của NCT tăng trưởng ổn định hàng năm nhờ lượng hàng hóa thông quan qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng đều đặn trong các năm qua. Dự báo sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng sẽ tăng khoảng 12%/năm trong các năm tới.

Trong năm 2014, NCT đã xây dựng xong kho hàng NCT3 với diện tích 12,000 m2, nâng tổng diện tích hệ thống kho của Công ty lên mức 25,000 m2.

Về mảng dịch vụ hàng hóa nội địa, NCT có hai khách hàng chính yếu là hai hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, và Jetstar Pacific Airlines. Nhờ đó, NCT chiếm chiếm hơn 80% thị phần dịch vụ hàng nội địa tại cảng hàng không Nội Bài.

Về mảng dịch vụ hàng hóa quốc tế, NCT có hệ thống khách hàng gồm 30 hãng hàng không quốc tế, chiếm 85% thị phần tại cảng hàng không Nội Bài. Tốc độ tăng trưởng của mảng dịch vụ này trong các năm gần đây luôn đạt mức cao (trên 30%/năm) nhờ nhu cầu lớn từ khách hàng Samsung.

Trong năm 2015, Công ty ALSC sẽ tham gia dịch vụ phục vụ hàng hóa tại cảng hàng không Nội Bài. Chúng tôi đánh giá áp lực cạnh tranh lên NCT sẽ tăng lên và thị phần của Công ty có khả năng giảm.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của NCT đạt mức 240 tỷ VNĐ trong năm 2014, tương đương mức EPS là 10,000 VNĐ/cp.

DPM: P/E dự phóng ở mức 8,9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu 2015 của DPM dự phóng đạt 8.212 tỷ, giảm 7% so với ước tính 2014. Mức giảm này chủ yếu do sản lượng phân bón tự sản xuất ước giảm 2% so với năm trước do nhà máy sẽ bảo trì 2 tháng và giả định giá bán trung bình cả năm giảm 5% do ảnh hưởng của bất cân đối cung cầu và miễn thuế VAT đầu ra.

Theo luật thuế GTGT mới, DPM không được hoàn thuế GTGT đầu vào đối với mặt hàng phân bón bán trong nước. Do đó, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng tương ứng số tiền không được hoàn thuế GTGT. Theo ước tính của doanh nghiệp, chi phí này sẽ khoảng 400 tỷ. Về giá khí đầu vào, chúng tôi ước DPM mua khí từ GAS với giá trung bình cả năm là 5,2 USD/triệu BTU, giảm 25% so với mức ước tính trung bình 2014 là 6,9 USD/triệu BTU.

Mức giá này được tính toán bằng 46% giá dầu FO bình quân tháng trên thị trường Singapore cộng với 0,92 USD/triệu BTU phí vận chuyển. Sự sụt giảm mạnh của giá khi gas mua vào kì vọng bù đắp được mức chi phí tăng lên do quy định thuế mới, thậm chí giúp cải thiện được biên lợi nhuận gộp. Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp sẽ tăng 3 điểm phần trăm, lên mức 31%. Lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 1.302 tỷ đồng, tăng 6% so với ước tính 2014. Xin nói thêm, chúng tôi cũng ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của DPM khoảng 8.676 và 1.233 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 42% n/n so với 2013.

Thêm vào đó, các nhà sản xuất phân bón lớn đang kiến nghị gửi các cơ quan chức năng để tìm biện pháp giúp các DN giảm bớt chi phí từ luật thuế mới. Trong trường hợp luật VAT được quy định theo hướng: phân bón là hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng có thuế suất 0% thì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn. Nếu phương án này được áp dụng sẽ giúp các DN giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời cũng đạt được mục tiêu kích cầu.

EPS 2015 ước đạt 3.431 đồng/cp. Với giá đóng cửa hôm này là 30.600 đồng, PE dự phóng 2015 là 8,9 lần, thấp hơn trung bình lịch sử 10 lần.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục