Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/11 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/11

PSP: Khuyến nghị mua vào

CTCK APEC (APS)

Khuyến nghị: Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA vào cổ phiếu của CTCP Cảng Dịch vụ dầu khí Đình Vũ (PSP – sàn UPCoM) với giá mục 18,500 đồng, tầm nhìn đầu tư 1 năm với lợi nhuận kì vọng 60.8%.

Điểm nổi bật:

- Đóng góp hơn 90% doanh thu và lợi nhuận cho công ty, hoạt động cung cấp dịch vụ căn cứ cảng là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của PSP. Là ngành có tính chu kì rất cao và nhận được nhiều ưu tiên phát triển của Chính phủ, ngành cảng biển nói chung và PSP nói riêng được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

- Hoạt động của PSP chủ yếu được thực hiện trong cảng Đình Vũ. Thuộc cụm cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ có lợi thế về vị trí. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cảng, mặc dù mới, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động và nguồn lực dồi dào, sự cạnh tranh nội bộ ngành càng trở nên gay gắt.

- Không có nhiều cải thiện về năng lực sản xuất, sự tăng trưởng của PSP trong thời gian qua đến từ sự tăng lên của tần suất hàng hóa qua cảng với nhu cầu vận tải đường thủy ngày càng lớn, đặc biệt là từ các đối tác nước ngoài.

- Trong 9 tháng đầu năm 2014, PSP đạt sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kì năm 2013 và sớm vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm. Trong khi đó, các chỉ số tài chính cho thấy khả năng tiếp tục sử dụng nợ ở mức cao hơn, yếu tố có tác động tích cực đến hoạt động của công ty trong thời điểm hiện tại.

Hạn chế:

- Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, PSP đã có chủ trương đầu tư xây dựng cơ bản. Thông qua đợt phát hành riêng lẻ nâng vốn điều lệ từ 370 tỉ đồng lên 400 tỉ đồng, PSP kì vọng sẽ nhanh chóng hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng cảng PTSC Đình Vũ giai đoạn 2 và mua sắm, nâng cấp một số máy móc, trang thiết bị khác. Tuy nhiên, hiện tại các dự án này vẫn được thực hiện rất chậm.

>> Tải báo cáo

CSM: Lốp radial chưa thể đem lại hiệu quả lợi nhuận trong quý IV

CTCK MB (MBS)

CSM công bố kết quả kinh doanh quý 3 năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 802 tỷ VNĐ, giảm 0.4% so với cùng kỳ với lợi nhuận ròng đạt mức 78.3 tỷ, giảm 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận ròng đạt mức 247.6 tỷ VND giảm 4% so với cùng kỳ.

Giá bán sản phẩm lốp mành chéo giảm 7% là nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm mặc dù mức tiêu thụ tăng 2%. Áp lực cạnh tranh khiến CSM phải giảm giá bán, tăng chiết khấu cho các đơn vị phân phối khiến biên lợi nhuận giảm mặc dù giá cao su thiên nhiên giảm mạnh 22% so với cùng kỳ.

Nhà máy lốp radial của CSM đã đi vào hoạt động trong quý III/2014. Điều này khiến chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng của CSM đồng loạt tăng trong khi doanh thu chưa tăng tương ứng khiến hiệu quả sinh lời suy giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, chi phí lãi vay đạt mức 36.6 tỷ VNĐ, tăng 22% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng đạt mức 98.3 tỷ VNĐ, tăng 28% so với cùng kỳ; chi phí khấu hao đạt mức 71 tỷ VNĐ, tăng 50% so với cùng kỳ.

Công ty dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 62.000 chiếc lốp radial với giá bán bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/lốp trong năm nay. Chúng tôi đánh giá, mức tiêu thụ dự kiến của sản phẩm này chưa cao do đó chưa thể đem lại hiệu quả lợi nhuận cho Công ty trong quý IV năm 2014.

CSM đã hoàn tất thoái vốn tại Tân Thuận Việt với số lượng cổ phiếu chuyển nhượng 4 triệu đơn vị, giá chuyển nhượng 46,3 tỷ đồng.

TRA:PE đang giao dịch ở mứ 13 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu quý III/2014 giảm nhẹ cho thấy chính sách bán hàng mới vẫn đang cần thời gian để có thể tạo ra hiệu quả và ổn định.

Nhắc lại, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trong phân khúc đông dược, TRA đã bắt đầu thay đổi chính sách bán hàng từ đầu 2014, theo hướng gia tăng chiết khấu cho nhà phân phối. Người Việt Nam có thói quen mua thuốc tại quầy theo tư vấn của người bán. Do vậy, một tỷ lệ chiết khấu hấp dẫn có khả năng thúc đẩy doanh số của sản phẩm đó so với sản phẩm khác cùng loại nhưng có mức chiết khấu thấp hơn.

Tuy vậy, so với mức giảm rất mạnh 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái của doanh thu quý I/2014, mức giảm trong 9 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.133,9 tỷ. Điều này cho thấy đã có sự cải thiện khá đáng kể trong doanh số quý II và quý III/2014. Trong 9 tháng đầu năm 2014, biên lợi nhuận gộp của TRA tăng nhẹ, khoảng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, lên 43,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng mạnh hơn, tới 1,6 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, lên 29,4%. Do vậy, dù thuế suất thuế TNDN 2014 thấp hơn nhưng lãi ròng 9 tháng đầu năm 2014 của TRA vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức giảm doanh thu, đạt 103,2 tỷ.

Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2014, TRA đã hoàn thành được 63% và 70,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Chúng tôi kỳ vọng chính sách bán hàng mới sẽ giúp kết quả kinh doanh của TRA tốt hơn 2015. Tuy nhiên, 2014 sẽ vẫn còn là một năm khó khăn đối vớ TRA. Dự báo doanh thu và lợi nhuận 2014 của TRA sẽ đạt 1.598,2 và 144,1 tỷ đồng, giảm 5% và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, TRA đang giao dịch ở mức 13 lần PE 2014, so với mức 12 lần bình quân ngành.

TTF: Tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Kết quả kinh doanh quý III/2014 cải thiện nhờ HĐKD chính khởi sắc. Doanh thu quý III/2014 đạt 311 tỷ đồng và tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ mảng kinh doanh đồ gỗ (đóng góp 97% vào tổng doanh thu) cải thiện. Trong cơ cấu doanh thu gỗ của TTF, xuất khẩu chiếm tỷ trọng 70% chủ yếu sang Nhật, Mỹ. Đầy là 2 thị trường có mức tăng trưởng tốt của toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2014. TTF từng là 1 trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ, tuy nhiên, do vay nợ nhiều và kinh doanh kém hiệu quả nên doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm từ 2011.

Biên lợi nhuận gộp giảm 8 điểm phần trăm n/n, xuống còn 25% trong quý III/2014. Mức giảm này chủ yếu do giá bán giảm mạnh vì công ty sử dụng lượng gỗ tồn kho có giá trị và chất lượng thấp để sản xuất. Hơn nữa, TTF phải sử dụng nhiều nguyên liệu hơn để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm làm chi phí tăng. Điều này giúp giảm bớt lượng gỗ tồn kho cũ nhưng ảnh hưởng lên chất lượng và giá bán. Lợi nhuận gộp chỉ tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 76,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp đã được bù đắp bởi sự cải thiện trong việc quản lý các chi phí của TTF. Cụ thể, lỗ ròng từ tài chính giảm 46% nhờ lãi suất vay giảm (lãi vay chiếm 54% của lợi nhuận gộp trong quý III/2013) và tỷ lệ chí phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 4 điểm phần trăm, xuống còn 8%. Lợi nhuận sau thuế quý III/2014 đạt 32 tỷ, vượt trội so với mức 1,1 tỷ cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2014 là 48,7 tỷ, tăng 10,5x so với cùng kỳ năm ngoái.

Cập nhật quá trình tái cơ cấu nguồn vốn. Hiện TTF đang tiếp tục đàm phán với DATC để mua thêm khoảng 300 tỷ đồng nợ của TTF từ các ngân hàng. Khả năng thành công là cao và sẽ có kết quả trong tháng 11 hoặc chậm nhất là tháng 12/2014. Trước đó, DATC đã ký kết mua 543 tỷ đồng nợ của TTF tại Vietcombank trong tháng 2/2014. Nếu đàm phán diễn ta như kì vọng thì OJI sẽ góp vốn khoảng 300 tỷ đồng, tương đương 25 triệu CP, theo hình thức giá phát hành cổ phiếu với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phần trong quý I/2015. OJI chỉ góp vốn cho TTF khi DATC mua lại ít nhât 800 tỷ đồng nợ từ các ngân hàng.

Đánh giá. 2014 là năm tập trung tái cơ cấu nguồn vốn của TTF. Mặc dù tiến độ đàm phán với các bên (DATC, Oji) có chậm hơn so với kế hoạch ban đầu nhưng kết quả rất khả quan. Tình hình chi phí tài chính của TTF có cải thiện với tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm từ mức 269% cuối 2012, xuống còn 233% cuối 2013 và ở mức 208% vào cuối tháng 9/2014. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với các DN cùng ngành nói riêng và các DN sản xuất nói chung.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục