Khuyến nghị tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu DXG
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tăng giá ngắn hạn
- Chỉ báo MACD: Tăng và phân kỳ bên trên đường tín hiệu sau khi giảm sâu
- Chỉ báo RSI: Tăng
Nhận định: DXG đã trải qua một giai đoạn tăng giá dài hạn, liên tục vượt các ngưỡng kháng cự, và đạt đỉnh ở mức 40.200 vào ngày 09/04/2018 trước khi bị điều chỉnh sâu.
Hiện tại, DXG đang bật tăng trở lại, sau khi giá cổ phiếu chạm ngưỡng điều chỉnh Fibonaccy 50%, với giá trị thanh khoản cải thiện.
Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy khả năng giá cổ phiếu sẽ quay lại kiểm tra vùng đỉnh cũ trong ngắn hạn.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến giá cổ phiếu. Trong trường hợp, giá cổ phiếu chinh phục thành công vùng đỉnh 40.200 với giá trị thanh khoản tốt, sẽ mở ra xu hướng tăng giá mới với giá mục tiêu 46.000 đồng.
Ngược lại, trong trường hợp không chinh phục thành công đỉnh cũ, giá cổ phiếu có thể sẽ hình thành mô hình “2 đỉnh”.
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu KBC
(CTCK Bản Việt – VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và giá mục tiêu hiện nay 15.100/cổ phiếu không chênh lệch đáng kể so với giá mục tiêu trước đây. Tại mức giá trên, tổng mức sinh lời là 18,7%, lợi suất cổ tức 7,4%.
Tuy chúng tôi đã điều chỉnh tăng giả định 2018 đối với KCN Quế Võ vì kết quả bán đất quý I/2018 khả quan, mô hình định giá chiết khấu dòng tiền tăng nhưng phần nào bị ảnh hưởng do P/E các công ty cùng ngành giảm.
Chúng tôi dự báo năm 2018, KBC sẽ đạt doanh thu 2.400 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS 763 tỷ đồng, tăng lần lượt 91,1% và 30,5% so với năm 2017.
LNST sau lợi ích CĐTS tăng chậm hơn so với doanh thu vì KBC ghi nhận khoản lãi tài chính bất thường 355 tỷ đồng năm 2017 và chi phí tài chính năm 2018 cao hơn so với năm 2017.
Các yếu tố hỗ trợ: tiến độ bán hàng và ghi nhận nhanh chóng hơn, đặc biệt là KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Giữ khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA với tổng mức sinh lời 41,4%. Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu (19.800 đồng/cổ phiếu) do lợi nhuận cao hơn từ việc hết khấu hao sớm hơn dự kiến tại 2 nhà máy cũng như triển vọng tiêu thụ điện tăng mạnh bù đắp cho việc lùi tiến độ 2 dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4.
Chúng tôi tăng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi năm 2018 từ 12,9% lên 17,1% do giảm khấu hao sớm hơn ước tính trước đây của nhà máy điện Cà Mau (CMPP).
Chúng tôi cũng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn cho năm 2019 và 2020 đạt lần lượt 29,6% và 16,6%, do khấu hao của nhà máy Cà Mau và Nhơn Trạch 1 giảm nhanh hơn dự phóng trước của chúng tôi và giả định sản lượng cao hơn khi tình trạng thiếu điện có thể nghiêm trọng hơn so với dự báo trước đây.
P/E 2018 12,3 lần và EV/EBITDA 6,5 lần thấp hơn lần lượt 14% và 21,7% so với các công ty cùng ngành và cực kỳ hấp dẫn trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận kép 2017-2020 là 21% và tỷ lệ PEG là 0,6.