VSH: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) công bố báo cáo tài chính quý I/2015 với kết quả kinh doanh cao hơn kỳ vọng. Doanh thu hợp nhất đạt 126,6 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 80,5 tỷ, tăng 67,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù sản lượng điện quý I/2015 đạt thấp với 169,4 triệu kWh, giảm 30% so với cùng kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tăng mạnh 41% so với cùng kỳ nhờ giá bán điện bình quân trong quý đạt 747 đồng/kWh, cao gấp đôi so với giá bán tạm tính trong cùng kỳ năm trước (do đến tháng 11/2014 hợp đồng mua bán điện với EVN mới đư ợc ký kết nên trong quý 1/2014 doanh thu của công ty được xác định theo giá tạm tính 371 đồng/kWh).
Giá bán điện bình quân trong quý I/2015 cũng cao hơn so với giá bán theo hợp đồng do đã chào giá hiệu quả trên thị trường điện cạnh tranh. Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu vượt trội thu được từ thị trường điện cạnh tranh (so với doanh thu theo giá hợp đồng) trong quý đạt khoảng 26 tỷ.
Nhờ giá bán điện bình quân tăng, tỷ suất lợi nhuận trong quý 1/2015 cũng tăng đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động đạt 66,1% so với 50% trong quý 1/2014; tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 63,6% so với 53,6% trong quý I/2014.
Trong báo cáo ngày 5/3/2015, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 369 tỷ và 214 tỷ dựa trên giá bán điện theo hợp đồng, chưa tính đến hiệu quả khi tham gia thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, cổ phiếu VSH giao dịch với P/E 12,6x và P/B 0,9x. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ.
BMP: PE khá thấp, ở mức 8x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ngày 19/5/2015 là ngày chốt quyền chi trả cổ tức đợt 2 năm 2014 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Thời gian thực hiện là 10/6/2015. Tổng mức cổ tức năm 2014 của BMP là 35% trong đó đã tạm ứng 10% trong 2014.
Ngoài ra, BMP cũng mới công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2015. Theo đó, doanh thu thuần đạt 600 tỷ, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng bán ra tăng. Do biến động giá dầu giảm dẫn đến giá nguyên vật liệu giảm. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp tăng 2 điểm phần trăm (ppt) lên mức 30% và lợi nhuận gộp đạt 177,2 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm nhẹ, lợi nhuận trước thuế đạt 137 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ. Kết quả này cao hơn con số 125 tỷ lợi nhuận trước thuế được BMP công bố trước đó tại ĐHĐCĐ. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 đạt 108 tỷ.
ĐHCĐ của BMP đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu thuần là 2.600 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 482 tỷ, tương đương 2014. Như vậy kết thúc quý I, BMP đã hoàn thành được 29% kế hoạch lợi nhuận trước thuế mặc dù đây là quý thấp điểm của năm. Chúng tôi duy trì dự báo lạc quan hơn đối với lợi nhuận trước thuế của BMP. Dựa trên dữ liệu quá khứ, sự biến động giá bột nhựa PVC (chiếm 75% giá thành sản phẩm) có mối tương quan cùng chiều với giá dầu thế giới.
Theo dự báo thị trường, giá dầu thô trung bình 2015 sẽ ở mức 60 USD/thùng, giảm 35% so với năm ngoái. Mặc dù giá nhựa PVC đang tăng trở lại từ đầu tháng 3/2015 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2015. Theo đó, chúng tôi cho rằng giá nguyên vật liệu đầu vào sẽ giảm và biên lợi nhuận gộp ước sẽ cải thiện. Ước tính lợi nhuận 2015 của BMP có khả năng cao hơn KH đề ra. Ước EPS 2015 đạt 9.488 đồng/cp, PE 2015 giao dịch ở mức 8x, thấp hơn trung bình ngành là 10x.
VNM: Khuyến nghị nắm giữ
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
Chúng tôi xin gửi đến Quý nhà đầu tư thông tin cập nhật kết quả Quý I/2015 của CTCP Sữa Việt Nam (HSX-VNM) như sau:
VNM đạt được kết quả quý 1 với doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng đạt 8.716 tỷ đồng. VNM nhận định doanh thu tăng trưởng đến từ việc cơ cấu các nhóm sản phẩm theo hướng tập trung vào nhóm có hiệu quả cao. Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (78%), tăng 8% y-o-y. Điều đáng chú ý là doanh thu nước ngoài đã tăng đáng kể 35%, tăng tỷ trọng từ 18% lên 22% trong tổng doanh thu.
Nhờ giá sữa nguyên liệu giảm, biên lợi nhuận gộp của VNM cũng được cải thiện đáng kể, tăng từ 31,5% trong quý I/2014 lên 35,7% trong quý này. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (SG&A) của VNM tăng đáng kể, lần lượt 75% và 18% so với năm trước. Tỷ trọng SG&A trên doanh thu thuần tăng từ 13% trong quý I/2014 lên 17,8% trong Q1/2015 do VNM đẩy mạnh chi quảng cáo và hỗ trợ hoa hồng cho nhà phân phối. Đây là chiến lược giữ thị phần mà VNM đã áp dụng tích cực trong hai năm gần đây.
Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận ròng của VNM (dao động ở mức 18%), tuy nhiên chúng tôi nhận thấy trong tình hình cạnh tranh ngành ngày càng cao, việc tăng quảng cáo, nhận diện thương hiệu và tập trung cho nhà phân phối là cần thiết.
Kết quả lợi nhuận sau thuế quý I của VNM đạt 1560 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 23% kế hoạch cả năm. Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị Nắm Giữ với giá mục tiêu là 113.000 đồng cổ phiếu như báo cáo lần đầu ngày 20/11/2014 cho đến khi thay đổi giá mục tiêu mới trong báo cáo cập nhật chi tiết.
Giá cổ phiếu VNM hôm nay đóng cửa tại mức 105.000/cổ phiếu (không đổi), đang giao dịch tại mức P/E là 17,1 lần và P/B là 5,0 lần.
BCI: Khuyến nghị theo dõi
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Theo báo cáo tài chính năm 2014, Doanh thu thuần đạt 241 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch đề ra, giảm 31% (109 tỷ đồng), so với năm 2013. Nguyên nhân là do: trong năm 2014 có 2 dự án BCI đã bán không đạt được kế hoạch đề ra (Nhất Lan 3 và Phong Phú 4) đặc biệt là dự án Phong Phú 4.
Năm 2014, doanh thu bán dự án Phong Phú 4 chỉ đạt 11 tỷ đồng, không đạt được kế hoạch (kế hoạch 100 nền). Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ năm 2014 đạt 97 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch năm 2014 là 1,29% (96 tỷ đồng); tăng 2% so với thực hiện năm 2013 (1,6 tỷ đồng). Vẫn duy trì được lợi nhuận đó là do: trong năm 2014, công ty sử dụng ít vốn vay, trả nợ trước hạn nợ gốc vay, lãi suất giảm nên thu nhập từ hoạt động tài chính tăng 13 tỷ đồng (doanh thu hoạt động tài chính giảm 12 tỷ, chi phí tài chính giảm 25 tỷ đồng).
Triển vọng năm 2015 của BCI chưa có nhiều yếu tố đột biến. Các dự án đất nền đang trong thời gian trì hoãn và chưa có động thái mạnh mẽ nào triển khai. Trong khi đó, tiến độ của 2 dự án An Lạc Plaza và Nhất Lan 5 vẫn còn khá chậm, dự án Phong Phú 4 còn 10 ha chưa thể ghi nhận.
Kế hoạch đặt ra trong năm 2015 dè dặt, doanh thu: 380 tỷ đồng, 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với mức giá đang giao dịch hiện tại: 19.800 đồng/CP, và P/E, P/B lần lượt là 14,71 và 0,81, chúng tôi khuyến nghị NĐT cần thêm thời gian theo dõi.
PGS: Đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng LPG nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 336.880 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá trị nhập khẩu lại giảm đến 19% do giá LPG đang ở mức thấp. Kết hợp với số liệu sản xuất trong nước, chúng tôi ước tính tiêu thụ LPG trong 4 tháng đầu năm đạt mức tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét toàn ngành, đây là mức tăng khiêm tốn.
Tuy nhiên, nếu xét từng doanh nghiệp cụ thể, đặc biệt là những doanh nghiệp phân phối khí hóa lỏng đầu ngành như PGS, PVG, chúng tôi nhận thấy sản lượng bán hàng trong Q1/2015 có sự tăng trưởng rất khá (~30%).
Theo chuyên viên ngành, việc giá LPG ổn định ở vùng giá thấp đã giúp cải thiện nhu cầu sử dụng và tích trữ LPG trong nước, đồng thời, sự ổn định về giá nhập khẩu cũng giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh. Theo đó, mặc dù doanh thu giảm mạnh song lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đã ghi nhận sự cải thiện so với cùng kỳ (trừ ASP).
Trong các doanh nghiệp ngành khí hóa lỏng, chúng tôi đánh giá cao PGS bởi đây là doanh nghiệp đầu ngành chiếm thị phần lớn ở khu vực Miền Nam (~34%). Đây cũng là doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao nhất về kinh doanh LPG. Bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi là LPG, PGS còn có lợi thế hơn các doanh nghiệp trong ngành do có thêm mảng kinh doanh CNG.
Trong quý I/2015, mảng này có đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Công ty nhờ có sự điều chỉnh công thức tính giá đầu vào. Cụ thể, trong bối cảnh giá dầu thấp, Tập đoàn PVGas quyết định thả nổi giá khí đầu vào Công ty theo giá dầu FO trong nước. So với cách tính cũ, chúng tôi cho rằng PGS có thể linh hoạt hơn trong chính sách giá cho khách hàng và đảm bảo sự ổn định của biên lợi nhuận do giá đầu vào và đầu ra đều thả nổi.
Trong quý I/2015, biên lợi nhuận của CNG Việt Nam (công ty con của PGS) đã hồi phục lên mức 22,12%, cao hơn mức 18,91% trong quý IV/2014. Như vậy, trong những doanh nghiệp khí đang niêm yết, chúng tôi đánh giá cao PGS nhất về hiệu quả kinh doanh. Trong khi đó, đối với PVG, chúng tôi đang chờ đợi sự cải thiện của mảng kinh doanh LPG trong các quý tiếp theo và cơ hội phân phối khí CNG cho hệ thống Tiền Hải – Thái Bình (dự kiến trong hai quý cuối năm).