Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/8

SPP: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Theo báo cáo tài chính quý II/2014 vừa mới công bố, so với cùng kỳ năm ngoái doanh thu của SPP tăng gần gấp đôi, đạt 261 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm mạnh 35,6% chỉ đạt 1,74 tỷ đồng. Sức ép cạnh tranh buộc công ty phải giảm giá bán sản phẩm, điều này đã khiến các khoản giảm trừ doanh thu tăng đột biến gấp 500 lần lên 40,1 tỷ đồng, kết quả là doanh thu thuần của công ty chỉ còn 220,5 tỷ đồng (+61,7% so với cùng kỳ năm ngoái).

Mặc dù trong quý II, SPP đã tiết kiệm được chi phí bán hàng (3,1 tỷ đồng, -16,2% so với cùng kỳ năm ngoái), chi phí quản lý doanh nghiệp (5,4 tỷ đồng, -6,9% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ khiêm tốn do: (i) nguyên nhân chinh là biên lợi nhuận gộp suy giảm từ mức 18,3% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 10,3% trong năm nay do giá nguyên liệu đầu vào (hạt nhựa PP,PE) tăng mạnh, và (ii) chi phí tài chính tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 13,1 tỷ đồng do nợ vay nhiều.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 409,3 tỷ đồng (+80,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 68,2% kế hoạch) trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,8 tỷ đồng (-33,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 20,9% kế hoạch).

So với đầu năm, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 2,6 lần lên 3,4 tỷ đồng, các khoản đầu tư ngắn hạn dưới dạng tiền gửi tiết kiệm (ngân hàng, cá nhân) tăng gần gấp đôi lên 11,7 tỷ đồng. Mặc dù các khoản phải thu của khách hàng giảm mạnh còn 68,7 tỷ đồng (-25,7% so với đầu năm) nhưng sự gia tăng của các khoản phải thu khác (40,4 tỷ đồng, gấp 1,4 lần) và trả trước cho người bán (22,4 tỷ đồng, gấp 3,2 lần) đã khiến giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ 2,1% so với đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho ở mức 314,6 tỷ đồng (+6,9% so với đầu năm) Tuy nhiên đà tăng mạnh của doanh thu thuần đã giúp các hệ số vòng quay các khoản phải thu và hàng tồn kho được cải thiện từ mức 1,1 lần và 0,5 lần lên tương ứng 1,69 lần và 0,7 lần.

Hệ số nợ của SPP duy trì ở mức cao so với trung bình ngành (71,5%). Cơ cấu nợ chủ yếu nợ vay ngân hàng, chiếm 50,5% tổng tài sản.

Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm còn khiêm tốn, lợi nhuận sau thuế chỉ hoàn thành 20,9% kế hoạch đề ra, SPP vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu. Hệ số nợ cao với cơ cấu nợ chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng gây sức ép lớn về tài chính. Giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng mạnh khi thị trường cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, giá hạt nhựa PP, PE vào nửa cuối năm 2014 vẫn không có dấu hiệu suy giảm, điều này sẽ khiến tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu của SPP duy trì ở mức cao.

Chúng tôi dự đoán SPP hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận của năm nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 10 tỷ đồng, EPS forward đạt 836 đồng, P/E forward đạt 8,3 lần cao hơn mức trung bình ngành nhựa bao bì, cổ phiếu SPP có tính thanh khoản thấp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu SPP.

DQC: PE đang giao dịch dự phóng là 6,7 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái do cải thiện về doanh thu từ thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, các sản phẩm đèn tiết kiệm điện mới bao gồm đèn LED, đèn compact, đèn Doublewings, đã được tung ra thị trường trong 2013 để đáp ứng xu hướng sử dụng sản phẩm đèn tiết kiệm điện vẫn tiếp tục tăng mạnh và đang được tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa.

Thêm vào đó, việc mở rộng thị phần sang các nước chưa có thương hiệu nội địa hoặc thương hiệu nội địa không mạnh như Châu Mỹ La Tinh, Trung Á, Nam Á đang được triển khai tốt giúp mảng xuất khẩu tăng mạnh.

Sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu (tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tăng từ 49% trong 6 tháng đầu năm 2013 lên 51% trong 6 tháng đầu năm 2014) đã giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận của mảng xuất khẩu cao hơn nội địa khoảng 20 điểm phần trăm. Hơn nữa chúng tôi cho rằng DQC đã thanh lý thành công lô hàng cũ compact 115V.

Biên lợi nhuận gộp tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 32%. Lợi nhuận gộp tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản nợ từ Cuba được thu hồi tốt, trong 6 tháng đầu năm 2014 đã thu 216 tỷ trong khi cùng kì chỉ thu 80 tỷ.

DQC ghi nhận được khoản lãi chênh lệch tỷ giá và lãi trả chậm tăng lần lượt 59% so với cùng kỳ năm ngoái và 457x so với cùng kỳ năm ngoái. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 22% nên lợi nhuận sau thuế tăng 2,5x và vượt 17% kế hoạch. Dự phóng cả năm 2014 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. DQC đang giao dịch ở PE dự phóng là 6,7 lần.

GMD: PE đang giao dịch 7 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

GMD vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2014 với 542,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng rất mạnh so với mức vỏn vẹn 2 tỷ đồng của quý II/2013. Doanh thu quý II/2014 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 700,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý II/2014 tăng đột biến chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận (570 tỷ đồng) từ việc chuyển nhượng Gemadept Tower đã được ghi nhận trong kỳ, như kỳ vọng trước đây của chúng tôi. Hoạt động kinh doanh chính (logistics & cảng) tăng trưởng khá tốt trong quý II/2014, giúp doanh thu doanh thu thuần quý II/2014 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu mảng cảng tăng chủ yếu nhờ Cảng Nam Hải Đình Vũ đi vào hoạt động từ tháng 11/2013, giúp nâng tổng công suất cảng của GMD lên 1,3 triệu teus (+63%). Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận tốt, gấp hơn 2 lần biên lợi nhuận gộp của mảng logistics. Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh đều cải thiện trong quý II/2014. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp chung của GMD đã tăng 3,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái lên 21,9% trong quý II/2014.

6 tháng đầu năm 2014, GMD đạt 1.315 và 583 tỷ doanh thu và lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 12% và 320% so với cùng kỳ năm ngoái; hoàn thành 49,6% và 100,1% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận 2014. Tình hình tài chính kỳ vọng sẽ có cải thiện tích cực hơn khi GMD có khả năng hoàn trả bớt một phần nợ vay từ thu nhập chuyển nhượng toà nhà.

Tổng nợ vay của GMD tại 30/6/2014 là 2.093 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu 0,43x. GMD đang giao dịch ở mức PE ước tính cho 2014 khoảng 7 lần, tương đương bình quân ngành. Tuy nhiên, nếu loại trừ thu nhập bất thường thì PE 2014 sẽ ở mức rất cao, hơn 30 lần. Trong khi đó, GMD gần như sẽ không có thu nhập bất thường lớn từ bán tài sản như 2 năm qua nữa. Đang giao dịch 7 lần PE 2014, tương đương bình quân ngành.

DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

DRC công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 với doanh thu thuần tăng +12,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.546 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 giảm 2,1%, còn 184,9 tỷ đồng.

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2014 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do DRC đã tiêu thụ được 42.600 chiếc lốp radian toàn thép (6 tháng đầu năm 2013 chưa tiêu thụ lốp radian toàn thép).

Mặc dù giá cao su đầu vào bình quân 6 tháng đầu năm 2014 6 tháng đầu năm 2014 giảm khoảng 20%-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 45 triệu đồng/tấn nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 24,3%, xấp xỉ cùng kỳ 2013 là do chi phí khấu hao nhà máy mới.

Chi phí khấu hao tài sản cố định tăng 184% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 65,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính ròng tăng mạnh 3,5 lần so cùng kỳ, lên 73,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh lên 47,1 tỷ đồng (từ mức 2,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2013) do DRC không còn được vốn hóa chi phí lãi vay cho dự án lốp radian toàn thép và dự án di dời Xí nghiệp săm lốp ôtô cũ vào KCN Liên Chiểu. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 6 tháng đầu năm 2014 giảm 2,1%, còn 184,9 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tác động lên kết quả kinh doanh của DRC trong 2014 đã được dự báo trước và phần lớn đã được phản ánh trên giá DRC. Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn số 3703/BGTVT -VT giữa tháng 4 yêu cầu thắt chặt kiểm soát tải trọng xe.

Với cùng 1 lượng hàng hóa trong nền kinh tế, việc thắt chặt quy định về tải trọng sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa của các nhà sản xuất chậm trễ. Để đảm bảo đúng tiến độ giao hàng đòi hỏi các doanh nghiệp tăng số lượng xe vận tải. Chúng tôi cho rằng, sự kiện này có lợi cho tiêu thụ xe và săm lốp cho thị trường lắp ráp mới nói chung và lốp radian toàn thép của DRC nói riêng trong 2014, 2015.

DRC đang được giao dịch tại PE 2014 và PE 2015 lần lượt khoảng 12,6 lần và 10,1 lần, phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của DRC trong trung và dài hạn. Chúng tôi duy trì khuyến nghị GIỮ.

PPI: Mua vào cho mục tiêu trung hạn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngày 12/8/2014, BVSC có buổi gặp với đại diện phía PPI và ghi nhận một số thông tin chính như sau:

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 là 129 tỷ, tăng 4 lần yoy và hoàn thành 22% kế hoạch năm 2014. Cụ thể, doanh thu từ bất động sản ghi nhận 75 tỷ vượt so với kế hoạch 48 tỷ. Kết quả tích cực này do PPI sử dụng quỹ đất ở Bến Lức 1 cấn trừ 22 tỷ nợ vay với Tài chính Cao su, ngoài ra, dự án Vĩnh Phú 2 (22,000m2 thương mại) đang triển khai kinh doanh tương đối tốt trong nữa đầu năm.

Đối với mảng hạ tầng, doanh thu 6 tháng đầu ghi nhận khoảng 54 tỷ, hoàn thành 10% kế hoạch do dự án BT Thủ Thừa – Long An đang trong giai đoạn thi công. Với doanh thu tăng trưởng mạnh như trên, lợi nhuận sau thuế là 15.3 tỷ, tăng trưởng mạnh so với mức lỗ khoản 1 tỷ cùng kỳ 2013. EPS 6 tháng đạt 610 VNĐ (vốn mới 250 tỷ).

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận nếu dự án BT Thủ Thừa (phân đọan 1 – 16km) hoàn thành kịp tiến độ. Theo đó, PPI đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế thực hiện 2014 lần lượt là 700 và 37 tỷ. Tương ứng, doanh thu vượt 19% và LNST hoàn thành 100% kế hoạch ĐHCĐ thông qua. Dự án kỳ vọng ghi nhận theo kế hoạch:

(1) Dự án BT Thủ Thừa Long An: giá trị 424 tỷ, chiếm 60% doanh thu kỳ vọng. Quý 3 bàn giao 3.4km với giá trị 90 tỷ. Phần còn lại tập trung thi công mục tiêu bàn giao trong quý 1/2015. Theo lý giải của PPI, doanh thu sẽ quyết toán lùi vào quý 4/2014 cho công trình bàn giao trong quý I/2015.

(2) Bến Lức 1: tiếp tục cấn trừ công nợ 59 tỷ cho Tài Chính Cao Su.

(3) Dự án Vĩnh Phú 2: có 22.000 m2 đất thương mại. Giá bán 3 – 3,5 triệu/m2.

(4) Water Garden: ghi nhận trong quý 3 hoặc 4/2014. Giá trị hợp đồng là 86 tỷ đồng và có thể làm phát sinh một khoản lỗ không đáng kể cho công ty.

Đánh giá của BVSC về khả năng hoàn thành kế hoạch: Chúng tôi đã đến thăm dự án BT Thủ Thừa Long An và thấy công ty đã triển khai thiết bị thi công trên phần 12.6km còn lại. Điểm mà BVSC quan ngại là có hai công trình cầu với chiều dài 70 và 30m nằm trong dự án. Đây là 2 công trình có thời gian thi công lâu và phức tạp. Theo đánh giá đại diện thi công thì khả năng quý II/2015 mới hoàn thành. Trên quan điểm thận trọng, BVSC chưa đưa dự án này vào trong kết quả kinh doanh năm 2014. Công ty dự kiến hoàn hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận. P/E forward 2014 khoảng 14 lần.

Triển vọng trong trung và dài hạn của PPI: Tính đến hiện tại, giá trị dự án gối đầu của PPI ước khoản 1,200 tỷ với phân kỳ đầu tư kéo dài đến năm 2016. Cụ thể, UBND tỉnh Long An sẽ tiếp tục giao cho PPI làm chủ đầu tư phân đoạn 2 của GĐ 1 có giá trị 800 tỷ đồng với chiều dài 26km. Thời gian triển khai sẽ thực hiện trong hai năm 2015 và 2016. Dự án thứ hai là cao tốc Bến Lức – Long Thành. PPI đảm nhận thầu thi công 1km trong dự án với giá trị là 300 tỷ. Thời gian triển khai dự kiến quý IV/2014. Ngoài ra, một số dự án khác có giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Trong dài hạn, chúng tôi cho rằng PPI đang có những chuyển biến thật sự trong hoạt động kinh doanh sau khi tái cấu trúc. Điểm tích cực mà BVSC nhận thấy là sự thay đổi này phù hợp với định hướng của Chính Phủ khi (1) Tập trung đẩy mạnh đầu tư công mà cụ thể là đầu tư cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (2) Tăng cường xã hội hóa và tạo điều kiện cho các công ty ngoài nhà nước đủ năng lực tham gia dự án hạ tầng của Chính Phủ. Ngoài ra, xét về mặt hiệu quả, tái cấu trúc giúp cho PPI gia năng nguồn lực tài chính để đảm nhận dự án với vai trò là tổng thầu thi công. Theo đó, biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện lên khoảng 10–15% so với mức rất thấp 3-5% của các công trình mà PPI làm thầu phụ.

Tổn thất trong hoạt động kinh doanh: HĐQT vừa thông qua Nghị quyết sử dụng quỹ dự phòng tài chính và thặng dư vốn bù đắp cho khoản tổn thất hoạt động kinh doanh đến 54 tỷ đồng. Khoản thiệt hại này nằm trong 3 tài khoản là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (TK154), phải trả người bán (TK331) và tạm ứng (TK141).

Qua tìm hiểu, BVSC được biết PPI dùng quỹ để bù đắp cho một dự án hạ tầng mà công ty đã triển khai những năm trước nhưng không nhận được thanh toán. Và việc sử dụng các quỹ bù đắp đã được thông qua trong Nghị quyết ĐHCĐ 2014.

Với cách xử lý này, khoản thiệt hại giá trị 54 tỷ này không phán ánh trong Báo cáo kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của PPI sẽ giảm xuống tương ứng làm ảnh hưởng đến giá trị sổ sách trên cổ phần.

BVSC ước tính mỗi cổ phần mất đi 2,100 đồng. Giá trị sổ sách của công ty sau đợt phát hành riêng lẻ gần đây ước tính vào khoảng 13,500 đồng/cp, nếu trừ đi khoản lỗ này thì còn lại 11,400 đồng/cp, làm chỉ số P/B của công ty tăng lên mức 1x, cao hơn so với mức trung bình ngành là khoảng 0.9x (dựa trên giá cổ phiếu ngày 19/8/2014).

BVSC cho rằng, PPI là công ty có bề dày kinh nghiệm và năng lực trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông. Và hoạt động tái cấu trúc đã mang đến cho Công ty những cơ hội tốt hơn trong dài hạn. Điều này phần nào ảnh ánh trong kết quả quả kinh doanh cải thiện tốt hơn so với cùng kỳ năm 2013.

Điểm hạn chế hiện nay là những tổn thất mà PPI phải ghi nhận phát sinh trong quá trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. BVSC cho rằng thị trường ít nhiều sẽ có phản ứng chưa tích cực lên giá của PPI.

Do đó, các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn nên tạm thời quan sát đối với cổ phiếu PPI. Đối với nhà đầu tư giá trị, nếu thị trường có phản ứng tiêu cực đối với thông tin về thiệt hại tài chính sẽ mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu PPI cho mục tiêu trung hạn.

PVE: Lợi nhuận năm 2014 dự phóng 20 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

PVE hiện là đơn vị duy nhất trong PVN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công trình dầu khí. Công ty có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý dự án và khảo sát kiểm định công trình dầu khí.

Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với PVN, Công ty có lợi thế tiếp cận các dự án thuộc lĩnh vực dầu khí lớn của PVN và các đơn vị thành viên khác. Công ty đã từng tham gia nhiều dự án trọng điểm: Dự án đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau, Dự án Đường ống Phú Mỹ - Tp. Hồ Chí Minh, Thiết kế giàn dầu giếng Hải Sư Đen (tổng vốn đầu tư 300 triệu USD)…

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 của Công ty khá khả quan khi đạt doanh thu 253 tỷ và LNST là 9.4 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận biên gộp của PVE tăng mạnh khi tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu giảm từ 83,4% xuống còn gần 78%. Do vậy lợi nhuận gộp đã tăng 46,4% so với cùng kỳ lên hơn 35 tỷ. Giá vốn hàng bán giảm do PVE đã dần tự chủ được nhiều khâu trong công tác tư vấn thiết kế và do đó chi phí thuê chuyên gia nước ngoài đã giảm đi.

Công ty góp vốn đầu tư vào dự án Dragon Tower tại Phước Kiển, Nhà Bè với giá trị góp là 153 tỷ VNĐ. Tuy nhiên hiện tại dự án đang trong giai đoạn triển khai và không mang lại doanh thu, lợi nhuận cho Công ty do đó hiệu quả kinh doanh của Công ty bị giảm và nợ vay của Công ty tăng lên đáng kể. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của PVE năm 2014 là 20 tỷ và EPS đạt mức 790 VNĐ/cp.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục