HDG: Khuyến nghị mua vào
CTCK Vietcombank (VCBS)
CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận kém khả quan, với doanh thu thuần đạt 373 tỷ đồng, tăng trưởng 52,7% và hoàn thành 16,1% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6 tỷ đồng, giảm 71,1% so với cùng kỳ và hoàn thành 2,6% kế hoạch, trong khi lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ có mức lỗ 4,3 tỷ đồng do (1) HDG hợp nhất kinh doanh với CTCP Thủy điện Za Hưng góp phần tăng doanh thu mảng thủy điện và (2) chi phí lãi vay tăng đột biến dẫn đến kết quả lợi nhuận thấp mặc dù biên lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ.
HDG là một trong số ít các doanh nghiệp bất động sản có khả năng triển khai liên tục các dự án bất động sản lớn và hiệu quả. Năm 2016, HDG có triển vọng đạt kết quả kinh doanh 2.250 tỷ đồng doanh thu, tăng 52% so với năm trước và 238 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 71,2%. Giai đoạn 2017 - 2019, HDG vẫn có triển vọng đạt mức tăng trưởng đối với cả doanh thu và lợi nhuận với CAGR trên 20%/năm căn cứ vào động lực tăng trưởng từ khai thác dự án bất động sản Centrosa Garden, Q10, Tp HCM.
EPS forward 2016 là 2.500 đồng/cp, tương đương P/E forward 2016 đạt 9,24 lần, cùng giá trị định giá hợp lý là 26.217 đồng/cp, HDG hiện đang được giao dịch ở mức giá phù hợp với thị trường và các yếu tố cơ bản hiện tại. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu HDG lại đang hấp dẫn với triển vọng tăng trưởng CAGR trên 20% giai đoạn 2017-2019, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư MUA cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
DGC: Khuyến nghị mua vào
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang là đơn vị sản xuất phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm chính bao gồm phốt pho vàng, axit photphoric, bột giặt, phụ gia thức ăn chăn nuôi và phân lân. Công ty đang theo đuổi định hướng đầu tư sâu hơn vào chuỗi giá trị phốt pho.
Công ty có thị phần hơn 40% xét theo công suất sản xuất. Hệ thống khách hàng xuất khẩu lâu năm giúp duy trì sản lượng tiêu thụ và sản xuất ổn định với mức sản xuất vượt công suất 120% giai đoạn 2012‐2015. Định hướng mở rộng theo chuỗi giá trị phốt pho của DGC mang lại sự linh hoạt trong công tác sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng.
Công ty liên kết Bảo Thắng hoàn thành dây chuyền H3PO4 trong tháng 7 và dây chuyền P4 dự kiến trong tháng 9, sẽ tăng công suất sản phẩm chủ lực P4 lên hơn gấp đôi và sản phẩm H3PO4 lên gấp 3. Công ty dự kiến sẽ chạy đúng công suất thiết kế từ 2017
Triển vọng dài hạn đến từ các dự án lớn như dự án nhiệt điện, và dự án mỏ quặng Apatit, mang lại sự chủ động về nguyên liệu đầu vào, và dự kiến sẽ tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động của DGC.
Cổ phiếu DGC đang giao dịch với P/E trailing là 7.1x, thấp hơn trung bình ngành hiện tại là 9.5x và thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp tương tự như CSV (9.48x); LAS (9.52x).
Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 12 tháng là 55,374 đồng/cổ phiếu, upside 17.3%. Chúng tôi kỳ vọng các dây chuyền sản xuất mới sẽ đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt năm 2017.
AGM: Định giá hấp dẫn
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) là doanh nghiệp kinh doanh hai mảng chính bao gồm (1) kinh doanh lúa gạo và (2) cung cấp phụ tùng xe máy, trong đó mảng cốt lõi là phân phối, mua bán lúa gạo đóng góp 75% trong cơ cấu doanh thu và 70% cơ cấu lợi nhuận gộp. Hiện tại, công ty đã phát triển được 2 nhãn hàng gạo tiêu dùng trong nước là An Gia và Mục Đồng.
Sau cơn sốt khủng hoảng lương thực năm 2008, kết quả kinh doanh của công ty trong giai đoạn 2009 – 2013 kém tích cực với lợi nhuận sau thuế giảm dần với tỷ lệ -20%/năm và đạt mức thấp kỷ lục 5.2 tỷ vào năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 47.3 tỷ, tăng 9 lần so với năm 2014 do Việt Nam ký được các hợp đồng xuất khẩu lớn với Philippines và Indonesia.
Bên cạnh đó, AGM luôn thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10-15% giai đoạn 2012 đến nay.
Cổ đông lớn SCIC công bố thoái vốn lần 2 với giá khởi điểm gấp đôi giá thị trường. Cụ thể, sau lần thoái vốn bất thành vào quý III/2015, SCIC mới đây tiếp tục đưa ra kế hoạch thoái vốn tại AGM với mức giá khởi điểm là 19.000 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp đôi giá thị trường. Hiện tại, SCIC đang là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 28.17%. Tháng 8/2016, cổ đông lớn nhất là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã mua vào 276.500 cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu lên 51.8%. Nếu Nguyễn Kim mua lại phần vốn thoái từ SCIC thì sẽ nắm quyền kiểm soát tại AGM. Ngoài AGM, còn có các công ty lương thực khác như Docimexco, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương thực và CTCP Hoàn Mỹ.
Kế hoạch 2016 của AGM là 21.14 tỷ lợi nhuận sau thuế, Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.3 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ và bằng 6,1% kế hoạch năm, EPS 12 tháng là 2.597 đồng/cp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, AGM đóng cửa tại mức giá 9.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E = 3.8, vẫn ở mức hấp dẫn so với thị trường chung.
Kết quả kinh doanh của AGM tuy không thực sự hấp dẫn do biên lợi nhuận thấp và doanh thu biến động mạnh vì phụ thuộc nhiều vào tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng tỷ lệ cổ tức của AGM rất đều đặn và định giá hấp dẫn. Câu chuyện thoái vốn của SCIC với giá thoái gấp đôi thị giá sẽ tác động kỳ vọng của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.