Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/12

VOS: Lợi nhuận cả năm dự báo khoảng 11 tỷ đồng

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Vận tải biển Việt Nam (mã VOS) đã đàm phán thành công thương vụ bán tàu Diamond và có thể thu về lợi nhuận thuần khoảng 66 tỷ trong quý này, giúp VOS nhiều khả năng tránh nguy cơ rời sàn sau 2 năm lỗ liên tiếp. Tàu Diamond được đóng năm 1990, là tàu chở hàng rời và có trọng tải 27 nghìn tấn. Đội tàu của VOS sẽ còn 19 tàu với tổng trọng tải 472 nghìn tấn và độ tuổi trung bình 13.3.

Hiện VOS đã lỗ 2 năm liên tiếp với con số lỗ lũy kế ở thời điểm cuối quý 3 là 235 tỷ đồng. Trong Quý 3 VOS đã bán tàu Silver trọng tải 22 nghìn tấn, sản xuất năm 1995, thu về 5.1 triệu USD, giúp giảm mức lỗ lũy kế 9 tháng còn 22 tỷ, trong khi hoạt động kinh doanh chính vẫn lỗ 144 tỷ. Với giá bán trên 4 triệu USD cho tàu Diamond, hoạt động chạy tàu có diễn biến tích cực hơn và trong điều kiện tỷ giá hiện nay, chúng tôi dự báo năm nay VOS sẽ có lợi nhuận khoảng 11 tỷ và tiếp tục được niêm yết trên sàn. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu khoản nợ lớn nhất của VOS hiện nay là 855 tỷ với VDB vẫn đang chờ thủ tướng phê duyệt.

PVD: Sẽ có những phiên hồi kỹ thuật

CTCK MB (MBS)

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD): kém khả quan nếu giá dầu thô dưới 75$/thùng

Dịch vụ khoan chiếm tỷ trọng 60% doanh thu của PVD, đến từ 5 giàn khoan thuộc sở hữu của PVD, và 6 giàn khoan thuê ngoài. Hầu hết các dàn khoan thuộc sở hữu của PVD đều đã có hợp đồng đến năm 2015 với giá thuê ngày cố định (US$155.000-160.000).

Vì vậy, trong ngắn hạn doanh thu và lợi nhuận của PVD sẽ không giảm mạnh. Nhưng giá thuê này được thỏa thuận khi giá dầu thô đang giao động quanh giá 100$/thùng. Với giá dầu thô hiện tại là 55$, chắc chắn giá thuê giàn khoan và số lượng dàn khoan thuê ngoài sẽ bị điều chỉnh giảm đi nhiều khi các hợp đồng này đến thời hạn xem xét lại trong năm 2015 và 2016. Điều này ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của PVD.

Theo nghiên cứu của Robert W. Baird & Co đăng trên The Wall Street Journal, điểm hòa vốn trên giá dầu của các công ty khoan dầu ở Mỹ là từ 57-75$/thùng. Như vậy triển vọng của các công ty này sẽ không còn hấp dẫn nếu giá dầu giảm dưới 75$/thùng. Chúng tôi cho rằng mô hình định giá cổ phiếu PVD của các tổ chức nước ngoài cũng dựa trên giả định tương tự.

Khi giá dầu thô xuyên thủng mức 75$ ngày 17/11, họ đã hành động kĩ luật và bán mạnh cổ phiếu PVD. Đến nay giá cổ phiếu PVD đã giảm 35% chỉ trong vòng 1 tháng.

Sau khi giảm mạnh trong thời gian ngắn, có thể PVD sẽ có những phiên hồi kĩ thuật trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, chúng tôi không ủng hộ việc bắt đáy cổ phiếu PVD vì triển vọng dài hạn của PVD đã xấu đi. Trong trường hợp giá dầu phục hồi, quay lại mốc 70$ và có tín hiệu ổn định, chúng tôi sẽ cập nhật quan điểm mới cho cổ phiếu PVD.

FMC: P/E ở mức thấp, khoảng 5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Thủy sản là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo Hiệp hội thủy sản, sản lượng và giá trị XK thủy sản đạt 4,7 triệu tấn và 5,7 tỷ USD, lần lượt tăng 4,9% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả xuất khẩu của mặt hàng tôm, đóng góp 51% vào tổng giá trị xuất khẩu, tăng mạnh 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, cá tra đóng góp 22% vào tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu tôm tăng đáng kể nhờ hưởng lợi từ việc các nước có nguồn cung tôm lớn trên thế giới như Thái Lan và Trung Quốc bị sụt giảm mạnh sản lượng do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Nhờ đó, các nước xuất khẩu tôm khác như Việt Nam, Ecuador, Indonesia và Ấn Độ trở thành những nguồn cung quan trọng. Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam trong quý III/2014 và đạt 820 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản ở vị trí thứ 2, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và bắt đầu hồi phục sau khi sụt giảm mạnh trong quý II/2014 bởi rào cản kháng sinh. Xuất khẩu tôm sang châu Âu tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 thị trường tiêu thụ chính tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014. Ngoài ra, các thị trường khác cũng tăng khả quan.

Giá trị xuất khẩu cá tra tăng nhẹ nhờ thị trường châu Á, một trong 3 thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2014. Thái Lan là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất trong khối này, tiếp đến là Singapore và Philippin. Trong khi đó, hai thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU và Mỹ đều giảm lần lượt 8,4% và 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ giảm là do thuế chống bán phá giá POR9 cao hơn so với POR8 làm ảnh hưởng lên khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam so với cá da trơn của Mỹ.

Theo kết quả 9 tháng đầu năm 2014, chúng tôi dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 7,8 tỷ USD, chiếm 6-7% giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chủ yếu nhờ sự đóng góp tích cực của xuất khẩu tôm. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và xuất khẩu tôm sẽ được hưởng lợi, đáng chú ý là CTCP Thủy sản Sao Ta (FMC).

Chúng tôi cũng kì vọng kết quả kinh doanh 2014 của FMC sẽ khả quan và tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng và giá trị tôm xuất khẩu cải thiện mạnh. Lợi nhuận 2014 của công ty ước đạt 64 tỷ, tăng 96% so với năm ngoái. EPS 2014 ước đạt 4.500 đồng/cp và P/E tương ứng là 5 lần, thấp hơn trung bình ngành.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục