Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/6 của các công ty chứng khoán.

LSS: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Với việc dự báo giá đường tăng, chúng tôi ước tính lợi nhuận của CTCP Mía đường Lam Sơn (mã LSS) khoảng 77 tỷ đồng, tương ứng mức EPS khoảng 1.102 đồng/cổ phiếu.

Hưởng lợi giá đường tăng trong năm 2015.Mặc dù không nằm trong vị trí tâm điểm đường nhập lậu, sản lượng tiêu thụ sẽ không có quá nhiều thay đổi, tuy nhiên chúng tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi về giá bán trong năm 2015. Kết quả kinh doanh quý I/2015 không mấy tích cực, tuy nhiên chúng tôi cho rằng điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ vào nửa cuối năm 2015. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của LSS dự báo đạt khoảng 1.884 tỷ đồng và 81 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 8,4% về doanh thu và 77% về lợi nhuận.

LSS là doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu khá bài bản. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động đầu tư vùng nguyên liệu của LSS. Diện tích vùng nguyên liệu và năng suất mía/ha của LSS tương đối ổn định qua các năm.

Khôi phục nhà máy sản xuất ethanol. Nhà máy sản xuất ethanol phải dừng sản xuất từ giữa năm 2013 do vấn đề ô nhiễm môi trường. LSS dự định tìm kiếm đối tác nhằm áp dụng công nghệ cao khôi phục sản xuất. Việc khôi phục hoạt động sản xuất ethanol sẽ giúp dianh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh trong tương lai, dự tính đóng góp thêm doanh thu m ỗi năm 200 – 300 tỷ đồng.

Kết quả định giá cổ phiếu LSS ở mức 12.400 đồng/cp trên cơ sở phương pháp so sánh và phương pháp dòng tiền, cao hơn so với mức giá hiện tại 15%, tương đối hấp dẫn. Chúng tôi lưu ý nhà đầu tư về thông tin mua 1.000.000 cổ phiếu quỹ của LSS có thể gia tăng tích cực tới giá cổ phiếu LSS trong ngắn hạn.

SBT: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã SBT) năm 2015 đạt khoảng 2.430 tỷ đồng và 186 tỷ đồng, tương ứng mức EPS 1.256 đồng/cp.

Biên lợi nhuận sẽ gia tăng nhờ hưởng lợi giá đường tăng. Tính bình quân quý II/2015, giá đường tại các nhà máy tăng trung bình 30% so với giá đường quý I/2015. Ước tính mức giá bình quân tính trên 3 quý theo niên độ kế toán 2014/2015 của SBT vào khoảng 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 19% so với năm ngoái. Biên lãi gộp dự phóng sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái, khoảng 11,3% so với mức 10,3% năm ngoái.

Lượng đường nhập lậu giảm sẽ tác động tích cực về giá cả nhiều hơn là về sản lượng tiêu thụ. SBT là doanh nghiệp đường lớn nhất tại vùng Đông Nam Bộ, có vị trí thuận lợi khi nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm tại phía Nam. Tuy nhiên đây cũng chính là vị trí mà đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam hoành hành những năm qua. Triệt phá thành công đường dây buôn lậu đường lớn nhất biên giới Tây Nam sẽ giúp cho sản lượng tiêu thụ của SBT đối với khách hàng khả quan hơn. Tuy nhiên do cơ cấu khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng tới 95%, do đó tác động tích cực này sẽ không quá lớn. Trên cơ sở ước tính tổng sản lượng cung đường niên độ 2014/2015 (bao gồm đường nhập lậu, lượng đường tồn kho và đường nhập theo hạn ngạch WTO), với tỷ trọng sản lượng tiêu thụ/cung đường ngang niên vụ 2013/2014, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ của SBT sẽ tăng 6% so với năm ngoái, tương đương khoảng 150.300 tấn đường.

Dự án ethanol với công suất 100.000 lít/ngày và khu công nghiệp Bourbon An Hòa dự kiến chưa đem lại hiệu quả.

Mặt khác, vùng nguyên liệu mía của SBT đang bị thu hẹp. Hiện nay nông dân ở Tây Ninh đang chuyển sang trồng các loại cây trồng khác đem lại kinh tế cao hơn, ảnh hưởng tới diện tích vùng nguyên liệu mía của SBT. Diện tích vùng nguyên liệu mía của SBT những năm qua thiếu ổn định qua các năm, cho thấy việc quản lý, hỗ trợ người nông dân yên tâm canh tác cây mía của doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Đây chính là vấn đề cốt lõi của các doanh nghiệp Việt Nam, là nguyên nhân chính khiến cho ngành đường Việt Nam kém năng lực cạnh tranh so với các nước khác.

Kết quả định giá cổ phiếu SBT tại mức giá 12.900 đồng/cổ phiếu trên cơ sở 2 phương pháp định giá dòng tiền và phương pháp so sánh. Chúng tôi cho rằng SBT đang giao dịch tại mức giá hợp lý.

BHS: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Đường Biên Hòa (mã BHS) là công ty đường hoạt động chủ yếu theo hình thức bán lẻ. Kênh phân phối phát triển giúp cho BHS có thể trở thành đầu mối thu mua đường từ các doanh nghiệp khác trong ngành, sau đó bán lẻ lại cho khách hàng. Hoạt động theo hình thức này khiến cho doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp không cao, thường là thấp nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết qua các năm, lại phải gồng gánh chi phí tài chính lớn. Tuy nhiên trong năm 2015, số lượng đường nhập lậu giảm, tồn kho đường giảm giúp giá đường lên cao hơn so với mặt bằng những năm trước. Điều này sẽ giúp những doanh nghiệp bán lẻ như BHS có hoạt động kinh doanh tiến triển hơn.

Kết quả định giá cổ phiếu BHS ở mức 14.700 đồng/cp trên cơ sở phương pháp so sánh. Trên cơ sở mức biên lợi nhuận 3 quý niên độ 2014/2015 của BHS, chúng tôi cho rằng BHS sẽ vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận tương đương so với năm ngoái (11,8%). Doanh thu và lợi nhuận sau thuế niên độ 2014/2015 ước tính đạt lần lượt 2.895 tỷ đồng và 94 tỷ đồng, tương ứng mức EPS 1.498 đồng/cp.

NHS: Khuyến nghị trung lập

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất niên độ 2014/2015 ước tính của CTCP Đường Ninh Hòa (mã NHS) khoảng 1.200 tỷ đồng và 47 tỷ đồng, biên lợi nhuận ở mức thấp chủ yếu do chi phí tài chính, cụ thể là chi phí giao dịch chứng khoán tương đối cao.

Nâng công suất nhà máy. Việc nâng công suất nhà máy giai đoạn 1 đã được hoàn thành với công suất 5.300 TMN và dự kiến năm sau NHS sẽ tiếp tục nâng công suất nhà máy lên 6.000 TMN.

Năm 2015, bắt đầu sản xuất đường RS cao cấp và năm 2016 bắt đầu sản xuất đường RE. NHS bắt đầu sản xuất đường RS cao cấp và bán cho các khách hàng khu công nghiệp. Giá bán đường RS cao hơn sẽ giúp NHS tiếp tục nâng cao biên lợi nhuận, cải thiện KQKD.

Điện thương phẩm bắt đầu đem lại lợi nhuận trong năm 2015. Ngày 24/03/2014, chính phủ đã đưa ra quyết định hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối với giá bán 5,8 USc/kwh, cao hơn 45% so với mức giá quy định trước đây. Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh điện sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận cho NHS từ năm 2015.

Vùng nguyên liệu tiếp tục được mở rộng. Diện tích mía của NHS chỉ từ 4.124 ha năm 2010 lên đến 10.300 năm 2014, và dự tính sẽ mở rộng tiếp trong năm 2016 (13.500 héc-ta) và năm 2017 (16.000 héc-ta). NHS có lợi thế lớn khi vùng nguyên liệu không bị cạnh tranh thu mua bởi các nhà máy đường khác, theo đó sẽ tránh được tình trạng thiếu nguyên liệu như các doanh nghiệp đường khác trong cùng khu vực.

Trong khi đó, chi phí tài chính lớn do chi phí giao dịch chứng khoán. Chi phí tài chính do

chi phí giao dịch chứng khoán quá cao, khiến cho lợi nhuận 3 quý niên độ 2014/2015 suy giảm.

Mặc dù vùng nguyên liệu được mở rộng qua các năm, nhưng năng suất mía/ha lại khó cải thiện. Năng suất mía của NHS vào khoảng 63 tấn/ha.

Cổ phiếu NHS được định giá ở mức 12.050 đồng/cp trên cơ sở phương pháp so sánh, ngang với giá trị thị trường do đó cổ phiếu NHS hiện đang giao dịch đúng giá trị. Tuy nhiên chúng tôi dự đoán triển vọng tích cực HĐKD của NHS trong niên vụ mới 2015/2016 do bắt đầu từ năm 2015, NHS bắt đầu sản xuất đường RS cao cấp có giá bán tốt hơn, theo đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh của NHS trong niên vụ mới 2015/2016.

DHC: Giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 29.900 đồng

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi duy trì mức giá mục tiêu đối với cổ phiếu DHC 12 tháng tới là 29.900 đồng (upside 26,69%) theo phương pháp FCFE (BCPT DHC 4/11/2014).

Kết thúc quý I/2015, doanh thu thuần đạt 149 tỷ đồng (+44% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng (+36% so với cùng kỳ năm ngoái). Chúng tôi dự báo, năm 2015, kết quả kinh doanh của DHC tiếp tục tăng trưởng cao, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 654 tỷ đồng (+20% so với năm ngoái) và 62 tỷ đồng (+44% so với năm ngoái).

Số lượng đơn đặt hàng của DHC không ngừng tăng. Sản lượng sản xuất giấy công nghiệp đạt trung bình 4.000 tấn/tháng (+33% so với trung bình năm 2014). Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thùng Carton tăng mạnh, đat trung bình 1,7 -1,8 triệu thùng/tháng trong 6 tháng đầu năm 2015 (+30% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự kiến, từ quý IV/2015, khi máy in mới đi vào hoạt động, sản lượng sản xuất thùng Carton sẽ tăng lên khoảng 2,3-2,4 triệu thùng/tháng.

Biên lợi nhuận ròng tăng do: Tỷ trọng tiêu thụ giấy Testiliner (sản phẩm có giá bán và biên lợi nhuận cao hơn giấy Medium)/ tổng sản lượng giấy tăng từ mức trung bình khoảng 30% trong năm 2014 lên tới 50% trong 5 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra, giá giấy nguyên liệu OCC nhập về trung bình trong 2 quý năm 2015 khoảng 170-180 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng 190-200 USD/tấn. DHC có lợi thế về chi phí sản xuất so với đối thủ do công ty đã chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu giá rẻ (khoảng 10.000 tấn, tương đương 3 tháng sản xuất) trong bối cảnh giá giấy nguyên liệu thế giới đang tăng trở lại (giá nhập khẩu hiện tại khoảng 195-200USD/tấn).

DHC lên kế hoạch đầu tư nhà máy Giao Long giai đoạn 2, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2017. Tổng công suất gấp 3 lần công suât hiện tại, đạt 500 tấn/ngày, vốn đầu tư ước tính của dự án khoảng 600 tỷ đồng. Năm 2015, công ty dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược.

HĐQT công ty thống nhất trả cổ tức 2014 bằng tiền mặt là 10% và dự kiến xin ý kiến cổ đông về mức chi trả cổ tức 10% bằng cổ phiếu tại ĐHCĐ sắp tới (27/06/2015).

HUT: PE kỳ vọng ở mức 10,7x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo thông tin mới công bố, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), cổ đông nắm giữ 4,74% cổ phần của CTCP Tasco (HUT), đăng ký bán hết số cổ phần nắm giữ là 5.429.376 cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 18/6/2015 đến 17/7/2015, theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.

CTCP Tasco (HUT) là một trong năm công ty mà Tổng công ty HUD thực hiện thoái 100% vốn góp với lộ trình thoái vốn đến năm 2015, theo đề án tái cơ cấu đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt từ năm 2013. Như vậy, việc thoái vốn này nằm trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty HUD theo chỉ đạo chung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.

Cổ phiếu HUT là cổ phiếu có tính thanh khoản cao với khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên đạt gần 1,7 triệu cổ phiếu; do đó, chúng tôi cho rằng việc thoái vốn của Tổng công ty HUD sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu HUT.

Đầu tháng 6/2015 vừa qua, HUT đã khánh thành và thông xe Dự án BOT Quảng Bình với mức đầu tư 1.983 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu từ dự án có thể được ghi nhận trong quý 2 và quý 3/2015. Ngoài ra, trong quý 2 vừa qua, công ty cũng đã khởi công một số dự án mới gồm:

Dự án BOT Quốc lộ 32 đường Hồ Chí Minh (tỉnh Phú Thọ) với tổng mức đầu tư khoảng 1.109 tỷ, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Đây là dự án liên danh với CTCP Đầu tư Hùng Thắng.

Dự án BOT Quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư 2.816 tỷ, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng.

Dự án cầu Tân Phong thuộc Quốc lộ 21B (tỉnh Nam Định) với tổng mức đầu tư hơn 463 tỷ, dự kiến hoàn thành đầu năm 2016. Đây là dự án mà HUT tham gia với liên danh nhà thầu gồm CTCP phát triển và thương mại Thuận An, CTCP cầu 11 Thăng Long và Cienco 4.

HUT đặt kế hoạch SXKD năm 2015 thấp hơn năm trước với doanh thu 2.316 tỷ, giảm 16% n/n và lợi nhuận sau thuế 145 tỷ, giảm 43% n/n do giá trị của dự án BT21 ghi nhận trong năm 2014 cao hơn giá trị của dự án có thể ghi nhận trong năm nay. Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra, EPS 2015 ước tính đạt 1.186 đồng/cp. Cổ phiếu HUT giao dịch với P/E kỳ vọng 10,7x.

VTF: Phải hết năm 2015 mới chính thức hủy niêm yết

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 7/8/2015 sắp tới, CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 nhằm thông qua kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu trên HOSE. Đại hội sẽ được tổ chức tại văn phòng công ty ở Khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự cuộc họp là ngày 1/7/2015.

Theo quy định, việc hủy bỏ niêm yết tự nguyện cần dựa trên ý kiến của các cổ đông nhỏ và phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông nhỏ chấp thuận, sau khi đã loại trừ kiến của cổ đông lớn. Hiện CTCP Hùng Vương (HVG) đang nắm giữ hơn 37,75 triệu cổ phiếu VTF, tương đương 90,28%.

Theo đó, HVG sẽ không có quyền biểu quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng các thủ tục cho việc hủy niêm yết chính thức sẽ còn nhiều thủ tục pháp lý nên dự kiến VTF sẽ khó có thể sớm hủy niêm yết chính thức ngay. Thời gian hủy niêm yết chính thức nhiều khả năng phải hết năm 2015.

Trong quý I/2015, VTF đạt doanh thu thuần 1.162 tỷ, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng bán hàng tăng. Tuy nhiên do chi phí giá vốn tăng cao và chi phí tài chính ròng tăng 2 lần nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 24 tỷ, giảm 30% n/n. ĐHĐCĐ 2015 của công ty đã thông qua KHKD năm 2015 với 5.320 tỷ doanh thu và 200 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, hết quý I/2015 VTF đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 12% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục