LAF: Đang giao dịch tại PE dự phóng 2014 là 35,2 lần
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Kết quả kinh doanh của CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF - sàn HOSE) 2013, lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng bất động sản.
Tổng doanh thu cả năm 2013 giảm 41% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu nhân điều nguyên liệu (chiếm 92% tổng doanh thu) giảm 39%. Tuy nhiên nhờ thay đổi chiến lược kinh doanh, bằng cách không dự trữ số lượng lớn nguyên liệu điều thô để tránh rủi ro khi giá nhân điều xuất khẩu giảm mạnh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 2013 của LAF đạt dương 8 tỷ đồng, so với mức âm 125 tỷ 2012.
Bên cạnh đó, khoản vay ngắn hạn 2013 để hỗ trợ vốn lưu động cũng giảm mạnh 63% so với cùng kỳ còn 51 tỷ nên chi phí tài chính cải thiện đáng kể còn âm 1,2 tỷ trong năm 2013, so với mức âm 29 tỷ cùng kỳ. Ngoài ra, công ty đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 46.565 m2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại Long An mang lại lợi nhuận đột biến khoảng 36 tỷ. Lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 42,8 tỷ, đạt 76% kế hoạch và tăng 128% so với cùng kỳ. lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỷ, tương ứng EPS 2.310 đồng/cp.
Kế hoạch doanh thu 2014 tăng 70% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 16% so với cùng kỳ. Không có kế hoạch trả cổ tức. LAF đã thoát khỏi rủi ro hủy niêm yết bắt buộc (lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ) do lỗ lũy kế của LAF đến cuối năm 2013 là 106 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 147 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, LAF khó có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận 2014. Theo ban Tổng giám đốc, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 ước đạt 500 triệu, hoàn thành 1,4% kế hoạch năm.
Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 lần lượt đạt 550 và 5,7 tỷ đồng. EPS 2014 ước đạt 392 đồng/cp. LAF đang giao dịch tại PE và PB dự phóng 2014 là 35,2 lần và 1,7 lần.
VCG: Khuyến nghị MUA vào với giá mục tiêu 36.000 đồng
(CTCK Apec -APS)
Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG) là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa toàn công ty, là một nhà thầu xây lắp hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam với năng lực thực hiện các dự án lớn như xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, thủy lợi … dưới các hình thức nhận thầu, tổng thầu xây lắp, tổng thầu EPC.
Trong năm 2013, VCG đã chuyển nhượng thành công 70% cổ phần Xi măng Cẩm Phả cho Viettel vào tháng 11/2013. Trước đây, do thua lỗ liên tục từ khi bắt đầu hoạt động năm 2008, Xi măng Cẩm Phả (XMCP) không chỉ làm giảm đáng kể lợi nhuận hợp nhất của VCG mà còn là gánh nặng tài chính với các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ. Sau khi chuyển nhượng, XMCP không còn là công ty con mà trở thành công ty liên kết của VCG. Nhờ đó, VCG đã ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý 4/2013 và luỹ kế 4 quý 2013, đồng thời tình hình tài chính cũng được cải thiện rõ rệt.
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu VCG với mức giá mục tiêu 36.000 đồng/cổ phiếu với tầm nhìn đầu tư từ 1 - 2 năm.
>> Tải báo cáo