DQC: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu DQC với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 68.600 đồng/cp (upside 17%) theo phương pháp FCFE. Cổ phiếu DQC hiện được giao dịch tại P/E FW 2015 là 6,1x, khá hấp dẫn so với P/E của VN-index.
DQC là công ty dẫn đầu ngành bóng đèn tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng doanh thu cao, biên lợi nhuận gộp lớn (35%). Nhiều dây chuyền sản xuất của DQC đã hết khấu hao. Tiền mặt dồi dào, khả năng thanh toán tốt.
Doanh thu được kỳ vọng tăng trưởng khá do: (1) nhu cầu tiêu thụ bóng đèn tăng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. (2) Công ty đã nối lại xuất khẩu tại thị trường Cuba. (3) Dịch chuyển tiêu thụ từ bóng đèn tròn, đèn huỳnh quang sang các sản phẩm tiết kiệm điện, là những sản phẩm có giá bán cao hơn nhiều. Chúng tôi dự báo năm 2015, doanh thu thuần đạt 1.411 tỷ đồng (+16% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 254 tỷ đồng (+2% so với năm ngoái).
Bên cạnh đó, tài sản dài hạn khấu hao gần hết giúp giảm chi phí sản xuất cho DQC. Cụ thể, tính đến 31/12/2014, tổng giá trị khấu hao tài sản cố định hữu hình là 231 tỷ đồng, chiếm 77% tổng nguyên giá tài sản.
Chúng tôi ước tính, các dây chuyền sản xuất hiện tại sẽ được khấu hao hết vào năm 2018. Tổng giá trị khấu hao giảm mạnh từ 23 tỷ đồng năm 2014 xuống còn khoảng 1,8 tỷ đồng vào năm 2018.
Ngoài ra, khả năng thanh toán tốt nhờ tiền mặt dồi dào. Hệ số thanh toán nhanh của DQC là 1,7x, cao hơn nhiều so với RAL (0,48x). Đáng chú ý, tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 754 tỷ đồng (31/12/2014), chiếm 44% tài sản ngắn hạn.
IMP: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng 33,8% và 29,5% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 105,8 và 17,6 tỷ đồng, tương ứng 13,6% và 16,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.
Kênh nhà thuốc sau khi trở thành kênh phân phối chính vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng cho IMP trong 2 tháng đầu năm 2015 với mức tăng 42,4% so với cùng kỳ trong khi doanh thu từ hệ điều trị (ETC) vẫn giảm 52,5% so với cùng kỳ. Hiện kênh nhà thuốc đang đóng góp đến hơn 87% doanh thu cho IMP, so với mức 65% của cùng kỳ năm trước.
Chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với chiến lư ợc kinh doanh của IMP cũng như tiềm năng từ đối tác chiến lược mới – CTCP Dược phẩm Pha No, đơn vị sở hữu hệ thống khoảng 40 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Phano Pharmacy tại Tp.HCM. Xét về số lượng, mạng lưới hoạt động của Phano đang là một ưu thế.
Do vậy, chúng tôi kỳ vọng IMP sẽ đạt được kết quả kinh doanh lạc quan trong 2015 với mức tăng khoảng 15% và 20% so với năm trước cho doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, do bị pha loãng, EPS 2015 ước chỉ tăng hơn 6% so với năm trước.
Tại mức giá đóng cửa hôm nay (46.200 đồng/cp), IMP đang giao dịch ở mức 13,4 lần PE 2015, cao hơn mức 12 lần bình quân ngành. Lưu ý thêm, room nước ngoài của cổ phiếu IMP được mở trở lại từ cuối 2014, với 1,9 triệu cổ phiếu tăng thêm nhờ các đợt phát hành ESOP và phát hành riêng lẻ tăng vốn trong năm. Với chuỗi mua ròng liên tiếp trong thời gian qua, giao dịch khối ngoại đã có ảnh hưởng tích cực đối với giá cổ phiếu IMP. Tỷ lệ room nước ngoài còn trống của IMP hiện nay là hơn 4%, tương đương khoảng 1,2 triệu cổ phiếu. Do đó, chúng tôi kỳ vọng việc mua ròng của khối ngoại sẽ vẫn được tiếp tục trong thời gian tới. Duy trì khuyến nghị nắm giữ.
PXS: P/E tương đối cao, dự phóng 8,6 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS) cho biết, doanh thu thuần năm 2014 tăng 65,1% năm trước đạt 1665,5 tỷ đồng chủ yếu là do nhiều dự án được triển khai trong năm (9 dự án xây lắp trong đó 2 dự án lớn nhất là Dự án P3 P4 (ghi nhận 532 tỷ đồng doanh thu), Diamond (379 tỷ đồng)).
Lợi nhuận ròng 2014 tăng 63,1% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp năm 2014 là 16,5%, giảm từ mức 24,5% trong năm 2013. Theo giải trình của công ty, các án lớn là P3, P4 phục vụ quốc phòng và dự án Diamond có biên lợi nhuận thấp. Ngoài ra, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có giá vốn bằng doanh thu, chủ đầu tư thanh toán đúng bằng giá trị mua sắm thực tế. Mặc dù vậy, chi phí tài chính ròng giảm 54% n/n xuống còn 37 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp mặc dù tăng 22% so với năm trước nhưng tốc độ tăng chậm hơn doanh thu do đó tỷ lệ Chi phí
bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm từ 6,3% trong 2013 xuống còn 4,7% trong 2014. Lợi nhuận ròng 2014 tăng 63,1% so với năm trước lên 123,9 tỷ đồng.
Căn cứ vào các hợp đồng đã được ký kết, PXS dự kiến doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2015 lên 1.788 tỷ đồng (+7,6% so với năm trước). Trong đó dự án đóng góp nhiều nhất là P5, P6 (dự kiến ghi nhận 650 tỷ đồng) và dự án Nhà Máy nhiệt điện Thái Bình 2 (462 tỷ đồng). Do phần lớn các dự án này đang được triển khai, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng PXS sẽ đạt được kế hoạch đề ra.
PXS đang được giao dịch tại P/E trailing là 8,6 lần, tương đối cao hơn trung bình các công ty trong ngành là 6,6 lần.
BCC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
BCC là một trong số ít các cổ phiếu duy trì tốt xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, giai đoạn trước Tết ghi nhận sự điều chỉnh của BCC. Điều chỉnh đưa đường giá về MA trung hạn và bắt đầu hồi phục dần sau đó.
Cho đến các phiên gần đây, đường giá bứt phá mạnh hơn và tạo lập thành công đỉnh cao mới trong hôm qua khi vượt vùng kháng cự 19.6, một xác nhận cho thấy xu hướng tăng trung hạn không có gì thay đổi.
Khối lượng giao dịch bắt đầu tăng đồng hành cùng giá từ đầu tháng 3 đến nay, thanh khoản hiện đã vượt trở lại lên trên mức trung bình 50 ngày để xác nhận dòng tiền mở rộng trở lại.
MACD duy trì ổn định vị thế phía trên đường 0 và đường tín hiệu để ủng hộ xu hướng tăng của giá trong cả ngắn và trung hạn.
Chúng tôi đánh giá cao BCC vì: (1) Có tỷ suất lợi nhuận gộp tốt nhất trong ngành; (2) Đã hạch toán tất cả khoản lỗ tỷ giá trong năm 2014 (168 tỷ đồng); (3) Kỳ vọng sự yếu đi trong trung hạn của EUR thời gian tới. EPS dự phóng 2015 đạt 4.500 đồng/cổ phiếu (3.000 đến từ hoạt động kinh doanh và 1.500 đến từ lãi tỷ giá), tương đương PER 2015 dưới 5x.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể mua vào BCC ở giá hiện tại 19.8. Mục tiêu gần nhất: 23.9 (+20,7%). Dừng lỗ tại: 17.9 (-9,6%)
CII: Kế hoạch năm 2015 khả quan
CTCK MB (MBS)
CII có chiến lược phát triển trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Công ty đã tiến hành tái cấu trúc thành mô hình công ty holdings. Theo đó, CII Holdings sẽ nắm giữ 5 công ty con bao gồm các công ty sau:
CII Bridge&Road chiu trách nghiệm nắm giữ cổ phần chính tại dự án BOT thu phí. CII E&C: chịu trách nghiệm xây dựng các dự án của CII. CII water: đầu tư vào hạ tầng về nước. CII Land: đầu tư vào mảng BĐS. Dự kiến sẽ được thành lập vào Q1 hoặc Q2/2015. CII service: thành lập vào năm 2013. Chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ thu phí vào bảo trì cho các dự án BOT.
Trong năm 2014, CII ghi nhận doanh thu 3235 tỷ đồng tăng 219% và lợi nhuận sau thuế là 388 tỷ đồng tăng đến 351% lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế được cải thiện nhờ gia tăng mức cước tại các trạm thu phí còn doanh thu thuần tăng trưởng mạnh là do CII xuất hóa đơn chuyển giao dự án BT Cầu Sài Gòn 2 (~1.100 tỷ đồng) cho Tp. Hồ Chí Minh.
CII có nguồn doanh thu tốt và ổn định từ các DA thu phí hiện tại. Trong dài hạn, các yếu tố bên ngoài như thông tư 159/2013/TT-BTC về việc thu phí đường bộ thì giá thu phí sẽ tăng từ 2.5 lần tới 3.5 lần cho tới năm 2016. Do đó triển vọng lợi nhuận của CII nhiều khả năng sẽ tăng trong các năm tới.
Theo Nghị Quyết HĐQT, mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CII năm 2015 lần lượt là 3.145 tỷ đồng và 452 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức là 12%. Chúng tôi đánh giá khả năng đạt kế hoạch của CII trong năm 2015 là khả quan.