Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/12

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/12 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/12

Khuyến nghị trung tính đối với cổ phiếu PNJ

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cho biết, doanh thu thuần 2016 dự kiến đạt 8.529 tỷ đồng (tăng 11% so với năm trước), lợi nhuận gộp đạt 1.376 tỷ đồng (tăng trưởng 18%), biên lợi nhuận gộp 16,13% (tăng so với mức 15,18% của năm 2015).

Lợi nhuận trước thuế 2016 của PNJ ước đạt 610 tỷ đồng, nếu loại bỏ khoản trích lập dự phòng, lãi từ thanh lý tài sản cố định (Khu đất và tài sản gắn liền đất tại Thủ Khoa Huân) và lãi từ thoái vốn tại địa ốc Đông Á thì lợi nhuận trước thuế core 2016 của PNJ đạt khoảng 649 tỷ đồng, tăng 20,91% so với lợi nhuận trước thuế core 2015 (khoảng 537 tỷ đồng, sau khi loại trừ trích lập và lỗ do thanh lý các khoản đầu tư).

Hiện tại PNJ đang có 213 cửa hàng, trong tháng 12 mở thêm 6 cửa hàng, dự kiến tổng số cửa hàng sẽ đạt 219 trong năm 2016.

Năm 2017 PNJ sẽ mở thêm 36 cửa hàng mới (cần vốn khoảng 700 tỷ đồng), và mở mới 40 cửa hàng trong năm 2018, dự kiến đạt 300 cửa hàng vào đầu năm 2019. Việc mở mới cửa hàng có tuân theo quy trình để đảm bảo tiến độ và mục tiêu kinh doanh, đáng chú ý khâu khó khăn nhất là việc tìm kiếm địa điểm và thuê mặt bằng do tính chất đặc thù của sản phẩm.

PNJ đang trong giai đoạn tích lũy và tạo mô hình cờ đuôi nheo. Các chỉ báo xu hướng và chỉ báo xung lượng đều đang ở trạng thái trung tính, cho thấy cung – cầu hiện đang khá cân bằng. Vùng mua là 68 – 70, giá mục tiêu 75 và dừng lỗ khi PNJ thủng ngưỡng hỗ trợ 65.

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CII

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tại ĐHCĐ bất thường vừa qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) đã thông qua kế hoạch về việc giảm tỷ lệ sở hữu của CII tại CTCP Xây dựng Hạ tầng CII (CII E&C) và niêm yết công ty con này trên Sở GDCK TP. HCM. Qua đó, sẽ hỗ trợ nhu cầu vốn cho các dự án của CII và cũng là 1 phần trong kế hoạch tái cơ cấu mô hình kinh doanh của CII từ năm 2013 với mục tiêu sở hữu ít nhất 51% tại mỗi công ty con.

Công ty dự kiến sẽ bán ra một nửa số lượng cổ phần hiện có tại CII E&C với giá bán dự kiến là 22.000 đồng/cổ phần (giá vốn hiện nay là 10.437 đồng/cổ phần), tương ứng với việc giảm tỷ lệ sở hữu tại CII E&C từ 99,54% xuống còn 49%. Với tỷ lệ sở hữu ở mức 49% sau giao dịch này, CII có thể ghi nhận khoản lãi ước tính 187 tỷ đồng vào bảng kết quả kinh doanh thay vì chỉ ghi nhận vào bảng cân đối kế toán.

Nghị quyết ĐHCĐ bất thường cũng đề cập việc CII sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại CII E&C từ 49% lên 51% trước 30/6/2017, đồng nghĩa với việc CII E&C sẽ được hợp nhất trở lại vào CII. Dự báo trước đây của chúng tôi cho lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số năm 2017 ở mức 975 tỷ đồng, tăng trưởng 19%, là vẫn chưa bao gồm giao dịch bán cổ phiếu CII E&C.

Cổ đông đã chấp thuận bổ nhiệm ông Kang Sang In, đại diện được Rhinos Asset Management Fund đề cử (quỹ đầu tư này đã ký hợp đồng mua 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi vào thángtrước), tham gia vào HĐQT của CII.

Ngoài ra, do công ty không thuê dịch vụ tư vấn cho thương vụ phát hành trái phiếu và tiết kiệm được chi phí tư vấn 1,75% trên số tiền vốn huy động được, cổ đông đã phê duyệt bổ sung thêm tiền thưởng vào quỹ lương năm 2016 của CII số tiền tương đương 0,875% trên số tiền thực tế thu được từ phát hành trái phiếu chuyển đổi kỳ này.

Bên cạnh đó, theo nghị quyết của HĐQT ngày 13/12, Công ty có kế hoạch gia tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (CII sở hữu 100%) từ 340 tỷ đồng lên 950 tỷ đồng; và có kế hoạch hợp tác với nhà đầu tư khác (nếu có) để cùng tham gia dự án mở rộng Hợp đồng BT Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng việc mở rộng dự án BT này cần phải được sự phê duyệt chấp thuận từ Cơ quan có thẩm quyền. Như đã đề cập trong các báo cáo trước đây, CII hiện đang đầu tư vào dự án BT Thủ Thiêm (dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng để đổi lấy các lô đất tại Thủ Thiêm).

Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CII và tổng mức sinh lời dự báo là 17% bao gồm lợi suất cổ tức 7%.

Thị giá của SAB sẽ neo ở mức cao hơn

CTCK MB (MBS)

Ở mức giá ngày 13/12/2016 là 184.600 đồng/CP và mức EPS quý III/2016 trailing là 6.400 đồng/cổ phiếu, chúng tôi so sánh Tổng Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sabeco (Sabeco, mã SAB) với các công ty cùng ngành trong khu vực và cùng thị trường mới nổi, giá Sabeco là khá hợp lý so với các công ty bia so sánh.

Trong trường hợp thận trọng, chúng tôi lấy chiết khấu 20% (chiết khấu quốc gia áp dụng chung cho các cổ phiếu) thì giá hợp lý cho cổ phiếu Sabeco là 141.000 đồng/cổ phiếu.

Trong thời gian tới, SCIC dự tính sẽ thoái vốn tại SAB với dự tính thoái vốn 2 lần, tổng lượng thoái vốn khoảng 89%, trong đó lần thoái vốn đầu tiên khả năng sẽ sớm diễn ra vào tháng 4/2017 với lượng thoái vốn chiếm 40% vốn điều lệ của Sabeco.

Chúng tôi cho rằng đây là nhân tố sẽ giúp cho SAB neo ở thị giá cao hơn so với mức định giá hợp lý của cổ phiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục