Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/4

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/4 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/4

CTD: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ thường niên của CTCP Coteccons (mã CTD) đã thông qua kế hoạch tăng kinh doanh năm 2015 với doanh thu hợp nhất 9.200 tỷ, tăng 21% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 400 tỷ, tăng 22% so với năm trước. Trong các năm trước, CTD thường đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh khá thận trọng và kết quả đạt được thường cao hơn so với kế hoạch. Trong năm nay, Ban lãnh đạo vẫn thận trọng đối với tình hình thị trường bất động sản và việc quản lý thu hồi công nợ.

Bên cạnh đó, ĐHCĐ cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 2,5% vốn điều lệ trong năm 2015, giá phát hành 35.000 đồng/cổ phiếu (bằng 60% giá trị sổ sách). Đây là lần đầu tiên công ty đề xuất thưởng cổ phiếu ESOP từ khi cổ phiếu CTD niêm yết trên TTCK năm 2010. Số lượng cổ phiếu ESOP sẽ phát hành trong năm nay là 1,05 triệu. Chúng tôi cho rằng kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP như đề xuất là hợp lý, cân bằng được lợi ích của cổ đông và người lao động.

CTD lên kế hoạch thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu ở công ty con Unicons từ 51% lên 100% bằng cách hoán đổi cổ phiếu. Tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 1:0,745 (01 cổ phiếu Unicons đổi 0,745 cổ phiếu CTD). Để hoán đổi số cổ phiếu Unicons còn lại, ước tính CTD sẽ phát hành thêm 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 8,2% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài (hiện đã đạt giới hạn 49%) sẽ giảm xuống còn 44% sau khi phát hành ESOP và phát hành hoán đổi cổ phiếu Unicons; như vậy sẽ có thêm room dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi tin rằng việc phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành cổ phiếu để hoán đổi tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% ở Unicons sẽ làm tăng thanh khoản của cổ phiếu CTD khi có thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu CTD đã tăng đáng kể trong vòng 1 tháng qua và gần đạt giá mục tiêu 79.000đồng/cp của chúng tôi (tham khảo nhận định trong bản tin ngày 27/3/2015). Chúng tôi duy trì Khuyến nghị Nắm giữ.

PLC: Khuyến nghị tích lũy

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC - HNX) là công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex với tỷ lệ sở hữu 79%. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là kinh doanh các mặt hàng dầu mỡ nhờn, nhựa đường và hóa chất. Công ty mẹ với vai trò là đầu mối kinh doanh các sản phẩm dầu nhờn, trong khi đó hai công ty con (PLC nắm giữ 100% vốn): (1) Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex và (2) Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex chịu trách nhiệm kinh doanh và phân phối hai mặt hàng còn lại là nhựa đường và hóa chất. Trong vòng hai năm trở lại đây, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông được triển khai quyết liệt, KQKD của Công ty đã cho thấy sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là từ năm 2014.

Trong năm 2014, kết quả kinh doanh của Công ty đã thể hiện rõ những thuận lợi của doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Sang năm 2015, chuyên viên ngành Trần Thị Hà My tin rằng những thuận lợi về (1) thị phần thuộc top đầu trong lĩnh vực kinh doanh chính; (2) kênh phân phối và cơ sở sản xuất phủ rộng; (3) hưởng lợi từ xu hướng giá dầu thấp; (4) Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức cao sẽ tiếp tục được duy trì nhưng ở mức độ kỳ vọng thấp hơn năm trước. Biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện là điểm quan trọng đối với triển vọng kinh doanh năm 2015 của Công ty. Ngoài ra, triển vọng của PLC còn được thể hiện ở các dự án đầu tư mở rộng mới cũng như tiềm năng đối với sản phẩm độc quyền là nhựa đường Polyme trong bối cảnh nguồn tiêu thụ mục tiêu là các dự án đường cao tốc và sân bay đang được triển khai hàng loạt. Rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty xuất phát đầu tiên từ rủi ro ngành đối với từng mảng hoạt động và rủi ro biến động của giá dầu thế giới.

Dựa trên phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (FCFE và FCEF) và định giá tương đối (P/E) khi so sánh Công ty với một số công ty cùng lĩnh vực trong khu vực, chuyên viên ngành đưa ra mức định giá hợp lý đối với cổ phiếu PLC ở mức 40.000 đồng/cp. Tại mức giá đóng cửa ngày 13/04/2015 là 34.300 đồng/cp, PLC hiện đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2015 là 7,98x. Với triển vọng kinh doanh được đánh giá khả quan trong năm 2015, RongViet Research đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY đối với cổ phiếu PLC trong TRUNG HẠN.

TNG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Năm 2015, Cơ hội đến với CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG – sàn HNX) từ quá trình hội nhập FTA và TTP và có thể tăng cường thêm năng lực cho các nhà máy đặc biệt là nhà máy TNG Sông Công và TNG Đại Từ để sử dụng hết công suất của nhà máy này. Tuy nhiên, bên cạnh đó thách thức của TNG cũng lớn khi có sự cạnh tranh về nguồn nhân công đến từ nhà máy Samsung và áp lực về lãi vay của công ty khá cao.

Với EPS 2014 và dự kiến 2015 lần lượt là 3.264 đồng/cp và 3.409 đồng/cp, tương đương với P/E 2015 dự phóng là 7,56 lần. Chúng tôi khuyến nghị Theo dõi đối với cổ phiếu này.

TNG: Đánh giá khả quan

CTCK MB (MBS)

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 vơi chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt tương ứng 297 tỷ đồng và 11,3 tỷ đồng, tăng 45% và 180%.

Công ty đưa vào hoạt động nhà máy TNG Đại Từ nên sản lượng cao hơn cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty quản trị tốt hoạt động sản xuất, bán hàng nên đạt mức lợi nhuận cao hơn năm ngoái. Theo TNG, quý này là quý đầu tiên TNG thực hiện quy trình giám sát 6 bước, khâu sau kiểm tra khâu trước nên sai sót ít hơn đồng thời quản trị được kết quả từng bước tốt hơn

Về đơn hàng, đại diện TNG cho biết, các khách hàng truyền thống của Công ty như khách hàng từ Colombia gia tăng giá trị đơn hàng giúp công ty đạt doanh thu tốt hơn năm ngoái.

Dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua phát hành chào bán với giá thấp nhất là bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1. Sau phát hành, vốn điều lệ của TNG đạt trên 274 tỷ đồng. Ngoài ra, TNG dự kiến huy động tối đa 200 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Nhà đầu tư chiến lược.

Với những lợi thế từ các Hiệp định thương mại (EVFTA, VKFTA) cùng với hệ thống quản trị ERP, chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của TNG trong năm 2015 sẽ tương đối khả quan.

PET: Khuyến nghị mua vào

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Hoạt động kinh doanh năm 2014 tăng trưởng ổn định, doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 0,6% so với năm 2013, lợi nhuận sau thuế tăng 22% so với cùng kỳ năm trước nhờ kiểm soát tốt các khoản chi phí. Dòng tiền được cải thiện rất nhiều, Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 424 tỷ đồng trong khi năm trước âm tới 698 tỷ nguyên nhân chính là do Công ty đã giảm rất mạnh hàng tồn kho trong năm.

Năm 2015, PET đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu đạt 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng, thấp hơn thực hiện năm 2014 lần lượt là 18% và 20%, cổ tức hấp dẫn với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt (dự kiến trả 10% trong quý 3/2015). Ngoài ra, trong năm 2015, PET sẽ triển khai Dự án khu nhà ở và dịch vụ lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Hợp tác với Enter Tech, đây sẽ là những dự án mang lại nguồn tiền ổn định cho công ty trong các năm tới.

Cổ phiếu PET đang giao dịch ở giá 19.900VND/cp (giá tại ngày 13/04/2015), tương đương P/E là 7,21 lần và P/B là 1,03 lần. Với những triển vọng từ hoạt động kinh doanh trong tương lai và mức cổ tức hấp dẫn trong năm 2015, chúng tôi khuyến nghị Mua vào với mục tiêu đầu tư ngắn hạn và trung hạn.

>> Tải báo cáo

OPC: Thận trọng khi đầu tư

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2015 xấp xỉ 2014 của OPC cho thấy khó khăn về tăng trưởng của OPC. OPC đặt kế hoạch tăng trưởng tổng doanh thu 0,34% đạt 625 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 88 tỷ đồng tăng 2,1% so với năm 2014. Kế hoạch kinh doanh 2015 được ban lãnh đạo lý giải do thị trường dược bão hòa.

Kết quả kinh doanh Quý I/2015 với doanh thu ước đạt 150 tỷ (24% kế hoạch dự kiến năm 2015) chỉ bằng 64% so với cùng kỳ; lợi nhuận dự kiến đạt 22 tỷ (23% kế hoạch dự kiến năm 2015) chỉ bằng 88% so với cùng kỳ. Chúng tôi quan ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch 2015 với kết quả kinh doanh không khả quan trong quý I của OPC.

Với cạnh tranh gay gắt ở các dòng sản phẩm chính, phát triển mặt hàng thuốc phiến là kế hoạch tăng trưởng trong ngắn hạn của OPC để duy trì doanh thu và lợi nhuận. Theo tìm hiểu của chúng tôi thuốc phiến là thuốc ở dạng sơ chế làm trung gian dùng để bốc thuốc thang. Chúng tôi không đánh giá cao khả năng tăng trưởng đối với sản phẩm này do yêu cầu sản xuất quá đơn giản và giá trị thị trường theo ước tính của hiện tại chỉ khoảng 200 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên, Công ty đã thông qua việc phát hành thêm 5,062 triệu cổ phần dự kiến thực hiện vào hai quý cuối năm 2015. Cổ phần mới được phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 với giá phát hành 10,000 đồng/ cổ phần. Số vốn dự kiến thu được là 50 tỷ đồng được đầu tư vào các dự án sau đây: Đầu tư cơ sở vật chất cho chi nhánh Hà Nội; Triển khai dây chuyền thuốc phiến để tham gia vào kênh bệnh viện; Phần còn lại đầu tư vào vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với số lượng 946 ngàn cổ phần với giá trị 12.000 đồng/ cổ phần vào quý 2-3 năm 2015.

Công ty cũng thông qua phân chia lợi nhuận trong năm 2014. Theo đó cổ tức 2014 trả bằng tiền mặt với giá trị 20% mệnh giá cổ phần.  

Chúng tôi nhận định thận trọng với việc đầu tư vào cổ phiếu OPC với các lý do sau: Với rào cản sản xuất thấp, cạnh tranh mảng đông dược ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó OPC chưa có những chiến lược cho tăng trưởng dài hạn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường đông dược. Kế hoạch tăng trưởng 2015 thấp và kết quả kinh doanh quý I/2015 không khả quan. Thanh khoản cổ phiếu OPC thấp. P/E của OPC hiện tại đạt 11,06x tương đương với mức trung bình ngành dược hiện tại.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục