CSM: Khuyến nghị mua vào
CTCK Maybak KimEng (MBKE)
Doanh thu giảm nhẹ chủ yếu là do giá bán bình quân giảm khoảng 3% so với năm trước. Giá cao su thiên nhiên, nguyên liệu chiếm khoảng 50% giá thành, giảm 25% so với năm trước góp phần nới rộng biên lợi nhuận gộp từ 15,4% quý I/2013 lên 16,9% quý I/2014. Ngoài ra, chi phí hoạt động được tiết giảm đáng kể, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm từ 9,8% quý I/2013 xuống còn 8,5% quý I/2014. Lợi nhuận sau thuế tăng 14% so với cùng kỳ năm trước lên 78,5 tỷ đồng.
CSM đã khánh thành nhà máy lốp radian toàn thép giai đoạn 1 (công suất thiết kế 350.000 lốp/năm) vào giữa tháng 4/2014. CSM cho biết tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 nhà máy lốp radian toàn thép là 1.500 tỷ đồng (thấp hơn dự kiến ban đầu là 2.000 tỷ đồng), điểm hòa vốn khoảng 300.000 lốp. Trong 2014, CSM đặt kế hoạch tiêu thụ tương đối thận trọng là 50.000 đến 70.000 chiếc lốp radian toàn thép, đóng góp khoảng 275-355 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
CSM cho biết hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án BĐS tại số 9 Nguyễn Khoái sang cho đối tác. Nếu thuận lợi, CSM có thể ghi nhận doanh thu khác 225 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70-80 tỷ đồng từ dự án này trong năm 2014.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA dài hạn với giá mục tiêu 42.300 đồng/cp, dựa trên P/E 8,5x, chiết khấu 10% so với trung bình ngành.
REE: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Kết thúc quý I/2014, REE hoàn thành 21% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Danh mục đầu tư của REE có đến 69% là đầu tư vào lĩnh vực điện nên việc ký kết giá điện của các công ty liên kết sắp tới đây sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của REE trong năm 2014. Chúng tôi kỳ vọng REE có thể hoàn thành kế hoạch 2014, theo đó EPS năm 2014 khoảng 3.300 đồng/CP. Giá cổ phiếu REE đã chiết khấu tương đối trong thời gian vừa qua, PE forward hiện nay đạt 6,6x. Do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu REE.
HVG: Đột phá trong năm 2014
CTCK Maybak KimEng (MBKE)
Dựa trên mức độ tự chủ 70% nguyên liệu (trong đó 30% sản lượng đạt GlobalGAP), ước tính chi phí nguyên liệu/1kg fillet thịt trắng của HVG thấp hơn 15% so với các doanh nghiệp mua nguyên liệu ngoài. Với sự đóng góp từ AGF và VTF, đều được dự báo khả quan, chúng tôi tin rằng 2014 HVG sẽ đạt được kết quả đột phá.
VCG: PE giao dịch khoảng 9x
CTCK Maybak KimEng (MBKE)
Vinaconex công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu thuần hợp nhất 1.588 tỷ, giảm 36,7 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu xây dựng giảm 15,3%, sản xuất công nghiệp giảm 91,9%, dịch vụ giảm 91,2% trong khi BĐS tăng 42,4%. Lợi nhuận hoạt động giảm 42,4% so với cùng kỳ năm trước đạt 95,1 tỷ.
Chi phí tài chính ròng trong quý I/2014 giảm 61,9% so với cùng kỳ năm trước còn 25,3 tỷ. Trong đó, lãi vay đã giảm 64% so với cùng kỳ năm trước do vay nợ giảm 4.405 tỷ so với cùng kỳ (-42% so với cùng kỳ năm trước) còn 6.085 tỷ sau khi thoái vốn ở Xi măng Câm Phả. Ngoài ra, VCG cũng ghi nhận 83,9 tỷ lỗ từ các hoạt động khác, chủ yếu do lỗ 88,5 tỷ từ thanh lý tài sản cố định. Theo chúng tôi tìm hiểu, đây là khoản lỗ thanh lý tàu biển Vinaconex Lines của CTCP vận tải Vinaconex (VCV), công ty mà VCG đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 9,08% lên 59,12% vào tháng 11/2013. VCG đã nhận chuyển nhượng 5,5 triệu cổ phiếu VCV từ CTCP Xi măng Câm Phả. Việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu VCV có thể là một trong các điều khoản khi VCG thoái vốn ở Xi măng Câm Phả.
Cổ phiếu VCV của CTCP vận tải Vinaconex mới bị huỷ niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội do lỗ liên tiếp 3 năm 2011-2013. VCV đã bán lỗ tàu Vinaconex Lines vào tháng 1/2014 để trả nợ gốc vay đầu tư mua tàu cho Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (mà VCG nắm giữ 39% cổ phần). Sau khi bán tàu, VCV tạm dừng hoạt động và hiện nay nhân sự của công ty chỉ còn 3 người (Giám đốc, Kế toán, Hành chính nhân sự) để xử lý các công việc tồn đọng. Năm 2014 công ty tập trung xử lý các khoản công nợ và đặt mục tiêu làm việc với Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel để xoá lãi vay chưa trả và khoanh nợ gốc vay còn lại. Trong quý I/2014, VCV không có doanh thu và lỗ ròng 94,9 tỷ do bán lỗ tàu Vinaconex Lines. Đến cuối quý I/2014, tổng nợ phải trả của VCV là 104 tỷ, trong đó chủ yếu gồm 54,6 tỷ dư nợ vay cùng 32 tỷ lãi vay chưa trả và tiền phạt chậm trả lãi cho Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel. Như vậy, ngoài khoản lỗ 94,9 tỷ đã ghi nhận trong quý I/2014, ước tính VCG sẽ phải hợp nhất thêm khoản lỗ khoảng 8 tỷ trong năm nay (là lãi của khoản vay 54,6 tỷ nếu chưa được xử lý trong năm nay; các chi phí khác ước tính không đáng kể). Theo chúng tôi, việc xử lý các khoản nợ tồn đọng với Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel se cần thêm thời gian do các bên liên quan gồm VCV, VCG và Viettel có quan hệ sở hữu chéo lẫn nhau.
Mặc dù còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết trong chiến lược tái cấu trúc, về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của VCG sẽ chuyển biến theo hướng tích cực. Cổ phiếu VCG giao dịch với P/E 9x so với trung bình ngành 12x.
JVC: PE giao dịch khoảng 16x
CTCK Maybak KimEng (MBKE)
CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 51,2% và 56,6% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 125,5 và 11,1 tỷ đồng.
Doanh thu tăng trưởng đều ở cả hai mảng hoạt động của công ty là (1)phân phối các sản phâm thiết bị y tế công nghệ cao (chiếm khoảng 76% tổng doanh thu) và (2)hoạt động liên kết thiết bị y tế (hình thức của hoạt động này là JVC đầu tư máy móc thiết bị, các bệnh viện đầu tư địa điểm, hạ tầng, giường bệnh, với tỷ lệ phân phối lợi nhuận giữa JVC và các đối tác thường là 7:3, hoặc 6:4. Công ty hiện đã liên kết với hơn 100 bệnh viện trên cả nước và dự kiến se đây mạnh hoạt động này).
Trong đó, doanh thu mảng phân phối thiết bị y tế tăng chủ yếu nhờ những dự án cũ từ trong 2013 đã được hoàn thành trong đầu năm 2014. Nhắc lại là trong quý IV/2013, do ảnh hưởng bởi việc cắt giảm chi tiêu công 6 tháng cuối năm, một số dự án của JVC không được thực hiện như kế hoạch khiến doanh cả năm 2013 giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Lưu ý, quý 1 hàng năm thường có tỷ trọng trong tổng doanh thu và lợi nhuận cả năm của JVC thấp nhất, dưới 10% (trừ năm 2013 do doanh thu và lợi nhuận 2013 giảm mạnh trong quý IV-thời điểm ghi nhận doanh thu và lợi nhuận chính trong năm). Mặc dù kết quả quý I/2014 tăng mạnh, nhưng điều này chưa đủ thuyết phục để kỳ vọng một sự tăng trưởng mạnh cho cả năm 2014 khi mà việc chi tiêu công vẫn còn hạn chế. (Ngành nghề kinh doanh của JVC là cung cấp các máy móc thiết bị y tế công nghệ cao. Do đó, khách hàng của công ty chủ yếu là các bệnh viện, cơ sở y tế. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị của các đơn vị này thường là từ nguồn ngân sách công).
Mặt khác, trong 3 năm gần nhất, tổng doanh thu của quý IV năm trước với quý I của năm tiếp theo sẽ vào khoảng 450-510 tỷ đồng, con số này thường đạt trên 100 tỷ đồng đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của quý IV/2013 với quý I/2014 chỉ đạt lần lượt 374 và 29 tỷ đồng, thấp hơn khá đáng kể so với các năm trước. Điều này phần nào cũng cho thấy những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của JVC trong thời gian gần đây.
Trong năm 2013, với gần 149 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu, công ty đã tiến hành đầu tư thiết bị chuân đoán và điều trị ung thư tại bệnh viện K và bệnh viện Việt Đức. Dự án dự kiến se đi vào hoạt động trong 2014. Đây có thể là yếu tố tích cực cho JVC trong 2014 và dài hạn bởi tiềm năng từ hoạt động này khá tốt do nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao ngày càng gia tăng. Dự kiến là trong tháng 6/2014 JVC se tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2014, tuy nhiên công ty vẫn chưa chốt ngày chính thức.
Cổ phiếu JVC hiện đang giao dịch ở mức PE khoảng 16x, cao hơn mức bình quân thị trường 13x.
HVG: Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi đẩu tư vào
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Hôm nay chúng tôi vừa tham dự Đại hội cổ đông của CTCP Hùng Vương (HVG) và dưới đây là một số thông tin tóm lược từ đại hội gửi đến quý nhà đầu tư.
HVG cho biết trong năm 2013, Công ty đã nhập gần 300.000 tấn bánh dầu đậu nành với giá nhập trung bình chênh lệch khoảng 1.000 đồng/kg so với giá nhập khẩu của thị trường. Tổng giá trị của khoản chênh lệch là gần 300 tỷ. Tuy nhiên, Công ty đã điều tiết khoảng 120.000 tấn cho nội bộ và gần 180.000 tấn cho công ty con Việt Thắng với giá bán thấp. Điều này khiến lợi nhuận công ty mẹ sụt giảm trên 70 tỷ nhưng giúp Việt Thắng (VTF) ổn định sản xuất và mở rộng thị phần. Đặc biệt hiện nay ngành chế biến thức ăn cá tra đang gặp khó khăn khiến hoạt động các công ty trong ngành sụt giảm mạnh. Nhờ nguyên liệu giá rẻ từ HVG nên giá thành của VTF có khả năng cạnh tranh hơn. Sản lượng quý I của VTF là 59.000 tấn và sản lượng Q2 dự kiến tăng gần 50% theo chia sẻ của ông Dương Ngọc Minh- chủ tịch HĐQT của HVG. Tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của VTF sẽ góp phần đáng kể vào thu nhập của HVG khi tỷ lệ sở hữu tại VTF đã tăng lên 65% trong đợt chào bán công khai vừa qua và có thể tăng lên 80% trong năm nay.
Công ty đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế trong năm 2014 lần lượt là 14.000 tỷ (+26,8% so với năm trước) và 700 tỷ (+139,6%). Ông Minh cho biết 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 8.000 tỷ và lợi nhuận khoảng 300 tỷ. Công ty dự kiến sẽ dùng khoản lợi nhuận này để mua lại khoảng 5 triệu cổ phiếu quỹ vào ngày 1/6 sắp tới. Ngoài ra, cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2013 được điều chỉnh còn khoảng 10% thay vì 20% như trước đây. Trong khi đó, cổ tức kế hoạch cho năm 2014 là 20% cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.
Đánh giá về khả năng hoàn thành kế hoạch của HVG, chuyên viên ngành của chúng tôi cho rằng Công ty có một số lợi thế nhất định như (1) Nguồn nguyên liệu bánh dầu đậu nành nhập khẩu giá rẻ nên giá thành sản xuất cá tra giảm đáng kể, ước tính ở mức 20.000 VND/kg so với 22.000-25.000 VND/kg trên thị trường. (2) Sự đóng góp đáng kể từ tăng trưởng trong hoạt động của công ty con Việt Thắng. (3) Khả năng tự chủ nguồn nuôi với diện tích 321 ha và mô hình kinh doanh khép kín từ nuôi trồng-chế biến-xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng Công ty có cơ sở đối với việc đưa ra kế hoạch như trên. Tuy vậy, việc điều tiết khoản chênh lệch từ nguồn nguyên liệu giá rẻ của năm trước khiến kết quả EPS không ổn định, phương pháp định giá đơn thuần bằng P/E sẽ có thể cho ra những kết quả lệch lạc mà nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng.
HBC: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Năm 2013, doanh thu suy giảm mạnh trong bối cảnh thị trường nhà ở ảm đạm. Doanh thu hợp nhất đạt 3.432 tỷ đồng (-16% so với năm trước, hoàn thành 68% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng (-80% so với năm trước, hoàn thành 14% kế hoạch).
ĐHCĐ năm 2014 đã thông qua kế hoạch tăng trưởng khá cao với doanh thu 5.000 tỷ đồng (+46% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng (+640% so với năm trước) trên cơ sở dự báo thị trường BĐS nói chung và thị trường xây dựng nói riêng sẽ có những chuyển biến khả quan hơn. Kế hoạch chi trả cổ tức là 15% gồm 5% tiền mặt và 10% cổ phiếu.
Quý I/2014doanh thu sụt giảm mạnh, chỉ đạt 607 tỷ đồng (-39,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 12% kế hoạch) chủ yếu do những dự án lớn trúng thầu trong năm 2014 chưa được ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1,5 tỷ đồng (-91,2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 0,9% kế hoạch).
Chúng tôi đánh giá kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng là khả thi khi HBC đã thắng thầu nhiều dự án lớn trong năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch lợi nhuận là khá thách thức trong bối cảnh thị trường xây dựng vẫn chưa thực sự khởi sắc. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng, tăng đến 640% là rất khó đạt được. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu HBC.