Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CSM

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng biên lợi gộp CTCP Cao su Miền Nam (CSM – sàn HOSE) đạt được mặt bằng cao hơn so với trung bình các năm trước đó nhờ: chi phí khấu hao giảm mạnh, chủ yếu đến từ xí nghiệp Radial Bình Dương khánh thành từ năm 2014; và chi phí nguyên vật liệu đầu vào ổn định hơn so với 2024.

Nguyên vật liệu đầu vào chiếm tới 65% giá vốn, chủ yếu là cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Giá cao su tự nhiên đã trải qua mức tăng mạnh trong năm 2024 do lũ lụt, mưa lớn làm gián đoạn nguồn cung từ Thái Lan, tuy nhiên KBSV cho rằng vấn đề trên sẽ được cải thiện khi sang 2025 xác suất pha La Nina sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, giá dầu thô dự kiến cũng sẽ đi ngang, ít có sự biến động trong 2025 khi nhu cầu tiêu thụ có thể vẫn sẽ ảm đạm tại Trung Quốc. Nếu có thể kiểm soát tốt chi phí đầu vào và khấu hao giảm mạnh, biên lợi nhuận gộp của CSM có thể tương đương với đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành là DRC, đạt từ 14-16%.

Trong năm 2025, doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn tất việc di dời 2 nhà máy thuộc xí nghiệp Đồng Nai ra khỏi KCN Biên Hòa 1 do vướng đề án quy hoạch. Trong 2 phương án di dời được Ban lãnh đạo trao đổi tại cuộc họp ĐHĐCĐ, công ty sẽ ưu tiên phương án tiết kiệm chi phí nhất là chuyển dây chuyền lên xí nghiệp Radial Bình Dương với tổng mức đầu tư là 200 tỷ. Phương án trên không chỉ giúp tăng công suất mới lên gấp 3 lần, mà có thể tiết kiệm tương đối chi phí vận chuyển thành phẩm nội bộ do trước đó CSM có 5 xưởng tại 5 địa điểm khác nhau (doanh nghiệp ước tính chi phí này có thể lên tới 100 tỷ/năm).

Ngoài ra, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ít biến động hơn khi sang năm 2025, nhờ đó các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn như CSM sẽ hạn chế được rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá. Giá cước vận tải biển dự kiến cũng sẽ hạ nhiệt trong 2025 khi có thêm lượng cung tàu mới, giúp cho CSM giảm bớt chi phí xuất khẩu.

Tính đến thời điểm ra báo cáo tài chính quý III/2024, CSM hiện có số dư thuế VAT đầu vào được khấu trừ hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời, việc di dời nhà máy ra khỏi KCN Biên Hòa 1 cũng có thể nhận được chi phí đền bù từ tỉnh Đồng Nai. Mặc dù hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin về phương án giải quyết từ Cục thuế TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, KBSV cho rằng đây là yếu tố có thể ghi nhận khoản lãi đột biến và tiềm năng tăng giá cao cho CSM. Ngoài ra, khoản lãi trên có thể giúp cải thiện thanh khoản hoạt động cho doanh nghiệp, giảm tương đối dư nợ vay ngắn hạn, từ đó giảm chi phí lãi vay.

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CSM với giá mục tiêu 18.200 đồng/CP. Vùng hỗ trợ/Điểm mua 1 là 13.700 – 14.300 đồng/CP, Vùng hỗ trợ/Điểm mua 2 là 12.600 – 13.100 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của CTCP Đông Hải Bến Tre (mã DHC) với giá mục tiêu 42.500 đồng/CP, tương đương upside 19% (theo giá tham chiếu ngày 15/01/2025, đã bao gồm tỷ suất cổ tức 3%), với phương pháp DCF và P/E (giả định chưa có nhà máy Giao Long 3).

Chúng tôi đưa ra hai kịch bản định giá DHC và chọn kịch bản 1 (chưa có Giao Long 3) và sẽ định giá lại sau khi công ty có thông tin chính thức khởi công Giao Long 3. Trong đó, kịch bản 1 không có dự án Giao Long 3, giá mục tiêu 42.500 đồng/CP, upside 19%. Kịch bản 2 có dự án Giao Long 3, giá mục tiêu 46.600 đồng/CP, upside 30%.

Triển vọng kinh doanh năm 2025 kỳ vọng lợi nhuận phục hồi từ đáy. Trong đó, triển vọng ngành giấy: Tình hình dư cung của ngành đã giảm bớt bởi nhu cầu giấy phục hồi theo hoạt động xuất khẩu, nguồn cung giấy suy giảm dần do các cơ sở sản xuất nhỏ đóng cửa.

BSC kỳ vọng DHC được hưởng lợi trong tình hình ngành giấy được cải thiện. Hiệu suất của nhà máy bao bì đạt 90% (tăng 15 điểm %), nhà máy giấy đạt 104% (tăng 3 điểm %). Biên lợi nhuận gộp tạo đáy từ Q3/2024 và tăng lên 13.5% (tăng 0.8 điểm%) nhờ giá bán tăng nhanh hơn giá đầu vào.

Triển vọng dài hạn đến từ nhà máy Giao Long 3 có thể đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2027 (công suất + 100%).

Dự báo năm 2025: Doanh thu đạt 3.910 tỷ đồng (tăng trưởng 6%), trong đó, mảng giấy cuộn tăng 9% và bao bì giấy tăng 23% với sản lượng tăng lần lượt 3% và 20%, tiếp tục duy trì chiến lược tối đa hóa sản lượng. Biên gộp đạt 13,5%, tăng 0,8 điểm % so với cùng kỳ nhờ 1) nhà máy tăng hiệu suất hoạt động, 2) giá bán trung bình tăng nhanh hơn giá OCC với tình hình dư cung của ngành giấy giảm bớt và nhu cầu giấy tăng trở lại. Lợi nhuận thuần đạt 311 tỷ đồng (tăng trưởng 14%).

N.T

Tin cùng chuyên mục