Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/9 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/9

HAH: PE kỳ vọng khoảng 6,1 lần, khá hấp dẫn

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Với kế hoạch cổ tức 2015 là 3.000 đồng/cp thì tỷ suất cổ tức tương ứng của HAH đang ở mức 7,9%, so với lãi suất huy động 6%.

HAH bắt đầu mở rộng hoạt động vận tải thuỷ, tuyến Hải PhòngHCM từ tháng 6/2014. Nhờ sự hỗ trợ nguồn hàng từ các cổ đông lớn là các công ty lâu năm trong ngành như MHC, TMS, MAC,… doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của mảng này đã tăng trưởng đến 252,4% so với cùng kỳ, đóng góp 33% doanh thu cho HAH. Trong khi cảng Hải An của HAH đã hoạt động vượt mức công suất tối đa, thì mảng vận tải đang được kỳ vọng là nhân tố tăng trưởng chính của công ty. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh của ngành tại khu vực Hải Phòng khả năng gia tăng đáng kể trong vài năm tới khi cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động. Nhờ có hoạt động vận tải nội địa này, HAH có thể đảm bảo được nguồn hàng ổn định cho cảng Hải An.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2015 tích cực với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 54,9% và 30,4% so với cùng kỳ, hoàn thành 41,1% và 57,6% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015.

HAH đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 6,1 lần, hấp dẫn so với mức 10,2 lần bình quân ngành. Các chỉ số về hiệu quả hoạt động khác như ROA, ROE, biên lợi nhuận ròng của HAH tốt hơn bình quân ngành. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến mở rộng hoạt động kho bãi tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Tuy nhiên, thanh khoản thấp là hạn chế của cp này, khối lượng giao dịch bình quân 10 ngày chỉ 13,3 ngàn cp/phiên.

DGW: P/E ước khoảng 6,7 lần

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Ngày 11/9 vừa qua, DGW chính thức trở thành nhà nhập khẩu Iphone và các phụ kiện của Iphone tại Việt Nam. DGW là nhà phân phối chính thức thứ 6 cho Apple tại Việt Nam sau Viettel, Vinaphone, FPT Trading, FPT Retail Shop và Thế giới di động (MWG). Dù mới chỉ bắt đầu phân phối ĐTDĐ từ 2013 nhưng mảng này đã chiếm hơn 50% trong cơ cấu doanh thu của Digiworld. Các dòng ĐTDĐ mà Digiworld tập trung phân phối là Nokia/Microsoft và các dòng điện thoại phân khúc trung bình, thấp như Wiko, Obi, dự kiến sẽ được bán vào giữa tháng 10/15. Sự kiện này kì vọng tạo tăng trưởng tốt trong hoạt động kinh doanh ĐTDĐ, ước tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu lên lên đến 65-70% cuối 2015.

Ngoài ra, HĐQT đã thông qua cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:3 và bằng tiền mặt tỷ lệ 10% mệnh giá. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2015. Với mức cổ tức tiền mặt này thỉ lợi suất cổ tức khoảng 2,2%.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DWG đạt lần lượt giảm 1% và 2% so với cùng kỳ còn 2.109 tỷ và 60 tỷ. Tương ứng chỉ mới hoàn thanh 35% và 37% kế hoạch doanh thu (6.023 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế (160 tỷ đồng) năm 2015. Thị trường công nghệ luôn có tính thời vụ có tỷ trọng cao vào cuối năm, cùng với những sản phẩm ĐTDĐ mới được kinh doanh trong quý III&IV/2015, chúng tôi đánh giá cao khả năng DWG sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2015. Theo kế hoạch 2015, EPS dự phóng là 6.828 đồng/cp, P/E ước khoảng 6,7 lần.

FPT: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

CTCP Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) vừa công bố Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) thắng thầu dự án ”cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT” của Cơ quan Thuế Bangladesh. Dự án có giá trị lên tới 33,6 triệu USD, dự kiến được triển khai trong vòng 12 tháng và bảo hành bảo trì trong 5 năm tiếp theo.

Việc trúng thầu dự án lần này góp phần từng bước hiện thực hoá một trong những định hướng dài hạn của FPT là đưa các sản phẩm tích hợp đã áp dụng thành công tại Việt Nam sang các nước lân cận. Trước đó, FPT IS đã trúng thầu một số dự án ở Campuchia, Phi-lip-pin, Lào và Myammar. Để thắng thầu dự án này, FPT IS đã vượt qua 5 nhà thầu quốc tế từ Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc và Luxemburg, cho thấy ưu thế cạnh tranh của FPT khi tham gia đấu thầu các dự án ở các nước đang phát triển trong khu vực.

Đây là tin tích cực đối với FPT IS nói riêng và cả Tập đoàn nói chung. Trong mấy năm gần đây, trong khi các lĩnh vực viễn thông, phát triển phần mềm, phân phối bán lẻ là động lực chính duy trì tăng trưởng của FPT, lĩnh vực tích hợp hệ thống (IS) gặp khá nhiều khó khăn do cắt giảm chi tiêu CNTT ở các nhóm khách hàng trong nước như khối cơ quan nhà nước, khối ngân hàng. Việc đưa các sản phẩm tích hợp đã áp dụng thành công tại Việt Nam (hệ thống thuế, hải quan, quản lý kho bạc nhà nước, ...) sang đấu thầu tại các nước phát triển trong khu vực là hướng đi hợp lý và đã đem lại những kết quả khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực tích hợp hệ thống của FPT ghi nhận doanh thu 990,8 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 43,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu 2015 đạt 39.208 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 4.933 đồng/cp. FPT giao dịch với P/E dự phóng 8,9x. Duy trì khuyến nghị MUA, giữ nguyên giá mục tiêu 54.000 đồng/cp.

HVG: Hoạt động khả quan nhờ công ty con VTF

CTCK MB (MBS)

HVG công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt mức 7128 tỷ VNĐ, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt mức 74.9 tỷ VNĐ, giảm 49% so với cùng kỳ.

Kết quả hoạt động kinh doanh của HVG suy giảm do lợi nhuận gộp giảm, chi phí tài chính gia tăng trong khi Công ty không còn các khoản lợi nhuận khác (83.5 tỷ ) như cùng kỳ năm 2014.

Mảng kinh doanh thức ăn thủy sản của HVG vẫn rất khả quan với doanh thu đạt 2518 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ nhờ hoạt động khả quan của Công ty con là VTF. Tuy nhiên, mảng xuất khẩu thủy sản của HVG đang có dấu hiệu suy yếu với doanh thu đạt 1856, giảm 12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do thuế chống bán phá giá POR10 khá cao, khiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ khó khăn. Bên cạnh đó, việc đồng Eur mất giá so với VND cũng khiến nhu cầu thủy sản tại thị trường này giảm, gây khó khăn cho Công ty.

Do gia tăng vay nợ để thâu tóm các công ty cùng ngành nên áp lực tài chính lên HVG vẫn đang ở mức cao. Do đó, chi phí lãi vay của HVG trong 6 tháng đầu năm đạt 135 tỷ, tăng 10% so với cùng kỳ mặt dù mặt bằng lãi suất ổn định.

Công ty cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu VTF lên 90.28% trong tháng 4 năm 2015, bằng cách mua thêm 3.9 triệu cổ phiếu của công ty này. Nhìn chung, đây là một khoản đầu tư hiệu quả của HVG.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục