Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/3

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/3

Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG

CTCK Phú Hưng (PHS)

Với chiến lược kinh doanh vững chắc, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG - sàn HOSE) có mảng môi giới dẫn đầu thị trường với hơn 30% thị phần, cùng mảng phát triển bất động sản giúp doanh nghiệp hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh. Bên cạnh đó, DXG đang sở hữu quỹ đất lớn hơn 3,000ha, là một trong những động lực giúp DXG tăng trưởng trong dài hạn.

Chúng tôi kỳ vọng vào kế hoạch IPO mảng dịch vụ BĐS của DXG sẽ diễn ra trong năm 2020 sẽ đem về một khoản lợi nhuận đáng kể cho DXG cũng như giúp tập đoàn vận hành doanh nghiệp tối ưu hơn nhờ sự cộng hưởng đến từ các đối tác đầu tư. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020, DXG sẽ cung ứng ra thị trường hơn 10,000 sản phẩm đầu tư thông qua các dự án trọng điểm như Long Thành (92 ha), Gem Riverside (6.2 ha), Opal Cityview (9,740 m2), Opal Skyline (1ha) và St. Moritz (2,401 m2) sẽ giúp DXG ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu DXG. Giá trị hợp lý cho DXG đạt 15,970 đồng/cổ phiếu, cao hơn 49% so với mức giá giao dịch chốt ngày 16/03. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DXG.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MSN

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc năm 2019, MSN ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.354 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với năm 2018. Sự sụt giảm doanh thu bắt nguồn từ giá vonfram giảm, trì hoãn việc bán đồng và dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, mức sụt giảm này đã được bù đắp một phần nhờ tăng trưởng doanh thu Masan Consumer Holdings (MCH).

Lợi nhuận sau thuế đạt 6.365 tỷ đồng (tăng 13,2% so với năm trước) nhờ chiến lược mua hàng hiệu quả của MML, tối ưu hóa chi phí marketing và khuyến mãi của MCH, một khoản thu nhập bất thường từ vụ kiện Jacobs của MSR và tiết kiệm 28.8% chi phí tài chính hợp từ việc giảm dự nợ vay.

Bằng phương pháp SOTP (Sum-of-the-part) đối với giá trị vốn chủ sở hữu đóng góp vào tập đoàn của các công ty con bao gồm MCH, MML, MSR, VCM và công ty liên kết Techcombank, chúng tôi dự báo giá trị hợp lý cho mỗi cổ phần của MSN sẽ vào khoảng 69.980 đồng/cổ phiếu, từ đó chúng tôi khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Gemadept (GMD – sàn HOSE) năm 2020 đạt lần lượt 2.709 tỷ đồng (tăng trưởng 2,6% so với năm ngoái) và 644 tỷ đồng (tăng trưởng 5%) do ghi nhận lỗ từ dự án Gemalink. EPS sau quỹ khen thưởng, phúc lợi đạt 1.667 đồng, P/E F = 9.8x, P/B F = 0.75x.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 27.200 đồng/cp (-27.7% so với giá mục tiêu cũ tại báo cáo gần nhất là 37,620 đồng) theo phương pháp định giá từng phần.

Nguyên nhân do (1) rút ngắn thời hạn khấu hao cảng Gemalink từ 40 năm xuống 25 năm, từ đó kết quả kinh doanh của GMD trong giai đoạn 2021 – 2025 bị suy giảm,

(2) Hạ tăng trưởng g từ 3% xuống 2% do cụm cảng tại Hải Phòng trong dài hạn gặp phải áp lực cạnh tranh cao từ cảng nước sâu Lạch Huyện,

(3) Điều chỉnh beta từ 0.9 lên 1.01 dẫn đến tăng WACC từ 10.7% lên 11.4%,

(4) Giá trị SCS giảm 89% so với báo cáo cũ do đánh giá lại theo phương pháp chiết khấu cổ tức để đảm bảo tính đồng nhất thay vì đánh giá theo giá trị thị trường và

(5) Giá trị bất động sản giảm 90% do điều chỉnh giả định theo thực tế.

DPG sẽ tiếp cận trở lại ngưỡng kháng cự 30

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu DPG của Công ty cổ phần Đạt Phương thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái dao động dập dình lên xuống trong khu vực 22-30. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng.

Hôm nay 18/3, chỉ báo MACD đã xuất hiện Golden Cross, đồng thời trước đó cổ phiếu cũng đã tạo mô hình cánh dơi nên đây có thể là sự khởi đầu cho một giai đoạn tăng giá mới của DPG.

Tuy vậy, EMA12 vẫn đang ở dưới EMA26 và chỉ báo RSI cũng chưa vượt qua giá trị 50 nên áp lực bán ngắn hạn có thể xuất hiện.

Theo đánh giá của chúng tôi, DPG tiềm năng sẽ tiếp cận trở lại ngưỡng kháng cự 30 và cần tìm thêm động lực để vượt qua vùng cản tâm lý này.

Khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) công bố đã thành công phát hành 2 nghìn tỷ đồng trái phiếu có tài sản đảm bảo, không chuyển đổi, thời hạn 3 năm vào ngày 13/03/2020, với mức lãi suất cố định 11,0% mỗi năm. Mức lãi suất này được giữ nguyên so với đợt phát hành trái phiếu gần nhất của CII nhưng cao hơn nhẹ so với đợt phát hành trái phiếu vào đầu năm 2019 với lãi suất khoảng 9,5%-10% mỗi năm.

CII kỳ vọng dòng tiền mặt của công ty sẽ đủ để thanh toán lượng trái phiếu này trong năm 2023 khi các dự án chính của CII được dự kiến bắt đầu tạo ra nguồn thu khi đi vào hoạt động trong giai đoạn 2020-2021, bao gồm dự án cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (TL – MT), dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và các dự án tại Thủ Thiêm, TP. HCM.

Trong trường hợp diễn ra các sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng dòng tiền của CII, với mục đích đảm bảo khả năng thanh toán lượng trái phiếu này, CII sẽ xin ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành cổ phiếu mới trong ĐHCĐ tiếp theo của công ty.

Theo đề xuất này, CII có kế hoạch xin phê duyệt nhằm phát hành 200 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/CP, tăng thêm 2 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ. Chúng tôi lưu ý rằng điều kiện cho kế hoạch phát hành cổ phiếu mới này là trong trường hợp CII không thể thanh toán trái phiếu phát hành do các sự kiện bất khả kháng.

Bao gồm đợt phát hành trái phiếu này, chúng tôi kỳ vọng CII sẽ phát hành 2,77 nghìn tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi trong quý 1/2020. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của CII đạt 1,4 lần và khoản nợ gộp đạt 13,9 nghìn tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước), trong đó 1,1 nghìn tỷ đồng đã đáo hạn vào đầu năm 2020.

Chúng tôi cho rằng đợt phát hành trái phiếu này sẽ giúp đảm bảo dòng tiền mặt của CII trong ngắn hạn dù công ty hiện đang trong giai đoạn có chu kỳ vốn xây dựng cơ bản cao.

Chúng tôi kỳ vọng số tiền thu được từ đợt phát hành này và các đợt phát hành trái phiếu khác trong năm 2020 chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho danh mục dự án BOT của CII cũng như tái cấp vốn cho các khoản vay ngân hàng ngắn hạn hơn của công ty.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 53,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 16,2%.

Khuyến nghị mua cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngày 16/03/2020, Tổng CT Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) công bố HĐQT đã phê duyệt kế hoạch mua lại tối đa 29 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,94% cổ phiếu lưu hành của GEX. Giao dịch này sẽ cần khoảng 20 ngày để hoàn thành (ước tính dựa theo giá trị giao dịch trung bình trong 1 tháng qua).

Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 16/03/2020 đến 14/03/2020, thông qua phương pháp giao dịch khớp lệnh và giao dịch thỏa thuận. Khoản tài trợ cho kế hoạch mua lại này sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối báo cáo tại ngày 31/12/2019.

Dựa theo giá cổ phiếu hiện tại, chúng tôi ước tính GEX sẽ sử dụng khoảng 389 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu quỹ này.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 58%, bao gồm lợi suất cổ tức 0%.

Khuyến nghị mua cho PLX với giá mục tiêu 65.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX) công bố sẽ chi trả cổ tức tiền mặt tạm ứng năm 2019 ở mức 2.000 đồng/CP vào ngày 27/04. Ngày giao dịch không hưởng quyền dự kiến là ngày 30/03/2020. Đây là đợt đầu tiên của cổ tức tiền mặt năm 2019, tổng cộng là 3.000 đồng/CP.

Mức cổ tức tiền mặt năm 2019 này cao hơn 15% so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 2.600 đồng/CP. Ngoài ra, PLX đặt mục tiêu chi trả phần cổ tức tiền mặt 1.000 đồng/CP còn lại cho năm 2019 sau ĐHCĐ của công ty.

Trong năm 2020, chúng tôi hiện dự báo cổ tức tiền mặt đạt 3.000 đồng/CP (lợi suất 8,2%).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PLX với giá mục tiêu 65.900 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 75,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,6%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 là 11,6 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cho REE với giá mục tiêu 45.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Cơ điện lạnh (REE) có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ vào ngày 31/03/2020 với tòa nhà Etown ở TP. HCM. Công ty đề xuất mức cổ tức tiền mặt 1.600 đồng/CP (lợi suất cổ tức 5,4%), thấp hơn dự báo của chúng tôi là 1.800 đồng/CP.

Ngày chốt danh sách cho cổ tức tiền mặt là 03/03/2020 trong khi ngày thanh toán là ngày 10/04/2020. REE chưa công công bố kế hoạch cổ tức cụ thể cho năm 2020, dù công ty lưu ý rằng sẽ tương đương hoặc cao hơn mức 1.600 đồng/CP.

Trong tài liệu ĐHCĐ, REE cũng công bố kế hoạch đơn giản hóa cơ cấu doanh nghiệp thành 4 công ty holding cốt lõi: 1) Công ty Dịch vụ cơ điện và Điều hòa không khí, 2) Công ty BĐS cho mảng cho thuê văn phòng và BĐS; 3) Công ty REE Power và 4) Công ty REE Water. Công ty cho biết cơ cấu mới sẽ giúp công ty tăng vốn cho từng mảng kinh doanh và có thể niêm yết từng công ty nếu cần thiết.

Trong báo cáo thường niên 2019, REE đặt kế hoạch 4 mục tiêu chính trong 5 năm tới: 1) trở thành công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam khi tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo hiện tại 515 MW lên 1.000 MW và công suất sản xuất nước sách 500.000 m3/ngày lên 1 triệu m3/ngày, 2) trong mảng Cho thuê Văn phòng, tăng gấp đôi danh mục đầu tư lên 150.000 m2 NFA, 3) gia tăng giá trị vốn hóa lên 1 tỷ USD từ 400 triệu USD hiên tại và 4) tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định với ROE tối thiểu 15%/năm.

Ở một diễn biến khác, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc hiện tại của REE – bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu REE, nâng cố phần nắm giữ từ 7,33% lên 12,15%. Thời gian giao dịch dự kiến nằm trong khoảng 18/03 đến 17/04/2020, thông qua giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 45.800 đồng/CP cho REE (tổng mức sinh lời 59,2% bao gồm lợi suất cổ tức khoảng 5%).

Khuyến nghị mua cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

BWE công bố kế hoạch năm 2020 với doanh thu đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (tăng 25,7% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 470 tỷ đồng (giảm 1,3%).

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số thấp hơn 14% so với dự báo của chúng tôi, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng kế hoạch của BWE là thận trọng trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nước mạnh mẽ.

Ngoài ra, theo trao đổi của chúng tôi với ban lãnh đạo của BWE, dù sản lượng nước thương phẩm giảm trong 2 tháng đầu năm 2020 do tác động tiêu cực từ bùng phát dịch COVID-19, chủ tịch HĐQT công ty BWE vẫn tự tin duy trì kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Chúng tôi lưu ý rằng BWE đã vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 37% trong 2 năm qua.

Cổ tức tiền mặt của BWE: ĐHCĐ đã thông qua cổ tức tiền mặt năm 2019 là 1.000 đồng/CP, tương ứng lợi suất 5,2%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay. BWE cũng đặt kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 1.200 đồng/CP (lợi suất 6,3%) trong năm 2020, cao hơn 9% dự báo của chúng tôi và tương ứng với khả năng điều chỉnh tăng dự phóng lợi nhuận của công ty mẹ là TDM.

Phát hành cổ phiếu BWE: nhằm tài trợ cho các dự án kể trên, BWE có kế hoạch nâng vốn chủ sở hữu, trong đó công ty sẽ phát hành 37,5 triệu cổ phiếu mới (khoảng 25% lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại) để tăng vốn cổ phần lên 1,9 nghìn tỷ đồng.

Đợt phát hành cổ phiếu này sẽ được thực hiện trong 2 đợt – 15 triệu cổ phiếu trong đợt 1 diễn ra vào tháng 7/2020 và 22,5 triệu cổ phiếu trong đợt 2 diễn ra vào tháng 11/2020 – thông qua đấu giá, tương ứng với rủi ro pha loãng. Giá khởi điểm sẽ là giá trung bình trong 30 phiên giao dịch gần nhất trước ngày HĐQT đưa ra quyết định, hoặc tối thiểu bằng giá trị sổ sách 15.000 đồng/CP tính đến ngày 30/12/2019.

Số tiền dự kiến thu được từ kế hoạch phát hành này là khoảng 750 tỷ đồng, tương ứng P/E 7,9 lần dựa theo EPS năm 2019, và sẽ được sử dụng để tài trợ cho kế hoạch vốn xây dựng cơ bản bên dưới. Ban lãnh đạo của BWE bày tỏ sự tự tin vào sự thành công của kế hoạch tăng vốn này. Ban lãnh đạo của TDM cũng đang cân nhắc tham gia vào đợt đấu giá này nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 40%.

Kế hoạch vốn xây dựng cơ bản của BWE: Triển vọng nhu cầu mạnh mẽ cần chuẩn bị khoản chi tiêu vốn 3,2 nghìn tỷ đồng, phần lớn sẽ được giải ngân trong năm 2020 và 2021.

Kế hoạch vốn xây dựng cơ bản bao gồm: 1) đối với mảng cấp nước, BWE lên kế hoạch mở rộng công suất cấp nước của nhà máy Tân Hiệp (vốn đầu tư 1,1 nghìn tỷ đồng để nâng công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày sẽ đi vào hoạt động trong quý 4/2020), 2) đối với mảng xử lý chất thải, BWE lên kế hoạch chi xấp xỉ 374 tỷ đồng để nâng gấp đôi công suất xử lý từ 810 tấn/ngày lên 1.650 tấn/ngày bên cạnh các khoản đầu tư khác, 3) BWE cũng lên kế hoạch xây dựng trụ sở và dự án văn phòng cho thuê, 4) thanh toán trái phiếu và 5) đầu tư tài chính cho CTCP Đầu tư và Xây Dựng Chánh Phú Hòa (BWE hiện đang sở hữu 43,1% cổ phần).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho TDM với giá mục tiêu 30.900 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 67,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,8%. Theo giá đóng cửa phiên 17/3 là 19.050 đồng, TDM được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 của công ty mẹ là 9,2 lần và P/E hợp nhất là 6,7 lần, theo dự báo của chúng tôi.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục