Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/6

HUT: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Quý I, doanh thu thuần HUT đạt 111,5 tỷ đồng (-74% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 1,7 tỷ đồng (+13% cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động xây lắp giảm mạnh (-83%).

Doanh thu BĐS cũng chỉ vỏn vẹn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu từ hoạt động thu phí vẫn tăng trưởng tốt, đạt 24,2 tỷ đồng (+38% yoy) do mức thu phí tại trạm Mỹ Lộc đã tăng lên 2 lần từ 1/6/2013 Mặc dù doanh thu giảm mạnh và chi phí lãi vay tăng lên 9,8 tỷ đồng (+78% cùng kỳ) nhưng lợi nhuận sau thuế của HUT vẫn tăng nhẹ nhờ việc giảm mạnh tỷ trọng doanh thu từ hoạt động xây lắp đã làm tăng mạnh biên lợi nhuận gộp trong quý I/2013.

Kế hoạch kinh doanh của HUT năm 2014 đặt ra khá cao so với năm 2013: Doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng (+41% năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng (+1651% năm ngoái). Mặc dù kế hoạch của HUT đặt ra ở mức khá cao nhưng chúng tôi đánh giá khả thi do:

- Dự án BT Mỹ Lộc – Phủ Lý đã thông xe vào tháng 1/2014 nhưng chưa được hạch toán khoản nào trong năm 2013. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và đã được phê duyệt giải ngân trong 2 năm 204-2015 là 1700 tỷ. Theo thông tin từ HUT thì dự án đã được bộ GTVT phê duyệt hạch toán 964 tỷ đồng trong năm 2014. Lợi nhuận trước thuế của dự án được hạch toán trong năm 2014 khoảng 150 tỷ đồng. Dự kiến sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý III và quý IV/2014.

- Lợi nhuận từ hoạt động thu phí đường bộ tiếp tục tăng trưởng. lợi nhuận trước thuế từ hoạt động thu phí đường bộ năm 2013 đạt 21,8 tỷ đồng. Mức thu phí tại trạm Mỹ Lộc (Nam Định) sẽ tăng tiếp theo lộ trình được phê duyệt để giảm thời gian hoàn vốn tại dự án BOT Quốc lộ 21.

Năm 2014 HUT tập trung đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng lớn, đặc biệt là dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn Quảng Bình. Các dự án BĐS sẽ chỉ đầu tư các phần có khách hàng đặt trước.

Ngoài ra HUT còn đầu tư 79 tỷ đồng và sở hữu 12,8% cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long trong đợt IPO đầu năm 2014. Mục đích của khoản đầu tư trên để HUT có thể liên danh với Tổng công ty Thăng Long tham gia các dự án đấu thầu quốc tế. Tổng công ty Thăng Long là đơn vị thi công xây dựng cầu hàng đầu tại Việt Nam, chủ tịch HĐQT của HUT, ông Phạm Quang Dũng, đã được bầu làm chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Thăng Long. Chúng tôi đánh giá việc HUT đầu tư vào Tổng công ty Thăng Long sẽ là một bước tiến mới, giúp công ty tiếp cận được các dự án xây dựng hạ tầng lớn.

Để thực hiện kế hoạch đầu tư trên HUT có kế hoạch phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng cổ phần cho đối tác chiến lược và phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (kỳ hạn 1 năm , giá chuyển đổi 10.000 đ/cp).

Giai đoạn 2010-2013 là giai đoạn khó khăn nhất của HUT khi thị trường BĐS đóng băng, các dự án hạ tầng đầu tư công giảm mạnh, thị trường thi công thu hẹp. Dòng tiền mất cân đối nghiêm trọng do HUT đã đầu tư rất nhiều vào các dự án BĐS nhưng chưa bán được do còn xây dựng dở dang. Ngoài ra sự chậm trễ của chủ đầu tư 2 dự án BT 21, BT39 do khó khăn trong việc thu xếp vốn từ nguồn trái phiếu chính phủ. Trước những khó khăn đó, HUT đã quyết định dừng các dự án BĐS, chuyển mạnh sang lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Với việc tăng vốn thành công 200 tỷ đồng trong năm 2013 cũng như dòng tiền đã ổn định hơn sẽ góp phần giúp HUT hồi phục trở lại.

HUT là một doanh nghiệp đang phát triển nhanh trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Sau giai đoạn rất khó khăn do đầu tư nhiều dự án BĐS dang dở và đầu tư công thu hẹp thì HUT đã có sự hồi phục trở lại khi trúng thầu nhiều dự án xây dựng hạ tầng. Với việc tăng vốn thành công 200 tỷ đồng trong năm 2013 cũng như kế hoạch tăng vốn thêm 200 tỷ đồng trong năm 2014 sẽ giúp HUT giảm sự phụ thuộc vào vay nợ và nâng cao vốn điều lệ để trúng thầu các công trình lớn.

Kế hoạch kinh doanh năm 2014 mặc dù đặt ra khá cao so với 2013 nhưng chúng tôi đánh giá khả thi do việc hạch toán dự án BT 21 vào cuối năm 2014. EPS forward pha loãng theo kế hoạch 2014 đạt khoảng 1.507 đ/cp, P/E forward đạt khoảng 6,6 lần, thấp hơn trung bình ngành xây dựng. Cùng với việc liên tục phát hành riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi thành công với giá chuyển đổi 10.000 đ/cp, chúng tôi khuyến nghị MUA HUT.

PGS: PE đang giao dịch khoảng 5,3x

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Doanh thu quý I/2014 của CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) tăng là do mảng kinh doanh CNG tăng trưởng tốt. Cụ thể, mảng CNG, chiếm 30,3% tổng doanh thu, tăng 18,5% so với cùng kỳ, đạt 517,1 tỷ đồng. Mảng kinh doanh LPG, chiếm 66,6% tổng doanh thu, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đạt 1.116,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý I/2014 giảm hơn 2,5 điểm % so với cùng kỳ 2013 còn 15,4% nguyên nhân chủ yếu là do trong quý I/2014, giá khí đầu vào tăng (khoảng 10% so với cùng kỳ, 5% so với quý trước) nhanh hơn giá khí đầu ra. Lợi nhuận ròng giảm 45,5% so với cùng kỳ còn 27,9 tỷ đồng.

PGS cho biết kể từ quý II/2014 giá khí đầu vào đã được chấp thuận giảm về mức bằng với cuối 2013 (sau khi tăng 5%q/q trong quý I/2014) để gia tăng sức cạnh tranh của công ty trên thị trường. Theo đó, giá khí đầu vào của PGS từ quý II/2014 đến hết quý VI/2014 đứng tại 8,93 USD/mmBTU. Với giá khí đầu vào giữ nguyên so với cuối năm 2013, chúng tôi cho rằng PGS nhiều khả năng vượt kế hoạch trong năm nay (xem trang sau).

Trong năm 2014, PGS có kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang và Cần Thơ. Thị trường miền Tây vẫn còn khá mới và vẫn chưa được khai thác đúng mức và chúng tôi kỳ vọng việc tiếp cận thị trường mới này sẽ tạo động lực cho PGS tăng trưởng sản lượng đầu ra trong năm 2014.

PGS đang được giao dịch tại P/E 2014 là 5,3x, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực 9,11x.

>> Tải báo cáo

VHC: Khuyến nghị mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi ước tính doanh thu quý II/2014 đạt 1.351 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt khoảng 30 tỷ đồng trong quý II/2014, giảm 24% so với cùng kỳ. Mặc dù giá nguyên liệu đã giảm vào cuối quý II/2014 nhưng bình quân vẫn ở mức cao và nguồn cung nguyên liệu hạn chế do đó đã ảnh hưởng đến hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu của VHC. Riêng mặt hàng gạo dự kiến đạt mức tăng trưởng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên do tỷ trọng đóng góp chỉ khoảng 5% doanh thu và phải cạnh tranh mạnh về giá nên mặt hàng gạo chưa có ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận chung của công ty.

VHC là doanh nghiệp duy nhất có mức thuế CBPG 0 USD/kg: Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận cuối cùng về thuế CBPG của VHC cho giai đoạn 01/08/2011 đến 31/07/2012 (POR 9) xuống còn 0% từ mức tạm tính 0,03 USD/kg và giảm mạnh so với mức thuế của POR8 là 0,19%. Các doanh nghiệp tự nguyện khác phải chịu mức thuế 1,2USD/kg và mức thuế chung cho toàn quốc là 2,11 USD/kg. Với ưu thế là đơn vị xuất khẩu cá tra duy nhất có được mức thuế này, hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn dự kiến có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận trong năm nay khi giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ luôn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 50% doanh thu xuất khẩu thuỷ sản.

Hoạt động tài chính có khoản thu lớn trong năm 2014: Với mục tiêu tập trung đầu tư phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thuỷ sản, VHC đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Thức ăn thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHF) cho Pilmico International Pte. Ltd. Với giá trị chuyển nhượng đạt 19,6 triệu USD. Hiện tại, VHC đang sở hữu khoảng 70% cổ phần của VHF. Dự kiến giao dịch chuyển nhượng vốn sẽ hoàn thành trong tháng 7. Theo đó, BVSC ước tính, VHC có thể ghi nhận khoảng 170 tỷ đồng doanh thu tài chính vào kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý 3/2014.

Theo kế hoạch công ty sẽ phát hành 197.790 cổ phiếu ESOP trong năm 2014 và chi trả cổ tức 2014 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50%. Khi đó, số lượng cổ phiếu VHC lưu hành dự kiến là 92.404.054 cổ phiếu.

Kế hoạch đầu tư tài sản trong năm 2014 khoảng 1.105 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục lớn nhất với giá trị 600 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào việc mở rộng quy mô và gia tăng công suất sản xuất thuỷ sản đông lạnh. Chúng tôi cho rằng đây là một quyết định đầu tư hợp lí khi hoạt động chính của VHC là sản xuất và xuất khẩu cá tra đang có được nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp cùng ngành khác. Đối với dự án Collagen dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2014 và sẽ đóng góp doanh thu lợi nhuận tích cực vào kết quả kinh doanh của VHC từ năm 2015.

Doanh thu 2014 dự kiến tăng trưởng 13,78% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng từ mảng chế biến và xuất khẩu thuỷ sản: với kế hoạch tăng công suất và tình hình đâu ra thuận lợi, chúng tôi dự kiến doanh thu xuất khẩu thủy sản của VHC tăng trưởng khoảng 16%, doanh thu từ gạo ước tăng 12%. Trên cơ sở đó, tổng doanh thu 2014 của VHC ước đạt 5.797 tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước cho cổ đông công ty mẹ là 299 tỷ đồng, tăng mạnh 89% so với năm 2013 nhờ tăng trưởng từ doanh thu xuất khẩu và doanh thu tài chính do bán công ty con.

Trên cơ sở việc VHC đầu tư nâng cao năng lực sản xuất thuỷ sản và tận dụng các yếu tố hỗ trợ về giá và thuế CBPG từ thị trường xuất khẩu, chúng tôi cho rằng doanh thu từ hoạt động chế biến và xuất khẩu thuỷ sản năm nay sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt mặc dù kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc sụt giảm nguyên liệu cá tra toàn ngành.

Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn tiếp tục có sự tăng trưởng trong những năm tiếp theo nhờ có thêm sự đóng góp từ sản phẩm Collagen và khả năng kiểm soát các loại chi phí tốt. Hiện cổ phiếu VHC được giao dịch với giá 30.500 đồng/cổ phiếu, tăng 33% so với mức giá đầu năm. Chúng tôi cho rằng mức giá này đã phản ánh tương đối đầy đủ các yếu tố tích cực ở thời điểm hiện tại do đó khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VHC trong dài hạn với giá mục tiêu 35.300 đồng/cổ phiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục